Trang chủ ›
Tin tức nhà trường ›
Ông Đào Văn Định - Gương mặt văn hóa tiêu biểu của thành phố Nam Định thế kỷ XX
Ông Đào Văn Định - Gương mặt văn hóa tiêu biểu của thành phố Nam Định thế kỷ XX
08/06/2022
ÔNG ĐÀO VĂN ĐỊNH - GƯƠNG MẶT VĂN HÓA TIÊU BIỂU
CỦA THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH THẾ KỶ XX
CỦA THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH THẾ KỶ XX
Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Nguyên Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Hội viên Hội nhà văn tỉnh Nam Định.
Nguyên Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Hội viên Hội nhà văn tỉnh Nam Định.
Khi nói về những gương mặt tiêu biểu của thành phố Nam Định thế kỷ XX, không thể không nhắc tới ông Đào Văn Định, nhà sư phạm nhiệt huyết, mẫu mực; nhân sỹ có lòng yêu nước nồng nàn; người chồng, người chồng, người cha hạnh phúc.
Ông Đào Văn Định quê gốc ở làng Doanh Châu, tổng Thanh Cù, nay là xã Phú Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Vào cuối thế kỷ XIX, bố mẹ ông từ Hưng Yên đến định cư ở thành phố Nam Định và kiếm sống bằng nghề làm bột lọc và sinh ra ông. Ông Đào Văn Định ra đời ngày 04 tháng 02, năm 1900 tại thành Nam, mất ngày 29 tháng 06 năm 1986 tại Hà Nội do tai biến mạch máu não, hưởng thọ 87 tuổi.
a/ Dấu chân người thầy trên các nẻo đường dạy học.
Là con thứ năm, con út trong gia đình, ông Đào Văn Định đã được cha mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Năm 1923, ông tốt nghiệp khóa hai Ban Toán-Lý trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Ecole Normale Supérieure de l’ Indochine). Từ đây cuộc đời ông gắn bó với nghề dạy học. Từ trước cách mạng Tháng Tám 1945, qua chín năm kháng chiến gian khổ và những năm đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc, đôi chân nhà sư phạm Đào Văn Định bôn ba qua nhiều tỉnh thành khu III và khu IV.
Với tấm bằng Cao đẳng sư phạm trên tay, ở tuổi 23 ông Đào Văn Định háo hức về làm giáo viên Cao đẳng Tiểu học ở thành phố Hải Phòng theo quyết định bổ nhiệm của chính quyền Nhà nước bảo hộ. Dạy được 2 năm, đến tháng 02 năm 1925, ông lại được điều về trường Cao đẳng Tiểu học Pháp-Việt (Ecole Primaire Supéreure Franco - Indigène) Nam Định mà người dân quen gọi là trường Thành Chung (cũng xin lưu ý, Thành Chung là tên gọi không chính thức do người Việt tự đặt ra; trong các văn bản chính thống của nhà nước Bảo hộ, không có tên gọi này).
Dạy ở trường Thành Chung được một thời gian, đến giữa năm 1926, ông về trường Tiểu học Sơn Tây. Do có năng khiếu sư phạm, lại đầy nhiệt huyết, sau hai năm ở trường này, đến 1928, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Ninh, kiêm dạy các lớp tiểu học. Sau bẩy năm gắn bó với thầy và trò nơi này thì vào ngày 17 tháng 9, năm 1935, ông lại có quyết định về giảng dạy ở trường Thành Chung, thành phố Nam Định sau gần 10 năm xa cách.
Tháng tám năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Đào Văn Định cùng thầy và trò trường Trung học Nguyễn Khuyến[1] hân hoan trong miền vui nước nhà độc lập và nô nức đón mừng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một vinh dự đến với ông trong thời gian này là: Tháng 9 năm 1945, ông được Bộ quốc gia Giáo dục của chính phủ Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học tỉnh Thái Bình.
Tháng 9 năm 1946, khi chính quyền tìm được người thay thế, ông lại trở về giảng dạy ở trường Trung học Nguyễn Khuyến nay đã mở thêm các lớp chuyên khoa, nên gọi là trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến.
Nhưng cuộc sống hòa bình chỉ được một thời gian ngắn, Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thực hiện đường lối “Diệt giặc ngoại xâm” đồng thời với “Diệt giặc dốt”, Đảng ta đã chỉ đạo phát triển hệ thống trường học trong vùng tự do. Vì thế thầy và trò trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến rời thành phố Nam Định đi theo kháng chiến. Từ bỏ cuộc sống đầy đủ nơi đô thị với nhiều tiện nghị, thuận lợi, ông Đào Văn Định theo trường đến làng Yên Mô Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm học đầu tiên, hằng ngày ông lên lớp miệt mài dạy học trò môn toán.
Đầu năm 1948, trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến được đổi tên thành trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền[2].
Xuất phát từ nhu cầu quản lý, đôn đốc học sinh học tập, nhà trường phân công ông làm Đào Văn Định làm Giám học. Đây là công việc vất vả, đòi hỏi phải nhiệt tình và mất nhiều thời gian, công sức, do trường có nhiều học sinh đến từ các tỉnh khác nhau, xa gia đình, lại ở trọ tản mát trong nhà dân, chỉ một số ít ở ký túc xá của nhà trường là mấy dãy nhà tranh tre nứa lá. Để làm tốt nhiệm vụ, ông Đào Văn Định không quản ngày đêm, mưa gió đến từng gia đình, từng nhóm học sinh, ân cần như người cha kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các em học bài.
Năm 1949, quân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Chiến tranh lan rộng ra toàn vùng, ông Đào Văn Định lại cùng trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền di chuyển vào làng Ngò, còn gọi là làng Ngô Xá, một làng bên bờ sông Chu, thuộc xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa[3].
Lúc này trường Trung học Hoa Lư[4] của tỉnh Ninh Bình cũng tản cư vào Thanh Hóa, ông Đào Văn Định được điều động về làm Hiệu trưởng trường Trung học Hoa Lư.
