Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động chuyển đổi số

Trang chủ Hoạt động chuyển đổi số Công tác chuyển đổi số trong dạy và học ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Công tác chuyển đổi số trong dạy và học ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

31/12/2021

Tham luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 của cụm trường THPT TP Nam Định

1. Chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề rất cấp thiết

  • Thế giới đang vận động sang kỉ nguyên số, đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực số, cần được giáo dục sớm từ trong nhà trường.
  • Giáo dục đứng trước những thách thức có thể khiến trường học đóng cửa, trẻ em không thể tới trường (như trong đại dịch Covid).
  • Trường học có thể vận hành tốt hơn, tiếp cận đa dạng nhu cầu người học hơn khi sử dụng công nghệ số.

Nhận thức được những nhu cầu đó, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có nhiều quyết sách khởi động chương trình Chuyển đổi số giáo dục trong tổng thể Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Các trường học, từng giáo viên có trách nhiệm thực hiện thành công chiến lược này.

2. Một số nhận thức về Sức mạnh của công nghệ với giáo dục, Khung chuyển đổi giáo dục trong thời đại số, Chuyển đổi số trong dạy và học, Chuyển đổi số nhà trường

Sức mạnh của công nghệ rất lớn có khả năng thay đổi giáo dục trước hết là hoạt động dạy và hoạt động học: học chủ động, dạy chủ động, dạy sáng tạo, dạy phân hóa hướng cá nhân học sinh, phát triển năng lực công nghệ cho học sinh.

Hình 1 - Khung chuyển đổi giáo dục (Education Transfomation Framework - ETF) trong thời đại số (Nguồn: Microsoft).

Theo khung chuyển đổi giáo dục, sự thành công của người học là cái đích của giáo dục. Nền tảng của chuyển đổi giáo dục là chuyển đổi số trong dạy và học, khi giáo viên dựa vào công nghệ biết tạo ra những không gian học tập, thiết bị học tập, chương trình và đánh giá để người học thực sự là người làm chủ việc học. Sự thành công của người học là nhờ vào người giáo viên biết dùng công nghệ, biết lãnh đạo (tổ chức) công nghệ. Thầy cô giáo đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi giáo dục, kĩ năng dạy học với sự hỗ trợ của các công cụ số là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong dạy và học.

Chuyển đối số nhà trường (môi trường dạy và học của giáo viên và học sinh) là quá trình chuyển đổi hoạt động nhà trường từ không gian truyền thống sang kết hợp không gian truyền thống với không gian số thông qua công nghệ mới (thay đổi phương thức điều hành, giáo dục, dịch vụ công…) thành trường học thông minh nhằm hình thành và nâng cao năng lực số cho giáo viên và học sinh.

Nhưng không phải mọi hoạt động của con người nói chung, mọi hoạt động nhà trường nói riêng đều được số hóa. Với những hoạt động đặc thù mang tính cảm xúc vẫn cần duy trì toàn bộ hoặc một phần theo không gian truyền thống.

Hình 2 - Đặc trưng trường học trong thế kỉ XXI cũng thay đổi. (Nguồn: IEG)

3. Một số hoạt động nổi bật về chuyển đổi số dạy và học trong 3 năm học gần đây ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Năm học 2019-2020, năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 là 3 năm học nhiều khó khăn với thầy và trò nhà trường. Đại dịch Covid bùng phát làm xáo trộn việc dạy của giáo viên lẫn việc học của học sinh. Nhà trường cũng đã có những bối rối trong năm học đầu tiên dạy học trực tuyến và vững vàng hơn trong 2 năm học tiếp theo. Thực sự, dạy học trực tuyến là cơ hội để thay đổi nhận thức, kĩ năng chuyển đổi số của đội ngũ giáo viên nhà trường và năng lực số của học sinh (những công dân tương lai của đất nước và toàn cầu). Dạy học trực tuyến là bước đầu, bước quan trọng nhất để chuyển đổi số trong dạy và học của nhà trường.

Một số kết quả đáng chú ý trong 3 năm học qua:

a. Về không gian học tập

Lớp học trực tiếp trên nhà trường bước đầu được hiện đại hóa với phòng học có trang bị tivi có khả năng kết nối máy tính, Internet và wifi phủ sóng toàn trường phát huy tối đa sự sáng tạo trong mỗi giờ dạy chính khóa của giáo viên.

Từ năm học 2020-2021, một số nội dung bài giảng điện tử ôn thi tốt nghiệp lớp 12, đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên những năm học trước được chia sẻ công khai trên website và kênh youtube chính thức tạo điều kiện giúp học sinh chủ động tham khảo.

