Người kết nối những trái tim
27/07/2021Ngôi trường trăm tuổi - Thành Chung xưa - Lê Hồng Phong nay - không chỉ được ghi danh với truyền thống dạy giỏi học giỏi mà còn bởi truyền thống yêu nước. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhiều học sinh của trường đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương và tự hào của thầy cô, bè bạn…. Chiến tranh đã rời xa, những người lính - cựu học sinh trường Lê Hồng Phong may mắn trở về vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ bè bạn một thuở chung trường chung lớp. Hội cựu chiến binh là cựu học sinh Lê Hồng Phong đã được thành lập với mong muốn gắn kết những người lính, người bạn học, người đồng chí, đồng đội. Một trong những hoạt động ý nghĩa của Hội là tìm kiếm những liệt sĩ là cựu học sinh Lê Hồng Phong của các khóa học. Tới nay, Hội đã tìm kiếm được hơn 140 liệt sĩ từ các lớp, các khóa, các huyện khác nhau trong tỉnh. Đó là một hành trình không hề đơn giản của những “người kết nối những trái tim”. BBT giới thiệu bài viết của CHS lớp A khóa 1976-1979, Thành viên của Hội cựu chiến binh là cựu học sinh Lê Hồng Phong - chị Phạm Hồng Loan về “người kết nối những trái tim” ấy.
CHS lớp A khóa 1976 - 1979
Đêm. Sao mãi không ngủ được. Lên mạng vậy. Lướt qua facebook xem có thêm thông tin gì về hai cô bạn ở nước ngoài chuẩn bị về thăm quê để bạn bè lại có dịp tụ bạ không? Chà! Tin nhắn mới của anh Trần Thái Sơn – Trưởng ban liên lạc Hội Cựu học sinh là chiến binh trường Lê Hồng Phong: “Chủ nhật này 13/12/2015 Hội CHS là CCB Lê Hồng Phong sẽ tiếp tục chương trình hành động "Uống nước nhớ nguồn -Tri ân Liệt sỹ". Nếu em không bận mời em cùng đi với đoàn.” Bận ư? Dĩ nhiên là bận, nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết được.
Sáng sớm. Đoàn đại diện cho Hội cựu học sinh là cựu chiến binh trường Lê Hồng Phong lên đường, bắt đầu cuộc hành trình đi thăm và tặng quà cho các gia đình liệt sĩ. Đầy một thùng xe bán tải những hoa và quà với đoàn xe của các cựu chiến binh và xe của chị gái liệt sĩ Lại Xuân Lợi ( khóa 1969 – 1972) ủng hộ.Có được chuyến đi này phần lớn là nhờ sự chung tay góp sức của nhiều cựu chiến binh và cựu học sinh trên khắp mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài. Một ngày dài rong ruổi. Không biết có hoàn thành nhiệm vụ không? Vấn đề là ở chỗ anh Sơn - người cầm lái con thuyền sứ mệnh này có biết được chính xác địa chỉ của từng gia đình liệt sĩ trong cái thành phố đường ngang ngõ dọc như mạng nhện này không? Lại còn những gia đình ở ngoại thành và nơi Hà Nam xa lắc xa lơ nữa.
Mọi việc rồi cũng êm xuôi khi người chủ trì cho cả chuyến đi dường như nắm trong lòng bàn tay mọi ngôi nhà của các liệt sĩ dù chỉ sau 9 tháng phát động, Ban liên lạc đã cập nhật được 82 liệt sĩ ở các khóa học khác nhau. Tìm được các anh. Tìm được thân nhân của các anh đâu phải là điều dễ dàng. Không hiểu sao mỗi khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của chiến tranh, trong tôi cứ trào dâng niềm xúc động đến nghẹn ngào. Phải vì trong tim tôi lúc nào cũng đầy ắp những kỉ niệm về người anh trai thân thương . Năm học lớp 7, với giải khuyến khích trong kì thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, anh được chọn vào trường Lê Hồng Phong. Ngày 31/12/1971, anh lên đường chiến đấu, và ngày 9/10/1972 hy sinh tại mặt trân Quảng Trị. Dẫu biết chiến tranh là đau thương, là mất mát nhưng nỗi đau về sự chia ly sao có thể nguôi ngoai dù cho năm tháng cứ dần trôi, mọi điều rồi sẽ lui vào dĩ vãng.
