Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Khoa học - Công nghệ

Trang chủ Khoa học - Công nghệ Hội thảo “Dạy học kết hợp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở một số trường THPT tại Nam Định”

Hội thảo “Dạy học kết hợp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở một số trường THPT tại Nam Định”

01/12/2021

Cuộc cách mạng 4.0 đã đem đến sự thay đổi và phát triển trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Song song với một thời đại số hóa mạnh mẽ, một thời đại kinh tế dựa vào tri thức là sự đòi hỏi một nền giáo dục năng động, sáng tạo. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian gần đây đã là cơ hội và thách thức đối với các nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, giúp học sinh “ngừng đến trường nhưng không ngừng học” và đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất.

Triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh Nam Định về việc Phê duyệt danh mục các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đợt 2 năm 2021, năm học 2021-2022 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt triển khai nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ với Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định”; ngày 30/11/2021 Ban nghiên cứu Đề tài phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Dạy học kết hợp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở một số trường THPT tại Nam Định” dưới hình thức trực tuyến.
 

Tham dự Hội thảo có NGƯT Cao Xuân Hùng - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định; PGS.TS Trần Huy Hoàng – Phó Viện trưởng Viện KHGDVN; TS. Trần Huy Quang – Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh NĐ ; các đồng chí là cán bộ Lãnh đạo, chuyên viên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Sở GD và ĐT Nam Định, Sở KHCN tỉnh Nam Định;  cán bộ Lãnh đạo, giáo viên các trường THPT thuộc Cụm các trường THPT khu vực thành phố Nam Định; các trường THPT đã phối hợp với Ban nghiên cứu đề tài tham gia khảo sát thực trạng tại đơn vị: Mỹ Lộc; Nam Trực; B Nghĩa Hưng; Lê Quý Đôn; Xuân Trường; Giao Thủy…

Khai mạc hội thảo, TS. Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đã nhấn mạnh: “nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong bối cảnh Covid 19 là vừa làm tốt công tác phòng chống dịch đồng thời nỗ lực tìm các giải pháp giữ vững chất lượng chuyên môn. Việc đổi mới công tác truyền thông về tuyển sinh lớp 10, đổi mới cách thức ôn tập TN THPT, đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục trong cụm các trường THPT khu vực TP Nam Định; tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học,… luôn được đặt lên hàng đầu để giúp nhà trường tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Việc “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp)” cũng là một trong những giải pháp quan trọng của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chuẩn bị cho việc tiếp cận chương trình GDPT 2018 ngay năm học tới và dài hơi hơn là trang bị cho chủ nhân của ngôi trường Lê Hồng Phong tại cơ sở mới có những kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp xứng tầm. Hội thảo “Dạy học kết hợp - Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở một số trường THPT tại tỉnh Nam Định” này là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo của đề tài KHCN“Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Địnhmà trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị chủ trì. Từ việc thảo luận về cơ sở khoa học của mô hình dạy học kết hợp, việc đánh giá thực trạng việc dạy học kết hợp theo hướng phát triển năng lực học sinh đáp ứng chương GDPT 2018 tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định, đề tài đề xuất mô hình dạy học kết hợp phù hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT tỉnh Nam Định ngay cả khi đại dịch đã kết thúc”.

 

TS. Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định phát biểu khai mạc Hội thảo

 
Tại buổi hội thảo, NGƯT Cao Xuân Hùng - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh về vấn đề chuyển đổi số đang được quan tâm trong các nhà trường hiện nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chuyển dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến có thể coi là một cú hích để chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đặc biệt tại Nam Định. Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế nữa mà trở thành một trong những phương thức dạy học bên cạnh dạy học trực tiếp. Vì thế, hội thảo tổ chức rất phù hợp trong bối cảnh Nam Định và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chính là đơn vị tiên phong trong toàn tỉnh về mô hình dạy học kết hợp.


