Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là may mắn

Làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là may mắn

03/10/2021

Đây là bài viết của bạn Đỗ Mạnh Cầm, CHS chuyên Hóa khóa 2013-2016. Cầm tâm sự: “Khi viết bài viết này Cầm tự thấy có đôi chỗ lủng củng, nhưng bạn không muốn sửa vì đó là viết bằng cảm xúc, nó giống như lúc mình phải lựa chọn một điều gì đó quan trọng, nên cảm xúc lẫn lộn”. Qua bài viết, bạn trẻ này muốn chia sẻ về việc những khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp của bản thân và với sự chứng kiến những người bạn xung quanh, Cầm đã chỉ ra rằng việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng đối với các em học sinh, định hướng càng sớm càng tốt sẽ giúp các em đến được với những lựa chọn phù hợp và đúng đắn.

Đỗ Mạnh Cầm

CHS chuyên Hóa Khóa 2013-2016 
Sinh viên năm thứ 6 Khoa Y học cổ truyền Đại học Y Hà Nội 

 

Tôi nhận được lời đề nghị viết 1 blog về NGHỀ BÁC SĨ. Tuy nhiên với những trải nghiệm ít ỏi của một sinh viên Y chưa ra trường, tôi chưa viết được những thứ quá tầm như thế. Vậy hãy để tôi nói với tâm thế của MỘT NGƯỜI HỌC Y, về việc tôi đã chọn và đã yêu chuyên ngành của mình như thế nào. Nếu chút nữa còn nhiều cảm xúc, khi tôi kể hết ra câu chuyện của mình, với những trải nghiệm còn non và một chút liều lĩnh, lúc đấy mới xin phép bàn thêm về chủ đề quá tầm tôi được đặt cho đó là "nghề bác sĩ".


ĐAM MÊ HAY MONG MUỐN CỦA GIA ĐÌNH

Bước tới ngưỡng cửa lớp 12, bạn phải đưa ra một lựa chọn quan trọng, đó là CHỌN NGHỀ. Nếu lựa chọn theo ước mơ và sở thích, lại còn được gia đình ủng hộ, vậy thì quá tuyệt vời.

Vào cái giai đoạn quan trọng đó, tôi cũng phải đưa ra quyết định như các bạn, nghe theo gia đình nộp đơn vào một trường Y? Hay theo đuổi ngành nghề mà tôi thích, nộp đơn vào NEU? Tôi đã quyết định nộp đơn vào trường Y theo sự định hướng của gia đình. Nhưng may mắn tôi đã tìm được tình yêu với chuyên ngành mà tôi đang theo học.
 


 

Tuy nhiên có nhiều người không được may mắn như tôi, họ mất mấy năm loay hoay mà vẫn chưa biết lựa chọn của mình là đúng hay sai. Lấy một ví dụ, ở trường Y có một xu hướng, đó là có thể được bảo lưu 1 năm học nếu cảm thấy áp lực quá. Những bạn đi theo con đường này theo định hướng của gia đình dễ gặp căng thẳng hơn các bạn khác. Vì vậy, họ thường chọn thời điểm để dừng học một năm và trải nghiệm ngành nghề mình yêu thích. Bạn tôi học đến năm 4 đại học vẫn cảm thấy không yêu nghề Y. Thế là cô ấy quyết định bảo lưu 1 năm và chạy theo đam mê của mình (ở đây tôi không tiện nói nó là gì). Và sau khoảng thời gian đó, cô gái của tôi vỡ mộng và quay lại học dưới tôi một khóa. Đó không phải là một trường hợp cá biệt. 

Là một cán bộ Đoàn, tôi đã tiếp xúc với không ít trường hợp tương tự. Các bạn ấy trách bố mẹ vì sao ép bản thân học chuyên ngành mà mình không thích. Các bạn ấy nghĩ rằng học y là khó nhất trần đời và chỉ có theo đuổi đam mê mới giúp bản thân cảm giác được sống. Nhưng cuộc sống khó giống cuộc đời, không có con đường nào không có chông gai. Học y, học kỹ thuật, học kinh tế, theo đuổi nghệ thuật,... không hề có nghiên cứu nào chứng minh ngành học nào đơn giản hơn ngành học nào. Lúc ấy cả lựa chọn của gia đình với lựa chọn của bản thân đều làm bạn ấy thất vọng, vậy là xếp hàng đến khám nhà M bệnh viện Bạch Mai (nhà M Bạch Mai là gì các bạn hỏi chị Google nhé).