Bước chân vào ngôi nhà của từng liệt sĩ, trong tôi cứ trào lên cảm giác thân thương. Ngỡ như tôi đã quen liệt sĩ này từ lâu lắm. Ngỡ như anh cùng chia nhau từng miếng cơm, ngụm nước nơi chiến hào với anh tôi. Và ở một nơi nào đó, xa xôi lắm, các anh vẫn đang cùng sẻ chia, đang cùng hướng về những người thân yêu của mình. Đây là liệt sỹ Trần Đăng Cự, sinh 1942, lớp B (khóa 1962-1965). Lên đường nhập ngũ từ năm 1961 đến năm 1963 anh trở về tiếp tục học tập. Đến tháng 4/1965, trước khí thế sôi sục của cả nước đánh Mỹ, anh viết quyết tâm thư bằng máu xin ra mặt trận. Ngày 28/8/1969 trong một trận chiến không cân sức giữa trung đội đặc công với nhiều tiểu đoàn Mỹ-Ngụy tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, anh đã anh dũng hy sinh. Hài cốt của anh cho tới nay vẫn chưa tìm thấy.
(...) “Lớp cha trước, lớp con sau…” Hơn một thế kỉ trôi qua, biết bao thế hệ người dân Việt Nam lên đường đánh giặc. Máu của bao chiến sĩ đã đổ xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp để làm nên “vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”( Tố Hữu). Nhưng mảnh đất nơi đầu sóng này chưa bao giờ nguội tắt ngọn lửa đấu tranh. Lớp lớp thanh niên lại: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” khi giặc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Lê Văn Long (lớp 10B- khóa 1962-1965) đã hòa mình trong đội ngũ trùng điệp đó. Là con trai liệt sĩ, thuở thiếu niên, anh được đi học lớp thiếu sinh quân tại Cộng hòa dân chủ Đức. Khi về nước, anh tiếp tục theo học tại trường Lê Hồng Phong. Hai năm học trôi qua nhanh chóng, hết lớp 9, cậu học trò vui vẻ, sôi nổi nhưng cũng rất phong độ, chững chạc vì đã qua “Tây học” viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu trả thù nhà, đền nợ nước. Cho đến bây giờ, mảnh đất miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng vẫn giữ trọn hình hài anh.
Sau 50 năm xa cách, hai người bạn, hai cựu học sinh lớp 10Đ (khóa 1960-1963) đã tìm lại được người bạn thân thiết của mình: Đoàn Văn Sơ. Theo các nguồn thông tin, hai anh biết anh Sơ sau khi nhập ngũ được một năm, đến tháng 01/1965 hy sinh tại Đắc Nông và hiện tại đã đưa về quê nhà. Hai người lên đường, tìm đến với người bạn của mình. Đến nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Dương, họ chỉ thấy danh sách liệt sĩ có một người họ Đoàn là Đoàn Văn Mách. Không nản chí, các anh tiếp tục tìm kiếm. Về đến xã Bình Minh, hỏi người dân trong thôn Rót, hai anh được biết liệt sĩ Đoàn Văn Mách chính là cha của liệt sỹ Đoàn Văn Sơ. Cha con, một chiến tuyến cùng chiến đấu cho mục đích cao đẹp: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Chỉ có điều hơi thiệt thòi cho gia đình là hai cha con lại không được đặt chung trong một nghĩa trang do những quy chế hơi cứng nhắc về thủ tục hành chính. Những người bạn gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhưng không phải là cái bắt tay nồng ấm, vòng tay ôm chặt mà là những giọt nước mắt trong nghi ngút khói hương của âm dương cách biệt.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dịu cũng không chờ được ngày nhà nước vinh danh, được đeo lên ngực tấm huân chương cao cả đã đổi bằng tuổi thanh xuân của hai con trai mình. Khi biết tin Nguyễn Tư Thảo (khóa 1966-1969), đang học năm thứ hai trường Đại học Bách khoa mặc dù trong diện được miễn đi bộ đội vì ba người anh đang ở chiến trường, xung phong lên đường, bố anh vui lắm: “Làm con trai thời chiến mà không làm tròn trách nhiệm với đất nước thì kém lắm”. Người Trưởng phòng tổ chức Ty giáo dục ân cần, lưu luyến nói với con trai khi anh lên đường. Để rồi nỗi đau chồng lên nỗi đau, trái tim ông quặn thắt khi nỗi đau về người con cả hy sinh chưa kịp nguôi ngoai thì hơn một năm sau, ông nhận được tin người con thân thương, giỏi giang của mình hy sinh đúng vào đêm 30 Tết. Nén nỗi đau vào trong, ông lặng lẽ, âm thầm tiễn những đứa con mình ra trận. Bảy lần tiễn con đi, hai lần trái tim ông ứa máu.
