Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Kỷ niệm 80 năm ra đời tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh (1943- 2023)

Kỷ niệm 80 năm ra đời tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh (1943- 2023)

03/08/2023

VỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN HỒ CHÍ MINH TRONG “NHẬT KÝ TRONG TÙ”
                                Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Nguyên Giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,
Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định.
 
“Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là nhật ký cá nhân. Nhật ký cá nhân đương nhiên sẽ ghi những gì sảy ra liên quan đến cá nhân người ghi nhật ký. Đây là khác nhau căn bản giữa nhật ký cá nhân với các loại nhật ký công vụ.

Nhật ký công vụ chỉ ghi những gì thuộc về việc công. Người ghi chỉ ghi sự kiện một cách khách quan, trung thực, không lồng cảm xúc cá nhân. Ghi nhật ký công vụ là một phần của công việc hằng ngày trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và mang tính bắt buộc. Trong khi đó, nhật ký cá nhân lại khá thoải mái. Vì là ghi cho cá nhân mình, mình vừa là tác giả, vừa là độc giả nên ghi cái gì, ghi như thế nào hoàn toàn do người ghi quyết định. Nếu có thời gian, điều kiện và cảm hứng thì ghi nhiều, không có thời gian, cảm hứng thì ghi ít, thậm chí không ghi cũng không sao.

Do là nhật ký cá nhân, nên việc ghi chép thế nào là do Hồ Chí Minh hoàn toàn quyết định theo cảm xúc, ý thích cá nhân của mình. Vì thế có thể khẳng định, trong hàng nghìn tác phẩm, gồm đủ các thể loại của Hồ Chí Minh, thì “Nhật ký trong tù” là tác phẩm bộc lộ con người bản thể của Hồ Chí Minh tập trung nhất, trung thực nhất, rõ nét nhất và trực tiếp nhất. Muốn hiểu con người bản thể Hồ Chí Minh thì phải nghiên cứu kỹ “Nhật ký trong tù”.

Là nhật ký cá nhân nên “Nhật ký trong tù” có rất nhiều chi tiết đời sống thường nhật của Hồ Chí Minh. Do thấy thế nào viết thế, viết xong là xong, không cân nhắc, chau chuốt lại câu chữ nên các bài thơ trong bản thảo viết tay của Hồ Chí Minh hầu như không có sửa chữa gì, không có bản nháp, không có bản thứ hai. Tức “Nhật ký trong tù” là độc bản. Ở đây cũng không thể suy diễn theo kiểu, các bài thơ ấy là sản phẩm hoàn thiện sau nhiều lần sửa chữa rồi mới chép lại. Nói như vậy là không hiểu hoàn cảnh lao tù, bị theo dõi nghiêm ngặt, bị đọa đầy khổ sở, không chỉ thiếu tự do mà còn thiếu cả không gian và điều kiện sống của nhà thơ. 

Sự phân bố tác phẩm trong “Nhật ký trong tù” là không đều nhau theo thời gian. Chỉ 4 tháng, từ ngày 28-8 đến ngày 29-12-1942, Hồ Chí Minh viết 103, trong khi 10 tháng tiếp theo, từ ngày 30- 12-1942 đến ngày 10-9-1943, chỉ viết 31 bài. Để giải thích, người ta có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua là nhật ký cá nhân, không bắt buộc phải ghi chép đều đặn. Thậm chí, trong 134 bài thơ cũng chỉ có 17 bài, hoặc ghi trực tiếp thời gian sáng tác, hoặc có dấu hiệu thời gian trong tác phẩm. Đây là điều không thể sảy ra với nhật ký công vụ, cũng không giống với nhật ký của Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Trong nhật ký của các tác giả này đều ghi rõ ngày, tháng.

Nhân vật trữ xưng “ta” (Hồ Chí Minh) trong Nhật ký là con người cá nhân, cá thể với tất cả các biểu hiện chân thực, cụ thể trong đời sống của một người tù.

