Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Một công trình bề thế, giàu trí tuệ, cảm xúc

Một công trình bề thế, giàu trí tuệ, cảm xúc

24/11/2021

Đỗ Thanh Dương - Nguyên Giáo viên tổ Ngữ văn
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định
 
Vâng! Đây là cảm nhận của tôi và nhiều bạn đồng môn về tập kỷ yếu “Mái trường thân yêu, thứ 7” của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Tập sách mang tên “Ngôi trường trăm tuổi: Điểm tựa và Khát vọng”.

Đọc tập sách dày hơn 200 trang, khổ 27cm x 27cm với rất nhiều ảnh tư liệu, người đọc không khỏi xúc động, bồi hồi: Thật là một công trình bề thế, giàu trí tuệ, cảm xúc - kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, công phu của ban biên tập và các thế hệ thầy, trò nhà trường.

1. Một trăm năm dồn tụ, lắng đọng

Qua bốn bài viết khái quát các chặng đường xây dựng và phát triển của trường “Trường Thành Chung và các trường tiền thân - khởi nguồn của truyền thống yêu nước và học giỏi” ( Đỗ Thanh Dương), “Dấu son truyền thống yêu nước, dạy giỏi và học giỏi” (Nguyễn Thị Hồng), “Viết tiếp những trang vàng truyền thống” (Đỗ Thị Hương Giang), “Những gam màu mới” (Đỗ Thị Hương Giang) cùng các bài bổ sung minh họa “Tản mạn về cụ Đào” (Dương Quang Cung), “Nhớ về những ngày đầu của trường phổ thông cấp 3 Nam Định - Lê Hồng Phong” (Trần Văn Lộc), “Bản lĩnh người thầy” (Trần Bá Giao)…, ta thấy hiện lên lịch sử 100 năm - một thế kỷ nhà trường đồng hành cùng quê hương, đất nước đầy thăng trầm nhưng cũng lắm vinh quang, để đến năm 2000, nhân loại bước vào thiên niên kỉ mới, cũng là khi nhà trường tròn 80 tuổi, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã được tôn vinh là TRƯỜNG HỌC ANH HÙNG trong thời kì đổi mới (phong tặng ngay đợt đầu tiên), ngày 3/2/2000. Hiện lên trên dòng thời gian miên man trôi chảy ấy là hình ảnh các thầy giáo, học sinh tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ. Đó là những tên tuổi học sinh thế hệ đầu đã đi vào lịch sử, mãi mãi là những gương sáng của tinh thần yêu nước, yêu dân, học chăm, học giỏi - những lãnh tụ, những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ giàu phát minh, sáng tạo, đã vào đang lan tỏa các giá trị CHÂN - THIỆN - MĨ… Đó là các thầy giáo người Việt đầu tiên của trường Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hữu Tảo, Đỗ Trọng Cảnh, Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm, rồi các thầy hiệu trưởng đạo cao đức trọng, đáng kính: thầy Phó Đức Tố (Hiệu trưởng trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến), thầy Đào Văn Định (Hiệu trưởng đầu tiên của trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong), thầy Lê Văn Hạp (Hiệu trưởng trường Lê Hồng Phong 16 năm liền, một hiệu trưởng thâm niên lâu nhất, có công cùng với đội ngũ giáo viên của trường đưa nhà trường đạt đến đỉnh cao của phong trào thi đua Hai tốt).

Biết bao hoạt động dạy tốt và học tốt được đẩy lên thành cao trào nâng trí tuệ bồi năng lực như các lớp sóng nối tiếp nhau trên bể học mênh mông, để đến 5 năm gần đây nhất (2015-2020) trường đạt nhiều thành tích vẻ vang, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, kết thúc hành trình 100 năm lắng đọng truyền thống đẹp như mơ của một trường trung học phổ thông.

2. Những khát khao lấp lánh trí tuệ

Bên cạnh bề dày truyền thống của nhà trường là chiều cao trí tuệ. Tập kỷ yếu có nhiều bài viết về chân dung các thế hệ thầy cô, các học sinh tiêu biểu. Đây đó cũng có những lời phát biểu trực tiếp bày tỏ mong muốn, khát vọng về nhà trường. Được yêu thích là các bài “Hữu Ngọc- người vượt núi” (Trần Đăng Khoa), “Dân chuyên Toán với ngành Y” (Nguyễn Trọng Yên), “Tự hào về ngôi trường thân yêu” (Bùi Mạnh Nhị), “Vươn lên tầm cao mới” (Hồng Phong), “Cô gái vàng Vật lí” (Báo TTX Việt Nam), “Mười ngày trên đất Georgia” (Nguyễn Thành Trung), “Duyên kì ngộ” (Trần Thanh Thúy), “Dành chuyến đi Ireland nhờ chế tạo nhựa sinh học từ vỏ tôm” (Báo giaoducthoidai.vn)… Các bài viết đã nên những gương sáng phấn đấu chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học từ thế hệ thầy và trò những ngày kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cho đến hôm nay, thời đại 4.0. Lại có những bài mong muốn khái quát phong cách người thầy, phong cách học sinh Lê Hồng Phong. Xưa nay, nói về phẩm cách, tài năng của con người, người ta hay nhắc tới chữ ĐỨC, chữ TÀI, HAY chữ TÂM VÀ chữ TÀI, mà theo Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dù sao những trìu xuất vừa mang tính khái quát, vừa có những biểu hiện cụ thể có thể vận dụng vào cách sống, cách dạy và cách học của thầy và trò là rất đáng trân trọng. Chúng có tác dụng xây dựng và khẳng định giá trị Lê Hồng Phong, thương hiệu Lê Hồng Phong.

