Những cây đời mãi mãi xanh tươi…
01/11/2015Người ta vẫn thường nhắc đến lời chiêm nghiệm của Gớt: “Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Thứ “ lý thuyết ” màu xám mà đại văn hào nói, phải chăng là nguồn tri thức mà nhân loại vẫn đang miệt mài thu nhận qua từng trang sách, còn “cây đời” tươi xanh chính là hình ảnh của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ ở ngoài kia vẫn đang nảy nở, sinh sôi ? Màu xám luôn tĩnh tại, trầm lắng còn sắc xanh cứ mãi lấp lánh, tươi màu nhựa sống…Ta cần làm gì để muôn vàn tri thức từ những trang vở ấy được hòa quyện với sắc màu tươi xanh của những trang đời rộng mở ?
Là một mái trường với bề dày
truyền thống Dạy giỏi – Học giỏi, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong luôn là nơi mở ra những chân trời tri thức
- không chỉ qua những bài giảng trên lớp,
phòng thí nghiệm, thư viện và những giờ tự học sáng đèn mỗi tối…Chân trời tri
thức ấy còn được mở rộng và nối dài qua
những chuyến đi trải nghiệm thực tế đã trở thành hoạt động thường niên và là niềm
yêu thích, say mê khám phá của các em học sinh trong những năm học vừa qua. Năm
học 2015- 2016, được khơi mở từ chỉ thị 12/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện
các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo và triển khai kế hoạch năm học 2015 – 2016 của nhà trường; dựa vào nội dung chương trình dạy học của các bộ môn
chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học
và rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các
vấn đề thực tiễn cho học sinh; nhà trường cùng cha mẹ học sinh tổ chức
cho các em tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để có thêm những tư liệu
phong phú giúp cho việc nghiên cứu, học tập - nhất là đối với môn chuyên. Đây cũng là cách để hình
thành cho học sinh những kĩ năng cơ bản, giúp học sinh phát triển một cách hài
hòa và thích ứng tốt hơn với cuộc sống, có khả năng làm chủ bản thân, loại bỏ dần
những hành vi thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, giúp học sinh có khả
năng ứng xử phù hợp với mọi người và với xã hội trong các tình huống và hoạt động
thường ngày, tạo cho học sinh thói quen có khả năng ứng phó tích cực trước các
tình huống của cuộc sống. Những chuyến đi trải nghiệm thực tế đã tạo cơ hội thuận
lợi để học sinh tiếp thu nhanh hơn, tốt hơn các kiến thức cũng như giúp các em
thể hiện bản thân mình.
Cô giáo chủ nhiệm và học sinh 12 Văn 1 ở Đền vua Đinh, vua Lê
Những ngày đầu tháng 10 năm
2015, trong tiết trời dịu nhẹ, thanh tao của đất trời vào thu, đoàn xe của khối chuyên Văn đã đi trải
nghiệm thực tế tại Ninh Bình ở hai điểm: Đền Vua Đinh, Vua Lê và Vườn Chim
Thung Nham. Nếu những năm học trước, các em tìm về quê hương các nhà văn Nam
Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Khuyến với mong muốn: qua những trang đời hiểu hơn những
trang văn; từng đi học tập tham quan tại Văn Miếu – Hà Nội, Bảo tàng dân tộc học
… thì chuyến đi này đã thỏa mãn nơi tâm hồn các em niềm khao khát tìm hiểu văn
hóa, lịch sử của dân tộc mình, được hòa
mình với thiên nhiên, thưởng thức vẻ đẹp của quê hương đất nước. Suốt chuyến đi
còn là những trải nghiệm thú vị của cuộc sống, các em được tiếp xúc với mọi người:
từ bạn bè thân quen đến những những người bạn mới, từ bác lái xe, chở đò, cụ
già, em bé bán hàng rong đến hướng dẫn viên và cả khách du lịch nước ngoài… Những
ánh mắt háo hức, nụ cười hồn nhiên trong trẻo của các em khi được sống là chính mình, khi được hòa
mình với thiên nhiên, trong các trò chơi tập thể, trong những tấm ảnh thu hình
non nước trời mây,…và tất cả những tri thức, trải nghiệm được thu nhận từ chuyến
đi ấy chính là món quà vô giá mà cuộc sống
rộng mở đã mang đến cho các em.