Cho nên, các bạn muốn chạy theo đam mê và gạt đi ý kiến gia đình, thì đừng chỉ tìm hiểu ngành nghề qua sách báo, internet, mà hãy tìm đến những người thật sự có kinh nghiệm trong nghề để được tư vấn (lưu ý: chống chỉ định hỏi han các bạn sinh viên năm nhất, năm hai, vì ngoại trừ những lời kêu ca thì các bạn ấy chưa đủ kinh nghiệm để định hướng cho người khác). Nếu như bạn may mắn, có cơ hội gắp được một mentor giàu kinh nghiệm, nhưng những lời khuyên quá thực tế khiến bạn chưa thể chấp nhận ngay, hãy cứ kiên định vào đam mê của mình nếu bạn không bị áp lực kinh tế và sẵn sàng sai thì làm lại.

Lan man 1 chút, hãy cùng quay lại câu chuyện tôi đã dần yêu và chấp nhận chuyên ngành của mình như thế nào?

Câu hỏi tiếp theo của tôi với mong muốn mọi người cùng suy nghĩ:
HỌC SINH LỚP CHỌN TRONG 1 TRƯỜNG CHUYÊN?

Năm đó tôi học khối B vì 2 lý do, một là vì không đủ giỏi để vào đội tuyển Hóa, hai là vì học kém lý, kém vô cùng. Suốt 2 năm lớp 10 và 11, bản thân còn chẳng biết mình thích theo ngành gì. Bố mẹ tôi là lao động cơ bản, nên không có một định hướng rõ ràng gì cho tôi. Tuy nhiên là những người thích xem phim truyền hình, gia đình tôi nhận định rằng, học ngành y sẽ có thu nhập khá, và cái danh giá của 3 chữ “Y Hà Nội” sẽ đảm bảo cho một sự đổi đời (tí nữa bao giờ gặp dấu * thì đọc lại đoạn này nhé). Tôi đã đỗ và bắt đầu theo học khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội với một tâm trạng không mấy bằng lòng.

MỘT NGÀNH HỌC KHÔNG QUÁ HOT TRONG 1 TRƯỜNG TOP ĐẦU

Vẫn là câu hỏi ở trên thôi nhưng tôi muốn diễn đạt lại cho rõ nghĩa hơn. Tôi trượt nguyện vọng 1, đỗ nguyện vọng 2, ban đầu tặc lưỡi học một năm rồi thi lại, căn bản tôi lúc đó không chấp nhận được việc mình trượt nguyện vọng 1 do lỗi hệ thống. Hơn nữa, chuyên ngành của tôi không quá hot, trước khi có điểm thi đại học, tôi chẳng biết gì và chưa bao giờ nghĩ sẽ học chuyên ngành này.

Trong chương trình chào tân sinh viên của khoa, chúng tôi được chào đón bởi một người vô cùng đặc biệt. Một người mà đến bây giờ chúng tôi hay bao lứa sinh viên đều vừa khâm phục vừa SỢ. Cô trưởng khoa đón tân sinh viên bằng một tràng mắng đầy cảm xúc, mắng cho tỉnh người, cho đả thông kinh mạch, mắng để những bác sĩ tương lai vừa đỗ đại học với số điểm "không thấp" hạ cánh dần xuống đất và sẵn sàng cho chặng đường phía trước. ĐẤY LÀ TÔI NGHE CÁC BẠN TÔI KỂ THẾ, chứ hôm đó tôi may mắn (không logic với ý sau… bỏ lỡ…) được làm MC chương trình, và thay vì tập trung nghe những chia sẻ của cô thì thứ duy nhất tôi quan tâm là cái timeline, vậy là tôi bỏ lỡ cơ hội đầu tiên để yêu thêm ngành nghề tôi theo đuổi.
Trong năm đầu tiên, bạn bè tôi bỏ học và thi lại nhiều, điều đấy càng làm tôi chán nản. Đến bây giờ nghĩ lại, những người bỏ học năm đó, đều là những người có cái TÔI quá lớn. Hãy để tôi kể cho các bạn 1 chút về các nội dung học đại học của mình.

Chương trình học của tôi là chương trình cũ, hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nhưng là người tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên khóa dưới, tôi hiểu được rằng khối lượng kiến thức của các chương trình đào tạo căn bản là như nhau. Ba năm đầu, tất cả các hệ bác sĩ đều học các môn cơ sở, các hệ cử nhân cũng sẽ học các môn cơ sở nhưng trong thời gian ngắn hơn. Một số câu hỏi bạn hay đặt ra:
"Sinh viên năm nhất có phải đi bệnh viện không?". Trả lời: "Không".
"Sinh viên năm nhất có đi trực không?". Trả lời: "Không".
"Sinh viên năm nhất học có vất vả không?". Trả lời "Không".