Mái trường Lê Hồng Phong là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ trong một gia đình. Lớp anh chị trước, lớp em sau đã làm rạng danh mái trường. Nhưng có lẽ trong gia đình có hai anh em trai học cùng một lớp cũng là hiếm. Liệt sỹ Hoàng Hồng Châu, và Hoàng Hồng Nguyên (lớp 10H - khóa 1961- 1964) là một trường hợp như thế. Trước khí thế cả nước lên đường đánh Mỹ, để lại mẹ già và người em thơ dại, Hoàng Hồng Nguyên theo bước chân anh lên đường đánh Mỹ. Chuyện về hai anh em là những câu chuyện về tấm lòng quả cảm. Năm tháng cứ lặng lẽ trôi, nhưng chiến công của Hoàng Hồng Châu vẫn in đậm trong trái tim bạn bè. Nhập ngũ, anh được vào binh chủng Hải quân. Tháng 4/1965, bốn chiếc tàu chiến của đơn vị từ đảo Cồn Cỏ, được đưa về bảo dưỡng ở sông Gianh – Quảng Bình. Trước một ngày chuẩn bị trở về đảo nhận nhiệm vụ mới, tàu của anh Châu nổ máy khởi động kiểm tra lần cuối. Khói của tàu tỏa ra. Máy bay trinh sát của địch trên cao phát hiện. Lập tức chúng điều động máy bay từ hạm đội 7 bay vào oanh tạc. Trận chiến đã diễn ra liên tục từ 6h sáng đến 16h chiều. Lực lượng phòng không từ các nơi về chi viện, bắn hạ nhiều máy bay địch, nhưng chỉ bảo vệ được hai tầu. Tầu của anh Châu vẫn nổ máy chạy chữ chi để tránh đạn và quyết chiến với kẻ thù. Bởi vùng trời, vùng biển ngày đêm bị kẻ thù nhòm ngó đang đợi chờ các anh. Bởi bao nhiệm vụ nặng nề đang đợi chờ các anh phía trước để thực hiện tâm nguyện của Bác: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được tự do độc lập”. Nhưng tàu của anh đã bị mắc cạn dưới làn mưa rocket của kẻ thù. Là người phụ trách phần hỏa lực của chiến hạm, anh đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy thủy thủ đoàn bắn trả máy bay Mỹ. Tấm gương lẫm liệt của anh đã cổ vũ tinh thần quyết tử cho toàn thể thủy thủ trên tàu. Tấm Huân chương Chiến công hạng nhất mà nhà nước truy tặng đã ghi nhận chiến công của anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Và trận Cảng Gianh mãi mãi đi vào chiến công của Hải quân Việt Nam, của quân dân Quảng Bình
Khác với người anh, Hoàng Hồng Nguyên là đại đội phó đại đội đặc công. Sau thời kì huấn luyện, anh được điều sang chiến trường C. Trong điều kiện sống vô cùng thiếu thốn, gian khổ nhưng anh vẫn kiên cường bám trụ vượt lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 7/1969, đơn vị anh được giao nhiệm vụ tấn công vào một cứ điểm của địch. Trước trận đánh, Hoàng Hồng Nguyên đã giao nhiệm vụ cho tổ trinh sát tìm hiểu tình hình giặc trong cứ điểm. Nhận được báo cáo, anh cảm thấy chưa yên lòng, chưa đủ yếu tố để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi. Lập tức anh cùng hai chiến sĩ tiếp tục bò vào, nghiên cứu thực địa một lần nữa. Công việc xong xuôi, anh cùng đồng đội trở ra chuẩn bị cho trận đánh. Chợt pháo sáng bùng lên. Pháo cối của địch trùm xuống. Để cho trận đánh thắng lợi, thân thể anh đã hòa quyện cùng cây cỏ, đất trời. Nơi quê nhà, hàng ngàn ngày đêm, mẹ tựa cửa mòn mắt ngóng chờ các con như hóa đá. Nước mắt không còn để lặn vào trong bởi đôi mắt mẹ đã mờ đục vì thời gian. Mẹ đã về với hai anh khi tấm huy chương Bà mẹ Việt Nam anh hùng không kịp đeo lên ngực
