Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động chuyển đổi số

Trang chủ Hoạt động chuyển đổi số Công tác chuyển đổi số ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Thành tựu và Triển vọng

Công tác chuyển đổi số ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Thành tựu và Triển vọng

07/10/2021

BÀI THAM LUẬN
CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG -
THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG
(tại Hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động năm học 2021-2022)
Người viết: Bùi Xuân Phong – trưởng ban CNTT, GV Lịch sử

       1. Chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề rất cấp thiết
  • Thế giới đang vận động sang kỉ nguyên số, đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực số, cần được giáo dục sớm từ trong nhà trường.
  • Giáo dục đứng trước những thách thức có thể khiến trường học đóng cửa, trẻ em không thể tới trường (như trong đại dịch Covid).
  • Trường học có thể vận hành tốt hơn, tiếp cận đa dạng nhu cầu người học hơn khi sử dụng công nghệ số.
       Nhận thức được những nhu cầu đó, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có nhiều quyết sách khởi động chương trình Chuyển đổi số giáo dục trong tổng thể Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Các trường học, từng giáo viên có trách nhiệm thực hiện thành công chiến lược này.

       2. Một số nhận thức về Chuyển đổi số nhà trường
       Chuyển đối số nhà trường là quá trình chuyển đổi hoạt động nhà trường từ không gian truyền thống sang kết hợp không gian truyền thống với không gian số thông qua công nghệ mới (thay đổi phương thức điều hành, giáo dục, dịch vụ công…), hướng tới xây dựng trường học thông minh.
       Nhưng không phải mọi hoạt động của con người nói chung, mọi hoạt động nhà trường nói riêng đều được số hóa. Với những hoạt động đặc thù mang tính cảm xúc vẫn cần duy trì toàn bộ hoặc một phần theo không gian truyền thống.
       Chúng ta có thể hình dung Trường học thông minh theo mô hình sau:

 
Mô hình: Lát cắt trường học thông minh (đề xuất).
 
       Yêu cầu trong chuyển đổi số nhà trường định hướng trường học thông minh cần đảm bảo phục vụ được cho nhiều nhóm đối tượng (người học, người dạy, quản lý trường, quản lý giáo dục, phụ huynh), tăng năng suất dạy học cho người dạy, tạo hiệu năng học tập cao cho người học, đáp ứng tính sáng tạo bằng việc ứng dụng ICT linh hoạt, đáp ứng tính hệ thống theo tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục quốc gia, quốc tế đặt ra.
       (Theo tham luận “Vietnam’s Edtech overview” tại Hội thảo, trình diễn, giới thiệu mô hình và công nghệ ứng dụng trong giáo dục - Sở KHCN phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định tổ chức ngày 27, 30/7/2021)
       Lộ trình chuyển đổi số nhà trường theo quan sát trên thế giới có thể chia làm 3 bước:
       - Bước 1: Số hóa dữ liệu quản lý nhà trường, tài liệu dạy và học bằng ICT.
       - Bước 2: Ứng dụng ICT trong quản lý nhà trường, dạy và học.
       - Bước 3: Chuyển đổi giáo dục trên nền tảng ICT gồm ba thành tố là chuyển đổi về tư duy nhận thức, chấp nhận cái mới (như thay đổi cách nhìn của người làm giáo dục về mục tiêu, đối tượng, công cụ, mô hình dạy học, mô hình giáo dục); chuyển đổi về ICT, về kiến thức, kĩ năng ICT ứng dụng trong giáo dục, dạy và học; chuyển đổi cơ sở vật chất (trường học thông minh sử dụng nhiều hơn ICT).
       Những thành tố quyết định thành công của chuyển đổi số là 3M:
       - Men: con người trong nhà trường đã chuyển đổi tư duy.
       - Method: phương pháp, cách thức thực hiện phù hợp điều kiện nhà trường.
       - Machine: công cụ gồm phần cứng, phần mềm, learning system…
       Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam chưa có trường học, nền giáo dục nào khẳng định mình đã hoàn thành quá trình chuyển đổi số. Chúng ta không có một mẫu hình chuyển đổi số nhà trường nào hoàn hảo. Do vậy, mỗi nhà trường cần xác định rõ năng lực hiện tại của nguồn lực về con người, tìm kiếm phương thức chuyển đổi giáo dục phù hợp, bổ sung công cụ ICT phù hợp. Đây là hành trình gian nan, nhưng không thể đứng ngoài.
       (Theo Educator Talk tổ chức bởi FAROS Education & Consulting ngày 7/9/2021 - Chuyển đổi số trong trường học: nhu cầu và giải pháp)