Nghe lạ nhỉ, học y mà không vất vả, tất nhiên, đó là quan điểm cá nhân tôi. Nhưng so với năm học lớp 12 ngày đêm cày cuốc thì năm nhất trường Y không là gì. Có chăng là lịch học dày hơn và kiến thức nhiều hơn các trường khác một chút. Nên nếu các bạn có gặp anh chị nào vừa đỗ Y mà kêu là học hành vất vả lắm thì đừng tin, phông bạt thôi. Vất vả là từ giữa năm thứ 3 trở đi kìa. Lúc đấy bạn sẽ bắt đầu đi thực tập tại các bệnh viện, sẽ có trực, có giao ban, có khám người bệnh, có nhiều thứ khác. Lúc này kiến thức không còn nằm trên sách vở mà phải áp dụng vào thực tiễn. Và chúng tôi luôn được học một điều quan trọng "Mọi nhân viên y tế mắc sai lầm đều phải chịu trách nhiệm". Vậy đấy, cái đáng sợ của việc học ngành y không phải là kiến thức mà là trách nhiệm. Nói đến bác sĩ Hoàng Công Lương chắc nhiều bạn biết. Cũng từ sự việc đó, chúng tôi "rén" hơn rất nhiều. Rồi thì ba chữ Y Hà Nội nó cũng mang áp lực nặng nề lắm. Cũng như học sinh Lê Hồng Phong vậy, được cả tỉnh nhìn vào, người sinh viên Y cũng được cả nước ngó tới. Và bất kỳ ai ý thức được điều đó đều sẽ có trách nhiệm với danh tiếng của trường, rộng hơn là của ngành.

TẠI SAO CHÚNG TÔI LẠI CHƯA YÊU NGHỀ?
Khi nhìn các bạn bè tôi lũ lượt bỏ học, tôi cũng định làm như họ, thi lại một chuyên ngành mà tôi nghĩ là hot hơn. Tuy nhiên với bản tính cẩn trọng, tôi rất hay chất vấn bản thân, và một câu hỏi hiện ra trong đầu “Tại sao chúng tôi lại bỏ học?”. Phải, vì chúng tôi CHƯA YÊU NGHỀ. Bước qua tuổi 18, các bạn sẽ có nhiều “QUYỀN” hơn các bạn tưởng tượng. Một trong số đó là quyền từ bỏ. Nhưng không phải ai cũng đủ thấu đáo để dùng cái QUYỀN này cho hợp lý. Vậy: Vì sao chúng tôi không yêu nghề? Chắc chắn không phải vì chuyên ngành Y học cổ truyền không hấp dẫn, mà phần nhiều là do DƯ LUẬN, HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CỦA GIA ĐÌNH. Có thể vì đây chưa phải là chuyên ngành cao nhất trong một ngôi trường danh giá, nên cái TÔI của những người mới lớn đang khao khát một danh tiếng lớn hơn.

Điều thứ hai mà tôi nghĩ tới, đó là mục đích việc học đại học của mình là gì? Nếu là vì đam mê, thì tôi nên chọn một trường kinh tế, chứ không phải tốn thêm một năm công sức để rồi lại quay về học Y. Vậy mục đích của tôi, của gia đình tôi, chỉ đơn giản là học một nghề nghiệp để sau này có cuộc sống ổn định. 

Điều thứ ba, tai sao ngành học của tôi vẫn có điểm đầu vào cao đến vậy nếu như nó không phù hợp với nhu cầu cua xã hội? Phải chăng có nhiều điều về ngành nghề này mà tôi chưa hiểu rõ?

Từ đó, tôi đưa ra một kết luận rằng, nếu như thỏa mãn được cái TÔI và nhìn thấy được một hướng đi tương lai vững vàng, có lẽ chúng tôi sẽ không bỏ học. Lần đầu tiên, tôi thật sự nghiêm túc tìm hiểu về ngành học của mình, hiểu thêm về chương trình học, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến, để rồi đưa ra quyết định "Có lẽ đây là con đường phù hợp nhất với tầm năng lực như tôi". Nhưng nếu ai hỏi tôi thời điểm đó đã yêu nghề hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là vẫn chưa.
 


 

CHỌN NGHỀ ĐÃ KHÓ, YÊU NGHỀ CÒN KHÓ HƠN
"Lại nói đến yêu nghề, nó cũng giống như yêu một người con gái vậy. Có những người yêu từ cái nhìn đầu tiên, và rồi sau một thời gian nhận ra đối phương cũng không long lanh như lần đầu gặp mặt. Cũng có những người mới gặp chưa có cảm tình ngay, nhưng rồi mưa dầm thấm lâu đến khi dứt ra không nổi. Vậy mấu chốt ở đây là cách chúng ta mở lòng, mở lòng với nghề, mở lòng với người". Đấy là những người văn vẻ, họ sẽ khuyên bạn chung chung như vậy, còn tôi chỉ muốn kể về trải nghiệm của mình.