Ý chí quyết chiến quyết thắng
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ nhưng những dư âm khắc khoải của nó vẫn còn đọng mãi trong kí ức người dân Việt Nam. Làm sao có thể ngồi yên khi mảnh đất miền Nam “đi trước về sau” ngày đêm chìm trong đạn lửa. Một ngôi trường bình dị giữa lòng thành phố Dệt với lớp lớp học trò miệt mài, hăng say sau những giờ lên lớp lại lặng lẽ tiễn đưa những người bạn thân yêu của mình lên đường chiến đấu. Mới ngày hôm qua, lớp học còn rộn rã tiếng cười, ngày hôm nay mười chỗ ngồi chợt trống. Người ở lại, người ra đi chưa thể cảm nhận được những khó khăn, hiểm nguy, cảm nhận ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường. Bởi trong trái tim họ chỉ ăm ắp tiếng cười bạn bè hồn nhiên của những ngày trèo cành me, cành sấu, mới chỉ cảm nhận được nỗi buồn của sự xa cách. Tôi lặng nhìn bản danh sách liệt sĩ mà Hội cựu học sinh là cựu chiến binh trường Lê Hồng Phong mới cập nhật được sau mấy tháng hoạt động. Bao người ra đi khi lễ khai giảng vừa qua được mấy hôm, khi những trang sách của học kì I còn để trống. Bao người ra đi khi kì thi tốt nghiệp sắp tới gần. Trang giấy trắng các anh viết hôm nay không phải là những bài học của thày mà là những dòng máu nóng từ trái tim mình với khát vọng được lên đường chiến đấu
Có nơi nào trên trái đất như đất nước Việt Nam không khi người lính ra trận tình nguyện viết đơn bằng chính những giọt máu của mình, những giọt máu của yêu thương, của căm thù. Một buổi sáng mùa đông cuối năm 1971, trước sân trường, nơi chứa đựng biết bao kỉ niệm của tuổi học trò, anh Vũ Thanh (khóa 1971-1974) đọc đơn tình nguyện vào binh chủng Tăng thiết giáp mới thành lập khi mới tròn 16 tuổi. Lá đơn đó được anh viết bằng dòng máu nóng từ trái tim mình. Dòng máu nóng đó đã hòa tan vào lòng đất mẹ, trong trận đánh ác liệt với kẻ thù tại mặt trận phía Nam tháng 11/1972 để viết nên khúc khải hoàn trong ngày vui thống nhất khi non sông thu về một mối. Cũng như Vũ Thanh, quyết tâm thư của Trần Đăng Cự (lớp 10B khóa 1962-1965) cũng viết bằng dòng máu nóng làm xúc động trái tim chúng ta cho đến tận bây giờ dù chiến tranh đã qua hơn bốn mươi năm. Từ năm 1961 đến năm 1963, anh đã là một chiến sĩ giải phóng. Sau đó anh trở về, tiếp tục việc học tập còn dang dở. Nhưng chí làm trai sao có thể ngồi yên khi một nửa đất nước còn đang rên siết dưới gót giày quân xâm lươc. Lại một lần nữa, anh xếp “bút nghiên” lên đường đánh giặc để rồi “Tên anh đã thành tên đất nước” (Lê Anh Xuân )
Cùng là dòng máu nóng của chí làm trai, Trần Gia Tuệ (khóa 1960-1963), người thủy thủ can trường không viết vào đơn xin ra mặt trận mà viết lên bệ pháo trên bong tàu trong trận quyết chiến với kẻ thù khi bị thương vào cánh tay không đủ sức tiếp tục chiến đấu. Dòng chữ của anh: “Quyết không rời vị trí, quyết giữ vững ý chí” cũng như lời hô của Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội chiến đấu và chiến thắng..