Sau khi ổn định trường Trung học Hoa Lư, ngày 29 thánh 12 năm 1950, ông Đào Văn Định nhận quyết định trở lại làm Hiệu trưởng trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền thay ông Phó Đức Tố được điều đi giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu III. Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền là trường phổ thông lớn nhất của Liên khu III[5] (5 đặt tại Thanh Hóa. Lúc này ở Liên khu IV có trường Lam Sơn đặt tại Thanh Hóa, trường Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Nghệ An, trường Phan Đình Phùng đặt tại Hà Tĩnh; Liên khu V có trường Lê Khiết đặt tại Quảng Ngãi; Liên khu X có trường Lương Ngọc Quyến đặt tại Phú Thọ; miền Tây Nam Bộ có trường Nguyễn Văn Tố đặt tại Cà Mau. Như vậy, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền cùng những trường kể trên trở thành những trường tiêu biểu nhất của Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước sau này. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Khải, học trò môn toán của ông Đào Văn Định khi trường mang tên Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Danh tiếng của trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền lan cả ra nước ngoài và gây ấn tượng đến tận bậy giờ. Giáo sư Nial Koblitz ( khoa Toán trường Đại học Washington - Hoa Kỳ) đã nhắc đến các trường trung học phổ thông kháng chiến ở Việt Bắc, ở khu IV trong đó có trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền: “Tôi tin rằng, không ở đâu trên thế giới mà phong trào kháng chiến lại tổ chức được các trường có chất lượng cao như thế trong vùng giải phóng”
Để dễ dàng cho việc di chuyển cũng như tổ chức việc dạy và học, lãnh đạo Liên Khu III cho tách trường cấp III Nguyễn Thượng Hiền thành hai trường. Trường cấp III Nguyễn Quốc Trị[6], do ông Đào Văn Định làm Hiệu Trưởng, và trường cấp III Cù Chính Lan do ông Bạch Năng Thi phụ trách[7]. Để chuẩn bị thật chu đáo cho việc chuyển trường về Nho Quan, lãnh đạo hai trường đã thống nhất trong Ban gián hiệu, chủ nhiệm và lớp trưởng các lớp thực hiện kế hoạch chuyển trường với ba yêu cầu cơ bản sau:
1. Phải tuyệt đối bí mật địa điểm mới, đề phòng máy bay địch oanh tạc. Ở đâu biết đó, không đi lại khi không có việc thật cần thiết.
2. Mỗi lớp là một đơn vị độc lập do lớp trưởng chỉ huy; tổ chức ăn ở riêng biệt, nhưng chịu sự chỉ đạo của nhà trường.
3. Chỉ lên lớp vào ban đêm, ban ngày học nhóm, tích cực làm nghĩa vụ và làm công tác dân vận.
Với sự sâu sát của lãnh nhà trường và ý thức tự giác cao của học sinh, hai trường cấp III đã chuyển về huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình an toàn.
Trường cấp III Nguyễn Quốc Trị đóng ở xã Xích Thổ[8] huyện Nho Quan. Tại đây, giáo viên và học sinh phần lớn phải ở trọ trong các làng bản của người Mường, trải rộng trên một vùng rừng núi hoang vu. Chỉ một số ít giáo viên và học sinh ở trong các khu nhà do giáo viên và học sinh vào rừng chặt tre nứa về dựng tạm. Để tránh máy bay địch, trường được tổ chức theo mô hình trường thời chiến, quy mô lớp nhỏ và phân tán, học vào ban đêm.
Ngày 7 tháng 5, năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Cuối tháng 6 năm 1954, quân Pháp từng bước rút khỏi các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Tháng 7 năm 1954, Hiệp nghị Gnève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Năm học đầu tiên sau hòa bình lập lại của các trường Cấp III kháng chiến kết thúc vào tháng 11 năm 1954. Vào giữa tháng 5 năm 1955, lãnh đạo Liên khu III quyết định hợp nhất ba trường nhỏ trong kháng chiến là Nguyễn Quốc Trị, Cù Chính Lan và Hoa Lư thành trường Cấp III Liên khu III[9] và chuyển về đồng bằng.
Miền Bắc được giải phóng, ông Đào Văn Định lại cùng trường Cấp III kháng chiến Liên khu III chuyển về hai địa điểm mới: thôn Lam Kiều, huyện Duy Tiên, và thôn Ngô Khê, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Sau đó không lâu ông lại tổ chức cho trường chuyển về trường Cải cách ruộng đất (cơ sở trước đây cán bộ cải cách ruộng đất học tập trước khi được phân công về các địa phương làm nhiệm vụ) ở thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý). Vào năm học 1955-1956, ông Đào Văn Định lại nhận được lệnh tổ chức cho trường Cấp III Liên khu III chuyển về cơ sở của trường Tư thục Sainthomas, một ngôi trường cổ kính được xây dựng từ năm 1924 với kiến trúc Gôtic độc đáo của Pháp ở thành phố Nam Định. Thời gian ngắn sau, trường lại chuyển ra khu đất giáp nhà thờ Khoái Đồng bên bờ hồ Raquette (nay là hồ Vị Xuyên) với mấy dãy lớp học và văn phòng bằng tranh tre nứa lá.
Năm 1958, trường Cấp III Liên khu III được tách thành hai. Một bộ phận chuyển về thành lập trường cấp III Hà Đông. Số còn lại thành lập trường Cấp III Nam Định do ông Đào Văn Định làm Hiệu trưởng. Năm 1959, trường Cấp III Nam Định lại được tách thành hai trường Cấp III Lê Hồng Phong và Cấp III Lý Tử Trọng. Ông Đào Văn Định làm Hiệu trưởng trường Cấp III Lê Hồng Phong; ông Lại Đức Khái[10] làm Hiệu trưởng trường cấp III Lý Tử Trọng. Hai trường Lê Hồng Phong và Lý Tử Trọng vẫn chung cơ sở vật chất ở bờ hồ Raquette. Trường Lê Hồng Phong học buổi sáng, trường Lý Tử Trọng học buổi chiều. Năm sau, trường Cấp III Lý Tử Trọng chuyển về xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, trường cấp III lê Hồng Phong chuyển về số 76, đường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, và ở đây cho đến nay. Trường mới được xây dựng, có hai dãy nhà hai tầng với hai mươi phòng học. Vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, một ngôi trường như vậy là rất lớn.
Làm Hiệu trưởng trường Cấp III Lê Hồng Phong được ba năm, đến năm 1962 ông Đào Văn Định từ giã thầy và trò nhà trường cũng như nghề dạy học sau ba mươi chín năm gắn bó (1923 - 1962) để chuyển hẳn sang làm công tác chính trị xã hội. Năm 1972 ông nghỉ hưu. Vào ngày 29 tháng 6, năm 1986, ông từ biệt thế giới này, hưởng thọ 86 tuổi.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời dạy học của mình, trải qua rất nhiều biến động của lịch sử dân tộc, dấu chân ông Đào Văn Định đã in trên khắp các nẻo đường từ Hải Phòng về Nam Định, lên Sơn Tây, sang Bắc Ninh, về Nam Định, sang Yên Mô, vào Thiệu Hóa, ra Nho Quan, về Bình Lục, về Phủ Lý, và cuối cùng lại trở về Nam Định. Dấu chân ông, là dấu chân của một nhà sư phạm có trái tim nhiệt huyết, gắn bó máu thịt với đất nước, với quê hương Nam Định, với lớp lớp các thế hệ giáo viên và học sinh mà ông hết lòng trân trọng, yêu thương.
b/ Ông Đào Văn Định - người thầy hiền từ và bao dung.
