Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Chương trình GDPT 2018

Trang chủ Chương trình GDPT 2018 Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thầy cô đã sẵn sàng thay đổi?

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thầy cô đã sẵn sàng thay đổi?

15/01/2022

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang được dạy trong nhà trường ở lớp 1, 2 và lớp 6. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông, biết vận dụng kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ưu tiên cho giáo dục phổ thông chính là dạy người.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ưu tiên cho giáo dục phổ thông chính là dạy người. 

Những lớp học không… “ảo”

Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, phải bắt đầu từ người thầy. Do đó, việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là không thể chậm trễ.

Trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19, việc tạo ra các cộng đồng học tập trên không gian số, cộng đồng học tập của giáo viên có sự gắn kết giữa giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông; giáo viên dạy cùng môn học trong cả nước có thể kết nối với nhau trên môi trường internet... đã xuất hiện lần đầu tiên khi triển khai mô hình bồi dưỡng thuộc chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP).

Và ba năm qua, đã có gần 30.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán thuộc 63 sở GD-ĐT tham gia chương trình ETEP. Ở từng trường ĐH sư phạm, khi triển khai bồi dưỡng, các giáo viên cốt cán đã được phân bố theo các môn học, cấp học và theo cụm 2-3 sở GD-ĐT cùng nhau tham gia bồi dưỡng 6 modul với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên sư phạm chủ chốt. Trong quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, họ đã hình thành nên các nhóm Zalo trao đổi, chia sẻ những nội dung chưa hiểu, chưa rõ liên quan đến các modul bồi dưỡng cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình giảng dạy, trong hỗ trợ đội ngũ đại trà... Sự trao đổi này được duy trì ngay cả khi không diễn ra hoạt động bồi dưỡng trực tiếp. Đội ngũ cốt cán không chỉ được học hỏi, chia sẻ từ các giáo viên sư phạm chủ chốt mà còn nhận được những chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau thường xuyên, liên tục đến sự phát triển nghề nghiệp của đội ngũ cốt cán. Ngược lại, các thầy cô giảng viên, viết sách giáo khoa cũng nhận được những phản hồi cụ thể từ giáo viên, học sinh khi thực hiện chương trình mới. Đó không chỉ là những trao đổi về chuyên môn, công việc, mà đó chính là những ngọn lửa yêu nghề. Họ cùng trao đi và nhận lại, cùng thay đổi để hướng tới những lớp học hạnh phúc…

Cô Trần Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Ái (huyện Văn Yên, Yên Bái) cho biết, chưa bao giờ giáo viên có được cộng đồng kết nối phong phú và hiệu quả đến thế. Nếu như trước đây, sự gắn kết của giảng viên sư phạm giữa các khoa trong một trường đã được tạo ra trong quá trình đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên về kiến thức khoa học chuyên môn dạy học và giáo dục thì khi tham gia vào các khoá bồi dưỡng các modul, họ đã cùng nhau làm việc từ biên soạn tài liệu đến cùng bồi dưỡng đội ngũ cốt cán do nhà trường phân công. 

Cùng với đó, từng thành viên đều phải có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho bản thân, qua đó có tác động tích cực, lan tỏa trong cộng đồng học tập.

Thầy cô có thể tự xây dựng bộ sách giáo khoa riêng

Theo các chuyên gia giáo dục, Chương trình GDPT 2018 không gói gọn trong bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Thay vào đó, có rất nhiều bộ sách là tư liệu phong phú để thầy cô có thể xây dựng một bộ sách giáo khoa cho riêng mình.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Trường TH&THCS Việt Cường (Trấn Yên, Yên Bái) cho biết, Chương trình ETEP đã giải quyết được nhiều bất cập, mang lại hữu ích thực sự cho giáo viên đại trà. Theo đó, thầy cô được bồi dưỡng đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giờ dạy thông qua việc sử dụng tích hợp thiết bị dạy học; bồi dưỡng đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh để nâng cao hiệu suất giờ dạy; phát triển chương trình theo hướng tích hợp liên môn;...

Tuy nhiên, theo cô Hà, quá trình thực hiện vẫn còn tồn đọng một số khó khăn như: Kinh nghiệm của giáo viên trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên chưa nhiều, vì vậy việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng còn lúng túng; giáo viên không đủ thời gian để nghiên cứu chuyên đề. Đặc biệt, việc tập huấn bổ sung giáo viên theo chương trình GDPT 2018 không phụ thuộc vào sách giáo khoa gặp nhiều khó khăn. Theo chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu cụ thể hóa của chương trình. Tuy nhiên, từ trước đến nay, giáo viên vẫn coi sách giáo khoa là pháp lệnh. Vì vậy, việc tập huấn không có sách giáo khoa sẽ gây khó khăn cho giáo viên.

