Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Tọa đàm giáo dục số 2 “NGÔI TRƯỜNG TRĂM TUỔI – PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, TỰ TIN HỘI NHẬP”

Tọa đàm giáo dục số 2 “NGÔI TRƯỜNG TRĂM TUỔI – PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, TỰ TIN HỘI NHẬP”

25/08/2020

Trong không khí rộn ràng của những ngày thu lịch sử và cảm xúc xao xuyến trước mùa tựu trường, 8h00 ngày 24/8/2020, Tọa đàm giáo dục số thứ hai mang tên “NGÔI TRƯỜNG TRĂM TUỔI – PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, TỰ TIN HỘI NHẬP” đã được tổ chức trang trọng với hình thức trực tuyến và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp thêm niềm vui lớn trong ngày trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định vừa tròn 100 năm tuổi.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả là các Nhà giáo, các Cựu học sinh xuất sắc, thành danh đã và đang gắn bó với mái trường Lê Hồng Phong. Đó là GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền - giảng viên cao cấp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Thành phố Hồ Chí Minh (CHS khóa 1976-1979); Th.S Luật, Nhà báo Bùi Thị Bạch Hải - Phó Giám đốc NXB Thanh Niên (CHS khóa 1984-1987); Nhà giáo Đào Đình Hải, cựu giáo viên chuyên Toán trường Lê Hồng Phong, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định; PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, Giảng viên cao cấp trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD&ĐT, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư cấp nhà nước (CHS khóa 1970-1973); TS. Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng tổ Sinh học trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (CHS 1994-1997); Kĩ sư Công nghệ thông tin Trần Việt Hải, Giám đốc BKAV Electronics, thành viên sáng lập Bluezone (CHS khóa 2001-2004); Hoàng Thanh Tùng (CHS khóa 2015 – 2018), từng đoạt Huy chương Bạc môn Hóa học Quốc tế  năm 2018 hiện đang là du học sinh Singapore.
 

Ban Giám hiệu nhà trường cùng các diễn giả tham dự Tọa đàm

 
Do tác động của đại dịch Covid 19, từ không gian ấm cúng trong hội trường của buổi Tọa đàm số 1 đã được linh hoạt mở rộng sang không gian mới kết hợp đối thoại trực tiếp với các diễn giả tại khán phòng của Đài Phát thành và Truyền hình Nam Định (NTV) và kết nối trực tuyến trên băng thông rộng của phần mềm Zoom với các điểm cầu: Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định; trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong; đại diện các thầy cô, cựu giáo chức, từ các diễn giả ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam… không có điều kiện trở về để tham gia trực tiếp buổi tọa đàm.
Các diễn giả tham gia Tọa đàm tại Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định



Các điểm cầu tham gia Tọa đàm qua Zoom
 
Khai mạc buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu và nhấn mạnh về các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và chuỗi Tọa đàm giáo dục là một sự kiện mà nhà trường kì vọng sẽ tạo nên các giá trị mang thương hiệu Lê Hồng Phong, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ giáo viên, học sinh đã và đang công tác tại trường. Thành công của Tọa đàm số 1 đã xác định các giá trị, vị trí hiện tại của Lê Hồng Phong trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nối tiếp tinh thần đó, Tọa đàm số 2 hướng đến định vị vai trò của nhà trường trong việc phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh, xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để sẵn sàng hội nhập và vươn tầm. Người đứng đầu nhà trường cũng gửi gắm bao kỳ vọng, mong muốn từ buổi tọa đàm các nhà giáo sẽ giải quyết sâu sắc hơn về sứ mệnh của mình trong nghề, phát huy tinh thần, trí tuệ, nhân văn, trách nhiệm, tự tôn và sáng tạo trong công việc; và với các em học sinh sẽ yên tâm, tự tin học tập, rèn luyện phát triển toàn diện trong môi trường Lê Hồng Phong hiện đại năng động có bề dày truyền thống. Tâm huyết của một nhà giáo, trăn trở của người đi đầu trong sự nghiệp giáo dục của nhà trường đã mở ra không khí chia sẻ, kết nối và lan tỏa cho buổi Tọa đàm.


TS Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Tọa đàm

 
Trăn trở của TS. Phạm Thị Huệ cũng chính là những tâm tư của giáo viên Lê Hồng Phong trong hành trình chuyển mình để phát triển, tự tin hội nhập được cô đọng qua phóng sự ngắn mang tên “Những chặng đường kiến tạo”. Những câu hỏi được đặt ra từ clip đã đánh thức trách nhiệm và nghĩ suy của mỗi thành viên trong đại gia đình Lê Hồng Phong, cũng thức gọi những giải đáp tâm huyết từ các diễn giả tham gia Tọa đàm để góp phần định hướng cho sự phát triển ngôi trường có bề dày lịch sử tự tin hội nhập.