Là tù nhân, Hồ Chí Minh mất tự do đi lại, mất tự chủ trong hành động và lời nói, thậm chí còn bị coi như lợn, như trâu:
“Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do?
 Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,
Để cho người dắt tựa trâu bò”
  (Bài 56 – Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)
Nhưng cái mất tự do cụ thể nhất, bức xúc nhất, thôi thúc nhất với con người là nhu cầu đào thải của cơ thể, cũng không được tự mình định đoạt:
“Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho;
 Cửa tù khi mở không đau bụng,
 Đau bụng thì không mở cửa tù”
( Bài 116 - Bị hạn chế)
Rõ ràng, ở góc độ đời sống cá nhân, ý nghĩa của tự do, cảm nhận về tự do nhiều khi rất đơn giản và sát sườn. Nhưng chính nó sẽ làm sâu sắc hơn nhận thức về mất tự  là như thế nào.

Không chỉ có vậy, Hồ Chí Minh còn thường xuyên bị cùm kẹp, xiềng xích, buộc trói. Trong tác phẩm, nhiều lần tác giả viết về chuyện này. Xin đơn cử một số bài.
   Bị treo chân khi đi thuyền:
“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình”
(Bài 58 - Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)
 
   Bị trói khi áp giải trên đường:
“Rồng dài vòng quấn khắp chân tay,
Quan võ nước ngoài thắng bộ đây;
Quan võ đeo tua kim tuyến thật,
Còn ta, quấn một cuộn thừng đay.”
  (Bài 47 - Dây trói)
 
   Bị xiềng xích khi ngủ:
“Đôi ngựa” ngày đi chẳng nghỉ chân
Món “gà năm vị”([1]) tối thường ăn”
(Bài 32 - Đêm ngủ ở Long Tuyền)
 

Đây là những biện pháp chính quyền Tưởng Giới Thạch áp dụng đề phòng tù nhân chạy trốn. Giam giữ cẩn thận đến mức ấy, có lẽ họ nghi Hồ Chí Minh là nhân vật rất quan trọng và nguy hiểm. Tuy nhiên họ không hề đánh đập, tra tấn người tù để lấy lời cung. Cái may của Hồ Chí Minh là ở chố ấy. Thời gian bị bắt ở Hồng Công, từ tháng 6 năm 1931, đến tháng 7 năm 1932 Hồ Chí Minh, với vỏ bọc là Tống Văn Sơ, cũng không lần nào bị tra tấn, nhục hình.

Sống trong cảnh giam cầm, tù nhân thường xuyên đợi chờ nhiều thứ:
  • Đầu tiên, đương nhiên là chờ đợi ngày được tự do 
Ngay bài “ Khai quyển”, mở đầu tập  thơ, Hồ Chí Minh đã thể hiện niềm mong ước ấy:
“Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”
(Bài 2- Khai quyển)
 
Thế nhưng bốn tháng trôi qua, mặc dù đã trải nhiều cuộc thẩm vấn, xét hỏi, nhưng niềm hy vọng của Hồ Chí Minh vẫn mờ mịt:
“Tưởng qua cửa ải này là hết,
Ngày tự do âu cũng chẳng chầy;
Nào biết gian nan còn ải nữa,
Quế Lâm còn phải giải đi ngay”
(Bài 102 – Đến Dinh trưởng quan)

Thời gian giam giữ càng lâu, càng nóng lòng chờ đợi tự do. Đã bao đêm thao thức, thơ tù viết đã hơn trăm bài mà tự do chưa đến:
“Năm canh thao thức không nằm,
Thơ tù đã viết hơn trăm bài rồi;
Xong bài, gác bút nghỉ ngơi,
  Nhòm qua cửa ngục ngắm trời tự do”
   (Bài 118 - Đêm không ngủ)
 
  • Đó là đợi cho đêm qua mau
Tù tội là bất thường của đời người. Nhưng bất thường hơn là phải ngồi trên hố xí  buồng giam chờ trời sáng:
“Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ
Ngồi trên hố xí([2])đợi ban mai”
(Bài 34 - Mới đến nhà lao Thiên Bảo)
 
