Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Người dắt con đi …

18/11/2020

Khi con viết những dòng này, có những người thầy của con đã về nơi rất xa… Là học sinh chuyên văn, lại được trở về dạy học ở chính ngôi trường mà các thầy đã dạy chúng con mà sao con khó mở lời… Khó, bởi có lẽ con hiểu hơn bao giờ hết, sự bất lực của ngôn từ…Con sợ rằng có nói bao nhiêu cùng không đủ thể hiện được lòng tri ân của chúng con với các thầy dạy chuyên văn của mình thuở ấy…

Thưa thầy !
        Thế hệ chúng con lớn lên khi những dấu ấn về chiến tranh chỉ còn thoáng qua kỉ niệm tuổi thơ, nhưng đã nếm trải đủ những vất vả gieo neo của thời hậu chiến. Dẫu không đủ cơm ăn, áo mặc theo đúng nghĩa đen với bao những thiếu thốn đến không tưởng nhưng chúng con cũng thật hạnh phúc bởi thừa sự hồn nhiên trong sáng với những chuẩn giá trị đích thực, được hít thở bầu không khí trong lành chưa bị ô nhiễm bởi hệ lụy của sự phát triển. Và cũng vì vậy, những kí ức, tình cảm thầy trò, bè bạn một thủa hoa niên càng trong ngặt nghèo gian khó dường như càng đẹp hơn, trong veo hơn. Để đến bây giờ, hai lớp chuyên Văn chuyên Toán chúng con ngày ấy ( Mới chỉ có 2 lớp chuyên trong toàn trường chứ chưa có hệ chuyên như bây giờ), vẫn quấn quýt nhau, rủ nhau về thăm thầy của lớp tớ, lớp bạn như chung một lớp vậy. Thầy Đào Hải của các bạn lớp toán mà thuộc hết tên của những đứa trò lớp Văn dẫu đã xa trường trên 30 năm…Thầy Bùi Gia Thọ dạy toán và yêu bọn lớp Văn đến mức chúng con mê toán hơn cả môn chuyên và nhiều đứa sẵn sàng “chiến” môn toán không kém các bạn giỏi nhất ở các lớp khác…Cô Băng Tâm dạy Tiếng Nga làm chúng con thật “choáng” khi mới vào trường đã được cô định nghĩa phủ đầu: “ Cô Băng Tâm là người có trái tim băng giá” nhưng ngược lại, mỗi giờ học với cô thật sôi nổi, thật vui, cô yêu thương chúng con bằng tình thương của người mẹ. Cô Nhật dạy Vật lí thật dễ hiểu, điềm đạm, nhân hậu,  nhẹ nhàng…Con không thể kể hết những người thầy mà chúng con ngưỡng mộ, tự hào trong những năm tháng dưới mái trường này nhưng hôm nay, kể chuyện ngôi trường trăm tuổi, con xin lắng lại kí ức về những người thầy dạy chuyên văn của lớp chúng con. E rằng con đã chậm lời…

