Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Hiệu trưởng 'trường học sinh hư' với triết lý giáo dục nhân văn

Hiệu trưởng 'trường học sinh hư' với triết lý giáo dục nhân văn

27/10/2017

TS Nguyễn Tùng Lâm nói những học sinh lưu ban, yếu kém, bị đuổi từ các nơi khác chuyển về là những học sinh đặc biệt, chứ không phải diện hư hỏng, bỏ đi.

Hiệu trưởng 'trường học sinh hư' với triết lý giáo dục nhân văn

25/10/2017 13:07 GMT+7

TTO - TS Nguyễn Tùng Lâm nói những học sinh lưu ban, yếu kém, bị đuổi từ các nơi khác chuyển về là những học sinh đặc biệt, chứ không phải diện hư hỏng, bỏ đi.

Hiệu trưởng trường học sinh hư với triết lý giáo dục nhân văn - Ảnh 1.

Lớp 12A1 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong giờ học môn tiếng Anh - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

TS Nguyễn Tùng Lâm, người sáng lập Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), khẳng định như vậy sau gần 30 năm trải qua thực tiễn giáo dục học sinh học lực yếu, từng bị các trường khác "đuổi" hoặc được gợi ý phải chuyển trường để duy trì thành tích.

TS Nguyễn Tùng Lâm kể:

- Năm 1989, Công đoàn giáo dục Hà Nội đã đưa ra ý tưởng thành lập một trường dân lập thu nhận học sinh không đủ điều kiện vào trường công lập, hoặc đang học ở các trường công lập nhưng vì một lý do nào đó bị các nhà trường từ chối không cho học. 

Mô hình Trường Đinh Tiên Hoàng mở ra nhằm mục đích góp phần thực hiện công bằng giáo dục với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ vì thế mà nhiều người có suy nghĩ đó là "trường học sinh hư".

Trong khoảng 10 năm đầu tiên từ khi mở trường, phải nói là rất vất vả vì có trên 60% học sinh học lực dưới trung bình, nhiều em bị hổng kiến thức từ cấp học dưới, khoảng 30% học sinh có hoàn cảnh sống rất đặc biệt.

Chở những "chuyến đò cuối cùng"

* Vậy ông đối diện ra sao với mác "trường học sinh hư" mà nhiều người gán cho trường?

- Thực tế ngay từ các năm đầu, trường vẫn có những học sinh có năng lực học tập tốt. Đầu vào lớp chất lượng cao của trường còn có mức điểm cao hơn một số trường công lập của Hà Nội, nhưng với quan điểm không chọn lọc đầu vào và sẵn sàng tiếp nhận học sinh khó khăn nên có nhiều học sinh lưu ban, yếu kém, bị đuổi từ các nơi khác chuyển về.

Tuy vậy, tôi quan niệm đó là những học sinh đặc biệt, chứ không phải diện hư hỏng, bỏ đi. Các em không phải "đối tượng không giáo dục được", mà chỉ là những học sinh cần được giúp đỡ.

* Nhiều học sinh từng ở trong tình huống chỉ có lựa chọn duy nhất là Trường Đinh Tiên Hoàng đã xem đây như "chuyến đò cuối cùng"...

- Nói như vậy cũng được, vì trên thực tế đã có những học sinh bị kỷ luật buộc thôi học ở 1-2 trường công lập. Các em từ cổng trường bước ra vỉa hè với nhiều cám dỗ tiêu cực. Với những trường hợp như thế, việc rộng cửa đón nhận các em cũng giống như chìa tay cho các em nắm để bước lên chuyến đò cuối qua con sông tri thức.

* Nhưng để "con đò" không bị đắm thì rất cần những phương pháp hiệu quả. Các thầy cô giáo của ông có những khác biệt gì trong dạy học so với các nhà trường khác khi là người lái đò đứng trên con đò đặc biệt đó?

- Yêu cầu đầu tiên của tôi là họ phải chấp nhận mọi học sinh, không được kén chọn, kỳ thị. Đặc biệt, không được mắng học sinh là ngu dốt, hư đốn, kém cỏi...

Khi mở trường với học sinh đặc biệt và khá phức tạp, tôi mạnh dạn áp dụng một số việc mà chưa từng trường phổ thông nào thời đó làm. 