Chỉ một dòng ngắn ngủi trên tấm Huân chương chiến công giải phóng treo trang trọng trong ngôi nhà của người anh trai Trần Đắc Tùng như đã khơi dậy cả trang sử hào hùng của dân tộc, khơi dậy chiến công của người em trai Trần Đắc Chiến (khóa 1964-1967) trong trận Tổng tiến công mùa xuân Mậu thân của dân tộc. Trong chiến dịch đó, tiểu đoàn anh được lệnh đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hòng phá vỡ đường hàng không của kẻ thù. Cả tiểu đoàn lặng lẽ xuất kích theo bước chân giao liên dẫn đường. Vượt qua hàng rào thứ nhất, cả tiểu đoàn nhất tề xông lên. Sân bay như chìm trong biển lửa. Mọi hoạt động của kẻ thù dường như tê liệt. Nhưng trong chiến tranh, mọi điều đề có thể sảy ra, người chiến sỹ giao liên hy sinh, các anh bị mất phương hướng đường rút về hậu cứ. Anh cùng đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng cùng với 180 đông đội. Biền biệt bốn năm trời từ khi ra đi, gia đình chỉ nhận được duy nhất một lá thư của anh khi còn huấn luyện ở Hà Bắc. Nhận giấy báo tử trên tay, người anh trai như chết lặng: Hy sinh tại mặt trận phía Nam. Biết tìm em nơi nào? Biển trời tăm cá?
Tháng 3/2003, gia đình anh nhận được thông tin từ chị Trương Thị Quyên ở Đồng Nai báo tin có đọc trên báo Sự kiện và nhân chứng thông tin và danh sách các liệt sĩ quê ở huyện Mỹ Lộc - Nam Định, hy sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có tên anh Trần Đắc Chiến. Ngọn lửa hy vọng đã bùng lên trong tim người anh trai. Hai vợ chồng anh khăn gói tìm vào. Gần 40 năm xa cách, giờ đây, người anh trai như quị xuống. Trước mặt anh không phải là đứa em hiền lành, chăm chỉ được anh giành hết tình yêu thương mà là tấm bia mộ vô tri giác:TRẦN ĐẮC CHIẾN- Hy sinh ngày 31/1/1968 - Khu TT 181 – Hàng 1 – Mộ 61 – Đơn vị D6. Mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng nếu như trong đợt cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất không có một đoàn của Hội cựu chiến binh Mỹ về tìm lại chiến trường xưa. Và một người trong đoàn đã cho lãnh đạo sân bay biết khu vực chôn tập thể những người lính đã hy sinh năm xưa. Thì ra khi trận đánh kết thúc, giặc Mỹ đã dùng xe ủi các anh xuống hố để lấp đi, không để lại chút dấu vết. Khi chiến đấu, họ đã cùng “chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết” (Chính Hữu) thì giờ đây, dù không tìm được nguyên vẹn như khi các anh nằm xuống vì quê hương, đất nước nhưng mỗi anh vẫn có một phần mộ riêng, vẫn được hoà quyện với nhau, vẫn chung dưới mái nhà Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Hãy yên lòng nghe anh. Đồng đội vẫn bên các anh. Chúng em vẫn nhớ đến các anh. Non sông đất nước vẫn khắc ghi tên anh. Xương thịt các anh đã hòa vào lòng đất để làm nên một đất nước Việt Nam anh hùng. Nơi nào trên đất nước này cũng là đất Mẹ. Với các anh, linh hồn mới là bất tử. Và tên tuổi các anh mãi mãi trường tồn cùng sông núi.