Trang chủ ›
Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh ›
Thầy Đỗ Thanh Dương - Nhà giáo tâm huyết, hiền từ; nhà nghiên cứu sâu sắc.
Thầy Đỗ Thanh Dương - Nhà giáo tâm huyết, hiền từ; nhà nghiên cứu sâu sắc.
11/08/2022
Thầy Đỗ Thanh Dương - Nhà giáo tâm huyết, hiền từ; nhà nghiên cứu sâu sắc.
Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Nguyên Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định.
Nguyên Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định.
Khi còn là đứa học trò cấp 3 trường quê, tôi đã nghe kể về nhà giáo Đỗ Thanh Dương. Lúc đi dạy học, tôi được nghe nhiều hơn. Nhưng mãi đến năm 1994 tôi mới gặp ông, một cách ngẫu nhiên tại Hội đồng chấm thi tốt nghiệp phổ thông đặt tại trường cấp 3 Kim Bảng A ở thị trấn Quế tỉnh Nam Hà. Khi ấy tôi là giám khảo, còn ông là thanh tra. Ngồi đối diện với ông trong phòng Hội đồng, tôi lặng lẽ quan sát ông, một ông giáo gày gò, tóc lốm đốm bạc, đeo kính cận hơn 10 diop. Ánh sáng vàng của mấy bóng điện dây tóc khiến cặp kính lấp lóa, không nhìn thấy mắt ông đâu. Cả kỳ chấm thi, tôi không làm quen với ông. Để tránh tiếng “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Sau đó vài năm, tôi về dạy văn ở trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và trở thành quân của ông. Ông là tổ trưởng, tôi là tổ viên. Thấy tôi thường xuyên có bài in trên các báo và tạp chí, ông động viên tôi tham gia Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định. Tôi ngần ngừ mãi, vì bận bịu với công việc ở trường. Mặc kệ tôi nghĩ gì, lại biết tôi có tính cả nể nên ông cứ nhiệt tình khuyến khích, cuối cùng ông “cưa đổ” tôi. Tôi làm hồ sơ xin gia nhập Hội. Ông và nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thành giới thiệu, nhà nghiên cứu Hoàng Dương Chương, Trưởng bộ môn Nghiên cứu – Phê bình nhận hồ sơ, thời gian sau tôi được kết nạp. Mới đấy mà đã bao nhiêu năm trôi qua, để bây giờ, ông tám mươi, còn tôi cũng ngoại lục tuần, tôi và ông vẫn là tri kỷ, là bạn văn chương. Ông là người tôi rất mực tin yêu, kính trọng.
Nhà giáo Đỗ Thanh Dương suốt đời sống bằng nghề dạy học và đã có những năm tháng làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi chuyển công tác về Hà Nam Ninh, Ty Giáo Dục dự kiến cử ông làm Phó Hiệu trưởng một trường cấp 3 ở huyện, ông không nhận mà chỉ xin được dạy ở thành phố Nam Định. Ông được điều về trường cấp 3 Trần Hưng Đạo tám năm thì sang trường Lê Hồng Phong, nơi mấy chục năm trước ông là học sinh. Tại đây, ông vừa dạy học trò chuyên văn, vừa tự học văn cho mình. Vốn có năng khiếu, lại chịu khó tìm tòi, học hỏi nên kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, ông đỗ với nhiều điểm 9 và 10, nhưng không theo học được. Vì thu nhập của một giáo chức như ông hồi chưa đổi mới chỉ đủ nuôi con một cách tằn tiện. Ông không thỏa nguyện trở thành tiến sỹ, nhưng có nhiều thỏa nguyện khác. Học trò của ông khá đông, hầu hết là thành đạt và đặc biệt yêu quý thầy, một ông thầy uyên bác về kiến thức lại rất hiền