3. Những tri ân nồng nàn cảm xúc, ân nghĩa, ân tình.

Các Mác từng nói đại ý: trí dục phát triển đến mức cao nhất trở thành đức dục, đức dục phát triển đến mức cao nhất sẽ thành trí dục… Điều đó có nghĩa là trong giáo dục toàn diện, trí và đức đi đôi với nhau. Điều này thể hiện khá rõ ở các thế hệ học sinh Lê Hồng Phong. Tập kỷ yếu lần này tập hợp được tiếng nói của hơn 60 khóa học sinh trong 100 khóa học của nhà trường (điều này khiến tập kỷ yếu mang tính dân chủ hóa). Bừng sáng gương mặt hân hoan, ríu rít tiếng nói cười trong ngày tụ hội. Nhiều ghi chép, hồi kí, nhiều thơ ca toát lên bề sâu cảm xúc mà nồng nàn lắng đọng, cảm động là những trang viết ân nghĩa, ân tình về nhà trường, về các thầy cô, về bè bạn… Người đọc rưng rưng xúc động khi đọc các bài viết nhớ về các thầy, các bạn đã đi xa: “Người dắt con đi” (NGUT. Phạm Thị Thanh Tâm), “Thắp một nén hương tưởng nhớ thầy Hồ Quang Diệu” (TS. Trần Ngọc Anh), “Góp phần giáo dục toàn diện” của Phó chánh thanh tra Bộ GD Trần Bá Giao, “Người kết nối những trái tim” của cử nhân Phạm Hồng Loan. Không ở đâu ơn thầy, tình bạn, nghĩa trường được nhắc lại với tần xuất cao như trong tập kỷ yếu này và đó là hành trang tinh thần để các thế hệ học sinh Lê Hồng Phong tiếp tục phất cao lá cờ truyền thống của một trường học anh hùng trong thời đại mới.

4. Những phát ngôn ấn tượng

Trong hàng trăm diễn ngôn của tập kỷ yếu này, có những câu nói đầy ấn tượng giàu cảm xúc, tâm tư, là ghi nhớ cũng là định hướng tương lai.
- Hiệu trưởng TS. Phạm Thị Huệ: “Một thế kỷ trôi qua, những dấu tích hữu hình mà ngôi trường không còn hoặc đã thay đổi, nhưng tinh thần kết tinh qua các thế hệ đã trở thành giá trị cốt lõi, làm nền tảng để trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống lên một tầm cao mới, tương xứng với những yêu cầu của thời đại mới”.
- Phó ban liên lạc CHS LHP NĐ phía Bắc Vũ Đức Toàn “… học sinh LHP NĐ có chất riêng không trộn lẫn, đó là học rất giỏi, tư duy tốt, tài hoa, hoài bão, có bản lĩnh và chí dấn thân, nhưng cũng có tấm lòng chân chất, giàu lòng thương yêu quê hương, cội nguồn… Dù đi đâu, hay làm gì, chúng tôi luôn tự hào là cựu học sinh của trường chuyên Lê Hồng Phong, là người con của quê hương thành Nam
- Phó Chủ tịch HCHS LHP NĐ tại phía Nam Trần Tuấn Hiển “Mọi người trở về trường trong dịp này (ngày trường thành lập 100 năm Thành Chung - Lê Hồng Phong) được sống với kí ức của thời hoa đỏ, được cảm thấy tình thầy trò, được thấy mỗi chúng ta đã là những hạt gạo đem vào giã và giờ đây rất tự hào khi những hạt gạo ấy đã trắng tựa bông
- Đinh Thị Hương Thảo - HCV Olympic Vật lí Quốc tế năm 2015 và năm 2016, du học sinh tại Mỹ: “Càng đi nhiều, càng học hỏi nhiều, em càng cảm thấy trân trọng khoảng thời gian đầy máu lửa của mình tại ngôi trường danh giá đất thành Nam. Lê Hồng Phong mãi là niềm ước hẹn không nguôi trong tâm hồn mỗi học sinh”.
- Ấn tượng nhất là câu nói của đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư tỉnh Ủy, chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: “Vì một ngôi trường Lê Hồng Phong ngày càng phát triển, xứng đáng một trường học anh hùng, 1 trường trung học phổ thông chuyên tiêu biểu trong khu vực và cả nước. Đó là lương tâm, vinh dự và trách nhiệm của tất cả chúng ta”.
Có thể xem Ngôi trường trăm tuổi: Điểm tựa và Khát vọng là cuốn biên niên sử vàng về chặng đường 100 năm vinh quang của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định. Và chặng đường 100 năm tới cũng đang được mở ra đầy hứa hẹn.
Nam Định, ngày 23/12/2020.