Hai bức thư tỏa sáng triết lý giáo dục Việt Nam
01/11/2022
HAI BỨC THƯ TOẢ SÁNG TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM
NGUT. Đỗ Thanh Dương
(Cựu giáo chức trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
(Cựu giáo chức trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
Suốt đời tâm niệm “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(Di chúc), Hồ Chí Minh hằng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục quốc dân. Người đã viết nhiều thư gửi cho cán bộ, giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường; nhiều lần nói chuyện với cán bộ ngành giáo dục, với học sinh sinh viên các trường mà Người có dịp đến thăm. Có những bức thư chỉ ra công việc rất cụ thể như “Thư nói về công tác Trần Quốc Toản” (2-1948), “Thư gửi các cháu thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn, huyện Yên Phong, Hà Bắc” (19-5-1969),… Xin nói về hai bức thư của Người, theo tôi đã toả sáng triết lý(1) giáo dục Việt Nam. Đó là Bức thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành Giáo dục cách đây 54 năm.
1. Bức thư đầu tiên.
Ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam mới diễn ra thật tưng bừng nhộn nhịp trong trống giong cờ mở. Đối với toàn thể học sinh các trường từ Bắc chí Nam, ngoài niềm sung sướng được gặp thầy, gặp bạn và “sung sướng hơn nữa là từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”(2). Đặc biệt còn được đón nhận thư Bác Hồ. Trong thư, sau khi tưởng tượng thấy trước mắt không khí ngày khai trường, hoà niềm vui với các cháu, Hồ Chí Minh chỉ ra tính chất nền giáo dục mới “nền giáo dục độc lập” và mục đích của giáo dục cách mạng “đào tạo các cháu nên những công dân có ích cho nước Việt Nam”, “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu”. Một mục đích giáo dục vừa cụ thể thiết thực, vừa cao cả sâu xa mà đến tận ngày nay không phải chúng ta đã hoàn toàn làm được. Một trong những nguyên lý của giáo dục Việt Nam - giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và hoạt động xã hội - cũng manh nha ngay từ bức thư này “ngoài giờ học ở trường, các cháu cũng nên tham gia vào các Hội nhi đồng cứu quốc để luyện cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng”.
Một điều quan trọng có thể xem như tâm điểm của bức thư là Hồ Chí Minh đã xác định vai trò của tuổi trẻ học đường và ý nghĩa cực kì quan trọng của sự nghiệp giáo dục trong việc chấn hưng đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Hơn bẩy thập kỷ qua, bao thế hệ học sinh Việt Nam đã tâm niệm và ra sức phấn đấu làm theo lời dạy này.
2. Bức thư cuối cùng.
Giữa những ngày kháng chiến chống Mỹ sục sôi, quyết liệt, vào dịp đầu năm thứ tư chống Mỹ cứu nước, ngày 15 - 10 - 1968, Hồ Chí Minh lại gửi thư cho cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp học của ngành Giáo dục phổ thông và Đại học - Trung học chuyên nghiệp. Có lẽ linh cảm đây là bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục, nên Người viết khá dài, thăm hỏi ân cần, dặn dò tỉ mỉ đối với tất cả các đối tượng cán bộ, thầy giáo, học sinh, các ban ngành đoàn thể, các cấp uỷ Đảng và chính quyền về công tác giáo dục.
Ngay vào đầu bức thư, Bác “vui lòng thấy trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển mạnh, nhanh hơn bao giờ hết”. Người khẳng định: “Giặc Mỹ dù điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt nhưng chúng không những đã thất bại thảm hại trên lĩnh vực chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Có thể xem đây là lời tuyên dương công trạng của ngành Giáo dục - Đào tạo, là tấm Huân chương Chiến công cao quý mà Bác trao cho toàn ngành.
Tiếp đó, trong phần lớn bức thư, Hồ Chí Minh đã dành những chỉ bảo ân cần đối với cán bộ, giáo viên, học sinh. Qua đây, ta có thể thấy được hệ thống quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục.
Đó là vai trò và mục đích của nền giáo dục cách mạng Việt Nam “giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”; là nguyên lý nhà trường phải gắn với cuộc sống, phục vụ cách mạng “giáo dục phải góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng đề ra”.
