Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh

Trang chủ Hoạt động cựu giáo chức, cựu học sinh Mùa xuân kể chuyện Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Thúy Dung

Mùa xuân kể chuyện Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Thúy Dung

22/05/2020

BBT - Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Thúy Dung là cựu học sinh trường cấp III Lê Hồng Phong Nam Định khóa 1979 - 1982. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, cô đã về công tác tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Những năm tháng gắn bó với mái trường Lê Hồng Phong đã lưu lại trong tâm hồn cô không chỉ là kỉ niệm đẹp của thời hoa niên mà còn là kí ức về bao lớp học trò. Là một sư phạm mẫu mực, một nhà giáo tâm huyết, cô như người mẹ bao dung đã nuôi lớn tâm hồn và nhân cách của các học trò chuyên Nga. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập trường, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, BBT xin được tới bạn đọc bài viết dưới đây về cựu học sinh Mai Thị Thúy Dung, nguyên giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Trần Xuân Tuyết
Nguyên giáo viên Ngữ văn
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
  
Là giáo viên dạy cùng trường nên tôi và Nhà giáo ưu tú Mai Thúy Dung gặp nhau và trò chuyên thường xuyên. Một lần, ngồi ở phòng Hội đồng để chuẩn bị lên lớp, giáo viên bàn tán sôi nổi về việc Thủ Tướng Chính phủ quyết định cho công chức, viên chức năm nay nghỉ tết âm lịch chín ngày. Đúng lúc ấy cô Dung đi vào và ngồi xuống cái ghế còn bỏ trống. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, có phần yếu ớt của cô, tôi đùa :
 - Trông Dung mong manh như một cánh hoa!
 Nói xong tôi chờ đợi sự giải thích của cô, đại loại như : thể lực em từ khi sinh ra đã thế, lại đau ốm luôn; họăc cái bệnh đau dạ dày khiến em hao tổn nhiều sức lực v..v, thì cô lại trả lời tôi bằng một khẳng định thật bất ngờ:
 - Nhưng em cũng mạnh mẽ lắm đấy chứ anh.
Trước câu trả lời ấy, tôi nghĩ bụng, chắc cô nói vậy cho vui để mọi người “xả stres” sau mấy giờ lên lớp. Nhưng càng về sau, tôi càng hiểu đó là một câu nói chân thành và rất đúng với tính cách của cô, một tính cách vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ.
Cách đây khoảng chục năm, lớp 11 chuyên Nga do cô làm chủ nhiệm có một cậu học sinh xếp vào hàng cá biệt. Cậu ta đến lớp thất thường, lực học yếu kém, khi được hỏi tới, cậu ta đã đưa ra nhiều lý do, trong đó chủ yếu là ốm. Tìm hiều kỹ, cô biết không phải như vậy mà là trong tư tưởng cậu có nhiều bất ổn. Cậu là học sinh có cá tính, rất nhạy cảm. Cô hiểu, với những học sinh như thế phải rất kiên trì và tế nhị, phải cảm hoá bằng tình thương yêu thực sự chứ không thể là những lời giáo huấn, lại càng không thể bằng sự răn đe. Do vậy, từ đó cứ mỗi khi cậu học trò “ốm” không đi học, cô lại tới nhà thăm hỏi, động viên. Có lần đến nhà thì gặp, có lần không, nhưng lần nào cậu “ốm” cô cũng đến. Cứ như vậy, có lẽ cậu học sinh hiểu rằng không thể kéo dài tình trạng đó, không thể để cô yếu đuối như vậy mà cứ phải phiền lòng, vất vả về mình nên từ đó cậu học trò đã dần thay đổi. Rồi một lần, nhân dịp 20-11, ngày nhà giáo Việt Nam, trong chiếc thuyền giấy các em làm đựng đầy những bông hoa, những tấm bưu thiếp, những con vật ngộ nghĩnh do các em gấp đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên để chúc mừng cô, cô nhận được lời tri ân của cậu học trò thế này:
Учительница!
          Я очень biết ơn жизнь, учительница! (Thưa cô! Em rất biết ơn cuộc sống, thưa cô! )
          Cuộc đời đã sinh ra cô để lo lắng, chăm sóc cho lũ trò chúng em. Còn đối với em, cô như người mẹ thứ hai, tuy cô không sinh ra em, nhưng cô đã cho em cuộc sống mới, cô đã vực chúng em dậy khi chúng em vấp ngã, cô đã cho em một cơ hội để nhìn nhận lại bản thân và sửa chữa.
          Em rất biết ơn cuộc đời đã sinh ra cô. Cảm ơn cô, người mẹ của em!”