Hai chữ “ban mai” ở đây, trong nguyên tác là “triêu lai”, có người dịch là “sáng ngày”. Ban mai với đúng nghĩa đen của từ này, chứ không hề mang ý nghĩa tương lai, để nói: qua câu thơ, Hồ Chí Minh thể hiện niềm lạc quan vào một tương lai tươi sáng. Khi tiếp cận, tìm hiểu, phân tích “Nhật ký trong tù”, nếu không ý thức rõ, đây là nhật ký cá nhân, ghi chép những chuyện cá nhân, đời thường của tác giả, rất có thể sẽ đi quá xa trong việc cảm nhận và đánh giá.
  • Đó là đợi không khí để thoải mái hít thở
Do buồng giam chật chội, ngột ngạt, tù nhân tù nhân chen chúc thiếu dưỡng khí, nên luôn ngóng chờ buồng giam mở lỗ thông hơi:
“Hai giờ ngục mở thông hơi,
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do;
Tự do tiên khách trên trời,
Biết đâu trong ngục có người khách tiên”
(Bài 12 - Quá trưa)
 “Tự do” ở đây là được hít thở thoải mái. Chỉ cần được hít thở thoải mái thôi đã thấy đời lên tiên, điều này cho thấy nỗi cùng cực của cảnh thân tù.
  • Đó là đợi ánh sáng:
“Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,
Chiếu cửa nhà lao cửa vẫn cài;
Trong ngục giờ đây mờ mịt tối,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.”
          (Bài 8-9 - Buổi sớm)
 
Bài thơ cho thấy, tường bao quanh nhà tù rất cao, cửa nhà lao đã ít lại kín mít. Thế nên, dù ánh mặt trời đã soi trước mặt, mà buồng giam vẫn trong cảnh tăm tối, mịt mờ.
  • Đó là tính giờ, đợi đến bữa ăn.
Do cái đói luôn thường trực, hành hạ nên tù nhân luôn mong mỏi, đợi chờ bữa ăn:
“Ngày ngày từ trước cơm đưa sớm,
Bữa bữa giờ đây cứ chậm hoài;
Huống nữa thời gian không nhất định,
Mười giờ, mười một hoặc mười hai”
              (Bài 126 - Nhân lúc đói bụng)
Song được ăn cũng chỉ để cầm hơi, bởi quá ít: 
“Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu”
     (Bài 33 -  Điền Đông)
 
“Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo
Cho nên cái bụng cứ rung hoài”
                    (Bài 59 - Nhà ngục Nam Ninh)

Miếng ăn ở đây được thể hiện trực tiếp, cụ thể. Một bên là lưng bát cháo. Một bên là cái bụng rỗng đang hối thúc được lấp đầy. Nhưng do không được đáp ứng, nên cái bụng “rên rỉ” và “rung hoài” từng đợt co thắt. Phản xạ sinh học này nằm ngoài ý chí con người. Ai đã trải qua những cơn đói khủng khiếp, chân tay run bần bật, trán vã mồ hôi hột, bụng đau soắn từng cơn, sẽ thấu nhận tính chân thực đến ớn lạnh của cái đói được ghi chép ở đây. Con người bản thể, bản năng Hồ Chí Minh hiện ra qua những câu thơ này rất chân thực và đời thường.

Sống trong tù, điều kiện vệ sinh tồi tệ, bốn tháng không thay quần áo và tắm rửa, tù nhân Hồ Chí Minh chấy rận, ghẻ lở khắp người:
“Đầy mình đỏ tím như hoa gấm
Sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn”
                                                                   (Bài 71 - Ghẻ lở)
 
Ông Vũ Quần Phương bình hai câu thơ này, đại ý rằng: Ngứa ghẻ thì khổ lắm. Nhưng gãi ghẻ lại là cái thú của người mắc bệnh ghẻ. Gãi đúng chỗ ngứa đã sướng, lại gãi đúng chỗ ngứa ghẻ còn sướng hơn, gãi đến toét cả da, chảy cả máu mà vẫn muốn gãi. Hồ Chí Minh chắc phải thú vị lắm với cái sướng dân dã đời thường ấy nên mới ví gãi ghẻ mà như gảy đàn. Bản đàn lạch sạch, tý tách giữa cơn ngứa ngáy sôi sục của một người tù.