Con nhớ thầy Trần Công Trường. Thầy chuyển về Lê Hồng Phong cùng năm chúng con chuyển cấp, chính vì thế tuy không được tiếp tục được  học thầy những năm cấp 3 nhưng kỉ niệm về thầy trong chúng con lại là năm cuối cấp ở trường Trần Đăng Ninh. Thầy dạy chẳng giống ai, dạy Văn lớp chuyên mà cứ khuyến khích học sinh học giỏi Toán, lí…Bỏ cả bài trong chương trình nếu thầy cho là “dở hơi”, “vớ vẩn” nhưng có khi để cả buổi chiều bình về một bài thơ tứ tuyệt của Chế Lan Viên không có trong sách nào, kèm thêm những dự cảm về tình hình xã hội, thời sự mà nhà thơ gửi gắm sau vỏ bọc ngôn từ…Con không biết và không nhớ hết thầy đã có những “chiêu” gì mà khi thầy làm chủ nhiệm, tất cả chúng con đều tin là mình thật giỏi, mình đều có thể trở thành nghệ sĩ, thành một cái gì đó...Vì thế  mê mải làm thơ, viết truyện, vẽ tranh, sáng tác nhạc, hì hục đọc, tìm, sáng tạo… học và chơi đều hết mình nên kết quả cũng thật tuyệt vời, xuất sắc : Đội tuyển môn Văn năm ấy xếp thứ Nhất đồng đội thi Toàn quốc (Hồi đó cộng điểm thi của tất cả các thí sinh tính giải đồng đội của các tỉnh). Thi Tốt nghiệp cuối cấp - Kì thi hết sức nan giải và vô cùng nghiêm túc thời bấy giờ- nhiều đứa đạt điểm cực cao -  thậm chí là tuyệt đối ( 39-40 điểm/4 môn thi) - và dắt tay nhau cả lớp vào Lê Hồng Phong… Thầy đã đánh thức bao năng lực tiềm ẩn trong những đứa trò nhỏ bé nhút nhát lần đầu được ra tỉnh học, tiếp xúc với phố phường... Thầy nâng đỡ và trao đôi cánh cho những tài năng... Chúng con đã phục thầy khi thầy biến hóa như phù thủy, chờ thầy như chờ một người cha và tin thầy như tin một người bạn. Con cho rằng trong sự tự tin, thông minh tài hoa, nghệ sĩ của những Lưu Minh Phương, Doãn Kim Oanh, Nguyễn Thị Hà, Trần Hoa Lư…và sự thành đạt của bao bạn khác lớp con bây giờ có dấu ấn của thầy. Con nghĩ thầy con đã thực hiện giáo dục “khai phóng” từ ngày ấy, mang đến cho chúng con một lớp học thật đoàn kết, thật vui, việc học nhẹ nhàng, hiệu quả đúng với tiêu chí “lớp học hạnh phúc”. Và rồi hôm nay khi ngành giáo của con rầm rộ với những khái niệm, công nghệ về đổi mới phương pháp dạy học, bạn con tuy không trong nghề nhưng luôn nhạy cảm với trường lớp, từ cuối trời Tổ quốc nhắn với con : “Hãy dạy như thầy Trường dạy chúng mình ngày xưa, đừng bị choáng bởi các khái niệm, ngôn từ hoa mĩ …Hãy làm cho học sinh hạnh phúc và biết cách sống làm người. Thế thôi”.

 Con nhớ thầy Nguyễn Khắc Nhuyên. Thầy chủ nhiệm và dạy chúng con năm lớp 8 sau này gọi là lớp 10. Sao con cứ cảm nhận được một nét gì đó thật nho nhã, trượng phu từ dáng vẻ, phong thái của thầy. Thầy quê xứ Nghệ, dòng dõi Nguyễn Khắc nổi tiếng học thuật văn chương mà sau này con còn có dịp may mắn nữa được học thầy Nguyễn Khắc Phi là anh em trong họ của thầy ở Khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Con nhớ một chiều mưa, đứa trò nhỏ thầy khen có bộ chữ đẹp được thầy tin tưởng giao cho viết danh sách, vô ý thế nào đánh mất quyển sổ điểm của lớp. Sợ đến tái xanh người. Thầy đã dẫn con xuống giáo vụ, cười khà khà với thầy phụ trách : “Con dại cái mang, khổ thế đấy ông ạ”. Sau này, mỗi khi học trò mắc lỗi, giận lắm, con lại nhớ đến hơi ấm bàn tay vỗ vỗ vai con, tiếng cười tha thứ của thầy khi ấy mà thấy lòng chùng lại, đủ điềm tĩnh, đủ bao dung... Thầy dạy chuyên về nghị luận, cái thể loại làm văn có vẻ như là “khó nhằn nhất” vì khuôn khổ và khô cứng, nhất là đối với tuổi học trò khi đó còn đang bay bổng, mơ màng. Dường như vẻ ngoài nghiêm nghị, mực thước đã dẫn Thầy đến với chuyên môn sâu này. Thầy như một kiến trúc sư: thiết kế tổng thể và chi tiết từng bài giảng theo từng chủ đề, từng giai đoạn, từng hình thái của văn học. Mỗi lần lên lớp, bám sát vào bản “thiết kế” đã chuẩn bị sẵn, Thầy truyền đạt lại cho học trò toàn bộ ý tưởng của mình, triển khai từ lớn đến nhỏ, từ chung đến riêng, từ thực tiễn đến tiên liệu, gợi mở và hướng học trò đến sự suy luận, phát triển, sáng tạo ra bản thiết kế những công trình mới hay tự mình thực hiện “thiết kế quy hoạch” của cả một vùng, một khu vực rộng lớn. Vì thế, cảm giác “khô khan” trong các tiết học của Thầy nhanh chóng biến mất. Nghị luận văn học của Thầy không phải là một căn nhà xây thô với kết cấu bê tông xơ cứng; đó thực sự là những công trình chuẩn mực mà độc đáo, sáng tạo, nhiều khi tràn ngập chất nhạc và chất thơ. Những năm 2000 của thế kỉ sau, Bộ Giáo dục mới ban hành chương trình dạy môn chuyên theo các chủ đề. Tổ Văn của con khá dễ dàng khi triển khai, thực hiện. Con biết thầy con đã đi trước thời đại, đã trang bị cho chúng con nền tảng tư duy và cách làm việc khoa học. Điều đó, khi học thầy chúng con đâu đã nhận ra. 

