Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao (1923-2023)
05/09/2023
(Nguyên Giáo viên Ngữ văn, trường THPT
chuyên Lê Hồng Phong, Hội viên Hội VHNT Nam Định)
Văn Cao (1923-1995) họ Nguyễn. Quê ở làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nhưng Văn Cao được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng.
Văn Cao là nghệ sỹ đa tài, vẽ tranh, làm thơ, viết nhạc không lời, nhạc phim, sáng tác ca khúc, trong đó sáng tác ca khúc nổi tiếng hơn cả.
Từ mấy thập kỷ nay, người ta nói nhiều đến các ca khúc của Văn Cao như “Buồn tàn thu”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, song nhiều nhất là “Tiến quân ca” và “Mùa xuân đầu tiên”. Đây là hai đỉnh cao nghệ thuật của Văn Cao, nhưng lại có số phậm thăng trầm, mà có lẽ trong lịch sử ca khúc Việt Nam, ít tác phẩm nào đặc biệt hơn thế.
Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến “Tiến quân ca”.
Theo lời kể của Văn Cao, mùa đông năm 1944, một cán bộ Việt Minh tên là Vũ Quý([1]) gặp ông và nói: “Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, nên phải dùng những điệu hướng đạo. Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”([2]). Nghe lời đề nghị ấy, tại gác xép căn nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) Văn Cao sáng tác ca khúc “Tiến quân ca”. Khi tác phẩm hoàn thành, nghe Nguyễn Đình Thi xướng âm, Vũ Quý rất hài lòng.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, TW Đảng và Hồ Chí Minh quyết định mở Quốc dân Đại hội tại Tân Trào vào chiều ngày 16 tháng 8. Buổi sáng ngày 16 tháng 8, Nguyễn Đình Thi trình lên Hồ Chí Minh 3 bài hát để chọn Quốc ca của nước Việt Nam mới. Đó là các bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, 2 bài “Chiến sỹ Việt Nam” và “Tiến quân ca” của Văn Cao. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi xướng âm, Hồ Chí Minh quyết định chọn bài “Tiến quân ca”. Chiều ngày 16 tháng 8, Quốc dân Đại hội bầu Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quyết định chọn bài hát “Tiến quân ca” làm Quốc ca.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh do chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội đã thu hút hàng vạn người tham gia. Khi lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn của Việt Minh bất ngờ xuất hiện, mọi người phấn khích reo hò như sấm. Cùng lúc ấy giai điệu bài “Tiến quân ca” vang lên. Đây là lần đầu tiên Quốc kỳ và Quốc ca kết hợp, cùng một lúc xuất hiện công khai trước công chúng trong khí thế sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ngày mùng 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội, quyết định chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca của đất nước.
Ngày 9 tháng 11 năm 1946, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua. Điều thứ 3 quy định: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Như vậy đến đây, bài “Tiến quân ca” đã được Hiến pháp xác nhận là Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Khi trở thành Quốc ca, bài “Tiến quân ca” có một số chỉnh sửa về ca từ và nốt nhạc.
Về ca từ.
Ở lời 1, bản gốc viết: “Đoàn quân Việt Minh đi” được đổi thành “Đoàn quân Việt Nam đi”; “Thề phanh thây, uống máu quân thù” được đổi thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”; “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền” được đổi thành “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Ở lời 2, đoạn cuối bản gốc viết: “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Vũ trang đâu lên đường/ Hỡi ai! Lòng chớ quên/ Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” được sửa thành “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Về nốt nhạc.
Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên khi đó được giao phụ trách chỉ huy dàn nhạc trình tấu bài “Tiến quân ca” trong ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945. Khi dàn dựng phối khí bản nhạc, ông thấy cần thiết phải chỉnh sửa nhịp điệu và khẩu độ một sô nốt nhạc. Ông đã thuyết phục và được Văn Cao đồng ý rút ngắn độ dài của nốt “rê” đầu tiên ở chữ “Đoàn” và nốt “mi” ở chữ “xác” để bản nhạc khỏe khoắn hơn.