từ. Hiền từ đến mức, bọn học trò quỷ sứ nhiều khi “bắt nạt” thầy cận nặng không nhìn thấy, nên ăn quà vụng dưới gầm bàn rồi chí chóe, ông hỏi sao ồn ào, chúng thưa đang thảo luận bài, biết chúng nói dối nhưng ông chỉ mỉm cười khoan dung. Những học trò ấy, bây giờ nhiều người đã thành Phó giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà quản lý… nhưng vẫn thường xuyên về thăm ông. Lần nào về cũng mời ông đi liên hoan bằng được để chụp ảnh, để khoe thầy với bạn bè và để tỏ lòng kính trọng của những người có danh vọng, có tiếng nói trong xã hội với một người thầy mà theo họ là kỳ lạ và hiếm gặp trên đời. Vừa qua, trường Lê Hồng Phong kỷ niệm một trăm năm thành lập, học trò kéo đến nhà ông rất đông, toàn đấng bậc cả. Họ tặng ông những lẵng hoa rất đẹp cùng những lời tri ân làm ông xúc động. Lễ nghi giao đãi trang trọng chỉ được mấy phút rồi chuyển sang ồn ào, vì học trò tranh nhau ngồi bên thầy để chụp ảnh, để quay video đưa lên facebook.
Nhà giáo Đỗ Thanh Dương tận tâm làm nghề. Ông lụi cụi đọc, lụi cụi ghi chép và luôn tìm tòi hướng mới để giải mã tác phẩm văn chương cũng như cách thức truyền thụ kiến thức để gây hứng thú học tập cho học sinh. Cách đây mấy chục năm, cassette Nhật nhập khẩu là một loại tài sản có giá trị, là ước mơ của nhiều gia đình, vậy mà ông đã “tay chơi” dám mang đến trường, biến nó thành đồ dùng dạy học cho học sinh. Ông sưu tầm những cuốn băng ghi âm giọng ngâm thơ của hai Nghệ sỹ nhân dân Trần Thị Tuyết, Châu Loan về các bài thơ của Tố Hữu, Vũ Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Tế Hanh… giọng ca trù trứ danh của Quách Thị Hồ về các bài hát nói…được học trong nhà trường để mở cho học sinh nghe. Trước khi vào học tác phẩm, ông mở cassette để cả lớp thưởng thức cái đẹp văn chương qua giọng ngâm của nghệ sỹ. Học trò hào hứng lắm, và cả ngạc nhiên nữa. Ông bảo, học sinh chuyên văn có được nghe cassette mấy khi đâu nên phải làm thế để các em có hứng thú học tập. Đến khi có máy tính và internet, chiếc cassette không cần đến nữa, ông đã tặng nhà trường để trưng bày trong phòng truyền thống. Có năm vào sáng mùng ba tết, tôi đến chúc ông, thấy ông tiếp khách mà cứ bồn chồn, tôi ướm hỏi. Ông bảo từ hôm nghỉ tết đến nay phải soạn cái đề văn để sau tết cho học sinh làm, kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia sát nút rồi. Ôi trời đất! Quên ăn vì học trò thì ở trường Lê Hồng Phong có nhiều người, nhưng quên tết vì học trò thì có lẽ chỉ mình ông thôi.
Là Tổ trưởng chuyên môn, ông rất hay “bày vẽ” để chúng tôi phải làm. Năm nào cũng hội thảo khoa học, tháng nào cũng có sinh hoạt chuyên đề và thỉnh thoảng ông lại yêu cầu cả tổ ra một cuốn sách, hoặc kỷ yếu khoa học. Ông giải thích, muốn dạy giỏi thì không chỉ nói giỏi mà còn phải viết giỏi. Phải viết giỏi thì mới dạy giỏi được. Vậy là chúng tôi phải viết. Viết càng nhiều càng tốt, viết dài mấy ông cũng cho đăng hết. Tốn khá nhiều tiền in ấn, lại nhọc nữa, nhưng ông cứ yêu cầu như thế. Và cứ như thế chúng tôi phải làm.