Năm đầu tiên, tôi quyết định không thi lại, nhưng mọi thứ dừng lại ở mức chấp nhận được. Điểm số, kiến thức, cái gì cũng chỉ tầm tầm. Tôi học vì biết rằng nó cần thiết chứ không hề say mê. Đến đầu năm 2, tôi trở thành một sinh viên khá có tiếng trong trường, tham gia nhiều hoạt động và được nhiều thầy cô biết đến. Nhưng họ chỉ biết tôi là một sinh viên năng động, chứ không hề biết đến chuyên ngành mà tôi đang học. Điều đó làm tôi chạnh lòng rất nhiều. Mãi đến năm thứ 3, mới có người đả thông tư tưởng cho tôi. Một câu hỏi của một người giảng viên mà tôi rất quý mến, cô hỏi tôi "Thế em định làm kiểu bác sĩ gì?". Đúng rồi, không phải chỉ có một kiểu bác sĩ. Có những người quá giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu những kỹ năng "mềm" để thăng tiến. Có những người chỉ được cái "miệng dẻo" nhưng chuyên môn lại không tới tầm. Họ có thể kiếm được nhiều tiền nhờ bán thuốc qua mạng, làm bác sĩ 4.0, nhưng cũng không thể thăng tiến. Tất nhiên, không thiếu những người thành công khi có cả 2 điều đó và thất bại khi chẳng có gì. Và nói thật, tôi là kiểu người thứ hai, vượt qua các kì thi với số điểm không thấp bằng cách học "ăn xổi", chú trọng nhiều tới kỹ năng mềm và các mối quan hệ nhưng kiến thức căn cơ lại không vững. Với những gì tôi có thời điểm đó, phù hợp làm một thằng đa cấp giỏi hơn là trở thành bác sĩ. Vậy nguyên nhân là từ đâu? Chính là từ cái cơ bản nhất tôi không có, đó là TÌNH YÊU NGHỀ, tôi chỉ đang học để có được một nghề nghiệp nuôi sống mình. 

Bạn sẽ thấy, một sinh viên có điểm số ổn chưa chắc đã là một sinh viên giỏi, vì kiến thức đại học không dừng lại ở điểm số mà là cách ta vận dụng nó như thế nào. Tôi tự nhận mình có một ưu điểm rất lớn, đó là khi đã nhận ra khuyết điểm thì sẽ tìm mọi cách để sửa nó. Giải pháp là gì? Tôi bắt bản thân mình phải yêu nghề. Yêu bằng một cách đầy lý tính: tìm hiểu số lượng sinh viên ra trường mỗi năm, số lượng sinh viên tìm được công việc đúng theo chuyên ngành, tiếp xúc với những người rẽ ngang xem nguyên nhân của họ là đâu. Nhưng có lẽ, trong chuyện tình cảm, lý tính là không đủ. “Đố ai định nghĩa được tình yêu”, không thể cân đo đong đếm, không có một thang bảng lượng giá nào cho biết rằng tôi đã yêu nghề hay chưa. Tình yêu của tôi nó thấm đẫm từng ngày khi tôi được học kiến thức và tiếp xúc với bệnh nhân. Mỗi ngày tôi đến viện, mang tâm thế của một người bác sĩ, đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị. Mỗi khi tư duy của tôi là đúng và được thầy cô khen ngợi, tôi vui mừng và vững tin vào con đường đang đi. Nhưng chẳng ai không mắc sai lầm. Những lúc như vậy, tôi mới nhận ra sự tai hại trong cách học “ăn xổi” của mình. Cũng từ những niềm vui cùng sự thất vọng chính là những cảm xúc khiến tôi gắn bó hơn với chuyên ngành của mình. Một ngày tôi tự ý thức được, bản thân đã không còn chán nản mỗi khi bị trách mắng. Thay vào đó, tôi tìm cách vá những lỗ hổng kiến thức để tránh những sai lầm. Phải rồi, chỉ có người yêu nghề, có trách nhiệm với chuyên ngành của mình mới làm như vậy.