Cuộc sống thiếu thốn, khổ ải đã bào mòn sức lực của Hồ Chí Minh. Mới “Sống khác loài người vừa bốn tháng” mà đã:
“Răng rụng mất một chiếc,
Tóc bạc thêm mấy phần;
Gầy đen như quỷ đói,
Ghẻ lở mọc đầy thân.”
(Bài 103 – Bốn tháng rồi)
 
Giống như bao người khác, Hồ Chí Minh cũng có những nỗi sợ hãi rất con người. Sợ nhất là có thể bị hành hạ hay thủ tiêu bất cứ lúc nào. Đang bị giải trên phố, Hồ Chí Minh thấy cảnh người dân tranh nhau xem mặt Hán gian. Là đối tượng đang bị tình nghi như thế, nên Hồ Chí Minh vẫn rất lo lắng. Biết đâu, mình cũng bị người ta xúm vào xem mặt rồi xỉ vả, hay chỉ cần một cái phẩy tay của người có quyền nào đó là mọi thứ kết thúc trong oan ức, đau buồn. Nghĩ đến đấy, Hồ Chí Minh ớn lạnh:
“Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian,
Hán gian ta vốn thực vô can;
Vô can vẫn bị nghi là có,
Thực khiến lòng ta lạnh tới gan.”
(Bài 50 - Trên đường phố)
 
Sợ hãi là phản xạ tự nhiên của con người. Đã là người thì ai cũng có lúc sợ hãi về một cái gì đó: Sợ thánh thần, sợ ma quỷ, sợ tù tội, sợ chết, sợ đau đớn, sợ cô đơn v.v…Là nhật ký cá nhân nên Hồ Chí Minh đã ghi lại rất chân thực về nỗi sợ hãi phải trải qua, điều mà chúng ta không thấy trong bất kì tác phẩm nào khác của ông.

Trên phương diện con người bản thể, đời thường, Hồ Chí Minh cũng có những cảm xúc và thái độ rất con người.
  • Đó là hồn nhiên, hớn hở khi được hít thở không khí trong lành vào buổi sớm mai:
“Đất trời phút chốc tràn sinh khí,
  Tù phạm cười tươi nở mặt mày.”
(Bài 79 - Nắng sớm)
Và khoái chí khi được ra khỏi buồng giam, dù trong hoàn cảnh rất nguy hiểm:
“Máy bay địch bỗng đến ào ào,
Tất cả nhân dân chạy xuống hào;
Cửa mở cho tù ra lánh nạn,
Sổ lồng ai nấy khoái làm sao.”
                                                           (Bài 76 - Báo động)
 
  • Đó là bất bình với việc bị giải quanh quẩn qua các nhà tù:
“Đã giải đến Nam Ninh,
Lại giải về Vũ Minh;
Giải đi quanh quẹo mãi,
Kéo dài cả hành trình
                                       Bất bình!”
                               (Bài 82 - Giải đi Vũ Minh)
 
  Sử dụng loại thơ yết hậu, Hồ Chí Minh đã thể hiện thái độ không hài lòng về cách làm việc vô trách nhiệm khiến cho mình phải chịu bao nhiêu khổ ải.
  • Đó là tức giận với tên lính ngục tham lam đánh cắp chiếc gậy, người bạn kiên cường và trung thành đã bao ngày chia ngọt sẻ bùi cùng tác giả:
“Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường,
Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương;
Giận kẻ gian kia gây cách biệt,
Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương.”
(Bài 85 - Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta)
 
  • Đó là nỗi buồn ập đến lúc đêm khuya. Sống cảnh thân tù, xung quanh có rất nhiều người mà nỗi cô đơn luôn thường trực trong lòng. Đang ngủ, Hồ Chí Minh mơ được gặp anh em đồng chí. Giật mình tỉnh giấc, hòa nước mắt viết thơ. Những câu thơ thật buồn:
   “Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay;
Ở tù năm trọn thân vô tội,
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này.”
(Bài 130 - Đêm thu)
  • Lắng đọng nhất trong tâm hồn Hồ Chí Minh là nỗi lòng thương cảm với con người. Thương cảm người vợ đến thăm chồng mà hai người chỉ được nhìn nhau qua song sắt nhà tù; thương cảm nỗi nhớ quê hương của ai đó gửi trong tiếng sáo vi vi vang lên trong ngục thất; thương cảm người phu làm đường vất vả; thương cảm người bạn tù chết cứng trong đêm mà sáng ra mới biết; thương cảm đứa trẻ nửa tuổi đã phải cùng mẹ vào tù vì người cha trốn lính; đặc biệt là thương cảm Dương Đào, người đã vì Hồ Chí Minh mà bị bắt và đang mắc tứ chứng nan y:
“Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao,
Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào;
Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết,
Nay lại thương anh mắc chứng lao”
(Bài 117 - Dương Đào ốm nặng)
 