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành, (lớp B khóa 62-65) (Trung Thành - Vụ Bản) là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Tháng 12/1965 cùng với 28 học sinh khác trong trường, anh lên đường ra trận. Lời kể của anh Lê Minh học cùng lớp và nhập ngũ cùng ngày như một thước phim quay chậm tái hiện những tháng ngày thiếu thốn gian lao vất vả của cuộc đời người lính. Sau khi nhập ngũ, các anh tập trung ở trạm 800 đóng ở Bưởi (Hà Nội). Sau 9 ngày thì lên ôtô di chuyển vào Nghệ An và từ đây bắt đầu hành quân bộ vào chiến trường. Cứ ngày đi, đêm nghỉ suốt mấy tháng trời rõng rã. Lúc nào trên lưng cũng là chiếc ba lô cùng vũ khí, nặng cỡ 20kg. Chưa quen đi bộ xa, nên mọi người rất mệt mỏi, hai chân tụ máu, sưng phồng đau đớn, vừa đi vừa khóc thầm. Những giọt nước mắt giúp các anh vượt qua nỗi đau về thể xác với mỗi bước đi là một bước nhấn sâu thêm sự nhức nhối đến tận xương tủy. Những giọt nước mắt cũng làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè cồn cào. Và những giọt nước mắt ấy cũng tăng thêm lòng quyết tâm không chùn bước trước gian khổ, hiểm nguy. Bởi phía trước tiền tuyến đang kêu gọi, đồng bào miền Nam đang ngày đêm rên xiết dưới gót giày quân xâm lược đang đón chờ. Mọi khó khăn rồi cũng qua đi, cuối cùng thì các anh cũng đến được tuyến 3 của đoàn 559 - đơn vị vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi người được biên chế về một đơn vị khác nhau. Giờ chia tay lưu luyến khôn nguôi. Hai người cựu học sinh Lê Hồng Phong, hai chiến sĩ can trường ôm chặt nhau giữa chiến trường ác liệt: “Hãy cố gắng, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực, hẹn ngày chiến thắng trở về”. Lời hẹn còn đây nhưng Nguyễn Văn Thành đã xa mãi mãi. Tháng 3/1967, trên đường ra Bắc nhận hàng chi viện cho miền Nam, đoàn xe của anh bị trúng bom B52 ở chân đèo Pu La Nhich (Lào). Anh đã nằm lại mãi mãi nơi chân đèo heo hút. Mặc dù đơn vị cố gắng tìm hài cốt của anh cùng đồng đội nhưng trận bom ác liệt đã xóa sạch tất cả. Nhưng anh vẫn sống mãi trong trái tim bạn bè, sống mãi cùng non sông, đất nước. Hơn năm mươi năm qua, những dòng chữ thân thương của Nguyễn Văn Thành trong lá thư chúc Tết gửi cho Lê Minh vẫn là một kỉ vật vô giá của tình bạn gắn bó keo sơn: “Năm hết tết đến. Lòng người rạo rực niềm vui. Không vui sao được trước cái ấm áp của mùa xuân . Không vui sao được trước vẻ duyên dáng, e thẹn của chị Cúc, chị Mai. Không kém phần duyên dáng, các chị Thược dược, Lay ơn, Vạn thọ, Hải đường…cũng yêu kiều diễm lệ trong tà áo dài muôn màu muôn sắc.
Năm hết tết đến. Trăm hoa đua nở. Hoa của thiên nhiên, hoa của lòng người.
