Vị phó chủ tịch trẻ có niềm tin rằng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc công nghệ trong tương lai không xa. Thử thách bằng việc khó
Từng là học sinh chuyên Tin đi thi quốc gia, nhưng đến năm thứ hai đại học, Hải quyết định chọn khoa Điện tử tự động hóa vì nghĩ "ngành nào điểm cao nhất thì mình chọn". Một lý do khác là ngành này có thể làm ra những sản phẩm "mắt nhìn, tay chạm", thay vì phần mềm chỉ xem trên máy tính.
Một năm sau, Hải bước chân vào Bkav trong lần đầu công ty này tuyển thực tập ở mảng phần cứng. Cậu sinh viên khi ấy vốn chỉ tiếp xúc với những con chip 8051 đơn giản, bảng mạch được làm thủ công bằng cách in ra giấy, rồi dùng bàn là ủi lên tấm đồng. Ngày đầu đến thực tập, anh được cho xem bảng mạch điện tử hai lớp với những linh kiện tinh vi, hoàn thiện bằng mối hàn thiếc chỉn chu. Từng nghĩ một sản phẩm như thế không thể được làm ra tại một công ty trong nước, anh đã thay đổi suy nghĩ khi nghe được câu nói của vị sếp khi ấy: "Chúng ta làm hết đấy, các cậu cứ học rồi sẽ làm được".
Dự án đầu tiên Hải tham gia là nghiên cứu giao thức không dây Zigbee để dùng cho nhà thông minh. Những năm 2000, nhà thông minh là khái niệm mới ngay cả ở nước ngoài. "Khi đó, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã làm nhà thông minh, nhưng chủ yếu sử dụng kết nối dây. Ngôi nhà giống một cái máy với các bộ phận nối với nhau bằng đường dây điện và tín hiệu truyền một chiều từ bộ điều khiển trung tâm đến các thiết bị", Hải nhớ lại. Zigbee lúc đó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và gặp giới hạn chỉ có thể kết nối khoảng 50 thiết bị.
Thành tích đầu tiên nhóm của Hải đạt được là phát triển giao thức Zigbee Stack, có thể kết nối với số lượng thiết bị chạm ngưỡng 200. Đây cũng là cột mốc giúp định vị công nghệ smarthome của Bkav khi cải tiến được giao thức mạng không không dây. Năm 2009, công ty hoàn thiện hệ thống nhà thông minh theo triết lý "plug and play", giúp căn nhà xây mới hay cải tạo đều có thể thành smarthome. Cùng năm đó, Trần Việt Hải trở thành trưởng nhóm phát triển phần mềm nhúng ngay sau khi ra trường.
Công việc của anh được thử thách nhiều hơn vào năm 2016. Sau khi điện thoại Bphone thế hệ đầu ra mắt, đội ngũ phát triển có nhiều xáo trộn. Hải từ một kỹ sư phần mềm nhúng được giao trọng trách phát triển toàn bộ Bphone thế hệ tiếp theo để ra mắt đúng kế hoạch.
Ban đầu, anh nghĩ đơn giản là sẽ tự làm các thành phần nắm rõ nhất, còn lại sử dụng giải pháp sẵn có trên thế giới. Tuy nhiên, những phát sinh trong quá trình phát triển khiến kế hoạch thay đổi. Lấy ví dụ với bộ phận ăng-ten, Hải kể: "Khi muốn thực hiện thay đổi trong thiết kế, chúng tôi phải báo cho đối tác làm mẫu ăng-ten mới. Mỗi lần như vậy mất tầm sáu tuần. Quy trình làm một sản phẩm sẽ cần ba lần như vậy, tức 18 tuần. Nếu cứ theo cách này, dự án sẽ không kịp tiến độ".
Một trong những quyết định lớn đầu tiên của Hải khi dẫn dắt nhóm Bphone là tự làm ăng-ten, dù biết sẽ là việc khó khi phải cân đối giữa hiệu năng thu phát sóng và kiểu dáng thiết bị. Thực tế, quyết định này khiến đội ngũ của anh không mất 18 tuần, mà tới 36 tuần.
"Dù tốn nhiều thời gian và công sức, sau mỗi lần như thế, chúng tôi tự chủ hơn rất nhiều. Các sản phẩm sau này có thể tự do phát triển theo ý mình và không phụ thuộc vào bên ngoài", Hải chia sẻ. Từ năm 2017, các mẫu Bphone 2, 3, B86 đều dùng ăng-ten tự thiết kế. Cũng nhờ sự chủ động trong nghiên cứu, Bkav trở thành công ty đầu tiên phát triển camera tích hợp giải pháp của Qualcomm ngay sau khi hãng chip Mỹ công bố vi xử lý dành cho camera. Qualcomm cũng là một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua sản phẩm. Cuối năm 2020, các mẫu camera AI View "made in Vietnam" được đưa sang Mỹ và lắp đặt tại trụ sở của hãng. Cùng năm, Hải cũng dẫn dắt đội ngũ phát triển phần mềm Bluezone, ứng dụng hỗ trợ truy vết Covid-19 với hơn 40 triệu lượt tải.