NGƯT Cao Xuân Hùng - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định  phát biểu chỉ đạo

 
TS. Trần Huy Quang – Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nam Định phát biểu và khẳng định: dịch bệnh đang đặt ra những yêu cầu đối với các ngành và dạy học trực tuyến đã bộc lộ những hạn chế, vì thế Sở KHCN đề xuất với UBND tỉnh Nam Định giao cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thực hiện đề tài xây dựng mô hình dạy học kết hợp, sau đó sẽ chuyển giao công nghệ cho các trường trong toàn tỉnh nói chung. Hội thảo được tổ chức sẽ xây dựng cơ sở lí luận vững chắc cho đề tài. Dưới góc nhìn của một nhà khoa học giáo dục, PGS.TS Trần Huy Hoàng – Phó Viện trưởng Viện KHGDVN đã nêu lên tầm quan trọng của đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định” và buổi hội thảo. Việc dạy học kết hợp đã có từ lâu trên thế giới nhưng điều kiện con người và bối cảnh thực hiện tại của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc dạy học trực tuyến diễn ra trong thời gian dài nhưng dạy như thế nào có hiệu quả nhất, phù hợp nhất, khơi gợi cảm xúc, rèn kĩ năng, sự phát triển toàn diện của người học thì đề tài khoa học của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang triển khai thực hiện sẽ đáp ứng được những yêu cầu đó.

Nôi dung chính của buổi hội thảo là phần trình bày 5 báo cáo khoa học:
Báo cáo 1: Giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay – TS. Phạm Thị Huệ - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định;
Báo cáo 2: Mô hình dạy học kết hợp - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế - Ths:Phan Thị Bích Lợi và nhóm nghiên cứu - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;
Báo cáo 3: Dạy học kết hợp tại một số trường THPT thuộc tỉnh Nam Định - Thực trạng và một số kiến nghị - Nhóm tác giả:TS. Nguyễn Ngọc Tú; TS. Nguyễn Thị Hảo; TS. Phạm Thị Bích Đào; ThS. Phan Thị Bích Lợi; TS. Phạm Thị Huệ;
Báo cáo 4: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chủ động, sáng tạo ứng dụng CNTT theo chiều sâu trong dạy và học - Bùi Xuân Phong - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định;
Báo cáo 5: Dạy học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 - Thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định - Nguyễn Văn Đằng - Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Nam Định.

(Nội dung cụ thể của các tham luận được tập hợp trong Kỉ yếu Hội thảo, xem tại:
http://m.thpt-lehongphong-nd.edu.vn/tu-lieu-day-va-hoc-485/-ky-yeu-hoi-thao-day-hoc-ket-hop-nghien-cuu-kinh-nghiem-quoc-te-va-thuc-trang-o-mot-so-truong-thpt-tai-tinh-nam-dinh-3127.html)

Phần thảo luận của Hội thảo “Dạy học kết hợp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở một số trường THPT tại Nam Định” đã tập trung bàn luận để hiểu đúng khái niệm “Dạy học kết hợp”, từ đó tránh cách hiểu sơ lược giản đơn về mô hình Dạy học kết hợp là kết hợp giờ dạy trực tiếp và giờ dạy trực tuyến; kế hoạch lớp học trực tiếp và lớp học trực tuyến... Các ý kiến tham góp của các nhà quản lý giáo dục đến từ Viện KHGDVN, Sở Khoa học và Công nghệ, các trường THPT thuộc tỉnh Nam Định và của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, thực hiện đề tài khoa học cũng xoay quanh những vấn đề cần thiết là các điều kiện để triển khai mô hình DHKH, điều kiện nào là quan trọng,  điều kiện nào là tiên quyết?


Điểm cầu trực tuyến từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

 
Kết thúc buổi hổi thảo, TS. Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đã tổng kết và khẳng định ý nghĩa của buổi hội thảo khi đã đặt ra được những vấn đề thiết thực; trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiên phong nhận thức rõ về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục: không phải là ứng dụng CNTT thuần túy, số hóa văn bản giấy tờ mà là chuyển đổi về tư duy của người dạy và người học; về phương pháp dạy và phương pháp học; sự hỗ trợ của công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục. Mô hình dạy học kết hợp là xu thế chứ không phải là tình thế và bối cảnh dịch bệnh chính là 1 cú hích mạnh mẽ nhất để đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới giáo dục trong thời đại số.
                        -Ban Thông tin tuyên truyền-