  • Song, có lẽ Hồ Chí Minh nhận được đồng cản lớn nhất của độc giả là thái độ biết ơn những người đã giúp đỡ đỡ mình trong cơn hoạn nạn.
Một người tù lớn tuổi họ Quách, bèo nước gặp nhau, nhưng đối đãi với Hồ Chí Minh tử tế, ân cần, khiến ông cảm động và tin tưởng rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt:
“Gặp nhau bèo nước”, chuyện gần xa,
Ông Quách ân cần đối đãi ta;
“Rét đến cho than” không mấy kẻ,
Đời nay người thế vẫn còn mà”
(Bài 92 - Tiên sinh họ Quách)
 
Hồ Chí Minh biết ơn một Trưởng ban đã mua cơm cho phạm nhân, tối còn cởi trói cho ngủ (Bài 93 - Trưởng ban họ Mạc). Hồ Chí Minh cảm động nói không nên lời về Chủ nhiệm họ Lương cho mình “Ăn cơm có rau, ngủ có mền” lại còn cấp tiền mua báo và thuốc lá (Bài 111 - Được ưu đãi). Sự giúp đỡ của Khoa trưởng họ Ngũ và họ Hoàng khiến Hồ Chí Minh vô cùng cảm kích và biết ơn, tựa như giữa giá rét bừng lên nắng ấm (Bài 115- Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng). Cử chỉ nho nhã, thăm hỏi ân cần của Khoa viên họ Trần trái hẳn với sự lạnh lùng, vô cảm của lính canh ngục, khiến Hồ Chí Minh như trẻ ra, tóc bạc xanh lại mấy phần (Bài 127 - Khoa viên họ Trần tới thăm). Khi được được Chủ nhiệm Cục chính trị Chiến khu IV, tặng bộ sách, Hồ Chí Minh cảm thấy đất trời đổi thay:
“Sách ngài Chủ nhiệm mới đưa sang,
Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang;
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ,
Chân trời một tiếng sấm rền vang.”
(Bài 128 - Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách)
 
Đặc biệt là lòng biết ơn vô bờ bến của Hồ Chí Minh là khi được Hầu Chí Minh trả tự do:
“Sáng suốt nhờ ơn Hầu chủ nhiệm,
Tự do trở lại với mình rồi;
Ngục trung nhật ký từ đây dứt,
Tái tạo ơn sâu cảm tạ người.”
(Bài 134 - Kết luận)
Ở đây có một vấn đề đặt ra: Vì sao “Nhật ký trong tù” có nhiều bài thể hiện lòng biết ơn như vậy? Mà những người được biết ơn, phần lớn là quan chức trong chính quyền Tưởng Giới Thạch?

Có điều này, đơn giản vì trong hệ thống chính quyền của Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây lúc bấy giờ có người nghi ngờ, bắt giữ, giam cầm, đầy ải Hồ Chí Minh, nhưng cũng có người nhiệt tình giúp đỡ. Khi được ai giúp đỡ, Hồ Chí Minh đều nhớ ơn họ. Biết cảm ơn người giúp đỡ, nhất là trong cơn hoạn nạn, không chỉ là đòi hỏi của đạo đức mà còn là một kỹ năng sống. Tính nhân bản nguyên thủy của lòng biết ơn và sự tử tế của con người là ở chỗ ấy. Đây là kết quả giáo dục của gia đình, của tinh thần tự học, tự rèn luyện và chiều sâu văn hóa Đông - Tây, vừa phong phú vừa linh hoạt mà Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được trong cuộc đời.

Đọc suốt 134 bài thơ “Nhật ký trong tù”, ta thấy con người bản thể Hồ Chí Minh hiện ra rất chân thực, giản dị, đời thường. Có lẽ căn cứ vào đặc điểm ấy mà có ý kiến cho rằng: Khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, không nên thần thánh hóa, huyền ảo hóa nhân vật lịch sử này. Bởi Hồ Chí Minh là con người cụ thể của một cuộc đời cụ thể./.
 
[1]. Gà năm vị là món ăn sang. Ở đây dùng với ý hài hước, chỉ đôi chân bị xiềng tréo, giống như trói tréo chân gà để nấu món gà năm vị.    
[2]. Là cái thùng gỗ để tù nhân đại, tiểu tiện, đặt ở góc buồng giam, trên có nắp đậy.