Khát khao 'tự do' về công nghệ
Dù tốn nhiều công sức để cho ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt, không phải sản phẩm nào của Trần Việt Hải và công ty Bkav cũng được ghi nhận. Thực tế, điện thoại Bphone, ứng dụng Bluezone... gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
"Nhiều lúc, chúng tôi cũng bế tắc vì làm sản phẩm với mục đích tốt đẹp nhưng không được sự ủng hộ của tất cả. Suy cho cùng, điều này đến từ việc chúng ta chưa có 'tự do' trong công nghệ", Hải nói.
Từ "tự do" ở đây được anh dùng để nói về tự chủ công nghệ, bởi "chỉ khi tự chủ, chúng ta mới có thể làm những sản phẩm mong muốn mà không phải phụ thuộc ai". Anh chia sẻ: "Làm smartphone, tôi mới hiểu chúng ta chịu sức ép của Mỹ và Trung Quốc nhiều thế nào về mặt công nghệ. Chỉ một chi tiết như cụm ăng-ten trên Bphone cũng đã cho thấy tự do mang lại điều gì".
"Bản thân nhiều người cũng chưa có niềm tin về sự tự do, tự chủ công nghệ, nên họ luôn nghi ngờ về sản phẩm của công ty trong nước. Nếu chúng tôi là một tập đoàn tỷ USD, đánh chiếm thị trường toàn cầu, tôi nghĩ mọi người sẽ đón nhận tích cực hơn", anh nói.
Tuy nhiên, theo vị Phó chủ tịch 8x, dù nguyên nhân là gì, trách nhiệm của người làm sản phẩm là cần giải tỏa những vẫn đề đó. Tháng 7/2020, khi Đà Nẵng đang làm điểm nóng về Covid-19, anh quyết định đi vào tâm dịch, hỗ trợ địa phương dùng công nghệ truy vết ca bệnh để chứng minh hiệu quả của phần mềm. Trong nhiều sự kiện cho người dùng Bphone, anh là người trực tiếp gặp mặt, trao đổi với người dùng để chia sẻ về sản phẩm cũng như lắng nghe những phản hồi từ khách hàng.
"Tôi coi tất cả điều đó là công việc một người làm sản phẩm phải làm. Nếu sản phẩm có vấn đề, chúng tôi lắng nghe và cải tiến để tốt hơn. Nếu người dùng có định kiến, chúng tôi sẽ dần chứng minh bằng sản phẩm, để mọi người thấy được giá trị của việc tự chủ công nghệ", Hải nói.
"Nhiều công ty vẫn nghĩ có tiền sẽ có công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ không phải chuyện mua và bán. Công nghệ phải là chiến lược. Cần xây dựng chiến lược, đội ngũ, năng lực công nghệ cho chính mình", anh nói thêm. "Chúng tôi cũng chi hàng nghìn tỷ đồng cho nghiên cứu. Nghe thì lớn, nhưng cái giá cho sự tự chủ này vẫn rất rẻ so với con số tỷ USD mà các đối thủ của chúng tôi đã bỏ ra. Sau hơn chục năm kiên trì, chúng tôi đang từng bước góp phần xây dựng nền công nghiệp điện tử công nghệ cao của người Việt". Những năm gần đây, anh tham gia nhiều hơn ở vai trò đào tạo với mong muốn "đào tạo con người và lan tỏa văn hóa làm công nghệ đúng nghĩa. Khi Việt Nam có văn hóa làm công nghệ nghiêm túc, bài bản, mọi người sẽ dám nghĩ dám làm, dám liên minh để tự cường".
Theo Hải, nếu nhìn nhận lạc quan, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia tự làm được camera AI, smartphone, tự làm ứng dụng phòng chống dịch. Nhiều công ty trong nước cũng đã bắt đầu nghĩ tới việc tự chủ công nghệ. Nhiều tập đoàn lớn thế giới đang chọn Việt Nam làm nơi đặt trụ sở R&D. "Đó là dấu hiệu cho thấy dấu ấn công nghệ Việt đã dần sắc nét trên bản đồ thế giới", anh nói.
Trong khi đó, anh Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav và cũng là người sếp đầu tiên từng động viên Hải có niềm tin vào tự chủ công nghệ, đánh giá: "Hải thuộc lớp F2 xuất sắc. Việc được giao nhiều dự án quan trọng tại tập đoàn khi mới ra trường vài năm thể hiện điều này. Và ở mọi dự án đó, Hải đều thể hiện năng lực chuyên môn cao cũng như tố chất lãnh đạo của mình".