Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Khởi nghiệp - Một lựa chọn không dễ dàng

Khởi nghiệp - Một lựa chọn không dễ dàng

03/10/2021

Không ít người ước mơ mình trở thành doanh nhân thành đạt, phát triển một sự nghiệp có dấu ấn, đóng góp tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, ước mơ càng lớn thì thách thức và đánh đổi càng nhiều. Giống như câu chuyện về những chú đại bàng, muốn được là bá chủ trời xanh, chúng chấp nhận đớn đau khi phải tự nhổ lông, đập mỏ để thích nghi với những hoàn cảnh mới. Anh Phạm Việt Khoa, CHS Chuyên Lý khóa 86-89, hiện nay là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về xây dựng nền móng & công trình ngầm, với tổng doanh thu hiện tại gần 5.000 tỷ, số lượng nhân viên là gần 2.000 người. Là một doanh nhân, liệu anh có phải chịu đớn đau như đại bàng?

Anh Phạm Việt Khoa,

CHS Chuyên Lý khóa 86-89, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON
 

Không ít người ước mơ mình trở thành doanh nhân thành đạt, phát triển một sự nghiệp có dấu ấn, đóng góp tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, ước mơ càng lớn thì thách thức và đánh đổi càng nhiều. Giống như câu chuyện về những chú đại bàng, muốn được là bá chủ trời xanh, chúng chấp nhận đớn đau khi phải tự nhổ lông, đập mỏ để thích nghi với những hoàn cảnh mới.

Anh Phạm Việt Khoa, CHS Chuyên Lý khóa 86-89, hiện nay là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về xây dựng nền móng & công trình ngầm, với tổng doanh thu hiện tại gần 5.000 tỷ, số lượng nhân viên là gần 2.000 người. Là một doanh nhân, liệu anh có phải chịu đớn đau như đại bàng? Chúng ta cùng trò chuyện để nghe anh chia sẻ về những câu chuyện của một doanh nhân .


Trở thành doanh nhân đó có phải ước mơ từ bé của anh? Hay nó bắt đầu từ bao giờ?

Anh Phạm Việt Khoa: Khi còn là một cậu học sinh cấp III hay đến khi là sinh viên Đại học, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành doanh nhân cả. Trước đó, đơn thuần chỉ nghĩ, mình sẽ trở thành cán bộ nhà nước làm nghề gì đó, một cán bộ có lương, có sổ bảo hiểm, có nhà, có xe, có hộ khẩu Hà Nội. Ước mơ rất thông thường như bao bạn trẻ khác. Nhưng tầm nhìn thay đổi theo thời gian chứ nó không thể giống nhau ở mọi giai đoạn. Khi đã làm trong nhà nước một thời gian, tôi thấy cũng có những ưu điểm như: có sự ổn định trong công việc, cuộc sống có thể được bảo đảm, nhưng để bứt phá thì vô cùng khó. Đặc biệt, với những người trẻ năng động càng mong mỏi được phát huy ý tưởng và óc sáng tạo của chính mình. Năng lượng tích cực khi được phục vụ cho các mục đích công việc luôn mang lại hiệu quả tối đa. Nếu làm trong môi trường bị kìm hãm, những sáng tạo không được phát huy, thậm chí còn bị áp đặt, năng lượng tích cực rất dễ bị triệt tiêu những suy nghĩ bảo thủ trong một hệ thống hình thành đã quá lâu.
 


 

Vậy việc bắt đầu trở thành doanh nhân là phải chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn để bước đi trong khi không biết phía trước là thành công hay thất bại? Anh có mất nhiều thời gian để chuẩn bị bước ngoặt này?

Anh Phạm Việt Khoa:
Trước hết về mặt tâm lý: Nếu mình cầu toàn quá thì sẽ không bước được, cho nên phải vượt qua chính mình tại thời điểm đó, vượt qua những suy nghĩ thông thường và dám chấp nhận thử thách. Tôi xác định, rời cơ quan nhà nước để khởi nghiệp, nếu không may bị thất bại thì chấp nhận mình không còn là một kỹ sư trong một cơ quan nhà nước lớn, phải chấp nhận đi làm nhân viên cho một công ty nào đó, kể cả đi làm thầu phụ cho công ty nhà nước để nuôi ước mơ làm chủ. Nhưng đổi lại, mình có thể có cơ hội thoải mái sáng tạo, có cơ hội thành công và mình có công ty của riêng mình cùng những người thân thiết.