Cuộc đời làm nghề dạy học của ông Đào Văn Định trải dài qua ba chế độ: Pháp thuộc, Nhật thuộc, Dân chủ Cộng hòa và làm Hiệu trường 19 năm, trong đó 7 năm dưới chế độ cũ và 12 năm dưới chế độ mới. Là người yêu nghề dạy học, nên khi làm Hiệu trưởng, ông vẫn ngày ngày lên lớp với tất cả niềm say mê của mình. Chính vì vậy, hình ảnh ông Đào Văn Định được ghi lại rất đậm nét trong ký ức của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh.
Làm Hiệu trưởng ở trường nào cũng vậy, ông Đào Văn Định luôn là trung tâm đoàn kết của Hội đồng sư phạm. Mọi mâu thuẫn, bất đồng trong nhà trường dù nhỏ nhặt, hay nghiêm trọng, ông đều giải quyết ổn thỏa trên cơ sở lấy chữ tình làm trọng. Có khi do mâu thuẫn công việc mà họp Hội đồng sư phạm căng thẳng, kéo dài đến một, hai giờ đêm. Cuối cùng, với cương vị chủ tọa, ông đã phân tích, lý giải có lý, có tình để mọi người thấu hiểu, đồng thuận hướng tới nhiệm vụ chung với kết quả cao nhất. Khi trường cấp III Lê Hồng Phong và cấp III Lý Tử Trọng vừa được chia tách đã xuất hiện những suy nghĩ có thể dẫn đến mất đoàn kết giữa hai trường, nên ông luôn nhắc nhở mọi người đoàn kết với trường bạn vì theo ông, hai trường là anh em sinh đôi cùng cha, cùng mẹ.
Ông Đào Văn Định không bao giờ phê bình giáo viên vi phạm trước Hội đồng. Với giáo viên vi phạm, ông viết giấy hẹn giờ làm việc rồi cho nhân viên chuyển đến. Tới giờ hẹn, ông mời giáo viên đó vào phòng Hiệu trưởng. Ông chú ý lắng nghe giáo viên đó trình bầy cặn kẽ mọi lý do, nguyên nhân dẫn đến vi phạm và đề đạt nguyện vọng. Sau đó ông ôn tồn giảng giải, thân tình như cha với con, như anh với em. Chính cách cư xử như vậy mà mọi người rất nể trọng, tin tưởng và yêu quý ông. Nhiều giáo viên tâm sự, lúc ấy cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng vì nể ông ông mà anh em nỗ lực quên mình với công việc của nhà trường.
Ông Đào Văn Định là hiện thân tinh thần dân chủ của một trí thức Tây học. Vì thế giáo viên trong trường luôn được ông tôn trọng tối đa. PGS Nguyễn Trọng Quế, cựu giáo viên trường Phổ thông Cấp III Liên khu III kể rằng: Ông vốn là học sinh vùng tự do khu IV. Ông không sợ khổ mà chỉ ngại nhất là không khí đấu tố có tính hẹp hòi của một số cán bộ lãnh đạo ở khu IV lúc bấy giờ. Nhưng khi tốt nghiệp trường Sư phạm, ông về nhận công tác ở trường Cấp III Liên khu III do ông Đào Văn Định làm Hiệu trưởng, nỗi lo âu của ông được giải tỏa. Ông Đào Văn Định, giáo viên và những gia đình trong khu tập thể đối xử với ông như người thân. Ông có thể thoải mái giao tiếp với đồng nghiệp và chơi đùa vui vẻ với các cháu bé. Đối với ông đây là cả một sự đổi đời.
Khi họp Hội đồng sư phạm, cũng như khi tiếp xúc với đồng nghiệp, ông Đào Văn Định không bao giờ thuyết giảng về lòng yêu nước, về tinh thần cách mạng mà vẫn luôn giữ được phong thái của người đứng đầu đầy trách nhiệm, quyết định sự phát triển của nhà trường. Với ông Đào Văn Định, lòng yêu nước thể hiện ở hành động chứ không phải ở lời nói.
Trong mấy chục năm làm nghề dạy học, ông Đào Văn Định có nhiều đồng nghiệp là những người xa gia đình, trong đó có cả giáo viên miền Nam. Tết đến, do hoàn cảnh chiến tranh, những anh em này không về quê được nên thường đi lang thang đâu đó cho qua ngày tết. Hiểu nỗi lòng đồng nghiệp, vào thời khắc ấy, ông thường gặp gỡ động viên, chia sẻ và mời anh em về thưởng thức không khí xuân cùng gia đình ông với những món ăn dân dã do chính tay người vợ của ông chế biến.
Có nhiều lần ông Đào Văn Định làm Hiệu trưởng mà không có Phó Hiệu trưởng giúp việc. Gọi là Ban Giám hiệu nhưng chỉ có mình ông, thế nhưng mọi việc trong trường đều rất quy củ, nền nếp, mọi công việc hành chính, giáo vụ, hồ sơ, giáo án, thi cử v.v…đều gọn gàng đâu đấy. Ông còn yêu cầu Văn phòng nhà trường, hằng năm phải có học bạ lưu của mỗi học sinh để cấp lại cho các em khi bị thất lạc.
Ông ôn hòa trong giao tiếp, nhưng lại rất nghiêm khắc với giáo viên trong việc đảm bảo chất lượng dạy học. Việc soạn bài luôn được ông quan tâm nhắc nhở và kiểm tra thường xuyên. Do trước đây điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí rất ít sách giáo khoa, nên giáo viên dạy môn nào, căn cứ vào khung chương trình của Bộ, phải tự soạn giáo án bằng chính kiến thức đã được học của mình để lên lớp. Vì thế, để quản lý và theo dõi chất lượng giờ dạy của giáo viên, ông yêu cầu lớp nào cũng phải có vở chép bài dạy của thầy trên lớp, hằng tuần gửi về Ban Giám hiệu để ông kiểm tra. Chính vì thế, chất lượng học sinh các trường kháng chiến không kém gì học sinh các trường trong các thành phố. Ngày ấy không có hiện tượng học sinh quay cóp và xin điểm các thầy.