Ông thích “xê dịch” nên chưa lần nào bỏ những chuyến tham quan du lịch do trường Lê Hồng Phong tổ chức. Có năm đi đến hai lần, có lần đi đến nửa tháng vậy mà lần nào ông cũng miệt mài đi và đi đầy hứng thú. Tính ông thế nên với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, ông đã tổ chức nhiều chuyến dã ngoại cho học sinh chuyên văn và giáo viên trong tổ bộ môn về quê hương Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Nguyễn Bính…
Biết tính ông nhiệt tình, ít khi từ chối việc gì mà ông làm được, nên tôi đã “lợi dụng” ông nhiều lần. Ông, nhà gần trường, thuộc “típ” người dễ mời, lại nói chuyện vừa từ tốn, vừa sâu sắc, nên cứ khi nào “có chuyện”với báo chí mà nhà trường giao cho tôi là tôi nghĩ đến ông. Chính vì thế, hình ảnh ông xuất hiện nhiều ở hầu hết các sự kiện lớn của trường Lê Hồng Phong trên các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương. Mặc dù vậy, chưa bao giờ có ý kiến như: trường còn nhiều thầy cô giáo tài giỏi, đức độ như thầy Đỗ Thanh Dương nhưng sao ít thấy báo chí nhắc tới. Bởi tôi biết chắc chắn, mời ông thế chứ mời nhiều nữa cũng không ai thắc mắc, vì ông không chỉ xứng đáng, mà còn rất vô tư, trong sáng, tất cả vì cái chung, vì sự nghiệp của nhà trường.
Trong cuốn kỷ yếu “Ngôi trường trăm tuổi điểm tựa và khát vọng” của trường Lê Hồng Phong vừa được phát hành tháng 11 năm 2020, tôi thấy ông viết một bài dài khái quát về lịch sử trường Lê Hồng Phong từ các trường tiền thân đến nay. Bài viết có nhiều sự kiện với rất nhiều tên tuổi đã đóng đinh vào lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Đây là bài khó viết, vậy mà ông đã viết, viết trong thời gian ông bị ốm, phải thuốc thang liên miên kể cả phải nhập viện, chân tay run rẩy, cầm bút không chặt. Chẳng cần hỏi vì sao ông nhận viết bài này trong tình trạng sức khỏe như vậy tôi cũng biết lý do. Vì với ông, cứ nói và viết về trường Lê Hồng Phong là ông như người bị “thần nhập.” Ông không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để ca ngợi trường Lê Hồng Phong, để bồi đắp bề dày lịch sử và truyền thống của nhà trường. Và điều quan trọng nữa, đội ngũ lãnh đạo trường Lê Hồng Phong hiện nay phần lớn là học trò của ông, họ muốn dành cho ông vị trí thật xứng đáng trong lịch sử hào hùng của nhà trường nên đã mời ông viết bài đinh của cuốn kỷ yếu trăm năm có một này.
Cách đây đã lâu, khi viếng mộ Lê Hồng Phong ở Côn Đảo, ông mang về một viên đá nhỏ dùng xây mộ còn sót lại rồi đưa cho tôi với lời dặn: “Chú đưa vào, để bên tượng Lê Hồng Phong trong phòng truyền thống. Đây là viên đá thiêng, mình đã khấn cụ rồi”. Có thể nói, trong trái tim nhà giáo Đỗ Thanh Dương, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một phần rất quan trọng của cuộc đời ông, một phần không thể thiếu.
Nghề dạy học, đặc biệt là những năm tháng dạy ở trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã mang lại cho ông hạnh phúc. Ông có nhà cửa khang trang, các con được học hành đến nơi đến chốn và khá thành đạt. Năm 1985 ông được tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Năm 1990, ông được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Năm 1994, ông được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 1998, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1999, ông được tặng Huy chương vì thế hệ trẻ. Năm 2000, ông đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới đất nước.
Nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Dương gia nhập Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định năm 1990 và sinh hoạt ở bộ môn Nghiên cứu - Phê bình. Trước khi về dạy tại trường Lê Hồng Phong, tôi đã đọc những bài viết của ông đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, cũng như trong những cuốn sách công cụ về giảng dạy văn học trong nhà trường. Nhưng phải đến khi về trường Lê Hồng Phong tôi mới đọc ông đều đặn hơn và hiểu ra, văn Đỗ Thanh Dương là con người Đỗ Thanh Dương, tính cách Đỗ Thanh Dương: Thanh thản, khoan thai nhưng đầy ắp kiến thức đông tây kim cổ. Hành văn của Đỗ Thanh Dương có tiết tấu chậm, vừa chỉn chu xưa cũ, vừa mẫu mực, trong sáng và đặc biệt là rất sâu sắc. Cái sâu sắc ấy không chỉ đọc một lần đã thấy mà phải đọc đi, đọc lại, phải suy ngẫm, phải lâu dần thấm sâu.
Đỗ Thanh Dương có nhiều bài in báo và tạp chí, nếu tập hợp lại cũng được quyển sách vài ba trăm trang, ông cũng là đồng tác giả nhiều cuốn sách khác, nhưng đến nay mới chỉ in riêng bốn cuốn là: “Tri âm thơ”, “Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hóa lỗi lạc”, “Thơ Trần Nhân Tông - Thưởng thức, cảm thụ”, “Nguồn sáng từ thơ Bác”.
Cuốn “Tri âm thơ” - Hội VHNT Nam Định ấn hành năm 1998, dày 238 trang, khổ 13x19 cm, là sổ tay văn học, tiện dụng cho những người yêu thơ, đặc biệt là học sinh trung học phổ thông. Cuốn sách có hai phần. Phần một tập hợp bốn mươi danh ngôn, thuật ngữ về thơ và kinh nghiệm sáng tạo thơ. Phần hai tuyển chọn bẩy mươi sáu bài thơ từ văn học trung đại đến văn học hiện đại và thơ nước ngoài (thơ Đường, thơ Nhật Bản, thơ Nga, thơ Pháp, thơ Hy Lạp, thơ Ấn Độ.) Ở mỗi bài đều có giới thiệu sơ lược về tác giả, sau đó là lời bình rất ngắn gọn về tác phẩm. Có cảm giác ông coi mỗi bài thơ là một bàn tiệc thịnh soạn, nhưng chỉ nếm qua món đặc sắc nhất rồi trình bày ngắn gọn cảm nhận về món đó, hoặc mượn lời một nhà văn lão luyện nào đó nói thay cho mình. Ví như bài thơ “Sông Lấp” của Trần Tế Xương ông mượn lời nhà văn Nguyễn Tuân nói về tiếng gọi đò: “Cái tiếng gọi đò u hoài trong thơ ‘Sông Lấp’ của Tú Xương còn là cái tiếng gọi đàn của cả một giai đoạn sử ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đất nước, quê hương lộp cộp móng lừa Tây, vó ngựa lai, giầy đinh sắng đá và đì đoành ca nông chấm câu cho những vần thơ yêu nước…”. Ở bài “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân ông chỉ bình vỏn vẹn có mười hai dòng với hai đoạn. Và đây là đoạn cuối: “Bài thơ dựng lên tượng đài người anh hùng trong tư thế lẫm liệt, lấp lánh bẩy sắc cầu vồng. Song không chỉ có thế! Bài thơ là dự cảm về tương lai tốt đẹp nhất định đến với nhân dân ta. Tôi yêu hai câu thơ đầy ý nghĩa tiên tri, và khát khao nó chóng thành sự thật:
“Từ dáng đứng của Anh trên đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Cuốn “Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hóa lỗi lạc” dày 164 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, do NXB Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2003. Cuốn sách có hai phần. Phần một là chuyên luận nghiên cứu về Trần Nhân Tông ở ba khía cạnh: nhà chính trị, nhà thơ, nhà tu hành đắc đạo. Phần hai Phụ lục, tuyển chọn những bài thơ của Trần Nhân Tông được ông dịch ra thơ lục bát cùng một số bản dịch hay của các dịch giả khác.
“Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hóa lỗi lạc” là thành công lớn trong nghiên cứu nhân vật lịch sử - văn hóa của Đỗ Thanh Dương. Qua từng trang viết, với cách luận giải vừa sâu sắc, vừa nhẹ nhàng nhưng đậm chất học thuật, người đọc thấy hiện lên hình ảnh vua Trần Nhân Tông: trong chiến đấu chống quân xuân lược Nguyên Mông, bảo vệ vẹn toàn xã tắc, giang sơn, là anh hùng; trong việc chăm dân, dựng xây đất nước và củng cố vương triều, là vua sáng; với thơ ca là thi sỹ tài danh để lại cho đời nhiều áng thi ca bất hủ; với niềm tin tôn giáo, là bậc Giác hoàng Điều ngự, sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, mình mặc áo gai, chân đi hài cỏ bôn ba khắp thế gian để giáo hóa chúng sinh với quan điểm “Cư trần lạc đạo” và lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bất diệt.
Đánh giá về cuốn sách này, Phó giáo sư Bùi Duy Tân viết:
“Sách có tên hay, cập nhật, kết cấu chương mục chặt chẽ. Trang chữ của các chương mục cũng vừa phải, tương xứng với nội dung.
Sách được viết với một quan điểm đúng đắn về cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân văn hóa lớn, một trong ba vua mà có lần các học giả muốn giới thiệu với UNESCO (Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Tự Đức). Sách có tính chất một công trình biên soạn, nghiên cứu nghiêm túc, với thao tác và luận giải, phân tích riêng, làm cho những kiến giải được minh chứng đạt tới độ thuyết phục độc giả.
Hành văn của sách linh hoạt, xuôi thuận, không quá văn vẻ, cầu kỳ hoặc thô tháp vụng về. Văn viết, ngay cả các phần nội dung triết học Phật giáo, vẫn bình dị, dễ đọc, hàm chứa tố chất văn hóa của soạn giả”.
Cuốn “Thơ Trần Nhân tông - Thưởng thức, cảm thụ”, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2006, dày 280 trang, khổ 14,3 x 20,3 cm. Sách có ba phần. Phần thứ nhất “ Mấy vấn đề thi pháp”, phần thứ hai “Những vẻ đẹp thơ”, phần ba “Phụ lục.”
Ở phần thứ nhất ông vận dụng những thành tựu mới của khoa thi pháp học để giải mã các trước tác của Trần Nhân Tông, từ đó phát hiện, đúng hơn là đánh giá rất thuyết phục về cuộc đời Trần Nhân Tông, thơ văn Trần Nhân Tông:
- “Trần Nhân Tông hai lần vĩ đại, bởi không phải đặt ra sự lựa chọn giữa hai tư cách lớn: nhà thơ hay người anh hùng, mà Người chính là người anh hùng thời đại để ngàn đời nhân dân chiêm ngưỡng, ca ngợi, đồng thời là nhà thơ để tự biểu hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của Một Con Người – hơn cả người anh hùng”.
- “Trong khi các lý luận gia Trung Hoa trước Trần Nhân Tông thu hẹp phạm vi thơ trong mệnh đề “ thi ngôn chí”… thì với Trần Nhân Tông, thơ là tiếng lòng, thơ là cuộc sống, thơ bao trùm vũ trụ, nhân gian”.