Năm 1958, sau vụ Nhân Văn- Giai phẩm, các ca khúc của Văn Cao ít được sử dụng, trừ bài “Tiến quân ca”.
Có người cho rằng, thời gian này đã xuất hiện ý kiến muốn thay Quốc ca, nhưng không tìm được bài nào phù hợp.
Ngày 31 tháng 12, năm 1959, Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua. Ở chương IX chỉ quy định Quốc kỳ, Quốc huy và Thủ đô mà không quy định quốc ca. Như vậy bài “Tiến quân ca” không được nhắc tới là Quốc ca như trong Hiến pháp 1946 nữa. Tuy nhiên, trong các nghi lễ chào cờ, bài “Tiến quân ca” vẫn được sử dụng.
Mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Năm 1976, Việt Nam thống nhất về mặt nhà nước. Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất. Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bản Hiến pháp này, điều 144 ghi: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua”.
Năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI quyết định mở cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn nhận ca khúc dự thi từ tháng 5 năm 1981 đến tháng 12 năn 1981, trong khi chờ đợi Quốc ca mới, khi chào cờ chỉ cử Quốc thiều (nhạc không lời của Tiến quân ca). Qua nửa năm vận động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 1.500 bài hát do các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên gửi về. Hội đồng giám khảo xét duyệt chặt chẽ qua hai vòng sơ tuyển. Ban vận động chọn được 17 bài hát trình lên Quốc hội và giới thiệu rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Trong số đó, có những bài chất lượng tốt. Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội khóa VII quyết định tiếp tục giữ bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca.
Tháng 8 năm 1991, trên báo Tiền Phong chủ nhật khổ nhỏ đăng bài “Tiến quân ca có hai tác giả?”. Tờ báo đã được rất nhiều người tìm mua và truyền tay nhau đọc. Chứng cứ được đưa ra trong bài viết này là một tờ bướm in bài “Tiến quân ca”, phần nhạc ghi Văn Cao, phần lời ghi Đỗ Hữu Ích. Việc này xuất phát từ thực tế, người ta đã tìm thấy tờ bướm ấy và sau đó in trong tập nhạc “Thanh niên hát” do NXB Thanh Niên ấn hành với đầy đủ nội dung như trong tờ bướm kể trên.
Vấn đề tác giả phần lời bài “Tiến quân ca” nổ ra, đòi hỏi phải được làm sáng tỏ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải được mời tham gia điều tra, xác minh sự việc này. Ròng rã nửa năm trời ông Nguyễn Phúc Giác Hải tích cực đi tìm sự thật.
Ông phỏng vấn Văn Cao về nguyên nhân sáng tác bài “Tiến quân ca”, sáng tác ở đâu, sáng tác như thế nào… mối quan hệ của Văn Cao với Đỗ Hữu Ích. Mọi câu hỏi của ông Nguyễn Phúc Giác Hải được Văn Cao trả lời rõ ràng, logic phù hợp với những gì mà ông Nguyễn Phúc Giác Hải suy nghĩ trong quá trình điều tra, nghiên cứu của mình.
Với ông Đỗ Hữu Ích, ông Nguyễn Phúc Giác Hải cũng đề nghị cung cấp toàn bộ tư liệu liên quan đến bài “Tiến quân ca”. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải suy nghĩ, nếu ông Đỗ Hữu Ích là tác giả “Tiến quân ca” thể nào ông ấy cũng ghi trong lý lịch của mình. Khi điều tra lý lịch của ông Đỗ Hữu Ích ở cơ quan cũ, thấy đúng như vậy.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải hỏi ông Đỗ Hữu Ích đã dùng nhạc cụ gì để sáng tác phần lời, ông Đỗ Hữu Ích trả lời là đàn Banjo Anto. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải đi mượn cây đàn Banjo Anto và đề nghị ông Đỗ Hữu Ích chơi bài “Tiến quân ca” bằng cây đàn này. Ông Đỗ Hữu Ích không chơi được. Khi ông Nguyễn Phúc Giác Hải hỏi: “Bài tiến quân ca in lần đầu ở đâu?” ông Đỗ Hữu Ích cũng không trả lời được.