Là người luôn chăm lo đến giáo dục truyền thống của nhà trường cho giáo viên và học sinh, nên đầu năm 1960, ông có ý tưởng phải có Logo trường Lê Hồng Phong và bài hát truyền thống của nhà trường. Việc sáng tác bài hát sau đó được giao cho anh Nguyễn Ngọc Đính và anh Vũ Hùng là hai học sinh lớp 10A đảm nhiệm. Phần nhạc do anh Nguyễn Ngọc Đính sáng tác, phần lời anh Nguyễn Ngọc Đính và anh Vũ Hùng cùng bàn bạc và viết. Sáng tác bài hát xong, hai người đã nhờ nhạc sỹ Hải Thoại nhuận sắc, ông Đào Văn Định và ông Cao Văn Lãng, giáo viên môn Hóa học, phụ trách văn nghệ của trường góp ý thêm. Bài hát “Bài ca trường Lê Hồng Phong” được hoàn tất và lần đầu tiên vang lên hùng tráng qua dàn hợp xướng của học sinh nhà trường vào đêm liên hoan văn nghệ kết thúc học kỳ I, năm học 1960-1961. Đã sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày bài hát ra đời, nhưng đến nay bài hát ấy vẫn luôn là sợi dây tinh thần kết nối các thế hệ thầy và trò trường Lê Hồng Phong anh hùng.
Cũng năm 1960, nhân dịp kỷ niệm một năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, ông Đào Văn Định đã mời người con duy nhất của Tổng bí thư Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là bà Lê Nguyễn Hồng Minh về thăm trường, khi ấy bà vừa tròn hai mươi tuổi. Ông Đào Văn Định, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã dành cho bà sự đón tiếp trân trọng và thân tình như người ruột thịt. Ban tổ chức đã mời bà lên phát biểu ý kiến với các thầy giáo, cô giáo và nói chuyện với học sinh nhà trường. Bài nói chuyện của bà Lê Nguyễn Hồng Minh có một ấn tượng sâu sắc, đến nay nhiều người có mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày ấy vẫn còn nhớ và kể rõ từng chi tiết.
Để khẳng định vị thế của trường Lê Hồng Phong, ngay từ năm học 1961-1962, ông Đào Văn Định đã định hướng nhà trường phải trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, mà mũi nhọn là đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì thế, trường đã quyết tâm cử đội tuyển học sinh gỏi tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Kỳ thi đầu tiên này không học sinh nào đoạt giải, nhưng đó là bước khởi động quan trọng để kỳ thi năm học 1962-1963 đội tuyển học sinh giỏi của trường Lê Hồng Phong thắng lợi giòn giã. Cả năm học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn văn của trường đều đoạt giải, trong đó có giải cao nhất toàn quốc của anh Trần Quang Vinh lớp 10A. Từ đà thắng lợi ấy, các năm sau trường Lê Hồng Phong đều gửi đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và năm nào cũng đoạt thứ hạng cao. Có thế nói, truyền thống dạy giỏi, học giỏi của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong ngày nay đã được ông Đào văn Định đặt nên móng ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Ông Đào Văn Định tốt nghiệp khóa 2, Ban Khoa học tự nhiên, trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Chủ yếu ông dạy môn Toán, nhưng do nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp khác nhau mà ông dạy cả môn Sinh học và môn Vật lý. Là người được đào tạo bài bản, chuẩn mực theo mô hình trường sư phạm của Pháp, cộng với tính siêng năng, cần cù, chỉn chu và luôn ngắn gọn, chính xác, nên các bài giảng của ông khúc triết, mạch lạc dễ hiểu, dễ nắm bắt. Chính vì vậy, trong ký ức của các thế hệ học sinh, ông luôn hiện lên là một thầy giáo dạy toán, dạy vật lý, dạy sinh học rất hấp dẫn. Ông Nguyễn Bá Bảo, cựu học sinh trường Thành Chung, cựu Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand kể lại: “Thầy giáo dạy chúng tôi về Sinh vật học và Thực vật học là thầy Đào Văn Định. Thầy người cao, tóc đen chải mượt, lúc nào cũng quần áo chỉnh tề, với chiếc cặp đen mỏng cắp nách, bước đi đặc biệt nhẹ nhàng, khoan thai. Trong lời giảng của thầy là điển hình của sự nghiêm trang, mực thước, chu đáo, thận trọng”.
Thời kháng chiến chín năm, trường sơ tán vào vùng tự do, để tránh máy bay oanh tạc, các lớp phải học vào ban đêm; sách giáo khoa lại rất ít nên học sinh chủ yếu học chay theo bài giảng của thầy. Vì thế ông Đào Văn Định bao giờ cũng soạn bài rất ngắn gọn, chắt lọc kiến thức cơ bản nhất để truyền đạt cho học sinh. Bài tập vận dụng ông cho về nhà theo hệ thống từ dễ đến khó và luôn kích thích trí sáng tạo của người học. Ủy viên Trung ương Đảng, Viện sỹ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc, cựu học sinh khi trường mang tên Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, trong một bài viết đã kể về ông Đào Văn Định như sau: “Chúng tôi nhớ mãi những bài giảng của thầy đã cho chúng tôi nhiều kiến thức vững vàng, phương pháp tư duy khoa học, đủ sức đi tiếp những bậc học cao hơn, sánh kịp các bạn trường khác trong nước và nước ngoài. Giống như nhiều bạn, tôi giữ mãi ấn tượng sâu đậm về bài giảng của thầy Đào Văn Định. Giờ nào của thầy cũng nghiêm trang, những ánh mắt qua cặp kính dưới ánh đèn dầu như nhìn thấu sự tiếp thu của học sinh, câu nào cũng như đinh đóng cột, khắc sâu cách chứng minh và cách ứng dụng làm bài tập”.
Ông Đỗ Thanh Dương, Nhà giáo Ưu tú, cựu học sinh, cựu giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong kể rằng: Thầy Đào Văn Định dạy môn Vật lý rất hay. Chính thầy đã truyền niềm say mê để tôi từ học sinh rất ngại môn vật lý trở thành học sinh giỏi môn này và được các thầy tin tưởng cử làm chuyên viên (ngày nay gọi là cán sự bộ môn) môn vật lý của Chi đoàn và của Đoàn trường.
