Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - Việc không của riêng ai

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - Việc không của riêng ai

18/09/2017

Tiếng Việt là tài sản vô cùng quý giá, nó không chỉ là phương tiện quan trọng trong các hoạt động giao tiếp mà còn được ví như một thứ “căn cước” của nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập đã và đang xuất hiện những biến tướng, lai căng cần phải được xem xét chấn chỉnh, định hướng kịp thời để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Báo động sự “lệch chuẩn”

Đúng là không khó để nhận ra việc tiếng Việt đang bị một bộ phận không nhỏ sử dụng một cách vô trách nhiệm, thậm chí bị bóp méo và xâm phạm đến đáng sợ, dẫn đến cách hiểu thứ ngôn ngữ chúng ta đang dùng hằng ngày “tựa như một mớ hổ lốn”. Nhất là trong giới trẻ. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể chen từ nước ngoài vào, khiến cho ngôn ngữ Việt không ra Việt, Tây không ra Tây. Làm một cuộc khảo sát nhỏ trên các trang mạng xã hội, hẳn bất cứ ai cũng phải giật mình “tá hỏa” bởi một loại ngôn ngữ mới mà dám chắc không có trong từ điển của bất cứ quốc gia nào. Chữ nghĩa được giản lược đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Đơn cử như: quá, quyển được việt thành “wá, wyển”; quen thành “wen”; quên được viết thành “wên”; yêu giản lược thành “iu”; luôn thành “lun”; buồn thành “bùn”; biết không? thành “bitk?”; biết rồi thành “bít rùi” (biết rồi); biết chết liên thành “Bít chít lìn”; mấy thành “mí”… Hay những ký tự như: “ko,k” (không); “u” (bạn, mày), “ni” (nay), “en” (em), “m” (mày), “ex” (người yêu cũ), “t” (tao), “hem” (không),…

Không chỉ lệch chuẩn về mặt từ ngữ, tiếng Việt còn bị dùng sai ngữ pháp một cách phổ biến. Theo các nhà ngôn ngữ, đặc điểm lớn nhất của ngữ pháp tiếng Việt là trật tự từ. Một câu như “Tôi ăn cá” sẽ hoàn toàn khác so với “Cá ăn tôi”. Mặt khác, người ta sẽ không nói “Cá được ăn bởi tôi”, cũng như không phải là thuần Việt nếu nói “chương trình này nhận được sự tài trợ của nhãn hàng Vinamilk”. …Thế nhưng cách nói này đang trở nên phổ biến. Thậm chí, ngay cả trên những tấm pa nô được lắp dựng trên đường cũng có những câu được viết theo “kiểu Tây”, ví dụ như: “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, thay vì: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Đáng nói nữa là trong giới trẻ đang nổi lên như một cách giao tiếp thời thượng, được đông đảo bạn trẻ cổ xúy mà chúng ta có thể bắt gặp hằng ngày từ nhà ra ngõ, từ công sở đến trường học với những từ rất phản cảm như: “Đi gì mà đầu lâu thế?”; “Bắc Cạn đi, các ông ơi!”; “Cả lớp ơi, “lệ quyên vào đi chơi thôi!”; “hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?” v.v. Đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ thường viết sai chính tả từ “l-n”, “s-x”, “tr-ch”…. 

Cần định hướng đúng đắn để giữ gìn sự trong sáng vốn có của tiếng Việt

Đúng là không thể phủ nhận, nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, nên sự xâm nhập của các hình thức văn hóa và ngôn ngữ từ nước ngoài là điều tất yếu. mỗi người nên biết thêm một vài ngoại ngữ là cần thiết để mở thêm một cánh cửa của văn hóa, nhưng không vì thế mà ngụy biện, cổ xúy cho việc sử dụng ngôn ngữ tiếng lóng, hay sự “phá cách” tiếng Việt một cách tùy tiện vô lối. Bởi chúng ta đều biết tiếng Việt là một thứ tiếng muôn hình, muôn vẻ với những cấu trúc ngữ pháp riêng biệt, kết hợp với thanh âm tạo ra sự đa dạng và phong phú, đã tạo nên nét đẹp riêng cho thứ tiếng từng được ví có một sức mạnh là: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Từ thủa dựng nước, giữ nước đến nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử với không ít mưu đồ đồng hóa, nhưng tiếng Việt không những không bị đồng hóa mà còn phát triển ngày càng hoàn thiện đảm đương tốt vài trò là ngôn ngữ văn hóa dân tộc càng cho chúng ta thấy được sức sống mạnh mẽ của một ngôn ngữ đã là niềm tự hào của biết bao thế hệ - ngôn ngữ ấy không dễ dàng để mất đi bản sắc của mình. 

Vì thế, ngày nay việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không đơn thuần là những mã, cốt chỉ để truyền thông, mà còn là văn hoá, là niềm tự hào của cả một dân tộc. Viết đúng chính tả không chỉ là biểu hiện của một trình độ văn hoá nhất định, mà còn là biểu hiện của ý thức tôn trọng cộng đồng, của lòng yêu quý đối với tiếng nói dân tộc. Chính vì vậy, việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy sự trong sáng và hay đẹp của tiếng Việt phải được coi là nhiệm vụ, là trách không của riêng ai. 

Nhất là đối với mỗi nhà trường, công việc rất cần được làm ngay lúc này là thực hiện một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm trong việc định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng vốn có của nó. Đặc biệt là mỗi thầy cô giáo - những người có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, sinh viên, những người thực mang một sứ mệnh định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ và những kiến thức ngôn ngữ của tiếng Việt, thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngữ của học sinh, sinh viên; tạo thêm nhiều cơ hội, cũng như khích lệ tinh thần học hỏi nói và làm theo lời hay ý đẹp, đồng thời cần có những biện pháp để chấn chỉnh những em đi ngược lại xu thế đó. Và để áp dụng thống nhất trong hệ thống giáo dục, đào tạo, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp trên tinh thần giảm tải những kiến thức về ngôn ngữ học tiếng Việt, coi trọng kỹ năng giao tiếp (bao gồm cả nói và viết tiếng Việt; yếu tố thẩm mỹ, văn hóa trong giao tiếp tiếng Việt…).

Ngoài ra một việc cũng rất cần được quan tâm lúc này chính các cơ quan thông tin truyền thông cần xây dựng cách nói, viết chuẩn mực góp phần định hướng xã hội. Có thái độ cầu thị kiên quyết chống lại những cách diễn đạt lệch chuẩn, những xu hướng không phù hợp, từ đó giúp giới trẻ có được định hướng đúng đắn để giữ gìn sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.

Có thể nói hiện tượng sử dụng tiếng Việt thiếu chuẩn, hoặc sai về ngữ pháp có mặt ở mọi lúc, mọi nơi đang thực sự rất đáng báo động, làm mất đi sự trong sáng vốn có của nó.
- Theo Giáo dục và Thời đại -