Thay đổi một thói quen đã từ lâu không phải chuyện dễ dàng. Thấm thía là vậy, nhưng cậu học trò vẫn tiếp tục có những vi phạm, tuy nhiên, so với cậu cũng đã là chuyển biến đáng kể. Rồi đến một lần cô giáo ốm, thì cậu học trò thực sự ân hận, cậu đã viết cho cô:
         “ Ngày 18 tháng 12
          Một ngày tươi sáng!
          Mẹ yêu dấu!
         Đầu thư con xin kính chúc sức khoẻ của mẹ và gia đình.
         Mẹ ơi, bệnh của mẹ có giảm được không, mẹ có đau lắm không? Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Con đã phụ tất cả những gì mẹ dành cho con. Mẹ luôn tin tưởng con, nhưng từ đầu năm đến giờ mẹ đã thất vọng về con quá nhiều phải không ? Con đã cảm thấy rất hối hận về việc làm của mình, và con xin hứa từ nay sẽ sửa đổi để không phụ những tình cảm mẹ dành cho con. Con xin mẹ cho con niềm tin lần cuối.
         Con xin chúc mẹ mau lành bệnh!
         Con trai”
         Từ sau bức thư ấy, cô chủ nhiệm không còn phải bận tâm nhiều về cậu nữa. Cậu đã tốt nghiệp trung học phổ thông và năm sau thi đỗ đại học, hiện đang có công ăn việc làm rất tốt.
 Tôi dạy văn ở lớp chuyên Nga do cô chủ nhiệm nên đã chứng kiến một chuyện thế này: Hôm ấy đã đến giờ học, tôi bước vào lớp, một cậu học trò cúi đầu chào tôi, thay vì chạy về chỗ ngồi, lại bước vội ra phía cửa ngó dọc hành lang với vẻ mặt thất vọng đến ngơ ngác. Cả tiết học ấy cậu ta buồn thiu, lơ đãng khiến tôi phải nhắc nhở. Đến khi trống hết giờ, tôi thấy cô Dung xuất hiện. Cậu học trò hớn hở lắm. Thì ra hôm ấy là sinh nhật cậu. Theo thông lệ, sinh nhật của học trò nào trong lớp cô cũng nhớ và có một món qua nhỏ để chúc mừng. Hôm ấy không hiểu sao cô đến muộn khiến cậu ta tưởng cô giáo quên nên mới bồn chồn đến như vậy.
Làm chủ nhiệm là công việc nhọc nhằn, đòi hỏi người giáo viên không chỉ cần mẫn mà còn phải cảm hoá được học sinh và nhiều khi sự cảm hoá ấy bắt đầu từ những việc làm hết sức cụ thể. Có lần một em cán bộ lớp cô chủ nhiệm bị mất tiền. Số là, sau khi thu tiền học của lớp, em để tiền trong cặp và đi cùng với các bạn vào một cửa hàng. Kẻ cắp đã lấy trộm cả xe và cặp sách của em trong đó có số tiền vừa thu được. Mất tiền, mất xe, em học sinh vô cùng sợ hãi vì đó là một khoản tiền quá lớn đối với em. Cô Dung rất thương học sinh nhưng không thể cho em số tiền đó, vì có cho em cũng không nhận. Nghĩ mãi, cuối cùng cô hiểu ra, đây là một việc không may cần rút kinh nghiệm, nhưng cũng chính là một dịp để giáo dục ý thức tập thể và lòng yêu thương đùm bọc trong cộng đồng của các em. Cô đã bàn với cán bộ lớp (vắng mặt em học sinh bị mất tiền) và quyết định: trong lễ sơ kết học kỳ một của lớp, cô sẽ tổ chức trao tiền thưởng cho học sinh còn Bí thư chi đoàn sẽ đề xuất ý kiến: bạn nào được phần thưởng của cô thì quyên góp để giúp đỡ bạn. Cô nhớ mãi không khí lớp hôm ấy. Lúc nhận tiền thưởng, học sinh nào cũng phấn khởi và sung sướng lắm. Khi bí thư chi đoàn nói việc bạn cán bộ lớp bị mất tiền, có một thoáng ngơ ngác xuất hiện trên gương mặt các em. Và khi bạn bí thư chi đoàn đề nghị lớp giúp đỡ bạn bằng cách ủng hộ tất cả số tiền vừa được thưởng thì cả lớp ồ lên, ồn ào, bàn tán. Vậy là mọi người tự nguyện góp tiền ủng hộ. Bác chi hội trưởng phu huynh có mặt trong buổi lễ sơ kết cũng động viên và ủng hộ tiền giúp đỡ cho em. Trong hoạ đúng là có phúc. Cô cảm thấy chưa bao giờ học sinh trong lớp lại yêu thương quý mến nhau đến như vậy. Việc làm của cô giáo khiến em học sinh đó hết sức cảm động. Em đã viêt một tấm bưu thiếp gửi tặng cô thế này:
          “Đây là lần đầu tiên em đan một chiếc khăn để tặng người thân, nhưng đan xong thì trời lại nóng rồi cô ơi. Chiếc khăn này em xin tặng cô thay lời chúc mừng năm mới và lời cảm ơn chân thành nhất. Em chúc cô một năm mới dồi dào sức khoẻ, bình an. Mong cô có thêm nhiều, thật nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc!