Còn nhớ, thầy rất nghiêm nghị, nhưng không bao giờ mắng học trò nghịch ngợm. Thỉnh thoảng, trước khi bắt đầu vào bài, Thầy lại nhắc: “Các em nhìn nhé: mỗi khi thấy trán tôi đỏ lên và đường gân nổi hằn từ trên đầu xuống phía sống mũi, đó là tôi đang đau đầu. Các em đừng nói chuyện ồn ào, nhé!”. Thế là cả lớp hôm ấy lặng tờ. Không biết các bạn thì sao, con hay lặng đi vì thương thầy khi ấy.

Chủ nhiệm chúng con 2 năm cuối cấp 3 là thầy Hồ Quang Diệu. Khi đó Thầy đã hay bị đau đầu gối, đi đứng rất khó khăn vì căn bệnh thần kinh tọa nhưng mỗi giờ lên lớp của thầy vẫn hết sức say sưa, hùng hồn, truyền lửa… Nhớ về thầy, Trần Văn Toàn, một học sinh chuyên văn khóa sau con nay đã là Tiến sĩ, Giáo sư nổi tiếng ở Khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một nhận xét thú vị : Thầy Diệu yêu học sinh bằng tình yêu của một ông bố gia trưởng. Vì thế mà thầy chăm chút rèn giũa. Vì thế mà chúng con vừa yêu kính nhưng cũng có chút…sợ thầy. Điều nhớ nhất là việc Thầy “ốp” chúng con học viết. Thầy nói: “Tương lai các em sẽ vào Sư phạm Văn và việc phải viết bài hàng tuần, hàng tháng là tất yếu. Tôi muốn các em luyện cách học này ngay từ bây giờ”. Thế là, cứ một tháng hay vài tuần một lần, Thầy ra đề bài về nhà tự tìm tòi mà viết. Đề tài thì thường rất ngắn gọn: “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, “Ánh trăng trong thơ Bác”, “Tình yêu trong ca dao”... và không gợi ý gì thêm. Độ dài thì phải đạt từ 30 đến 50 trang giấy “phê đúp”. Thời gian thì nữa tháng đến ba tuần phải nộp. Thế là, tuần đầu thì còn nhẩn nha. Đến tuần chót thì bò ra mà viết ngày viết đêm. Tài liệu trong thư viện trường ít. Báo chí sách vở tham khảo khan hiếm. Trí nhớ, sức tổng hợp, trí tưởng tượng, khiếu sáng tác...lên ngôi. Riêng về độ dài bài thì không đáng lo, vì trích thơ dài thì sẽ mau hết trang, chữ viết to thưa thì lê thê khá đạt. Sau vài lần thì hết sợ, hết ngại làm văn kiểu này luôn, trong lòng lại còn hơi vui vui vì nếu vào đại học Văn thì mình đã có sẵn “vũ khí” này rồi, tự tin hẳn. Và quả thật, chẳng cứ đại học Văn, bài tập lớn, bài tập nhỏ với những đứa Chuyên Văn như chúng con chẳng nhằm nhò gì, toàn rinh điểm cao là điều dễ hiểu. Dân các tỉnh cứ phục lăn.