Thứ nhất là trả lương cho giáo viên chủ nhiệm ở mức cao, dù học phí của trường vẫn chỉ thu ở mức thấp so với mặt bằng các trường ngoài công lập. Nhưng họ phải gánh một trọng trách rất vất vả. 

Nếu không có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tâm huyết, có năng lực, tôi không thể thành công.

Trường tôi cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên mở phòng tư vấn tâm lý học đường. Do đặc thù học sinh nên phòng tư vấn này giúp nhà trường và giáo viên chủ nhiệm tháo gỡ rất nhiều khó khăn, từ khó khăn trong học tập của học sinh đến những xung đột, vướng mắc do hoàn cảnh gia đình học sinh.

10.000 học sinh ra trường

* Còn công việc của các thầy cô giáo - những người "cầm mái chèo"?

- Đến nhà học sinh, đi tìm học sinh để giúp đỡ thời nay chỉ còn thấy ở các vùng miền núi khó khăn khi phải vận động học sinh đi học. 

Nhưng ở Trường Đinh Tiên Hoàng, tuy ở ngay giữa lòng thủ đô, chuyện giáo viên đến nhà, đi tìm học sinh là bình thường.

Việc thấu hiểu, tôn trọng học sinh cũng là cách để các em tin tưởng, cởi mở, từ đó giáo viên có thể biết rõ nguyên nhân dẫn tới các bất ổn của mỗi học sinh. Và không phải với học sinh nào cũng giống nhau, giáo viên buộc phải cá biệt hóa phương pháp giáo dục của mình.

* Như vậy là không có "giáo án" chung cho bài học làm người ở trường?

- Dĩ nhiên phải có những quy định, những nguyên tắc chung, nhưng ở trường tôi thì sự dân chủ, tính chủ động rất cao.

Giáo viên có quyền lựa chọn, sáng tạo cách giáo dục, dạy học, miễn là điều đó có ích thực sự cho học sinh trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Trong giáo dục, việc áp đặt, cấm đoán là hạ sách, phải làm sao để học sinh thấy phục, tự giác nghe theo. 

Ngay cả việc kỷ luật học sinh cũng thế, chúng tôi có quy định rõ ràng, nhưng khi áp dụng chúng tôi đề cao việc "tự kỷ luật" hơn là "áp đặt kỷ luật". Tự kỷ luật là tạo tình huống, môi trường để học sinh tự hiểu ra mình sai ở đâu, nên thế nào và tự nguyện chấp hành hình thức "phạt".

* Kết quả rồi thế nào? Đã có "chuyến đò" nào bị đắm chưa?

- Tới nay đã có khoảng 10.000 học sinh ra trường. Cũng có khá nhiều em học lên đại học. Có những em thành đạt ở một số công việc được nhiều người biết đến. 

Con số tốt nghiệp, chất lượng giáo dục hằng năm chúng tôi đều tổng kết và biết nó nhích lên. Nhưng điều chúng tôi hướng đến không phải điểm số, không phải thành tích, mà là từng cá nhân học sinh đã thay đổi như thế nào.

Triết lý giáo dục nhân văn

* Nói về mô hình giáo dục ông đang theo đuổi, có thể hình dung như thế nào?

- Gần 30 năm qua, tôi luôn cố gắng hướng đến xây dựng một ngôi trường tự chủ - dân chủ - nhân văn. Tôi theo đuổi triết lý giáo dục nhân văn. 

Nhiều học sinh ở trường tôi khi còn ở trường khác bị thành kiến vì những cá tính đặc biệt, vì thái độ ứng xử sai trái với thầy cô nên bị kỷ luật, sa thải, nhưng đến trường tôi các em được lắng nghe, được chia sẻ, tôn trọng. Chính điều đó khiến các em tự thay đổi mà chưa cần áp dụng biện pháp nào.

Tôi cho rằng những gì tôi theo đuổi không lạc hậu, thậm chí mang tính cốt lõi của giáo dục. Nó không chỉ áp dụng tốt với học sinh đặc biệt, bị kỷ luật ở nơi khác chuyển về, mà còn với những học sinh bình thường.