Ông Đào Văn Định, như một người cha luôn lo lắng, chăm chút cho học của mình. Mối lo thường trực của ông với học sinh là sức khỏe. (Có lẽ xuất phát từ nỗi đau của một người cha đã mất người con trai vào năm 1947, khi người con ấy mới được 3 tuổi).
Vì trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền của Liên khu III sơ tán vào khu IV nên hầu hết học sinh phải sống xa gia đình với rất nhiều thiếu thốn. Có nhiều học sinh phải vừa học vừa kiếm thêm việc làm để có tiền ăn học như nhận xay thóc, giã gạo, may vá, khiêng gỗ, gánh gồng thuê, dạy bổ túc trong nhà máy dệt, làm gia sư v.v…Do ăn uống kham khổ, lại không có quần áo ấm nên về mùa đông hầu hết học sinh bị phù chân, đi lại khó khăn. Vì vậy, trong các buổi tập trung đầu tuần, ông Đào Văn Định luôn nhắc học sinh chú ý giữ gìn sức khỏe. Ông hướng dẫn học sinh: Lấy giấy báo bồi thành nhiều lớp rồi khoét lỗ chui vào làm áo độn chống rét. Những người bị phù chân thì lấy cám rang lên, ăn thường xuyên để chữa bệnh. Năm 1959, mùa đông rét đậm, trường Lê Hồng Phong lại nằm bên hồ Hồ Vị Xuyên nên cái rét lại càng rét hơn. Ông Đào Văn Định ngày nào cũng cho phát trên loa yêu cầu học sinh cắt giấy báo độn thêm vào ngực để chống lạnh, phòng ho.
Tiến sỹ Phạm Văn Ro, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, giải thưởng Hồ Chí Minh, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong kể lại: Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tốt nghiệp lớp 7, ông thi đỗ vào trường Cấp III Thái Bình nhưng không theo học được vì quá nghèo. Ông xin đi học trung cấp, nhưng không nơi nào nhận vì do đói ăn nên người ông nhỏ thó không đủ tiêu chuẩn vào bất cứ đâu. Biết chuyện này, thương đứa học trò có chí mà nghèo khổ, ông Đào Văn Định đã cho ông Phạm Văn Ro vào học trường cấp III Lê Hồng Phong. Các bạn trong lớp, mặc dù nhiều người cũng thiếu thốn trăm bề, nhưng đã bàn bạc và thống nhất dồn tất cả học bổng để “ nuôi” bạn Ro. Nhờ số học bổng ấy và mảnh vườn một người dân cho mượn để trồng rau mà ông Phạm Văn Ro học được đến khi tốt nghiệp lớp 10 và trở thành nhà khoa học danh tiếng. Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, ông đã gặp gỡ các thầy, cô và bè bạn trường Lê Hồng Phong trong niềm hạnh phúc và xúc động khôn tả. Ông cảm ơn thầy Đào Văn Định, các thầy, cô và bè bạn đã cưu mang ông. Ông khẳng định: Thầy Đào Văn Định, các thầy, cô và bè bạn trường Lê Hồng Phong là một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông.
Là người nhân hậu, không bao giờ ông Đào Văn Định quát mắng học trò, ngay cả khi học trò phạm lỗi nặng, kể cả lỗi về quan điểm chính trị, một lỗi mà vào những năm 1956-1958 người ta rất kiêng kỵ. Bà Hoàng Minh Viễn, cựu học sinh trường Cấp III Liên Khu III kể lại kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời bà. Một lần, bài kiểm tra của người bạn cùng lớp tên Thanh (Trần Thị Băng Thanh, sau này là Phó Giáo sư) được bốn cộng (theo thang điểm của Liên Xô lúc bấy giờ), một người bạn khác của bà được bốn trừ. Người bạn ấy làu bàu, bà Hoàng Minh Viễn an ủi: Thanh được bốn cộng vì nó có ba tay, còn cậu bốn trừ vì thiếu một tay (ý nói Thanh là đoàn viên, thêm một tay). Biết chuyện này, ông Đào Văn Định cho gọi bà Hoàng Minh Viễn và nhóm bạn lên gặp. Cả nhóm sợ hãi vì cầm chắc bị cảnh cáo trước toàn trường. Nhưng Bà Hoàng Minh Viễn và nhóm bạn rất bất ngờ vì khi gặp, ông Đào Văn Định lại rất dịu dàng, nhỏ nhẹ. Ông hỏi từng người về kết quả học tập rồi nhận xét: Chuyện học của các em như thế là tạm được. Nhưng còn vấn đề hai tay, ba tay là vấn đề lập trường, tư tưởng. Từ nay các em phải cẩn thận trong ăn nói. Nói xong ông Đào Văn Định cho về. Kể đến đây bà Hoàng Minh Viễn thốt lên: “Ước gì tôi có một ông bác như thầy” rồi xúc động nghẹn ngào: “Thầy ơi! Con mãi mãi không quên ánh mắt hiền từ, nụ cười nhân ái của thầy hôm ấy”.
Trong những năm cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước, văn nghệ Việt Nam trải qua nhiều sóng gió. Một học trò của ông Đào Văn Định khi đó đang học Khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội có biểu hiện nhận thức lệch lạc về văn nghệ và trách nhiệm của nhà văn với xã hội. Ông đã gặp gỡ, không hề phê phán mà chỉ khuyên nhủ người ấy bình tĩnh, phân tích đầy đủ sự việc, gạn đục khơi trong để hiểu đâu là cái đúng, đâu là cái sai để tìm ra chân lý. Về sau người học trò ấy đã vững bước trên con đường cách mạng. Người học trò ấy, đặc biệt là thân mẫu và gia đình luôn nhớ ghi sâu sắc tấm lòng của ông.
Là một nhà giáo dục, ông Đào Văn Định rất chú ý đến việc nêu gương người tốt, việc tốt để động viên khuyến khích tình cảm tích cực và tinh thần hăng say rèn luyện, phấn đấu của giáo viên và học sinh. Những năm kháng chiến, ngoài việc giảng dạy, học tập, giáo viên và học sinh còn phải làm công tác dân vận như: giúp dân cầy cấy, thu hoạch mùa màng, tính thuế nông nghiệp, dạy bình dân học vụ, liên kết với các chi đoàn địa phương tổ chức liên hoan văn nghệ, thậm chí ra sông Chu vớt tre, nứa, đồ dùng của các gia đình bị lũ cuốn trôi v.v…Trong các hoạt động ấy, những người có thành tích nổi bật đều được ông gặp gỡ cảm ơn, động viên, khuyến khích. Và sáng thứ hai, trong buổi chào cờ, ông đọc tên, nêu thành tích của từng người để giáo viên và học sinh toàn trường noi gương học tập.