Người đồng hành: Công ty nhen nhóm hoạt động từ năm 2003 và chính thức thành lập năm 2004 từ nhóm các anh em bạn bè chơi thân với nhau. Trước đó, tất cả đều làm cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước và cùng có nhận thức về vấn đề “bị kìm hãm sáng tạo”. Cùng trong tình trạng không được phát huy năng lực, thu nhập không xứng với công sức bỏ ra, đôi khi có cảm giác bị sai vặt, quan điểm thống nhất lúc đó là ra khỏi công ty nhà nước để khởi nghiệp. Bạn bè là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, nếu lúc đó không có bạn bè đồng hành, chưa chắc tôi đã đi đến quyết định thành lập công ty ngay được. Mấy anh em đã cùng chụm đầu lại với nhau để vạch ra cho mình một lộ trình hình thành và phát triển công ty với một khát vọng không hề nhỏ. 

Nguồn lực tài chính: Trước khi thành lập công ty, tôi và những người bạn cùng khởi nghiệp cũng suy nghĩ nhiều về vốn liếng. Vì đều xuất thân từ những kỹ sư nghèo ở các công ty nhà nước ra thì đâu có nhiều tiền. Rất may có những người nhà tin tưởng sự nghiệp của các kỹ sư nghèo có chí, đã mang hết cả sổ đỏ, tài sản ra cho mấy thanh niên vay, lập nghiệp. 
 


Như vậy có 3 yếu tố chính để khởi nghiệp: tinh thần khởi nghiệp, tài chính, nguồn nhân lực. Vậy có ai làm mentor hay dẫn dắt các anh?

Anh Phạm Việt Khoa: Hồi đó, không có một ai là nguồn động lực/ là điểm tựa thực sự, nhưng may mắn bọn tôi chính là mentor của nhau. Founder công ty gồm 7 người bạn của tôi, tôi là thứ 8 cùng một vài người nhà tôi nữa, với cùng một niềm tin chiến thắng.


Có những người cùng chung chí hướng thì sẽ tạo nên sức mạnh, nhưng nó cũng sẽ có vấn đề ở trong đó ví dụ như: ai cũng thích thể hiện cái tôi của mình. Các anh đã gặp phải những tình huống đó chưa và khắc phục ra sao?

Anh Phạm Việt Khoa: Mâu thuẫn chắc chắn là có, nhất là bạn bè nữa thì càng cá mè một lứa. Tôi và các bạn của mình cũng gặp một số vấn đề trong chuyện bất đồng quan điểm, ví dụ như: lựa chọn mảng kinh doanh, lựa chọn về dự án, lựa chọn mối quan hệ, đặc biệt trong điều hành công ty thì phải có người trên kẻ dưới. May mắn là chúng tôi tôn trọng nhau và đa số tin tưởng vào nhận định của người đứng đầu trong mọi vấn đề lớn. Trong quá trình điều hành, tôi và các bạn mình cũng có những quyết định tương đối kịp thời, tạo ra những bứt phá về doanh thu lợi nhuận, đặc biệt để lại hình ảnh trách nhiệm chuyên nghiệp trước tất cả các khách hàng mà công ty có cơ hội phục vụ.


Có một thực tế là “lúc khó khăn ban đầu thì chung lưng đấu cật, nhưng khi bắt đầu có lợi nhuận thì sinh ra mâu thuẫn vì lợi ích”. Liệu anh đã trải qua những điều đó?

Anh Phạm Việt Khoa: Câu hỏi này thật là khó và khoai (cười), nhưng đối với tôi chữ “fair” sẽ hóa giải tất cả các lo ngại đó.
Trong cơ chế vận hành doanh nghiệp phải rất minh bạch, những ý kiến của các thành viên đều được tôn trọng và được xử lý một cách triệt để. Tôi không sử dụng vị trí chủ tịch của mình để tạo ra sự khác biệt trong đãi ngộ, trong thu nhập để  gây ra những mâu thuẫn về quyền lợi. Không cho phép lợi ích nhóm hay tạo ê kip bè cánh, nếu nảy sinh bất cứ vấn đề gì, chúng tôi sẽ cùng hướng về cái chung để giải quyết làm sao mọi người thấy thỏa đáng. Nhu cầu cao nhất của con người đó là được tôn trọng và được cống hiến, mình sẽ phải luôn ghi nhớ điều này, “bớt cái tôi đi để hiểu người khác”. Chính vì như vậy, những quyết định mà tôi đưa ra đều nhận được sự đồng thuận khá cao của anh em.  