Đó là nội dung giáo dục toàn diện: Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức “thầy và trò luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu Chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”. Giáo dục văn hoá khoa học, kĩ thuật “phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng đề ra , trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao khoa học và kĩ thuật”, giáo dục thể chất, thẩm mỹ “Tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở trường học ngày một tốt hơn, tăng cường đảm bảo sức khoẻ và an toàn”.
Vấn đề dân chủ hoá nhà trường cũng được Người sớm chỉ ra: “cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân”.
Rộng hơn là vai trò, trách nhiệm của Đảng, Chính quyền, ban ngành đoàn thể đối với giáo dục: “Các ngành các cấp Đảng và Chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.
3. Đã 53 năm, Bác Hồ về cõi vĩnh hằng. Những lời dạy của Người đối với Giáo dục đã được toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp, các ngành học trong nền giáo dục quốc dân ra sức thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đã phấn đấu không ngừng xây dựng nền giáo dục cách mạng và đưa sự nghiệp giáo dục lên những bước phát triển mới. Chúng ta đã thu được những thành tựu hết sức to lớn trong việc phát triển số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhiều lĩnh vực như thi Olympic Toán học, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học quốc tế, thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ trẻ, thi tay nghề quốc tế và khu vực đã đạt kết quả cao, sánh ngang với các nước phát triển… Tuy nhiên, đối chiếu với tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, chúng ta không khỏi băn khoăn, day dứt trước những yếu kém tồn tại lâu dài chậm được khắc phục. Khoan nói tới những vấn đề đã nhiều năm nay gây bức xúc trong nhân dân như: tình trạng thường xuyên thay đổi sách giáo khoa, tăng học phí hàng năm, thiếu minh bạch trong tuyển sinh, thu chi ở một số trường, một số địa phương,.. Hãy nhìn vào những vấn đề lớn trong triết lý giáo dục: vấn đề mục đích, nguyên lý, nội dung giáo dục, vấn đề dân chủ hoá trong ngành giáo dục. Có một lúc nào đó, chúng ta đã nặng về những trắc nghiệm biểu kiến tri thức khoa học qua thi cử mà coi nhẹ đào luyện nhân cách văn hoá cho học sinh. Trong nội dung, phương pháp giảng dạy nặng về áp đặt, nhồi nhét kiến thức, mà quên đi việc “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu”. Lại nữa, những sa sút về đạo đức trong một bộ phận trường học, giáo viên, học sinh,… Tất cả đã khiến Việt Nam có nguy cơ đứng lại và tụt hậu trong giáo dục, nếu khảo sát toàn diện, rộng rãi chất lượng người học qua chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số thông minh, cảm xúc), cũng như qua kĩ năng sống, năng lực hoà nhập với xã hội.
Bước vào thời kì hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều khó khăn và thách thức, đã đến lúc “phát triển giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu” trong Nghị quyết của Đảng không chỉ là khẩu hiệu, mà phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể của toàn Đảng, toàn Dân từ các cấp, bộ, Đảng, chính quyền, đến các trường học.
Lời Bác dặn trong hai lá thư của Người “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt”, “phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng của nước ta đề ra và trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật”, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” mãi là nguồn sáng trong đời, là mệnh lệnh lương tâm thôi thúc, vẫy gọi con dân nước Việt. Nhất là đối với những người được Đảng và Nhân dân trao cho sứ mệnh cao cả ở ngành Giáo dục - Đào tạo!
Tháng 10 năm 2022
ĐTD.
ĐTD.
(1) Triết lý: Quan niệm chung và sâu sắc nhất của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. (Đại Từ điển Tiếng Việt. Nguyễn Như Ý chủ biên - NXB Văn hoá Thông tin - Hà Nội - 1999 - tr. 1707).
(2) Từ đây những chữ trong ngoặc kép là trích trong thư Bác, tôi xin gạch dưới để nhấn mạnh.
Tin liên quan
- Chờ đón những trận đấu quyết định ngôi vương tại Sân vận động Thiên trường ngày 14/12/2024
- Giao lưu bóng đá nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024)
- Kết nối yêu thương – Sự chung tay từ mạnh thường quân và cựu học sinh chuyên Lê Hồng Phong
- Chàng trai đạt 9.0 IELTS sau 6 năm ôn luyện
- Nhớ về một thời