Thế nhưng cũng có những lần ông phải kỷ luật học sinh. Lúc ấy, ông rất đau khổ. Ký quyết định xong, ông bỏ mục kỉnh, lấy mùi xoa lau đôi mắt ngấn lệ. Những giọt lệ tình thương của người thầy, người cha trước lầm lỗi của học trò mà ông luôn coi như con đẻ của mình.
Trong ba mươi chín năm làm nghề dạy học, ông Đào Văn Định đã khẳng định tầm vóc và tên tuổi của mình trong ngành giáo dục Việt Nam thế kỷ XX. Ông là thầy dạy của rất nhiều người nổi tiếng như: Đặng Xuân Khu ( Tổng bí thư Trường Chinh); Nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh; Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công An Mai Chí Thọ; Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân, Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Nguyễn Minh Hạc; Giáo sư, Viện sỹ, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hải Hà; Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hoành Khung; Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Công Khanh; Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Mạnh Phan; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Tăng; Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Đức Lộ; Phó Giáo sư Hán Nôm Trần Thị Băng Thanh; Tiến sỹ, Giải thưởng Hồ Chí Minh Phạm Văn Ro; Nhà giáo ưu tú Đỗ Thanh Dương và còn rất nhiều người khác nữa không thể kể hết ở đây. Lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam nói chung, lịch sử giáo dục cách mạng tỉnh Nam Định nói riêng mãi mãi ghi nhớ công lao, đóng góp của ông Đào Văn Định cho sự phát triển của đất nước, quê hương.
2. Ông Đào Văn Định, một nhân sỹ có yêu nước nồng nàn.
Là trí thức được đào tạo trong hệ thống các trường học của Pháp, tích cực tiếp thu kiến thức văn hóa, khoa học của Pháp và thế giới, nhưng tâm hồn ông Đào Văn Định luôn đậm chất Việt Nam, đặc biệt là tình yêu nước Việt.
Năm 1926, vào ngày 11 tháng 3, nhà yêu nước Phan Chu Trinh qua đời. Ở Sài Gòn đã dấy lên phong trào tổ chức lễ truy điệu và để tang Phan Chu Trinh. Phong trào ấy lan ra cả nước. Tại Nam Định, học sinh trường Thành Chung đã bí mật vận động các tầng lớp nhân dân và học sinh một số trường khác tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước. Biết rõ việc làm của học trò, nhưng ông Đào Văn Định không ngăn cản. Lễ truy điệu được tiến hành với hàng nghìn người tham gia tại nghĩa trang Bắc Tế đã làm cho chính quyền thực dân hết sức bất ngờ và lúng túng đối phó.
Sau lễ truy điệu, Thống sứ Roobanh đã ra quyết định hoặc tước học bổng, hoặc đuổi học tạm thời một loạt học sinh trường Thành Chung. Những học sinh có vai trò tích cực bị đuổi học vĩnh viễn là Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan v.v... Ông Đào Văn Định bị chuyển đi trường tiểu học Sơn Tây.
Sau đó, đến năm 1935, ông lại được chuyển về trường Thành Chung để ngày 21 tháng 8 năm 1945, ông và học sinh trường Trung học Nguyễn Khuyến ( là trường Thành Chung được đổi tên từ tháng 6 năm 1945) hòa mình trong cuộc biểu tình rợp trời băng rôn và cờ đỏ sao vàng với hàng ngàn người tham gia tại dốc Lò Trâu do Việt Minh tổ chức. Mọi người lắng nghe hiệu triệu về thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Uỷ ban Khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Uỷ ban Cách mạng lâm thời Thành phố Nam Định ra mắt nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Nam Định hoàn toàn thắng lợi. Ông Đào Văn Định và học sinh trường Trung học Nguyễn Khuyến hân hoan đón chào chế độ mới.
Đất nước thanh bình được hơn một năm thì cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ. Bỏ lại cuộc sống thị thành với mức lương đủ nuôi sống cả gia đình, ông Đào Văn Định cùng người vợ tào khang bồng bế, dắt díu hơn mười người con, lớn nhất mười chín tuổi, nhỏ nhất mới có một tuổi theo trường Nguyễn Khuyến đi kháng chiến vào huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình, sau đó vào khu IV. Ở đây, nếu không xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng và Hồ Chủ tịch thì ông Đào Văn Định sẽ không bao giờ có một quyết định như thế, bởi theo kháng chiến là rất gian khổ, khó khăn, trong khi gánh nặng gia đình với ông lúc này là quá lớn.
Để thu hút nhân sỹ, trí thức, năm 1948, Tỉnh ủy Ninh Bình đã cử một số đảng viên Đảng Cộng sản thành lập Tỉnh ủy Đảng Xã hội Việt Nam, trường Trung học chuyên Khoa Nguyễn Thượng Hiền có một đảng viên tham gia. Đảng Xã hội tỉnh Ninh Bình đã có những buổi nói chuyện về Chủ nghĩa dân chủ mới và mời một số giáo viên trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến mới được tham dự, trong đó có ông Đào Văn Định. Giác ngộ lý tưởng đấu tranh cho độc lập của dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân theo đường lối của Đảng Xã Hội, năm 1949, ông Đào Văn Định chính thức gia nhập tổ chức của đảng này. Việc ông Đào Văn Định tham gia một chính đảng, một tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh, có xu hướng thiên về lý tưởng Chủ nghĩa xã hội cho thấy ý thức chính trị, tình yêu nước và niềm tin vào cách mạng của ông.
Trải qua nhiều năm là người đứng mũi, chịu sào của cơ quan giáo dục, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh ác lệt, là đảng viên Đảng Xã hội, ông Đào Văn Định đã kết hợp chặt chẽ với Chi bộ Đảng Cộng sản nhà trường để lãnh đạo, tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học sinh được tốt nhất. Do nỗ lực công tác và có nhiều đóng góp xuất sắc cho Đảng Xã hội cũng như sự nghiệp cách mạng của đất nước, từ năm 1956 đến năm 1979, ông Đào Văn Định liên tục được bầu làm Bí thư Thành bộ Đảng Xã hội Việt Nam thành phố Nam Định.