       3. Thành tựu của công tác chuyển đổi số của nhà trường từ thập niên 2000 đến nay
       Từ thập niên 2000 đến năm 2010, máy tính, điện thoại để bàn, máy chiếu và Internet dần phổ biến ở Việt Nam. Giáo viên nhà trường đã tiến hành số hóa bài giảng, bước đầu sử dụng máy chiếu trong dạy và học (từ 1 phòng lắp máy chiếu), học sinh thực hành tin học trên phòng máy tính (chỉ 1 phòng máy). Quản lý và điều hành nhà trường bắt đầu sử dụng điện thoại, e-mail, văn bản đánh máy, sắp xếp thời khóa biểu bằng phần mềm. Truyền thông nhà trường bước đầu được biết đến với website chính thức.
       Giai đoạn 2010-2015, máy tính cá nhân, điện thoại di động, Internet cáp quang dần trở nên phổ biến, dạy học từ xa cho học sinh phổ thông (Hocmai, Tuyensinh247…) xuất hiện ở Việt Nam. Giáo viên nhà trường tăng cường sử dụng máy chiếu, bảng tương tác trong giảng dạy. Sự chuyển đổi tư duy và mô hình dạy học ứng dụng ICT đến với một số giáo viên được chỉ định tham dự hai cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức là Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên và Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT. Quản lý nhà trường theo định hướng của Sở GD&ĐT, nhà trường triển khai sử dụng phần mềm quản lý nhà trường Smas. Nhà trường xây dựng và đưa vào sử dụng kênh youtube, trang fanpage facebook nhà trường.
       Giai đoạn 2015-2019, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, Ipad, viễn thông 3G, dạy học từ xa cho học sinh phổ thông (luyện thi Ielts, Toeic, tin học, luyện thi đại học…) dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Giáo viên nhà trường được thông tin về lộ trình chuyển đổi giáo dục của Bộ khi đề ra chương trình giáo dục tổng thể 2018. Sự chấm dứt của Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên, sự đổi mới của Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT (nay là Diễn đàn giáo dục đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT - Education Exchange), sự ra đời của Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam và nhiều diễn đàn giáo dục khác, sự nở rộ của trường học đổi mới sáng tạo chuẩn quốc tế, con đường du học trở nên phổ biến… đã tạo ra nhiều thời cơ và thách thức cho các nhà trường công lập. Nhà trường tiếp tục có những bổ sung công cụ ICT như 4 phòng tin học, 1 phòng Lab ngoại ngữ, bảng tương tác, hệ thống máy tính ở các phòng ban, hệ thống máy tính lớp học kết nối máy chiếu… Một số giáo viên bên cạnh lối dạy truyền thống đã bắt kịp xu hướng dạy học hiện đại, ứng dụng ICT hiệu quả phù hợp phương pháp dạy học tích cực. Theo định hướng của Sở GD&ĐT, nhà trường tiếp tục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường Smas, chuyển đổi sổ điểm, học bạ sang dạng số hóa, triển khai cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm quản lý văn bản liên thông Bộ GD, Chính phủ theo đề án Chính quyền số giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2025.
       Từ năm học 2019-2020, nhà trường bước sang thế kỉ mới sau 100 năm xây dựng, trưởng thành, phải bắt tay chuẩn bị cho chương trình phổ thông 2018 và cũng đón nhận thử thách lớn nhất với ngành giáo dục dịch bệnh Covid-19. Kế hoạch hoạt động nhà trường bị đảo lộn, học sinh không đến trường, trường học đóng cửa, kết nối chuẩn bị Hội trường khó khăn. Nhưng trong nguy có cơ, dịch bệnh Covid-19 đến cũng mang lại “thời gian vàng” cho sự chuyển đổi thực sự cho nhà trường. Giáo viên bắt tay vào dạy học từ xa, kết nối chuẩn bị hội trường online dần thành thạo ICT, thay đổi nhận thức về mô hình dạy học, phương pháp dạy học nhằm tiếp cận năng lực, lấy học sinh thực sự là trung tâm. Quản lý điều hành, dạy và học trong nhà trường được đẩy mạnh chuyển sang môi trường số còn trong bối cảnh khác là các cơ quan liên quan đã chuyển đổi như kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Sở GD&ĐT, ngân hàng, công cụ ICT phát triển nhanh, đa dạng... Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, từ năm học 2021-2022, nhà trường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp lấy Office 365 làm platform, tiếp tục sử dụng hiệu quả các ứng dụng ICT khác, tăng cường phát triển đội ngũ, nghiên cứu chuyển đổi mô hình giáo dục phù hợp với chương trình phổ thông 2018.
       4. Triển vọng và lời kết
       Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể tự tin khẳng định, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang vững bước trên hành trình chuyển đổi số. Thời gian tới, nhà trường sẽ đón nhận nguồn lực mới khi Cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định ra đời. Vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều nỗ lực để hiện thực hóa mô hình trường học thông minh mang tên Lê Hồng Phong. Nhưng với sự quyết tâm, sự chung tay, cùng đồng hành của toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động nhà trường, công tác chuyển đổi số nhà trường sẽ thành công.