- “Tư tưởng ‘ái dân’ của Nho giáo thời Trần và cái nhìn ‘hòa quang đồng trần’ của Thiền Tông đã khiến Trần Nhân Tông hòa nhập vào cõi nhân thế và đưa vào trong thơ mình những ‘lê dân’, ‘chúng sinh’- tuy ít ỏi nhưng mà thật đáng quý” .
- “Trần Nhân Tông cũng nói đến tam thiên thế giới, đến ma cung, Phật quốc… Nhưng thật kỳ lạ, ngay cả những nơi vắng vẻ nhất cũng không phải là không gian hoang vắng đem lại cảm giác lo âu, sợ hãi, bồn chồn như trong thơ lãng mạn Anh, hay cảm giác cô đơn, choáng ngợp trong thơ Đường. Trái lại, đến với không gian vũ trụ mênh mông, không gian vô thường theo quan niệm Phật trong thơ Trần Nhân Tông ta thấy nồng ấm tình thương bao la”.
- “Sự cảm thụ thời gian của Trần Nhân Tông gắn với quan niệm “Tổ quốc luận” (Tổ quốc, dân tộc là trên hết) của một vì vua thân dân, một giáo chủ vì dân (tu hành là đi tìm một chân lý để thống nhất dân tộc, để giải thoát chúng sinh) nên ít màu sắc hư vô, mà ấm áp những buồn vui của cuộc đời”.
Ở phần thứ hai, qua 5 bài bình, Đỗ Thanh Dương đã cho người đọc thấy vẻ đẹp của thơ Trần Nhân Tông trên các nguồn cảm hứng: Yêu nước - anh hùng; nhân sinh thế sự; thiên nhiên; Phật giáo.
Sau đây là một đoạn trong bài thứ 5 “Vẻ đẹp riêng của những áng thơ Thiền” bàn về hai câu thực của thi phẩm “Đăng Bảo Đài sơn”:
“Hai câu thực là toàn cảnh Bảo Đài sơn, một mỹ cảnh:
“Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hóa lỗi lạc” là thành công lớn trong nghiên cứu nhân vật lịch sử - văn hóa của Đỗ Thanh Dương. Qua từng trang viết, với cách luận giải vừa sâu sắc, vừa nhẹ nhàng nhưng đậm chất học thuật, người đọc thấy hiện lên hình ảnh vua Trần Nhân Tông: trong chiến đấu chống quân xuân lược Nguyên Mông, bảo vệ vẹn toàn xã tắc, giang sơn, là anh hùng; trong việc chăm dân, dựng xây đất nước và củng cố vương triều, là vua sáng; với thơ ca là thi sỹ tài danh để lại cho đời nhiều áng thi ca bất hủ; với niềm tin tôn giáo, là bậc Giác hoàng Điều ngự, sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, mình mặc áo gai, chân đi hài cỏ bôn ba khắp thế gian để giáo hóa chúng sinh với quan điểm “Cư trần lạc đạo” và lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bất diệt.
Đánh giá về cuốn sách này, Phó giáo sư Bùi Duy Tân viết:
“Sách có tên hay, cập nhật, kết cấu chương mục chặt chẽ. Trang chữ của các chương mục cũng vừa phải, tương xứng với nội dung.
Sách được viết với một quan điểm đúng đắn về cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân văn hóa lớn, một trong ba vua mà có lần các học giả muốn giới thiệu với UNESCO (Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Tự Đức). Sách có tính chất một công trình biên soạn, nghiên cứu nghiêm túc, với thao tác và luận giải, phân tích riêng, làm cho những kiến giải được minh chứng đạt tới độ thuyết phục độc giả.
Hành văn của sách linh hoạt, xuôi thuận, không quá văn vẻ, cầu kỳ hoặc thô tháp vụng về. Văn viết, ngay cả các phần nội dung triết học Phật giáo, vẫn bình dị, dễ đọc, hàm chứa tố chất văn hóa của soạn giả”.