          Với tất cả nhũng gì cô đã dành cho em thì một lời cảm ơn là chưa đủ. Cô đã ở bên em trong lúc khó khăn nhất! Em biết cô cũng rất khó khăn, nhưng tất cả những gì cô dành cho em thật lớn lao. Trước đây có lúc em bị lung lay về niềm tin đối với con người. Nhưng rồi qua việc làm của cô, qua những lần nói chyện với cô em đã tin vẫn còn nhiều người tốt. Em biết rằn, lòng tốt rất giản dị và với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu lòng tốt không bao giờ là vô ích.
          Em cảm ơn cô, cảm ơn tất cả những gì cô đã dành cho em!”
 
Học sinh lớp chuyên có nhiều em thông minh mà cá tính. Vì thế để dạy dỗ và quản lý các em phải hết sức linh hoạt. Có học sinh mất trật tự, giáo viên bộ môn bắt đứng ra góc lớp, thế nhưng khi bài học có vấn đề hóc búa, từ góc lớp em vẫn giơ tay xin phát biểu ý kiến. Cái vô tư ấy của tuổi học trò cũng được cô trân trọng. Do vậy trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, em ấy đã đạt giải Nhì và được tuyển thẳng vào Học viện Khoa học quân sự. Có em hiền lành, thông minh, năm lớp 11 đoạt giải ba, năm lớp 12 đoạt giải nhì trong kì thi học sinh giỏi quốc gia. Em đã tỏ long biết ơn với cô giáo như thế này:
           “ Thưa cô!
          Em thật hạnh phúc vì được học tiếng Nga, càng hạnh phúc gấp bội phần vì được là học sinh của cô. Mong cô giữ gìn sức khỏe để mang đến yêu thương cho những học sinh của bộ môn tiếng Nga đầy lý thú.
          Cô mãi mãi là thần tượng của chúng em”
* *
*
 Cùng sống trong một thành phố nhưng tôi ít có dịp đến thăm gia đình cô. Mãi đến hôn nay tôi mới làm cái việc mà lẽ ra phải làm từ lâu ấy. Nhà cô ở phố Minh Khai, xưa là phố Hàng Nâu gắn liền với tên tuổi nhà thơ nổi tiếng Trần Tế Xương. Cô tiếp tôi ở một phòng khách xinh xắn được bài trí rất nữ tính. Trên một trong bốn chiếc ghế trạm trổ tứ quý, hai chú mèo con khoanh tròn ôm nhau ngủ ngon lành. Góc nhà, một chậu mai được chăm tỉa kỹ càng. Còn nửa tháng nữa là tết, trên cành đã lác đác một vài bông hoa vàng tươi khoe sắc.
 Vừa rót nước mời tôi, cô vừa chậm rãi kể về sức khoẻ của mình, nhưng sau đó lại chuyển nhanh sang chuyện học trò. Cô nói: Mới ở nhà mấy ngày mà sốt ruột, nhớ lớp, nhớ trường ghê gớm. Nhiều lúc cứ tự hỏi, nếu một ngày nào đó phải xa trường, xa lớp, xa học sinh thì cuộc sống của mình sẽ ra sao đây? Cô bảo học trò cũng thương cô lắm. Cô chỉ cho tôi xem một chiếc bình thuỷ tinh đựng đầy những con hạc giấy đủ màu sắc để trang trọng trong tủ kính. Thấy tôi chưa hiểu, cô giải thích: trong chương trình tiếng Nga mà cô dạy các em có câu chuyện kể về một cô bé người Nhật Bản, là nạn nhân của quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945, rằng nếu gấp được 1000 con hạc giấy thì sẽ được mọi sự may mắn và khỏi hết mọi bệnh tật. Thế là trong suốt thời gian nằm viện, bằng đôi bàn tay yếu ớt của mình, cô bé đã gấp những con hạc với mong muốn một ngày nào đó khoẻ mạnh trở lại. Học sinh cô Dung cũng tin là vậy nên đã gấp tặng cô 1000 con hạc với mong muốn cô giáo mình không bao giờ ốm nữa.