Là một thầy giáo điềm đạm, mẫu mực, thông minh và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân và chính quyền nên từ năm 1959 đến năm 1964, ông được bầu là Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1965, khi tỉnh Nam Định được hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, ông Đào Văn Định tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh Nam Hà. Ông giữ cương vị công tác này đến măn 1972. Ngoài chức vụ trên, ông Đào Văn Định còn là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Nam Định các khóa I, II, III, IV; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định các khóa III, IV; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Hà các khóa I, II.
Đặc biệt, từ năm 1971 đến năm 1975 ông Đào Văn Định là đại biểu Quốc hội khóa IV. Năm 1975, ông Đào Văn Định lại vinh dự tái đắc cử vào Quốc hội khóa V. Đây là Quốc hội gải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ xây dựng đất nước ta “ Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội khóa V cũng là Quốc hội ngắn nhất, từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 4 năm 1976. Do rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất cả nước.
Với tấm lòng thiết tha yêu Tổ quốc, thể hiện trách nhiệm cao với các tầng lớp nhân dân, trên cương vị là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định, tỉnh Nam Hà và thành phố Nam Định, ông Đào Văn Định đã có những ý kiến sát thực tế, thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương đường lối của Quốc Hội, của Hội Đồng nhân dân tỉnh và thành phố, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà ông am hiểu và phụ trách.
Có thể nói, từ tuổi thanh niên cho đến lúc nghỉ hưu khi đã bẩy mươi hai tuổi, ông Đào Văn Định luôn là một nhân sỹ có lòng yêu nước nồng nàn, đầy trách nhiệm với dân tộc, với xứ sở, quê hương. Ông suốt đời vì nước vì dân, vì những giá trị khoa học, văn hóa, tinh thần nâng tầm con người, lấy hạnh phúc con người làm lẽ sống. Một trí thức Tây học như ông, một nhân sỹ yêu nước như ông mãi mãi là tấm gương để thế hệ hôm nay và mai sau học tập.
3. Ông Đào Văn Định, người chồng, người cha hạnh phúc.
Ông Đào Văn Định kết hôn với bà Nguyễn Thị Thuần tại Nam Định vào năm 1926 khi bà mới mười chín tuổi. Ông bà có mười hai người con, tám trai, bốn gái.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ, từ bỏ cuộc sống dễ dàng ở thành phố, ông bà đem theo mười một người con, người lớn nhất mười chín tuổi, nhỏ nhất mới một tuổi tản cư theo trường Trung học Nguyễn Khuyến ( là trường Thành Chung đổi tên vào tháng 6 năm 1945) sang làng Yên Mô Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ở đây được vài năm, cả gia đình ông lại tản cư theo trường vào làng Ngò, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi cuộc sống vừa ổn định, ông bà lại phải bồng bế, dắt díu các con ra Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ở Xích Thổ chưa ấn chỗ, lại di chuyển. Có thể nói, ông Đào Văn Định cùng người vợ kiên cường của mình đã cùng đàn con hơn mười người tiến hành cuộc trường chinh suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, trên những chặng đường chông gai hàng trăm cây số, trèo đèo lội suối, khi đi bộ, lúc đi bè, trong hoàn cảnh máy bay Pháp lúc nào cũng rình rập ném bom xuống đầu nếu chúng phát hiện mục tiêu. Mười ba miệng ăn, nhà cửa không có, lúc ở trọ nhà dân, khi ở lán trại tạm của trường, đồng lương một Hiệu trưởng trường cấp III trong kháng chiến không đủ trang trải nhu cầu cuộc sống gia đình. Bao nhiêu vất vả chồng chất ông bà phải lo toan. Lo cho con ăn, lo cho con học, lo thuốc men khi con đau ốm. Và do đau ốm, hoàn cảnh kháng chiến lại quá khó khăn, không được thuốc men chu đáo nên người con trai thứ 11 của ông bà đã mất khi mới ba tuổi. Ông bận với trường lớp không giúp được nhiều công việc gia đình nên mọi việc bà đều cáng đáng. Có lúc quá khó khăn, ông bà phải bán những thứ dự trữ còn lại lúc đi tản cư để trang trải, thậm chí nhờ tiếp tế từ gia đình trong vùng tạm chiếm. Bữa cơm gia đình lúc nào cũng đạm bạc, chỉ có nước cáy chấm rau, thảng hoặc mới có thịt cá. Để kiếm sống nuôi gia đình, hai người con gái phải nghỉ học ít năm, sau đó mới lại đi học tiếp.
Khổ cực là vậy, nhưng cả mười một người con của ông Đào Văn Định đều được học hành chu đáo và đều là những người thành đạt, có thành tích xuất sắc trong công tác. Đào Văn Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục (Vợ ông Đào Văn Phúc là nguyên mẫu trong bức tranh “ Em Thúy” nổi tiếng của họa sỹ Trần Văn Cẩn. Bức tranh này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013); Đào Văn Phú, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội; Đào Văn Phùng, Đại tá, Trưởng khoa Quân sự Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh; Đào Văn Phong, Tiến sỹ Toán học, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định; Đào Thị Phụng, Biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới; Đào Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mỹ Hà, và Hoàng Văn Thụ; Đào Văn Phan, Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Nhà giáo nhân dân, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, Đại học Y khoa Hà Nội; Đào Văn Phiên[11] (Nguyễn Quốc Phiên) Trưởng phòng Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định; Đào Thúy Phi, Dược sỹ, Trưởng khoa Dược bệnh viện Phụ sản Hữu nghị Hà Nội; Đào Bảo Phiến, phụ trách thư viện Cục đường sông, Bộ Giao thông vận tải; Đào Văn Phổ, Đại tá, Cử nhân hóa học, Trưởng phòng nghiên cứu Viện Hóa học và Công nghệ thuộc Trung tâm Khoa học- Công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng.
Tất cả những người con của ông Đào Văn Định đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Và cũng như ông, mười một người con của ông đều được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại.
Có thể nói, gia đình ông Đào Văn Định là gia đình trí thức tiêu biểu, đầy không khí học thuật và nền nếp gia phong. Ông có người vợ thủy chung, cáng đáng gia đình và vượt qua mọi khó khăn vất vả để ông toàn tâm, toàn ý với công tác xã hội. Ông có những người con biết noi gương cha để học tập, phấn đấu, công tác và cống hiến hết mình cho đất nước, quê hương. Ông Đào Văn Định là người chồng, người cha hạnh phúc.