Nghe anh nói chuyện thì có vẻ như mọi điều rất thuận lợi với anh và công ty. Nhưng tôi không nghĩ một người chủ tịch của một công ty thuộc vào Top nhất nhì trong các công ty xây dựng nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam lại dễ dàng như vậy. Chắc chắn phải có những khó khăn. Vậy anh đã gặp phải những khó khăn nào mà mình cảm thấy hụt hơi và làm thể nào để mình có thể vượt qua?

Anh Phạm Việt Khoa: Bạn nhận định như thế rất là đúng vì doanh nghiệp nào cũng có những lúc trầm, lúc bổng. Và để có thành công thì nó đều phải có những giai đoạn khó khăn vất vả, và có cả những thất bại trong đó. Ví dụ năm 2008, chúng tôi xây dựng xong nhà máy đầu tiên ở Hà Nam. Ngay sau đó là suy thoái kinh tế và đơn hàng đầu tiên bị hủy. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn vì công ty đã dồn hết tiền vào để xây dựng nhà máy sản xuất cọc theo công nghệ hiện đại. Trước đó một loạt các dự án hứa hẹn ví dụ như dự án Foxcom ở Bắc Giang, dự án Honda, ABB ở Bắc Ninh… người ta có kế hoạch xây dựng ở Việt Nam nhưng do suy thoái kinh tế, họ trễ lại vài năm. Thời gian đó cực kỳ khó khăn, tôi và những đồng đồng đội của mình cảm thấy bị phá sản đến nơi. Lúc ấy có thể do quyết định sai, anh em máu quá, tự tin quá trong đà phát triển của mình vì trong vòng 4 năm đầu phát triển phi mã, doanh thu toàn tăng gấp 2,3 lần so với năm trước. Và rõ ràng chúng tôi nhìn thấy cơ hội, nhiều nhà đầu từ nước ngoài vào Việt Nam. Công ty mặc dù nhỏ, nhưng rất có duyên với các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam vì hầu hết anh em công ty có khả năng tiếng Anh, khả năng giao dịch quốc tế.

Giai đoạn 2008-2009 là giai đoạn vô cùng khó khăn. Suy thoái kinh tế khiến công ty mất khoảng 2 năm vừa nín thở, vừa thắt lưng buộc bụng, vừa đi tìm việc. Nhưng khi mọi khó khăn vượt qua rồi, ý chí của anh em được tôi rèn và tự nhận thấy mạnh mẽ hơn. Rõ ràng trong nguy có cơ, nhờ có cơn bão đó mà bọn anh đã chứng minh được tinh thần của mọi người vẫn vững vàng. Không những thế nó còn giúp kích thích sự quyết tâm hơn, đoàn kết hơn. Cuối năm 2010, công ty nhận được dự án lớn. Dự án đã  tạo việc trong vòng 3 năm và tạo đà cho các dự án khác sau đó, vì thế năm 2012, FECON đã lên sàn chứng khoán.

Từ 2012 đến nay cũng có những lúc thăng trầm khá là nặng nề. Điển hình như khi làm thầu phụ cho dự án PVC tổng Công ty xây lắp dầu khí, khi họ gặp vấn đề pháp lý, mình là thợ phụ nhưng cũng bị ảnh hưởng và không được thanh toán nợ 100 tỷ, nên rất vất vả về dòng tiền.

Nhưng có lẽ nặng nề nhất là giai đoạn 2016 - 2017, dòng tiền thực sự căng thẳng, bỏ ra hàng trăm tỷ để làm các dự án nhưng sau đó các chủ đầu tư trây ì không trả nợ, đến nay công ty vẫn còn phải xử lý những tồn đọng của thời điểm ấy. Thách thức lớn nhất cho lãnh đạo bọn tôi là vừa phải vận hành sao cho công ty hoạt động bình thường, vừa phải tạo tinh thần cho anh em yên tâm cống hiến, bởi rõ ràng nguồn lực của công ty chỉ có giới hạn nhất định. Về bản chất là công ty đang bỏ tiền ra làm nhưng chưa thu hồi được. Mặc dù đứng trước những khó khăn như thế nhưng may mắn là bọn tôi không bị quá nao núng về tinh thần mà vẫn tự tin để chiến đấu. Chúng tôi cho đó là bản lĩnh của của những chiến binh đã được tôi rèn.