Cuốn “Thơ Trần Nhân tông - Thưởng thức, cảm thụ”, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2006, dày 280 trang, khổ 14,3 x 20,3 cm. Sách có ba phần. Phần thứ nhất “ Mấy vấn đề thi pháp”, phần thứ hai “Những vẻ đẹp thơ”, phần ba “Phụ lục.”
Ở phần thứ nhất ông vận dụng những thành tựu mới của khoa thi pháp học để giải mã các trước tác của Trần Nhân Tông, từ đó phát hiện, đúng hơn là đánh giá rất thuyết phục về cuộc đời Trần Nhân Tông, thơ văn Trần Nhân Tông:
- “Trần Nhân Tông hai lần vĩ đại, bởi không phải đặt ra sự lựa chọn giữa hai tư cách lớn: nhà thơ hay người anh hùng, mà Người chính là người anh hùng thời đại để ngàn đời nhân dân chiêm ngưỡng, ca ngợi, đồng thời là nhà thơ để tự biểu hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của Một Con Người – hơn cả người anh hùng”.
- “Trong khi các lý luận gia Trung Hoa trước Trần Nhân Tông thu hẹp phạm vi thơ trong mệnh đề “ thi ngôn chí”… thì với Trần Nhân Tông, thơ là tiếng lòng, thơ là cuộc sống, thơ bao trùm vũ trụ, nhân gian”.
- “Tư tưởng ‘ái dân’ của Nho giáo thời Trần và cái nhìn ‘hòa quang đồng trần’ của Thiền Tông đã khiến Trần Nhân Tông hòa nhập vào cõi nhân thế và đưa vào trong thơ mình những ‘lê dân’, ‘chúng sinh’- tuy ít ỏi nhưng mà thật đáng quý” .
- “Trần Nhân Tông cũng nói đến tam thiên thế giới, đến ma cung, Phật quốc… Nhưng thật kỳ lạ, ngay cả những nơi vắng vẻ nhất cũng không phải là không gian hoang vắng đem lại cảm giác lo âu, sợ hãi, bồn chồn như trong thơ lãng mạn Anh, hay cảm giác cô đơn, choáng ngợp trong thơ Đường. Trái lại, đến với không gian vũ trụ mênh mông, không gian vô thường theo quan niệm Phật trong thơ Trần Nhân Tông ta thấy nồng ấm tình thương bao la”.
- “Sự cảm thụ thời gian của Trần Nhân Tông gắn với quan niệm “Tổ quốc luận” (Tổ quốc, dân tộc là trên hết) của một vì vua thân dân, một giáo chủ vì dân (tu hành là đi tìm một chân lý để thống nhất dân tộc, để giải thoát chúng sinh) nên ít màu sắc hư vô, mà ấm áp những buồn vui của cuộc đời”.
Ở phần thứ hai, qua 5 bài bình, Đỗ Thanh Dương đã cho người đọc thấy vẻ đẹp của thơ Trần Nhân Tông trên các nguồn cảm hứng: Yêu nước - anh hùng; nhân sinh thế sự; thiên nhiên; Phật giáo.