Kết luận:
Ông Đào Văn Định có bốn mươi chín năm công tác liên tục (từ 1923 đến 1972), trong đó ba mươi chín năm làm nghề dạy học. Cuộc đời ông gắn liền với những năm tháng đầy biến động của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn, gian khổ đến đâu ông cũng luôn say mê, nhiệt huyết với nghề dạy học và luôn nồng nàn tình yêu nước thiết tha. Ông là tấm gương sáng ngời của đội ngũ những nhà giáo từ thân phận nô lệ vùng lên làm chủ đất nước, không quản gian khổ, nguy nan quyết một lòng đi theo cách mạng để đào tạo lớp người mới, lớp người được hưởng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, lấy tinh thần phụng sự Tổ quốc làm lẽ sống. Ông là thầy của nhiều bậc hiền tài ở Việt Nam thế kỷ XX, là kiến trúc sư của ngôi trường nổi tiếng nhất tỉnh Nam Định, nằm trong tốp đầu những trường danh tiếng ở Việt Nam hiện nay, đó là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong anh hùng. Sự cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục là rất to lớn; sự cống hiến của ông cho sự nghiệp xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân vì dân là rất to lớn; thành công trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái của ông đáng để các đấng sinh thành noi theo và học tập. Ông là nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa lớn của thành phố Nam Định thế kỷ XX.
Kiến nghị:
Mặc dù là gương mặt văn hóa tiêu biểu của thành phố Nam Định thế kỷ XX, nhưng cho đến nay, chúng ta chưa có hình thức vinh danh nào với ông. Thiết nghĩ lấy tên ông đặt cho một con đường ở thành phố Nam Định, hay đặt cho một trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định là việc làm trong tầm khả năng của chúng ta.
Rất mong đề nghị này của tôi được các cấp lãnh đạo quan tâm.
19/4/2022
T.X.T
[1] Năm 1942, trường Cao đẳng Tiểu học Pháp - Việt ( trường Thành Chung) được nâng cấp thành trường Trung học (Collège) Pháp- Việt. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ra đời ngày 19/4/1945. Vào tháng 6 năm 1945, Khân sai đại thần Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên trường Thành Chung thành trường Trung học Nguyễn Khuyến.
[2] Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) quê ở làng Liên Bạt, tỉnh Hà Đông. Ông là con Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên, và là con rể quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết. Năm 24 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền thi Đình và đỗ Hoàng Giáp. Năm 1912, ông cùng với Pham Bội Châu lập ra Việt Nam Quang Phục hội, một tổ chức cách mạng theo chủ nghĩa dân chủ với mục đích đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương. Tôn chỉ của tổ chức này là: Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Dân quốc. Năm 1914, Phan Bội Châu bị bắt , ông là người lãnh đạo của hội. Sau khi các hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích Quang, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và mất tại đây ngày 28 tháng 12 năm 1925. Ông để lại một số tác phẩm thơ, văn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ ông chủ yếu ký thác những tâm sự của mình và lên án chính sách của người Pháp, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Tập văn xuôi “Hát Đông thư dị” của ông mang đậm tính chất truyền kỳ.
[3] Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ( Thanh- Nghệ- Tĩnh) là vùng tự do của ta.
[4] Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, gắn liền với hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê.
[6] Nguyễn Quốc Trị (1921 - 1967) và liệt sỹ Cù Chính Lan ( 1930- 1952) là hai trong bốn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Việt Nam. Hai ông được phong danh hiệu Anh hùng vào ngày 19 tháng 5 năm 1952, cùng đợt với La Văn Cầu và Nguyễn Thị Chiên
[7] Ông Bạch Năm Thi, (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở tỉnh Hải Dương. Trước năm 1943 ông là Hiệu trưởng trường tư thục Bạch Năng Thi ở thị xã Hải Dương. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia giành chính quyền ở tỉnh Hải Dương và được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời thị xã Hải Dương ( nay là thành phố Hải Dương). Khoảng năm 1948, ông được cử làm Phó Chủ tịch rồi 1949 ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương. Năm 1952 ông được cử về dạy môn Văn ở trường cấp III Nguyễn Thượng Hiền. Sau năm 1954, ông về dạy môn Văn ở trường cấp III Chu Văn An, Hà Nội và được cử làm Phó Hiệu trưởng. Sau đó ông về làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội phụ trách bộ môn Văn học phương Tây. Ông là dịch giả một số tác phẩm văn học nổi tiếng của phương Tây ra tiếng Việt, trong đó có tiểu thuyết “Bà bôvari” của nhà văn Pháp Flôbe. Hiện nay tại thành phố Hải Dương có đường phố mang tên ông.
[8] Xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, TỈNH Ninh Bình nằm ven tỉnh lộ 479, cách thị trấn Nho Quan khoảng 12 ki-lô-mét về phía huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Hiện vẫn chưa tìm hiểu được trường cấp III Cù Chính Lan đóng ở xã nào của huyện Nho Quan.
[9] Các trường trong kháng chiến có quy mô tương đối nhỏ. Khối Cấp II, mỗi khối lớp thường chỉ có một, hai lớp; khối lớp cuối cấp thường chỉ có một lớp. Khối Cấp III, có năm học mỗi khối chỉ có một lớp; sỹ số mỗi lớp thường trên dưới bốn mươi học sinh. Trường cấp III Nguyễn Quốc Trị là trường phổ thông lớn nhất lúc bấy giờ, nhưng năm 1953 khối Cấp III cũng chỉ có hai lớp 8, hai lớp 9, mỗi lớp chỉ hơn 30 học sinh.
[10] Ông Lại Đức Khái ( 1926- ?) quê ở tỉnh Thái Bình, làm Hiệu trưởng trường cấp III Lý Tử Trọng từ tháng 9 năm 1959 đến tháng 12 năm 1960. Tháng 1 năm 1961 ông Lại Đức Khái được điều đi làm Phó trưởng Ty Giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Tháng 6 năm 1966 ông được điều về công tác ở Bộ Giáo dục. Sau đó ông được cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Campuchia. Năm 1985, ông lại được cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Angola. Năm 1990, hết nhiệm kỳ, ông về nước và nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông Lại Đức Khái đã qua đời, nhưng hiện chưa tìm hiểu được ông mất vào năm nào và mất ở đâu.
[11] Người con thứ tám là Đào Văn Phiên (Nguyễn Quốc Phiên) do lúc sinh ra yếu ớt, nên ông bà đã cho người chị ruột có chồng là Nguyễn Quốc Ninh làm con nuôi để “ đổi tay”nuôi với hy vọng người con này được khỏe mạnh. Vì thế Ông Đào Văn Phiên mới mang họ Nguyễn. Ông Nguyễn Quốc Phiên không theo cha mẹ ruột đi kháng chiến.
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024