Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

05/09/2022

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1902 - 06/9/2022), cuối tháng 8 vừa qua, Đoàn cán bộ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định đã đến dâng hương, dâng hoa phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí yêu nước tại Nghĩa trang Hàng Dương thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định dâng hương tại phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo (Ảnh: Nguyễn Vân)

Tại Nghĩa trang Hàng Dương, Đoàn đã thắp hương mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; thắp hương tại các mộ tập thể và các mộ của các liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Trước phần mộ của cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, các thầy cô cán bộ trong Đoàn công tác nhà trường đã ôn lại những công lao to lớn, sự hy sinh của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.

 
           
TS. Phạm Thị Huệ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô BGH, Đoàn thanh niên nhà trường dâng hương tưởng niệm cố tổng Bí thư Lê Hồng Phong (Ảnh: Nguyễn Vân)
 
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Trong quá trình hoạt động của mình, đồng chí Lê Hồng Phong đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn dắt, đào tạo và sớm trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường. Tháng 3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc), Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư kí của Đảng (Tổng Bí thư).

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng và có những đóng góp quan trọng cho Đảng, đất nước và dân tộc, nhận thấy vai trò chủ chốt của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc, thực dân Pháp đã hai lần bắt giam đồng chí và đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời... Đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 06/9/1942.

Với 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Phấn khởi và tự hào về ngôi trường có bề dày truyền thống vẻ vang, thầy và trò nhà trường thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới quê hương đất nước. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nguyện hứa luôn nỗ lực, phấn đấu, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế của ngôi trường mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên trung, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Cũng trong chuyến học tập trải nghiệm tại Côn Đảo, Đoàn đã đi tìm hiểu, thăm Bảo tàng Côn Đảo - nơi lưu giữ “những kỉ vật địa ngục trần gian”, thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, trước hết là thăm trại giam Phú Hải, Phú Tường nơi nổi tiếng với “chuồng cọp”. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động, bàng hoàng với dư luận quốc tế.
 

Cụm tượng bằng chất liệu inox cao 6m trong Bảo tàng Côn Đảo thể hiện khí phách hiên ngang của người Cộng sản với khát vọng tự do, cánh tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn liền với hình tượng cánh chim bồ câu hòa bình (Ảnh: Nguyễn Vân)
 

Ngày 01/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo – nơi được coi là “địa ngục trần gian”
(Ảnh: Nguyễn Vân)
 
Chuyến hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu để thế hệ hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Côn Đảo chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở, là nơi truyền ngọn lửa cách mạng đến với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 
- Nguyễn Vân -