Để thật chắc chắn, ông Nguyễn Phúc Giác Hải còn tổ chức phỏng vấn ông Đỗ Hữu Ích - có ghi hình - tại Cơ quan Bảo hộ Quyền tác giả. Khi được hỏi: “Do nhận thức nào mà ông đã viết câu ‘Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên’ ở phần kết lời hai bài Tiến Quân Ca?”, ông Đỗ Hữu Ích không trả lời. Im lặng một lúc, ông Đỗ Hữu Ích nói: “Phần lời đó là do anh Văn Cao viết”. Khi Cơ quan Bảo hộ Quyền tác giả hỏi: “Thế tại sao ông lại cho in bản nhạc đề phần lời do ông viết hoàn toàn?”, ông Đỗ Hữu Ích lặng im, không nói gì.
Kết quả quá trình điều tra đã làm sáng tỏ nguyên nhân có tờ bướm này như sau:
Năm 1944, Văn Cao ở nhờ nhà ông Đỗ Hữu Ích. Tại đây Văn Cao sáng tác bài “Tiến quâm ca”. Ông Đỗ Hữu Ích biết việc này. Khi Văn Cao được cán bộ Việt Minh bí mật đưa sang làng Bát Tràng in ấn bài hát để phát hành, ông đã đề dưới bài hát: “Nhạc: Anh Thọ; Lời: Anh Dũng”. Nhưng ngày ấy do lối chữ in hoa không đánh dấu nên đọc thành: “Nhạc: Anh Tho; Lời: Anh Dung”. Ông Đỗ Hữu Ích xin với Văn Cao cho mình nhận là sáng tác phần lời để khoe cô người yêu tên Dung rằng ông đã viết tên cô vào bản nhạc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Đỗ Hữu Ích lập nhà in xuất bản Đỗ Văn, khi thấy bài “Tiến quân ca” được nhiều người quan tâm, với danh nghĩa phục vụ cách mạng ông đã in 5000 tờ bướm (sau đó ông phao lên là 10.000 tờ) bài “Tiến quân ca” phần nhạc ghi Văn Cao, phần lời ghi Đỗ Hữu Ích để phát hành rộng rãi ra công chúng. Đến khi làm quản lý báo Bạch Đằng, ông còn bố trí người phỏng vấn mình về bài “Tiến quân ca”.
Từ lời thú thực của ông Đỗ Hữu Ích và nhiều chứng cứ xác thực khác nữa, Cơ quan Bảo hộ Quyền tác giả kết luận, không có bằng chứng nào cho thấy ông Đỗ Hữu Ích là người viết phần lời bài “Tiến quân ca”.
Ngày 28 tháng 3 năm 1992, Cơ quan Bảo hộ Quyền tác giả tổ chức họp báo, chính thức công bố kết luận tác giả phần lời bài “Tiến quân ca” là Văn Cao. Kết luận này được đăng tải rộng rãi trên tất cả các phương tiện báo chí, đài phát thanh và truyền hình lúc bấy giờ.
Vào hồi 11 giờ 45 phút, ngày 15 tháng 4 năm 1992, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến Pháp của thời kỳ đổi mới đất nước. Trong bản Hiến pháp này, tại điều 143 ghi: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca”.
Như vậy, đến đây bài “Tiến quân ca” lại một lần nữa được khẳng định trong Hiến Pháp là Quốc ca Việt Nam như trong Hiến pháp năm 1946, nhưng cụ thể hơn. Nếu Hiến pháp năm 1946 chỉ ghi “Quốc ca là bài Tiến quân ca”, thì Hiến pháp năm 1992 ghi Quốc ca là “nhạc và lời bài Tiến quân ca”.
Đến Hiến pháp năm 2013, tại điều 13, khẳng định lại một lần nữa: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.
Ba năm sau, vào chiều ngày 15 tháng 7 năm 2016 tại Văn phòng Quốc hội, gia đình nhạc sỹ Văn Cao đã hiến tặng bài “Tiến quân ca” cho Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam. Tại buổi lễ này, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước truy tặng cố nhạc sĩ Văn Cao cho đại diện gia đình nhạc sỹ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sỹ Văn Cao.