Thầy Hồ Quang Diệu - Nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

 
Có điều, không hiểu sao, càng cuối cấp, cái lớp chuyên Văn được tiếng là khá khẩm của con khi ấy nhiều đứa lại phá rào, không theo nghiệp văn chương và càng không vào sư phạm như thầy mong muốn. Có lẽ một phần vì bên cạnh nghĩa vụ học tốt môn chuyên, (mà tốt thật, vì thi Toàn quốc, đội tuyển do thầy dìu dắt xếp thứ Nhì, chỉ sau mỗi tỉnh Bình Trị Thiên), chúng con đều thích học và học khá Toán Lý Hóa, rồi đặc biệt thích Ngoại ngữ. Năm 1993, năm đầu tiên thi đại học có khối D nên rất nhiều bạn con chọn thi khối này. Nghe nói, thầy rất buồn vì giỏi Văn như Lưu Minh Phương, Nguyễn Thị Hà A, Phạm Thu Hà.. mà không ai theo tiếp nghề Văn để sau này tiếp nối truyền thống dạy học của Thầy, truyền đạt tình yêu văn học lại cho đàn em. Cả lớp chỉ có con và Hoa Lư theo nghiệp này. Với Hoa Lư thì con chưa rõ, nhưng với con, có lẽ cái sự định hướng ấy đã được bắt đầu từ một kỉ niệm. Bây giờ chúng con đưa học sinh đi trải nghiệm với một kế hoạch đầy đặn. Còn ngày khó khăn thiếu thốn trăm bề ấy, con không biết các thầy bằng cách nào mà lùa được cả hai lớp Văn- Toán đi chùa Hương tận những hai ngày. Mà đi hết cả động Hương Sơn, Long Vân, Hinh Bồng… Mà còn tiếc là chưa kịp đi Tuyết Sơn vì không đủ thời gian. Mà không hề có phụ huynh tham gia quản lí. Mà không hề có đóng góp kinh phí… Tối ngủ nhà bạn Oánh lớp Toán và các nhà dân dưới chân núi…Nếu không có các thầy có lẽ còn rất lâu sau đó chúng con mới biết đến Nam thiên đệ nhất động dù khoảng cách chỉ chưa đến trăm cây số. Và chiều xuân ấy, khi đi dưới thung lũng mơ từ đỉnh Hinh Bồng trở về, thầy say sưa nói với con về bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính, rồi thủ thỉ tâm sự chuyện vào đại học…Thầy bảo con nên đi Sư phạm, hợp với đứa sống nội tâm, hiền lành, trầm tính như con…Thế là khi có kết quả thi HSG toàn quốc, có giải quốc gia, được vào thẳng Sư phạm (thời đó, thi HSG chỉ chú trọng cộng điểm xếp đồng đội, giải cá nhân rất hiếm chứ không lấy theo % trên tỉ lệ dự thi như sau này), con đã vào thẳng khoa Văn đại học Sư phạm Hà Nội. Âu cũng là nghiệp chọn người nhưng rõ ràng có định hướng của một người cha. Và hơn một lần con cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận đã cho con được trưởng thành trong nghề từ mái trường này với sự dìu dắt vừa của người thầy, người cha, vừa là nhà quản lí tâm huyết, tài hoa. Cái hạnh phúc đó trong cuộc đời có phải ai cũng may mắn mà có được.

 Hôm nay, khi ngôi trường Lê Hồng Phong của chúng ta đang hạnh phúc kể câu chuyện trăm năm bền gan cùng tuế nguyệt mà vẫn trẻ trung, sung sức tuổi thanh xuân với những thành tích dạy giỏi, học giỏi, hội nhập và phát triển…chúng con lại càng biết ơn và da diết nỗi nhớ các thầy, những người đã dành trọn sức lực và tâm huyết nâng bước con đi…Niềm vui hoan hỉ của ngày hội ngộ đôi khi vẫn thoáng chút buồn hay đôi mắt rưng rưng ngấn lệ khi nhắc tới những người thầy nay đã thành xa ngái…Song “thác là thể phách…”, dấu ấn các thầy để lại vẫn sâu đậm trong các thế hệ khi chúng con dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, luôn sẵn niềm tự hào tuổi hoa niên được lớn lên từ mái trường này, để nhắc mình phải sống cho tốt, là một người bình thường tử tế… Như các thầy đã dạy chúng con …
NGUT Phạm Thị Thanh Tâm
CHS Khóa 1980-1983
Hiện là Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định