DỪNG LẠI 1 CHÚT NHÉ, BẠN CÓ NGẠI ĐỌC DÀI KHÔNG?
Hôm nay, đúng 1 ngày sau khi tôi tiêm xong mũi vaccine Covid đầu tiên, cũng đã uống đến viên Panadol thứ 4 trong ngày, giờ mới đủ tỉnh táo để viết tiếp. Nếu bạn không ngại đọc thêm, thì tôi sẽ kể cho các bạn những điều đã và đang thử thách tình yêu nghề của tôi.

Sinh viên Y có hai cột mốc cực kỳ stress. Một là khi hết kỳ đầu năm 3, khi mà phương pháp học bắt đầu thay đổi, khi bạn trực tiếp thực hành trên bệnh nhân và phải có trách nhiệm với chẩn đoán của mình. Cột mốc thứ hai, còn kinh khủng hơn, đó là kết thúc năm 4, khi mà bạn bè đã bắt đầu dấn thân vào thị trường lao động, còn sinh viên Y vẫn phải ngửa tay xin tiền hàng tháng. Trải qua hai cột mốc ấy, ai yêu nghề sẽ càng yêu nghề hơn, ai chán nản sẽ bắt đầu lung lay.

(Được rồi, bạn kiếm lại ở trên có 1 đoạn đã đánh dấu * và đọc lại nó 1 chút nhé) Thử thách lòng yêu nghề lớn nhất của tôi đến từ gia đình. Nghe lạ nhỉ, chính bố mẹ muốn tôi chọn con đường này mà. Nhưng bạn biết không, khi chú ruột tôi phát hiện khối u bất thường ở gan, dựa vào những kết quả khám và xét nghiệm tôi nhận định rằng nếu được điều trị sớm thì kết quả sẽ rất khả quan. Nhưng không, gia đình tôi gồm bố và bác cả lại chọn hướng đi mà tôi không thể ngờ: Ở NHÀ CÚNG BÁI VÀ UỐNG THUỐC NAM. Tôi hết lời khuyên ngăn, năn nỉ, tỉ tê nhưng không có kết quả. Tháng qua chú trở nặng, lúc ấy mới lên viện tuyến đầu, và bạn biết bố tôi nói gì không? "Đã lên đến đây rồi mà không chữa được gì nữa à?". Nghe lạ quá, bệnh tình có thời điểm vàng để điều trị, sao đến giai đoạn muộn thế rồi lại trách cứ bệnh viện không hết lòng? 

Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng, gia đình không cần quan tâm tôi học cái gì, mà chỉ quan tâm đến cái mác của ngành học. Nếu thời điểm này của vài năm trước, một ngành nghề nào đó hot hơn ngành y, thì chắc giờ này tôi đã không học làm nhân viên y tế. Như vậy bố mẹ tôi căn bản chỉ đang đầu tư và chờ kết quả, điều đó làm tôi buồn hơn cả những khó khăn trong mấy năm học vừa qua.


HỌC Y KHÔNG NHẤT THIẾT CHỈ ĐƯỢC LÀM Y.
Ngay từ đầu tôi đã nói "Tôi là một người may mắn đang có sẵn những dự định tự do". Tôi yêu chuyên ngành của mình, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chỉ làm một bác sĩ đơn thuần. Các cụ đã nói "Phi thương bất phú" và tôi vẫn mang trong mình những ý tưởng kinh doanh mà bản thân còn đang ấp ủ. Bạn biết không, tỉ lệ Startup trong lĩnh vực y tế là không nhiều. Người khác nhận định rằng vì đây là một ngành nghề truyền thống nên khó khởi nghiệp, còn tôi cho rằng, càng ít người làm thì đây càng là mảnh đất màu mỡ cho mình tự do khai thác. Tôi có một ý tưởng và thiếu nhiều kinh nghiệm. Nhưng ngay khi có kinh tế ổn định, chắc chắn tôi sẽ thực hiện nó. Quanh tôi có rất nhiều người giỏi, tôi đánh giá họ giỏi, không chỉ vì chuyên môn, mà bởi vì họ thành công trong cuộc sống. Không ít người trong đó xuất thân từ một nhân viên Y tế, bên cạnh công việc ở bệnh viện, họ tích góp vốn và phát triển thêm 1 công việc kinh doanh. Tôi nghĩ họ làm được thì tôi cũng vậy.

Vậy điều cuối cùng tôi muốn nói rằng, đứng trước ngưỡng cửa lớp 12, hãy cân nhắc giữa định hướng của gia đình và nguyện vọng của bản thân. Thật khó để biết rằng lựa chọn nào mới là thật sự đúng, và đừng hối hận khi gặp phải những khó khăn trên con đường mình đã chọn. Đối mặt và tìm giải pháp mới là lựa chọn thông minh.

Nguồn: LHP Talents