10 Văn 1 ở Thung Nham
Đọc những trang viết của các
em sau chuyến đi ấy, càng hiểu thêm về những tâm hồn khao khát được đến với
chân trời mới, thấy cần thiết biết bao những lần trải nghiệm thực tế của học
sinh trong nhà trường. Em Đoàn Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 11 Chuyên văn 2 đã chia
sẻ trong một “ Bức thư gửi cho chính mình
20 năm sau”, với mong muốn được lưu
giữ lại những kỉ niệm đẹp của Tuổi 17 hôm nay:
“Chắc hẳn cậu
vẫn còn ấn tượng khi đứng trước “cây đa di chuyển” và “cây ruối ngàn năm” trong
miệt vườn chứ. Nhớ lúc ấy, không ai có thể giấu được sự ngạc nhiên khi nghe chị hướng dẫn viên giới
thiệu về sự dịch chuyển tách rẽ sau 300
năm của cây đa, tạo thành một lối đi và bao quanh như để bảo vệ cho Đền Gối Đại
linh thiêng. Rồi câu chuyện truyền kì về vị vua ngồi trên phiến đá nơi mà cây
ruối được gieo mầm, những hàng cây cỏ dài xanh mướt hai lối đi nhỏ trong vườn …
Mọi thứ thật mới mẻ và thi vị làm sao, hệt
như bước chân vào thế giới cổ tích vậy!
Đi trong vườn cây tràn ngập màu xanh,rung rinh ánh sáng, có cảm giác như
đang hòa mình cùng thiên nhiên, được thiên nhiên trao tặng cho những gì tinh
túy đẹp đẽ nhất của cuộc đời, được tận hưởng bầu không khí trong lành mà nơi
thành phố đông đúc hiếm khi có được…
Cậu có nhớ chuyến đò
đi vào Động Bụt không? Động tối sâu khoảng
500m, mấy đứa ngồi với nhau im thin thít
không dám nói gì, có lẽ một phần do sợ tối, một phần do hồi hộp. Ôi cái cảm
giác vỡ òa khi nhìn thấy bao điều tuyệt diệu bên trong động kia sao có thể quên
nổi! Một sự sáng tạo tài ba của tạo hóa! Nhìn lên trên mái động thấy những phiến
đá rủ xuống như mái tóc người con gái, những chỏm đá nổi lên giữa mặt nước được
các bác lái đò gọi là “ bầu sữa mẹ”, và đặc biệt nhất là hình ông Bụt đá nằm
ngay giữa động, hoàn toàn được tự nhiên hình thành không có chút can thiệp từ
con người. Thật kì diệu! Thú vị hơn nữa là khi đò chèo càng sâu vào bên trong,
nước càng mát, không khí càng mát mẻ, cảm thấy được những cơn gió trong lành phảng
mùi cây cỏ lướt qua làn tóc, thiên nhiên bất chợt gần gũi thân thương đến lạ
thường…”
Và còn biết bao những bài
thu hoạch, những xúc cảm đẹp đẽ đã được viết
lên hoặc còn ẩn chứa, ngân nga mãi trong tâm hồn các em. Người viết xin được mượn
những lời tâm thư của vị Tổng thống Abraham LinColn gửi cho thầy Hiệu trưởng của
ngôi trường con trai mình đang học năm xưa để thay cho lời kết: “ Xin thầy
hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kì diệu của sách. Nhưng cũng hãy cho cháu
có đủ thời gian lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thủa của cuộc sống: đàn chim
tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh sáng, và những bông hoa nở
ngát trên đồi xanh…”
Thiết nghĩ, đó không chỉ là ước muốn của một người …
Bùi Thị Nguyệt Hồng
Giáo viên Văn- Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024