Hình chụp clip phóng sự Tọa đàm
 
Không khí Tọa đàm trở nên hào hứng hơn bởi sự dẫn dắt của Th.S Luật, Nhà báo Bùi Thị Bạch Hải, các diễn giả đã chia sẻ quan niệm của mình về “giáo dục toàn diện”, “hội nhập” trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hôm nay. Định hình minh xác khái niệm là bước đi đầu tiên để giải mã những câu hỏi được đặt ra trong Tọa đàm. Nhà giáo Đào Đình Hải, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân có nhiều gặp gỡ khi chia sẻ quan niệm về phát triển toàn diện chính là quan tâm bồi dưỡng đồng thời và đồng bộ cả trí tuệ, thể chất, kỹ năng sống và động lực - khát khao khẳng định bản thân ở người học. PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị chỉ ra: giáo dục toàn diện khác với giáo dục phiến diện (chỉ tập trung từ một đến hai phương diện nào đó ở người học), phát triển toàn diện là đồng thời bồi dưỡng cả nhận thức - thẩm mỹ - kỹ năng sống cho học sinh. PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị khẳng định: nếu “hội nhập Quốc tế” ở bậc Đại học thể hiện rõ trong những dự án trao đổi chương trình đào tạo, sinh viên… thì ở trường Phổ thông lại bộc lộ ở sự ảnh hưởng, tiếp thu các kinh nghiệm quý của giáo dục Quốc tế trong thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá…Nhờ những chia sẻ này, vấn đề “Phát triển toàn diện - Tự tin hội nhập” của trường Lê Hồng Phong đã định hình sắc nét hơn.
“Phát triển toàn diện” song hành với mục tiêu “tự tin hội nhập” với đích đến là vị trí tiên phong trong thời kỳ công nghệ 4.0 cần một chiến lược như thế nào? Đây chính là nội dung phần trình bày của GS.TS Phan Thị Thu Hiền tiếp nối ý tưởng từ Tọa đàm số 1. Theo diễn giả Phan Thị Thu Hiền, 100 năm lịch sử trường gắn với bao thay đổi thời đại trong đó có xu hướng toàn cầu hóa. Cuộc cách mạng 4.0 đã đặt ra mục tiêu mới cho giáo dục theo hướng chú ý bồi dưỡng năng lực, kiến tạo công dân toàn cầu. Theo đó, muốn giáo dục toàn diện phải có công dân toàn cầu –“những người nhận thức và hiểu biết thế giới rộng lớn hơn và nơi chốn của họ trong thế giới ấy. Họ nắm giữ một vai trò tích cực trong cộng đồng của mình và cộng tác với những người khác để làm cho hành tinh của chúng ta bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn và vững bền hơn”(Oxfam 2020). Hòa nhập và làm cho thế giới tốt đẹp hơn ở quê hương mình cũng là hội nhập, làm chủ. Hội nhập không đồng nhất phương Tây hóa, đóng góp cho thế giới mái trường này ở Nam Định cũng chính là hội nhập. Mục tiêu của phát triển toàn diện, tự tin hội nhập là phát triển các năng lực kiến tạo nên công dân toàn cầu. Để có thể bồi dưỡng năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu cho học sinh, cần xây dựng môi trường giáo dục có tính toàn cầu –môi trường hợp tác và thử thách trí tuệ người học sinh- và nhất định mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng các phẩm chất năng lực, nâng mình trở thành những “giáo viên toàn cầu”. Chia sẻ của cô Phan Thị Thu Hiền cũng gợi mở hướng đi mới cho tổ chức nhà trường theo mô hình trường học giáo dục toàn cầu cần xây dựng được: những thực hành thể chế; chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm; phát triển chuyên môn; văn hóa nhà trường.