* Với quan điểm giáo dục đó, theo ông, có những nguyên tắc bắt buộc nào mà những người làm công tác giáo dục, cụ thể là các thầy cô, phải ghi nhớ?

- Trong trường, tôi có một công thức áp dụng với giáo viên, đó là Ft = đ.t.h = x2. Có nghĩa để hướng đến sự phát triển của trường (F) và mỗi cá nhân cần đổi mới (đ), tận tâm (t), tận hiến, học hỏi, hợp tác (h) và loại trừ sự xấu xí, tiêu cực (x).

Trước những diễn biến phức tạp ở thế hệ trẻ hiện nay, rất nhiều người cũng đã nhận ra khoảng trống về dạy người ở bậc phổ thông. 

Tôi tin là sẽ càng có nhiều người thay đổi. Việc muốn gỡ mác "trường học sinh hư" là có thật, không phải tôi muốn chối bỏ một quá khứ, mà tôi muốn xã hội nhìn nhận khác. Như tôi đã nói: không có học sinh hư hỏng, chỉ có những học sinh chưa được giáo dục đúng.

* Có nghĩa ông không đồng tình với việc có nơi nào đó đào thải học sinh vì các em có kết quả học tập kém hoặc vi phạm kỷ luật?

- Loại học sinh ra ngoài một cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông chỉ chứng tỏ sự thất bại của giáo dục. Ở bậc đại học, đào thải là cần thiết vì ở đó là đào tạo nghề. Còn ở phổ thông là giáo dục con người, là nơi con người hình thành, phát triển nhân cách, kỹ năng, phẩm chất để bước vào cuộc sống. Việc đẩy những đứa trẻ bị xem là hư ra đường là trái với tinh thần nhân văn.

3 (9)00 5(read-only)

Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh: P.CHINH

TS Nguyễn Tùng Lâm từng có 12 năm là phó hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Bá Quát (Hà Nội) - ngôi trường điển hình tiên tiến của miền Bắc. Ở ngôi trường này, ông có nhiều sáng kiến xây dựng mô hình vừa học vừa làm, hỗ trợ học sinh yếu kém. Đó là tiền đề cho ông mạnh dạn nhận thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng sau này. Ông Lâm bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học giáo dục với những nghiên cứu từ chính thực tiễn. Hiện ông là chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. 

Nơi dạy giá trị sống

gs-tskh nguyễn minh hạc 3(read-only) copy


* Theo tôi, kinh nghiệm lớn nhất mà Trường Đinh Tiên Hoàng mang lại là đã thành công trong các phương pháp giáo dục những học sinh từng bị trường công từ chối. Hãy thử hình dung hàng ngàn học sinh đã được học tập, giáo dục, con số lẽ ra đã bị đào thải, điều này rất có ý nghĩa. Một mô hình như thế rất nên được nghiên cứu, nhân rộng trong bối cảnh đổi mới hiện nay.

GS.TS PHẠM MINH HẠC (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục)

pgs ts mạc van trang 3(read-only)

* Trong khi nhiều trường muốn tù mù để nhập nhèm thành tích thì Trường Đinh Tiên Hoàng là trường đầu tiên ở Hà Nội xin vận dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2000, được Bộ Khoa học - công nghệ trao cúp vàng ISO năm 2006, cúp vàng thương hiệu mạnh bền vững năm 2008, năm 2016... Quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm "nhân cách không chỉ hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi chính nỗ lực của mỗi cá nhân" được kết tinh từ chính quá trình thực hành giáo dục thực sự.

PGS.TS MẠC VĂN TRANG (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam)

* Khi sang Mỹ, tôi thấy các bạn học sinh từ nhỏ đều phải học qua các lớp Humanities, tức là học làm người. Điều đó khiến tôi rất tự hào vì mình cũng từng được học ở một ngôi trường dạy học sinh về giá trị sống - Trường Đinh Tiên Hoàng. Tôi thấy một môi trường giáo dục tốt nhất chưa phải là nơi dạy học sinh có bằng cấp giỏi, mà là nơi khiến những học sinh chưa ngoan biết thay đổi, biết sống có ý nghĩa.

TRẦN HẢI YẾN (cựu học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, hiện đang du học tại Mỹ)
 
 
- Theo Tuổi trẻ -