Trong những giai đoạn ấy cũng có những tình huống phải nói là “đau đớn”. Khi một vị trí lãnh đạo không đạt được mục tiêu đề ra, buộc tôi phải đưa ra quyết định mang tính sống còn cho công ty. Khi phải thay đổi lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp, tôi đã buộc phải thay đổi vị trí một người bạn mà tôi coi là cạ cứng bao lâu nay.  Tôi đã mất một khoảng thời gian dài suy nghĩ về việc đó mới có thể đi đến quyết định, vì tôi có cảm giác như phải “chặt” một cánh tay của mình. Với tôi, bạn bè rất quan trọng, nhất là đây lại là một người bạn thân. Giống như thời gian khởi nghiệp, bọn tôi phải đau đầu suy nghĩ tìm ra việc để làm, thì lần này, mọi người lại cùng nhau trao đổi, bày tỏ, trấn an. Rất may, cuối cùng chúng tôi vẫn giữ được bạn. Giai đoạn phải đưa ra quyết định đó có lẽ là thời gian khó khăn nhất với tôi từ khi làm chủ doanh nghiệp. Những vấn đề còn lại, bằng cách này hay cách khác, không sớm thì muộn chúng tôi vẫn tìm ra lời giải phù hợp tại mỗi thời điểm cụ thể.


Năng lượng thì đến từ cảm xúc, vậy làm thế nào để luôn có những năng lượng tốt, hay một tinh thần vững vàng trước mọi tình huống?

Anh Phạm Việt Khoa: (cười) Chẳng có con đường nào khác cả, vì tôi tập trung 70% thời gian vào công ty, còn tất cả những thứ khác chỉ 30%. Mình phải tự tạo năng lượng tích cực cho bản thân bằng chính những thành quả trong công việc.
 


 

Như vậy anh xác định không có sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Liệu có thể coi đây là sự đánh đổi không?

Anh Phạm Việt Khoa: Nó là sự đánh đổi một cách toàn diện theo lựa chọn của mình. Tôi đã lựa chọn đứng đầu một doanh nghiệp, một tổ chức thì sẽ phải phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp của tổ chức thôi. Phải thú nhận là rất là khó để cân bằng giữa các mục tiêu mang tính cá nhân với mục tiêu của tổ chức. Tôi cũng nỗ lực lắm, năm này thì bảo năm sau giảm bớt thời gian là việc để dành nhiều thời gian hơn cho cá nhân và gia đình, năm sau thì bảo năm sau nữa (cười). Người thiệt thòi đầu tiên có lẽ là vợ và các con. Các mối quan hệ bạn bè khác cũng bị ảnh hưởng nhưng nó vẫn có thể lồng ghép trong công việc được. Gia đình thì khó hơn, đặc biệt là thời gian. Từ khi thành lập công ty đến giờ tôi chỉ dành được cho gia đình một tuần 1 ngày không thể hơn. Đó thực sự là vấn đề. Tôi đang phấn đấu từ năm sau thì sẽ dành 2 ngày 1 tuần cho gia đình và cố gắng ăn cơm ở nhà nhiều hơn (cười). 


Có bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi vì không có cả thời gian nghỉ ngơi và nghĩ sẽ dừng lại? 

Anh Phạm Việt Khoa: Cũng có lúc rất nản, nhưng giống như các chiến binh trên thương trường, hình như chỉ cần dừng chân 1 ngày thôi đã thấy thời gian trôi qua thật phí phạm.


Quay trở lại review quãng đời đã trải qua, anh thấy thích nhất giai đoạn nào và nếu cho anh lựa chọn lại anh có đi con đường mình đã đi qua hay không? 

Anh Phạm Việt Khoa: Nhìn lại cả quá trình từ lúc biết nhận thức cho đến nay, có lẽ giai đoạn thú vị nhất, ấn tượng nhất vẫn là giai đoạn là học sinh cấp 3 Lê Hồng Phong Nam Định, thực sự môi trường dạy và học của nhà trường đã tạo ra những con người đầy tự tin và bản lĩnh trong suốt quãng đời học lên và trưởng thành về sau. Tôi tự hào là một cựu học sinh Lê Hồng Phong và luôn biết ơn nhà trường, biết ơn các thầy cô, biết ơn bố mẹ đã tạo cho mình cơ hội như vậy. Có lẽ tất cả những sự biết ơn đó đã tạo cho tôi một điểm tựa không thể nghĩ bàn, để tôi có thể vững vàng bước đi trên những con đường đầy thách thức. Nếu cho tôi chọn lại có lẽ tôi vẫn chọn con đường đã đi qua và vẫn hướng tới mục tiêu phía trước mà mình đã lựa chọn.  


Vâng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, chúc anh sức khỏe để chèo lái công ty luôn giữ vững là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong ngành xây dựng!

Nguồn: LHP Talents