GS.TS Phan Thị Thu Hiền trao đổi tại Tọa đàm

 
Tiếp nối phần trình bày tâm huyết của diễn giả Phan Thị Thu Hiền, trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để có thể phát triển toàn diện, tự tin hội nhập?”, không khí trao đổi tại Tọa đàm lại được làm “nóng” lên với các ý kiến thảo luận từ diễn giả và các nhà giáo đã từng gắn bó với mái trường Lê Hồng Phong. Lời tâm sự của em Hoàng Thanh Tùng, CHS khóa 2015 – 2018, du học sinh Singapore về những điều mình mong muốn được rèn luyện nhiều hơn để tự tin hơn khi “hội nhập” trong môi trường giáo dục nước ngoài như: sự tự tin, sự nhuần nhuyễn các kỹ năng sống, các năng lực “mềm” khác đã chứng tỏ phát triển toàn diện là nhu cầu bức thiết của người học. PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị đã tâm huyết chia sẻ những giải pháp cụ thể như: xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn; nhà trường có cơ chế riêng trong tài chính và hoạt động; khai thác triệt để công nghệ thông tin phục vụ cho dạy và học; mạnh mẽ đổi mới phương pháp và học liệu giảng dạy; xác định và lựạ chọn thật rõ phương diện nào để tiên phong thực sự có giá trị; để vươn tầm vị thế tiên phong, câu chuyện không chỉ của riêng nhà trường mà cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, đồng hành của các các lãnh đạo nữa. Nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân đề xuất cần kết hợp hài hòa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội; cần tăng cường cơ hội trải nghiệm thực tế để học sinh bồi đắp những kỹ năng và xúc cảm thực sự về cuộc sống; du học chỉ là một góc độ hội nhập bởi xét ở góc độ sinh học- hội nhập là khả năng thích nghi với cuộc sống hiện tại, tương lai. Do vậy học sinh cần phát triển tri thức toàn diện. Nhà giáo Trần Bá Giao cũng có những chia sẻ tâm huyết về xây dựng trường học gắn bó yêu thương, về sự kết nối các thế hệ học sinh của trường đang học tập và làm việc ở nước ngoài để tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập bền vững. Mỗi chia sẻ là một gợi mở, mỗi gợi mở là một ý tưởng để hình thành giải pháp giúp mục tiêu “Phát triển toàn diện – Tự tin hội nhập” được thành công.

GS.TS Bùi Mạnh Nhị chia sẻ với Tọa đàm qua Zoom
 
Đại dịch Covid 19 ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta đã mạnh dạn tiên phong thay đổi từ cách thức truyền thống sang học online, chào cờ online, tọa đàm online. Chúng ta đã sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ những yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Đây cũng là một trong những điều mà kỹ sư công nghệ thông tin Trần Việt Hải, Giám đốc BKAV Electronics, thành viên sáng lập Bluezone, CHS khóa 2001-2004 chia sẻ tại Tọa đàm. Theo diễn giả, để tự tin hội nhập, chúng ta cần phát triển toàn diện và lan tỏa đến từng cá nhân; học tập là để phục vụ giải quyết các vấn đề cuộc sống với khao khát khẳng định mình, có ý thức hướng nghiệp rõ ràng và khả năng kết nối chia sẻ cao. Một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực quá trình đó là công nghệ thông tin, công nghệ tạo ra lực lượng sản xuất mới, mở ra không gian kết nối đa diện, giúp khẳng định cá nhân dễ dàng hơn trên thế giới. Với niềm tự hào về mạch nguồn hào khí Đông A, hào khí Lê Hồng Phong thấm sâu trong huyết quản, những người trẻ Lê Hồng Phong như Trần Việt Hải dám dấn thân đã tự tin mơ giấc mơ hùng cường, sánh tầm các nước lớn trong khu vực và Quốc tế.

Những chia sẻ giàu trí tuệ từ các diễn giả đã khiến cho mỗi khoảnh khắc Tọa đàm thực sự có ý nghĩa để lại nhiều giá trị. Các thầy cô trong Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các đại diện học sinh đã gửi đến các diễn giả nhiều câu hỏi ý nghĩa, những lời cảm ơn chân thành. Không có khoảng cách dù địa lý có xa, chỉ có tình yêu và những đam mê kiến tạo dựng xây mái trường là không ngừng thắp lên lan tỏa tới trái tim mọi người.
Bộ sưu tập Áo dài mang tên “Mái trường kể chuyện trăm năm” của nhà thiết kế Việt Hùng đã công phu tạo dựng riêng cho mái trường Lê Hồng Phong - Nam Định được trình chiếu trong clip ngắn với sự thể hiện duyên dáng của các thầy, cô giáo nhà trường đã đọng lại những dấu ấn thật đẹp về mái trường nay tròn trăm năm tuổi, cũng là sự kiện cuối cùng của buổi tọa đàm.

Chụp hình clip bộ sưu tập áo dài
 
Tọa đàm giáo dục số 2 khép lại, dư âm còn mãi trong tâm hồn mỗi thành viên Lê Hồng Phong. Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, các bậc phụ huynh, các thế hệ giáo viên và học sinh, sự nỗ lực của thầy trò nhà trường, chúng ta sẽ tăng tốc để chiếm lĩnh “Vị trí tiên phong”, “chiến thắng chặng cuối.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành chung tay của các Cựu học sinh Lê Hồng Phong, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định;  trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các quý vị đại biểu, các thầy, cô giáo, các em học sinh đã giúp cho buổi Tọa đàm giáo dục số 2 thành công tốt đẹp. Nhà trường mong đợi gặp lại quý vị đại biểu trong buổi Tọa đàm giáo dục số 3 với chủ đề “Lê Hồng Phong – Điểm tựa và khát vọng”.

- Vũ Thanh Huyền -