Tối ngày 28 tháng 8 năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, tại Nhà hát lớn Hà Nội, nơi tác phẩm “Tiến quân ca” lần đầu xuất hiện trước công chúng cách đây 78 năm, cũng là nơi lần đầu tiên bài “Tiến quân ca” được ghi trong Hiến pháp, đã diễn ra chương trình ca nhạc lãng nạm và hào hùng để tri ân những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Tới dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tầng lớp nhân dân và người thân trong gia đình cố nhạc sỹ.
Như vậy, tính đến nay đã gần một thế kỷ, bài “Tiến quân ca” đồng hành cùng đất nước và dân tộc trên tất cả các biến thiên lịch sử, lúc gian khổ hy sinh, khi tưng bừng chiến thắng hay háo hức, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới của nước nhà.
Nhìn lại lịch sử ra đời và trở thành Quốc ca của bài “Tiến quân ca” từ năm 1944 đến nay, ta có thể rút ra một số điều về tác phẩm âm nhạc này.
Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12-1944. (Bản viết lại có chữ ký của tác giả năm 1994) (Nguồn: https://baotanglichsu.vn/)
Một là vượt qua thử thách của những đổi thay trong lịch sử
Văn Cao bí mật sáng tác “Tiến quân ca” và bí mật in ấn là do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng vào thời điểm rất điển hình của lịch sử dân tộc: Cuộc đổi đời vĩ đại từ một đất nước nô lệ của chủ nghĩa thực dân, phát xít phương Tây([1]) trở thành đất nước độc lập tự do; từ một nhà nước phong kiến trở thành nhà nước dân chủ cộng hòa. Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có một cuộc đổi thay toàn diện, triệt để đến thế. Đây là cuộc đổi thay về chất, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của dân tộc mà hàng ngàn năm trước đó chưa từng có.
Khi xuất hiện công khai trước công chúng vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, cùng với lá cờ đỏ sao vàng tại nhà hát lớn Hà Nội, bài hát đã tạo ra hiệu ứng tâm lý hết sức đặt biệt, lôi cuốn hàng vạn người đi theo Việt Minh, tạo nên cú hích thần kỳ góp phần vào thành công của cách mạng Tháng Tám hai ngày sau đó, ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Tác phẩm do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca và được ghi ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946. Thế nhưng, Hiến pháp 1959, 1980 tác phẩm này không được nhắc tên, mặc dù trong nghi lễ chào cờ vẫn dùng bài hát này. Thậm chí năm 1981 còn có cuộc thi sáng tác Quốc ca mới để thay thế bài “Tiến quân ca”. Đây là thời kỳ sự tồn tại với tư cách là Quốc ca của bài “Tiến quân ca” bị thử thách dữ dội nhất. Đã có rất nhiều lý do được đưa ra xung quanh sự kiện này, trong đó có cả từ cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước: Quốc hội. Thế nhưng cuối cùng “Tiến quân ca” vẫn đứng vững. Rõ ràng sự tồn tại của “Tiến quân ca” với tư cách là bài ca của đất nước là không dễ dàng thay thế. Nó hầu như rất ít phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một cá nhân hay một tổ chức nào đó. Bởi vì “Tiến quân ca” là sản phẩm đặc biệt, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, được tiếp nhận bởi tâm lý đặc biệt của cả một dân tộc nghèo khó và anh dũng trong hành trình đi tìm độc lập, tự do, hạnh phúc. Một tác phẩm khi đã trở thành linh hồn dân tộc thì không dễ gì thay thế. Chính điều ấy giải thích vì sao “Tiến quân ca” là bất tử. Bài “La Marseillaise” Quốc ca Pháp, ra đời trong cuộc cách mạng năm 1752 đến nay đã mấy trăm năm, dẫu lời ca có chỗ bừng bừng sắt máu, nhưng hừng hực khí thế đấu tranh, cùng tiết tấu đậm chất anh hùng ca, cho đến nay vẫn vang lên đầy tự hào trong tâm hồn dân tộc Pháp. Đất nước Liên Xô vĩ đại không còn, nhưng bản nhạc hào hùng ấy vẫn được giữ nguyên trong Quốc ca Cộng hòa Liên bang Nga, sau khi bài Quốc ca được chính tác giả phần lời quốc ca Liên Xô viết lại lời mới. Thế mới biết, Quốc ca là sản phẩm lịch sử của một đất nước, sản phẩm tâm hồn của một dân tộc, có sức sống mãnh liệt, không tác phẩm ân nhạc nào sánh ngang được nó.