“Chương trình mới yêu cầu phẩm chất năng lực cần đạt trong từng môn học. Vì vậy, từ nội dung chương trình, giáo viên xây dựng nội dung bài học, từ nội dung bài học hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Do đó, khi đi bồi dưỡng cho giáo viên, tôi thường quán triệt không căn cứ vào sách giáo khoa để giúp giáo viên sáng tạo. Theo đó, chương trình GDPT 2018 không gói gọn trong bất cứ bộ sách nào mà có nhiều bộ sách giáo khoa là tư liệu phong phú để thầy cô tham khảo. Khi tham khảo xong, thầy cô có thể xây dựng một bộ sách giáo khoa cho riêng mình”, cô Hà chia sẻ.

Theo cô Hà, kế hoạch dạy học không theo một bộ sách nào nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, đảm bảo đúng yêu cầu cần đạt. Đặc biệt, không tập huấn theo sách giáo khoa cũng là thuận lợi giúp giáo viên thoát khỏi lối mòn cũ do sách giáo khoa mặc định. Nhưng đây cũng là thách thức cho cả người tập huấn và người được tập huấn.

Cùng với đó, chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình GDPT 2018, cô Đặng Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Bình, Yên Bái) bày tỏ lo lắng về việc thiếu nhân lực và vật lực, không đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 trong năm học tới.

“Năm học tới, môn Tin học và môn tiếng Anh sẽ được triển khai đại trà. Chúng tôi thiếu đội ngũ giáo viên, đồng thời điều kiện cơ sở vật chất các phòng học thực hành Tin học, Ngoại ngữ bị hạn chế, không thể đáp ứng theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ”, cô Hương chia sẻ.

Về vấn để chuyển đổi số trong công tác bồi dưỡng giáo viên, TS Bùi Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, trước hết đối tượng bồi dưỡng đều là các giáo viên phổ thông, những người đã tốt nghiệp ĐH, đang trực tiếp dạy học ở cơ sở GDPT, có nhiều kinh nghiệm trong việc tự học và thích ứng với việc tự bồi dưỡng. Trong bối cảnh nhiều giáo viên không có đủ điều kiện về thời gian, phương tiện đi lại để bồi dưỡng nâng cao trình độ ở những lĩnh vực mà họ đang cần thiết và đặc biệt dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, khó lường như hiện nay thì vai trò của công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết và hiệu quả đối với công tác này.

Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (Yên Lập, Phú Thọ), những giáo viên lớn tuổi hiện gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin, do đó cũng còn những hạn chế trong việc tự bồi dưỡng qua mạng. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh (Trường Tiểu học và THCS Văn Minh - Na Rì, Bắc Kạn) chia sẻ, việc bồi dưỡng trực tuyến với những giáo viên trẻ là phương thức rất hiệu quả, nhưng với những giáo viên lớn tuổi, hoặc trong số họ có những người sắp về hưu thì bồi dưỡng trực tuyến, tự bồi dưỡng bằng tài liệu được cung cấp trên mạng quả là thách thức không nhỏ.

Theo Nhà giáo Ưu tú Phan Công Hùng (giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Phan Huy Chú - Hà Tĩnh), giáo viên rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy thực tế, từ cách dạy học sao cho nâng cao năng lực cho học sinh, phát huy được tinh thần tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, sự sáng tạo ở các em… Để đạt được những kỹ năng đó thì việc kiểm tra đánh giá cũng cần có nhiều thay đổi.

Cô Đặng Tiến Dung, giảng viên Bộ môn PPDH Địa lý (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Đồng nghiệp tôi là cô Nguyễn Thị Ngọc Liên có chuyên môn về lĩnh vực tâm lí học, giáo dục học. Trong hai ngày tập huấn cô đã dẫn dắt lớp “bắt đầu từ cảm xúc và kết thúc bằng cảm xúc” và “đường dây cảm xúc” đó đã chạm đến trái tim của giáo viên cốt cán và ngay chính bản thân tôi”.

Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Trường THPT Lê Chân, Hải Phòng chia sẻ, khi tham gia chương trình, các thầy cô nhận ra, bởi quá bận rộn trong quá trình dạy học cùng những đổi mới, nhiều khi các thầy cô đã quên đi những gì mình đã học về nghề giáo. Đó là những cảm xúc, tình cảm và lắng nghe học trò nhiều hơn, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều như trước.

Có thể nói, với những đổi mới trong chương trình GDPT mới, hướng tới một xã hội “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ luôn bắt đầu từ một nền giáo dục thực học. Muốn như vậy, thầy cô chúng ta sẽ thay đổi, bắt đầu từ niềm đam mê, tình yêu với học trò, với mỗi bài giảng, được bắt đầu từ trái tim người thầy…

Thầy cô giáo 4.0

Chương trình ETEP là chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. 3 năm qua, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình ETEP triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT với nhiều điểm mới.

Bộ GD-ĐT thông qua chương trình ETEP đã xây dựng 54 modul tài liệu bồi dưỡng. Toàn bộ các modul bồi dưỡng đều hướng đến hỗ trợ các thầy cô giáo phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thành công chương trình GDPT 2018. Đây là mô hình bồi dưỡng thường xuyên tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Theo Pháp luật Việt Nam