 Tôi không hiểu sợi dây tình cảm nào đã khiến các em học sinh gắn bó và yêu quý cô đến thế. Tôi cũng không hiểu nội lực nào mà một cô giáo tiếng Nga, thứ tiếng không mang lại nhiều thu nhập cho cô trong thời buổi hiện nay lại có thể truyền đến cho học sinh mình một tình yêu mãnh liệt với môn học đến vậy. Dường như đọc thấu những tâm tư của tôi, cô đã kể cho tôi nghe một kỷ niệm buồn từ hơn mười năm trước.
          Ngày ấy cô thuộc lớp giáo viên trẻ của trường. Hăng say mà nguyên tắc. Học sinh đến lớp không thuộc bài – cho điểm kém. Học sinh làm bài kiểm tra không tốt – cho điểm kém. Học sinh đến lớp muộn, vi phạm nội quy nhà trường thì kiểm điểm…Tất cả đều đúng quy định, rất dễ làm việc. Và chuyện đáng buồn đã xảy ra. Có hai học sinh nam trong lớp học yếu, cuối năm phải thi lại mà cũng không qua được. Không đủ tiêu chuẩn học ở lớp chuyên, gia đình đã xin cho các em chuyển sang trường khác. Sau đó một em bỏ học và dần dần trở thành hư hỏng. Nghe tin em ấy đã lâm vòng tù tội, cô bàng hoàng, chua xót. Cô đã tự trách mình rất nhiều. Giá như ngày ấy cô tìm hiểu kỹ càng hơn về đời sống tâm tư trong gia đình và ngoài xã hội của em! Giá như ngày ấy cô yêu thương an ủi cậu ta! Giá như ngày ấy cô đừng nguyên tắc như vậy! Tất cả những cái giá như ấy đều là quá muộn. Từ sự việc xót xa một đời không thể nguôi quên ấy, cô đã tự rút ra cho mình một bài học về đạo làm thầy : trước khi mang đến cho học sinh tri thức hãy mang đến cho các em trái tim nhân hậu của một người mẹ ân cần. Và khi ấy sự dịu dàng của tình mẫu tử sẽ trở thành nguồn động viên, khích lệ, một động lực lớn lao để các em hướng về phía trước. Vì thế trong bao năm qua, cùng với các đồng nghiệp của mình trong nhóm tiếng Nga, cô đã đào tạo bao thế hệ học sinh trưởng thành, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào thành tích chung của nhà trường. Một phần thưởng xứng đáng cho cô giáo: có năm học đội tuyển tiếng Nga do cô phụ trách trong kì thi học sinh giỏi quốc gia đã đạt thành tích rực rỡ : Cả sáu em đều đoạt giải, trong đó có năm giải nhất và một giải nhì. Cả sáu em được Bộ giáo dục và Đào tạo triệu tập dự thi vòng hai chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olimpic tiếng Nga quốc tế.
 Khi tôi nói về thành tích này, cô bảo:
 - Đó là thành tích chung của tất cả các thành viên trong đại gia đình Lê Hồng Phong, nhất là anh chị em trong nhóm tiếng Nga chứ đâu phải của riêng em. Em là người may mắn thôi anh ạ.
Tôi đồng tình với cô như thế. Song tôi cũng hiểu rằng, công sức, mồ hôi và tâm huyết của cô đổ vào đây là rất lớn.
Tiếng chuông điện thoại reo lên cắt ngang câu chuyện giữa tôi và cô. Cô nhấc máy, từ đầu dây bên kia các em học sinh ríu rít thông báo lát nữa sẽ đến thăm cô. Nhìn đôi mắt rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt dịu hiền của cô, tôi chợt hiểu nguồn năng lượng kỳ diệu trong con người nhỏ bé, mong manh ấy có nguồn gốc từ đâu. Làm thầy đã bao năm, hôm nay tôi càng thấm thía chân lý giản dị này: với nghề sư phạm, tất cả phải bắt đầu từ tình yêu, yêu nghề, và cao hơn nữa là yêu thương con người.
Tôi chào cô ra về. Tiết trời xe lạnh. Một luồng gió thổi dọc con phố làm rụng những chiếc lá bằng lăng cuối cùng còn sót lại trên cây. Hai bên hè phố rực rỡ sắc màu của những mặt hàng bán tết.
          Một mùa xuân mới đã về !
Niềm vui của cô Mai Thị Thúy Dung bên các học trò chuyên Nga