Hai là vượt qua thử thách của lòng tham
Ông Đỗ Hữu Ích vốn là người bạn tốt của Văn Cao, nhưng trước sức hấp dẫn danh tiếng của bài “Tiến quân ca”, ông đã âm thầm tìm cách chiếm đoạt một nửa tác phẩm: Phần lời.
Ông tự ý cho in tờ bướm bài “Tiến quân ca”, ở phần lời ghi rõ họ tên mình ngay từ khi cách mạng Tháng Tám mới thành công. Ông còn khai trong lý lịch rằng mình là người sáng tác lời bài Quốc ca. Ông còn tạo dư luận và bằng chứng lịch sử qua việc bố trí bài trả lời phỏng vấn ông trên báo chí về bài hát này. Và đặc biệt, năm 1991, vào đúng thời điểm Quốc hội chuẩn bị thông qua Hiến pháp mới, ông đã công khai trên báo chí rằng mình là người viết phần lời bài “Tiến quân ca”. Trước những bằng chứng giấy trắng mực đen, có sức nặng thời gian được ông đưa ra, Văn Cao rất khó phản bác. Bởi người giao nhiệm vụ sáng tác bài hát cho ông là Vũ Quý đã hy sinh, người chứng kiến toàn bộ quá trình sáng tác “Tiến quân ca” của Văn Cao là nhạc sỹ Phạm Duy lúc đó đang sống ở Mỹ không thể làm chứng cho ông. Trong khi Nguyễn Đình Thi, người trình lên Hồ Chí Minh bài “Tiến quân ca” để chọn làm Quốc ca lại không được chứng kiến toàn bộ quá trình tác phẩm ra đời.
Đúng lúc bế tắc nhất, ông Nguyễn Phúc Giác Hải xuất hiện, và mọi sự thật được trả lại đúng vị trí của nó.
Ở đây Văn Cao và lịch sử đã có một may mắn lớn. Sự việc nổ ra vào lúc cả Văn Cao và Đỗ Hữu Ích còn sống và minh mẫn. Nghĩa là còn có thể hỏi được chắc chắn, khẳng định được chắc chắn, làm sáng tỏ được chắc chắn mà không thể phản bác, người ngoài cuộc hay người đời sau không thể nghi ngờ bởi Văn Cao và Đỗ Hữu Ích là người của sự kiện, là bằng chứng sống, những lời nói của hai ông không ai có thể thay thế, không ai có thể nói khác đi được.
Giả sử rằng, sự việc này chỉ phát lộ sau khi Văn Cao qua đời, hoặc cả 2 ông không còn nữa thì vấn đề tác giả phẩn lời bài “Tiến quân ca” sẽ trở thành một tồn nghi nhức nhối, nhưng không bao giờ có lời giải đáp triệt để sau cùng cho những suy đoán nhiều khi rất chi là “khoa học”.
Trong cái rủi có cái may là thế.
Ba là vấn đề bản quyền và quyền lợi của tác giả.
Trong rất nhiều thế kỷ ở Việt Nam, cho đến những năm cuối thế kỷ XX, ý niệm về bản quyền và quyền tác giả khá mờ nhạt. Thế mới có chuyện ông Đỗ Hữu Ích mạo nhận sáng tác phần lời bài “Tiến quân ca”. Khi ông Đỗ Hữu Ích tự ý ghi tên mình là tác giả phần lời bài hát trên tờ bướm, Văn Cao biết nhưng không nói gì. Bởi lúc ấy ý thức bản quyền của xã hội, trong đó có Văn Cao chưa được đặt ra như bây giờ, cũng bởi vì do cả nể ân tình mà ông Đỗ Hữu Ích đã dành cho Văn Cao. Đây là mấu chốt dẫn đến rắc rối bản quyền năm 1991.