Từ năm học 2021-2022, nhà trường quyết định sử dụng hệ thống Office 365 nhà trường là platform nhằm khắc phục việc tiếp cận không đồng bộ quá nhiều nền tảng LMS (Learning Management System) và không có sự liên thông với quản trị nhà trường. Việc sử dụng Office 365 tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học trực tuyến các môn chính khóa, các đội tuyển học sinh giỏi theo lớp mang tính bảo mật cao trên Microsoft Teams. Hơn thế nữa, trong trạng thái bình thường mới, MS Teams vẫn rất hữu dụng khi giáo viên có thể áp dụng mô hình Flip learning (lớp học đảo ngược), Hybrid learning, Blended learning (học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến; học sinh các đội tuyển khi tham vấn chuyên gia, học sinh các câu lạc bộ cần sinh hoạt tập thể trong điều kiện thiếu phòng chức năng có thể dễ dàng kết nối từ xa…

Trong năm 2021, nhà trường lần lượt đầu tư tài khoản Zoom Pro (max 500 người dự) và gói A3 cho tài khoản admin hệ thống Office 365 nhà trường (tạo Webinar max 1000 người dự và Live Event max 10.000 người dự) có khả năng tổ chức sự kiện hội thảo, hội nghị cho giáo viên và học sinh như các buổi hướng nghiệp online số 1 và số 2 đã kết nối cựu học sinh từ nơi xa như Sài Gòn và nước ngoài.

Hình 3 -Lớp học theo mô hình Hybrid learning trong trạng thái bình thường mới

b. Về thiết bị học tập

Phòng thực hành Tin học, phòng lab ngoại ngữ, phòng lab vật lý, phòng lab hóa học, phòng lab sinh học tiếp tục được đầu tư, bổ sung trang thiết bị trong đó có thiết bị số.

Wifi đã phủ sóng toàn trường, mạng dây đã kết nối đến từng lớp học trực tiếp và các phòng bộ môn.

Trong năm học 2020-2021, từ sự ủng hộ của cựu học sinh, nhà trường đã có 01 phòng đa phương tiện hiện đại có khả năng quay dựng bài giảng điện tử, bản tin chào cờ trực tuyến chuyên nghiệp.

c. Về chương trình và đánh giá

Năm học 2021-2022 là năm học bản lề chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường đã có sự chuẩn bị vững chắc với việc được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định” và giao cho từng tổ chuyên môn nghiên cứu đề xuất nội dung và phương pháp dạy 1- 2 chủ đề dạy học trong chương trình phổ thông mới.

d. Bồi dưỡng công nghệ cho giáo viên và học sinh

Từ năm học 2020-2021, tiểu ban CNTT nay là Ban CNTT đã có nhiều buổi tập huấn thiết thực về Office 365, những công nghệ chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video… hữu ích góp phần giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập trực tuyến và học tập kết hợp trong trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng những lộ trình chuyên biệt để nâng cao năng lực số cho giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động có định hướng số, chú trọng thu hút giáo viên trẻ tham gia tạo động lực chuyển đổi ở các tổ chuyên môn, các ban như: xây dựng đội ngũ giáo viên tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định (15 giáo viên đề cử cho năm học 2021-2022); tái thành lập Ban CNTT có trưởng ban hoạt động thường xuyên, hưởng chế độ theo Quy chế chi tiêu nội bộ; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo tháng, có đánh giá kết quả hàng tháng; xây dựng đội ngũ dựng bản tin truyền thông nhà trường hàng tháng theo tổ chuyên môn, đội ngũ xây dựng bản tin chào cờ trực tuyến được tập huấn bài bản với MC Hạnh Phúc (VTV24); động viên giáo viên tham gia và báo cáo kết quả  khi tham dự các khóa tập huấn, tọa đàm, hội thảo, diễn đàn… liên quan đến năng lực số (tập huấn Science data của Microsoft, tọa đàm “Người thầy đổi mới sáng tạo thời đại 4.0” của Mobiedu, chuỗi hội thảo “Dạy học trong thời đại số” của Edumate…). Đối với học sinh, ngoài việc tập huấn, Đoàn trường phát huy vai trò vận động thanh niên tiếp cận năng lực số thông qua giao việc đồng hành cùng giáo viên thiết kế sơ đồ trường, sơ đồ khu nội trú, xây dựng nội dung bản tin Chào cờ trực tuyến; học qua làm (learning by doing) qua các cuộc thi thiết kế bưu thiếp chúc mừng năm mới, tạo video giới thiệu “Trang sách đầu xuân”, tạo poster và video giới thiệu “Bản sắc khối chuyên”, “Sắc màu câu lạc bộ”; động viên học sinh tìm giải pháp sinh hoạt online phù hợp với điều kiện phòng dịch…

Hình 4 - Tập huấn nâng cao về Office 365 trong dạy học trực tuyến dành cho giáo viên

Hình 5 - Tập huấn edit video phục vụ học tập và truyền thông dành cho học sinh

Hình 6 - Sinh hoạt online của Câu lạc bộ Sách (The Bookaholics)

4. Triển vọng và lời kết

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi có thể tự tin khẳng định, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang vững bước trên hành trình chuyển đổi số. Thời gian tới, nhà trường sẽ đón nhận nguồn lực mới khi Cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định (theo định hướng của Sở) ra đời. Vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều nỗ lực để hiện thực hóa mô hình trường học thông minh mang tên Lê Hồng Phong. Nhưng với sự quyết tâm, sự chung tay, cùng đồng hành của toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường, công tác chuyển đổi số nhà trường nói chung và chuyển đổi số trong dạy và học nói riêng sẽ thành công./.

- Nguồn: namdinh.edu.vn -