Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong làm theo lời Bác dặn

Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong làm theo lời Bác dặn

26/03/2023

 Kỷ niệm 60 năm ( 1963-2023) Bác Hồ về thăm Nam Định lần cuối.
 
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG LÀM THEO LỜI BÁC DẶN
                                                             
Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định;
nguyên Giáo viên Tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
                                                                                                  
Mặc dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng Giáo sư Vũ Văn Tảo, nguyên Vụ trưởng, trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cựu học sinh trường Thành Chung- tiền thân của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vào tháng 1 năm 1946, khi Bác về thăm Nam Định.   


Bác Hồ về thăm Nam Định năm 1946

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, học sinh trường Thành Chung vô cùng vui sướng khi vào năm học 1945-1946, trường được chính quyền cách mạng cho đổi tên thành Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến. Vui hơn nữa là từ năm học này, tất cả các môn học trong nhà trường đều bằng tiếng Việt, thay cho tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ chính thức trong nhà trường từ tiểu học trở lên lúc bấy giờ.

Niềm hạnh phúc thoát khỏi thân phận nô lệ và niềm tự hào làm chủ đất nước được thầy, trò nhà trường cảm nhận cụ thể, sâu sắc hằng ngày qua việc được nói, được viết, được giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vì thế, học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến quyết tâm học thật tốt kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Sau hơn 20 năm chỉ nói và viết bằng tiếng Pháp, học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt. Nên khi được học bằng tiếng của dân tộc mình, học sinh rất hăng say luyện nói, luyện viết để ngày càng thành thạo hơn. Nhằm cổ vũ phong trào này, các anh Phạm Hữu Dung, Nguyễn Thế Hưng, Lê Quý An, Vũ Văn Tảo…cùng các cộng tác viên là học sinh chuyên khoa năm thứ tư của trường, bàn nhau ra một tuần báo của học sinh lấy tên là Tập Viết. Các anh thống nhất và phân công nhau viết các chuyên mục như: thời sự đất nước, hoạt động nhà trường, văn chương, dịch thuật, truyện vui, thi đố, tranh minh họa, góc hài hước…

Tuần báo được nhiều học sinh hưởng ứng, tham gia viết bài đón đọc và cùng nhiều ấn phẩm tiếng Việt khác đã hình thành “Tủ sách tập viết” của nhà trường, dùng chung cho mọi học sinh. Để nhắc nhở mọi người nói và viết đúng tiếng Việt, Ban biên tập còn đặt lệ: Ai nói và viết tiếng Việt đệm lẫn tiếng Pháp, một tật mà học sinh lúc đó rất hay mắc, thì bị phát mấy xu để sung vào quỹ báo.

Đầu tháng 01 năm 1946, tuần báo Tập Viết ra số đặc biệt. Đây là số báo được chuẩn bị rất công phu để hưởng ứng cuộc Tổng tuyển bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dịp này, nhiều học sinh của nhà trường tham gia phục vụ bầu cử. Ban biên tập báo  Tập Viết được huy động tuyên truyền bầu cử ở huyện Ý Yên, có anh đủ tuổi được tham gia bỏ phiếu. Để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tuần báo Tập Viết mở thêm mục tin tức bầu cử, phóng sự, điểm báo Cứu Quốc, giới thiệu bài trên đài Tiếng nói Việt Nam. Tuần báo cũng bình luận về ý nghĩa trọng đại của việc cử tri được bỏ phiếu bầu trực tiếp, về bình đẳng nam, nữ trong bầu cử, một quyền mà ở nhiều quốc gia lúc bấy giờ chưa có được.

Ngày 10 tháng 1 năm 1946, được tin Bác Hồ về thăm Nam Định, Ban biên tập báo tuần Tập Viết nảy ra ý định gửi biếu Bác một số báo, đặc biệt là số về Tổng tuyển cử, kèm theo hai bức chân dung Hồ Chủ tịch in trên bản gỗ do anh Nguyễn Thế Hưng khắc. Một để biếu Bác, một để xin chữ ký. Ban biên tập lập tức bắt tay vào chuẩn bị. Anh Phạm Hữu Dung được phân công ra đón ô tô của Bác. Khi ô tô chạy qua Vườn Hoa, anh Phạm Hữu Dung, đại diện Ban biên tập đã chạy ra biếu Bác.