Sau đây là một đoạn trong bài thứ 5 “Vẻ đẹp riêng của những áng thơ Thiền” bàn về hai câu thực của thi phẩm “Đăng Bảo Đài sơn”:
“Hai câu thực là toàn cảnh Bảo Đài sơn, một mỹ cảnh:
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
(Gần xa mây núi đua chen
Đường hoa bóng rợp nắng nhen dật dờ)
Hoa kính bán tình âm
(Gần xa mây núi đua chen
Đường hoa bóng rợp nắng nhen dật dờ)
Cũng là mây núi, nhưng mây núi như có hồn, núi phủ mây, mây ôm núi, ngọn xa chen ngọn gần. Cũng là đường mòn trên núi, nhưng đây là con đường thêu hoa, những bông hoa của núi rừng đua nở, trải ra trong nắng chiều lúc râm, lúc sáng, như có, như không. Chữ “tương” khiến bức tranh có hồn, chữ “ bán” khiến bức tranh hư ảo (Bán vô, bán hữu). Chỉ mười chữ mà Trần Nhân Tông làm hiện lên trước mắt ta mây, núi, hoa, nắng Bảo Đài sơn vừa tươi sáng, sinh động, vừa thấm đượm vị Thiền sắc sắc không không. Hai câu thơ vừa hiện thực, vừa mênh mang. Có thể xem là những câu thơ hay vào bậc nhất của thơ ca trung đại Việt Nam”
Phần thứ ba tập hợp 35 bài dịch thơ của Đỗ Thanh Dương, một số bài có in thêm bản dịch của dịch giả khác. Đối chiếu nguyên tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông với bản dịch, ta thấy Đỗ Thanh Dương làm khá tốt công việc này. Dịch thơ Trần Nhân Tông là rất khó, đặc biệt thơ Thiền, nhưng ở hầu hết các bản dịch, ông vẫn bảo toàn được tinh thần cốt lõi của nguyên tác, trong khi chuyển ngữ một cách khéo léo và hiện đại, khiến độc giả hôm nay dễ dàng tiếp nhận cách cảm, cách nghĩ của Trần Nhân Tông cách nay đã ngót tám trăm năm. Đơn cử bài “ Xuân vãn”:
Phần thứ ba tập hợp 35 bài dịch thơ của Đỗ Thanh Dương, một số bài có in thêm bản dịch của dịch giả khác. Đối chiếu nguyên tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông với bản dịch, ta thấy Đỗ Thanh Dương làm khá tốt công việc này. Dịch thơ Trần Nhân Tông là rất khó, đặc biệt thơ Thiền, nhưng ở hầu hết các bản dịch, ông vẫn bảo toàn được tinh thần cốt lõi của nguyên tác, trong khi chuyển ngữ một cách khéo léo và hiện đại, khiến độc giả hôm nay dễ dàng tiếp nhận cách cảm, cách nghĩ của Trần Nhân Tông cách nay đã ngót tám trăm năm. Đơn cử bài “ Xuân vãn”:
“Xuân Vãn”
Phiên âm:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất tâm xuân tại bách hoa trung.
Như kim kham phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch thơ:
“ Tuổi thơ nào hiểu ‘sắc không,’
Xuân sang nghe rộn trong lòng trăm hoa.
Chúa xuân nay đã biết mà,
Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng”
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất tâm xuân tại bách hoa trung.
Như kim kham phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch thơ:
“ Tuổi thơ nào hiểu ‘sắc không,’
Xuân sang nghe rộn trong lòng trăm hoa.
Chúa xuân nay đã biết mà,
Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng”
Với hai tác phẩm có giá trị viết về Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đỗ Thanh Dương đã được nhận hai giải thưởng Lương Thế Vinh về Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định: giải A (năm 2000 - 2005), giải B (năm 2005-2010).
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Dương bước sang tuổi tám hai, nhưng vẫn minh mẫn và rất lạc quan, lúc nào cũng nhiệt tình với học trò, với bạn văn và với mọi người. Xin được thành kính chúc ông tự tại, an nhiên “Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng” ./.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Dương bước sang tuổi tám hai, nhưng vẫn minh mẫn và rất lạc quan, lúc nào cũng nhiệt tình với học trò, với bạn văn và với mọi người. Xin được thành kính chúc ông tự tại, an nhiên “Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng” ./.
Tin liên quan
- Chờ đón những trận đấu quyết định ngôi vương tại Sân vận động Thiên trường ngày 14/12/2024
- Giao lưu bóng đá nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024)
- Kết nối yêu thương – Sự chung tay từ mạnh thường quân và cựu học sinh chuyên Lê Hồng Phong
- Chàng trai đạt 9.0 IELTS sau 6 năm ôn luyện
- Nhớ về một thời