Vấn đề bản quyền, bài “Tiến quân ca” lại thu hút dư luận khi vào năm 2015 khi nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả đề xuất thu phí bản quyền sử dụng ca khúc “Tiến quân ca” để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải yêu cầu dừng việc này.
Năm 2017, Cục Nghệ thuật và Biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố danh sách hơn 300 ca khúc được cấp phép phổ biến rộng rãi, trong đó có bài “Tiến quân ca”. Việc cấp phép phổ biến bài “Tiến quân ca” của văn bản dưới luật này bị dư luận phản ứng gay gắt vì hơn cả Hiến pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấn chỉnh.
Vào hồi 19 gời 30 phút ngày 6, tháng 12 năm 2020, khi tường thuật trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup trên YouTube, tiếng của bản Quốc ca bị tắt. Trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”. Sau khi bị lên án, đơn vị BH Media cho biết, BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi “Tiến quân ca” trên nền tảng số do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Có thể thấy, đây là việc làm vi phạm Luật bản quyền năm 2005 của Hồ Gươm Audio. Vì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch- cơ quan thay mặt Nhà nước giữ bản quyền tác phẩm “Tiến quân ca” sau khi gia đình nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng bài hát cho Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam năm 2016- không hợp tác với Hồ Gươm Audio để sản xuất bản ghi này.
Về quyền lợi của tác giả.
Khi bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao in ở Liên Xô và được trả nhuận bút 100 rúp, Văn Cao đã viết giấy ủy quyền qua Đại sứ quán để con gái ông đang học tập bên đó lĩnh hộ. Ông nhắn con “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”([2])
Căn cứ vào câu nói trên của Văn Cao ta thấy, trong rất nhiều năm, những đơn vị và cá nhân khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao đã không chú đến bảo đảm quyền lợi tác giả cho ông.
Nhà thơ, họa sỹ Văn Thao, con trưởng của Văn Cao cũng cho biết: Từ khi bài “Tiến quân ca” ra đời cho đến khi gia đình hiến tặng cho Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam, Văn Cao và gia đình chưa nhận một đồng bản quyền nào.
Có thể nói, vấn đề bản quyền và quyền lợi tác giả của Văn Cao là một điển hình cho vấn đề bản quyền và quyền lợi tác giả ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Dường như vấn đề bản quyền và quyền lợi tác giả của Văn Cao, có khá nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ biểu diễn, họa sỹ, nhà nghiên cứu…thấy thấp thoáng trường hợp của mình trong đó. Vì thế, từ năm 2005, khi Luật sở hữu trí tuệ ra đời đến nay đã xuất hiện nhiều vụ đòi quyền lợi tác giả và tranh chấp bản quyền phải nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết. Thiết nghĩ đã đến lúc ý thức thượng tôn pháp luật về sở hữu trí tuệ phải được mọi tầng lớp trong xã hội đề cao, để tạo động lực cho sáng tạo và phát triển của xã hội.
Đã 78 năm từ khi “Tiến quân ca” ra đời và trở thành Quốc ca của Việt Nam. “Tiến quân ca” là khúc tráng ca của dân tộc chào đón sự ra đời của một nhà nước kiểu mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua bao bão táp của những cuộc đấu tranh chống ngoại bang để bảo vệ Tổ quốc, trải qua những bước ngoặt của đường lối cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, “Tiến quân ca” vẫn luôn thủy chung và kiêu hãnh sát cánh cùng triệu triệu đồng bào tiến lên phía trước.
Thời gian càng trôi qua, “Tiến quân ca” càng khẳng định giá trị to lớn của mình. Mai đây, khi nói về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, người ta không thể không nói đến Văn Cao và bài “Tiến quân ca” bất hủ của ông. Cùng với “Tiến quân ca”, Văn Cao là một phần không thể thiếu của ký ức dân tộc./.
Nam Định ngày 25- 8- 2023