Vào đầu tháng 3 năm 1946, đang giờ học, các anh trong Ban biên tập được gọi lên phòng Giám hiệu để gặp thầy Hiệu trưởng Phó Đức Tố. Các anh rất lo lắng, không biết có việc gì.
Thầy Hiệu trưởng ân cần hỏi: Các anh gửi thư lên Bác Hồ có phải không?  Đại diện Ban biên tập vắn tắt báo cáo sự việc. Thầy Hiệu trưởng rất vui, nói: Bây giờ có thư trên Phủ Chủ tịch gửi các anh đây.

Các anh trong Ban biện tập vừa mừng, vừa lo nhận chiếc phong bì to, bằng bìa các-tông từ tay thầy Hiệu trưởng. Hồi hộp, các anh mở phong bì. Đầu tiên là lá thư của ông Vũ Đình Huỳnh([1]). Ông Vũ Đình Huỳnh cho biết, Hồ Chủ tịch đã nhận được thư của Ban biên tập và tuần báo Tập Viết, nay có thư trả lời.

Mở đến lá thư do chính tay Bác Hồ viết, các anh hết sức cảm động. Lần đầu tiên trong đời, các anh được nhìn thấy chữ của Bác. Lại là chữ trong bức thư Bác gửi cho chính các anh. Các anh truyền tay nhau đọc và thuộc ngay từ lần đọc đầu tiên: 
                 Thân gửi các cháu “Tập Viết”
                Bác có mấy lời khuyên các cháu:
                         Ý tứ nên rõ ràng,
                         Lời lẽ nên phổ thông,
                         Câu chữ nên ngắn gọn,
                         Chúc các cháu thành công.
                                                          Thân ái
                                               Ký tên: Hồ Chí Minh

Kèm theo bức thư, Bác Hồ còn gửi cho Ban biên tập một tấm ảnh của Người và gửi lại cho Ban biên tập tấm chân dung in khắc gỗ có chữ ký của Bác.

Bức thư sau đó đã được thầy Hiệu trưởng đọc cho cả trường nghe. Thầy và trò nhà trường vô cùng phấn khởi và xúc động. Các bậc cha mẹ cũng rất cảm kích về bức thư Bác gửi cho con em của mình.

Theo lời dạy của Bác, học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến càng quyết tâm rèn luyện nâng cao trình độ tiếng Việt. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, nhất là trong các giờ học, trong các bài kiểm tra, bài thi, học sinh đều  hết sức cố gắng sử dụng tiếng Việt sao cho tốt nhất. Sau này, khi đã trưởng thành, ra trường, học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến mỗi khi nói và viết đều nhớ đến lời dạy của Bác.

Mùa xuân năm 1965, để giáo dục học sinh quyết tâm vượt khó, hăng say rèn đức, luyện tài, lãnh đạo trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã cho viết bằng sơ đỏ lên đầu hồi hai dãy nhà B và C, ngay cổng ra vào trường, bài thơ trích trong “Nhật ký trong tù” và đoạn trích trong thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
       Bài thơ viết ở đầu hồi nhà B:
      “ Gạo đem vào giã bao đau đớn,
         Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
         Sống ở trên đời người cũng vây,
         Gian Nan rèn luyện mới thành công”
                                                                  Hồ Chí Minh


Bức tường nhà B khắc bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” (Hồ Chí Minh)
 
Đoạn trích thư của Bác viết ở đầu hồi nhà C:
  “…Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” - Bác Hồ ([2]).


Bức
tường nhà C khắc ghi lời  dặn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15 tháng 9 năm 1945.

 
Đã nhiều thập kỷ trôi qua, lời dạy của Bác luôn là động lực để thầy và trò trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong không ngừng phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập. Nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của thầy và trò nhà trường, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tặng nhà trường nhiều phần thưởng cao quý:
- Danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới đất nước.
- 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 01 Huân chương Độc lập hạng Ba.
 - 02 Huân chương Lao động hạng Nhất, 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba.
- Nhiều giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú./.
 
  
 
[1]. Vũ Đình Huỳnh (1905–1990) là một cựu chính trị gia Việt Nam. Ông nguyên là Bí thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[2]. Đoạn trích này lấy trong bài “ Thư Bác Hồ gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường” của sách giáo khoa lớp 3 năm 1964. Hiện nay đoạn văn này có một số dị bản.