Năm hết tết đến như một sức mạnh kì diệu làm cho gia đình thêm đầm ấm, tình bạn bè thêm thắm tươi, làm nảy nở trong lòng người những ý nghĩ tốt lành, niềm lạc quan chan chứa.
Quí Mão đã qua, Giáp Thân đã tới. Chúc Minh bước sang năm mới đầy phấn khởi, vui tươi, tiến bộ. Chúc cho tình bạn chúng ta càng thêm gắn bó”
Tâm hồn ngời sáng….
Thời gian lặng lẽ trôi. Mọi điều có thể trôi vào dĩ vãng nhưng tình bạn bè muôn đời vẫn ấm nóng trong trái tim mọi người. Năm mươi năm qua rồi, nhưng trong trái tim của GS.TSKH Trần Đình Toại vẫn đau đáu lá thư trong đó có lời giải bài toán hình học chưa gửi được đến “người bạn “nhà quê” thân thiết” cùng lớp Hoàng Hữu Cánh ( Lớp 10D-khóa 1960-1963) theo yêu cầu của anh. Tốt nghiệp cấp 3, Hoàng Hữu Cánh lên đường. Hành trang anh mang trong ba lô không chỉ là nỗi nhớ quê hương, bạn bè, mà còn đầy ắp những bài toán dang dở. Có ai nghĩ rằng trong phút im lìm giữa hai trận đánh, trên mâm pháo chuẩn bị giáng sấm sét xuống đầu quân thù, người lính vẫn miệt mài với cây bút trong tay, say mê với những đạo hàm, phương trình, để rồi viết thư cho người bạn ở cách mình nửa vòng trái đất với ước nguyện nhỏ nhoi là giải cho một bài toán khó. Bài toán đã giải xong nhưng gửi cho ai, gửi đi đâu bây giờ khi Trần Đình Toại nhận được tin Cánh đã hy sinh ngay trên mâm pháo. Và những vần thơ chân chất, mộc mạc như òa lên nức nở:
Ngay trên mâm pháo vẽ hình gửi tôi
Bài hình tôi đã gửi rồi
Gửi đâu cho bạn lòng tôi tơ vò
Tôi biết đến Hội cựu học sinh là cựu chiến binh trường Lê Hồng Phong trong ngày giỗ anh trai. Tròn 15 năm đón anh từ Quảng Trị về với quê hương cũng là ngày các anh chị lớp 10A (khóa 1969-1972) và anh Trần Thái Sơn (khóa 1972-1975), anh Nguyễn Ngọc Phúc lớp B(khóa 1969-1972) đại diện cho Hội về với gia đình tôi. Tôi biết ý tưởng thành lập Hội có từ ngày kỉ niệm 95 năm thành lập trường. 95 năm qua, bao lớp người trưởng thành, bao lớp người hy sinh vì độc lập của dân tộc từ mái trường này. Nhưng có ai nghĩ đến các anh? Các anh đã ra đi từ mái trường này thì hãy tìm tên các anh, đón các anh trở về trong vòng tay bè bạn, trong niềm biết ơn, tự hào của các thế hệ con cháu để ghi danh các anh vào trang vàng truyền thống của nhà trường đúng như mục đích của Hội là khơi dậy niềm tự hào, vinh danh những người lính đã một thời tạm gác lại sách bút, lên đường bảo vệ Tổ quốc
Tôi chợt nhớ câu nói của ai đó: “Dưới mỗi mái nhà đều có những nỗi đau riêng. Chỉ có điều ta có biết sẻ chia để vơi bớt nỗi đau đó hay không?” Và giờ đây, trong mỗi gia đình liệt sĩ dù phải chịu nỗi đau chia cắt thì họ đã nhận được sự sẻ chia ân tình của Hội Cựu học sinh là cựu chiến binh trường Lê Hồng Phong và của biết bao người khác nữa. Với việc làm cao cả đó, những người sáng lập ra Hội, đặc biệt là người “thủ lĩnh” kiên cường Trần Thái Sơn- cựu chiến binh Lê Hồng Phong, giảng viên khoa Điện – Điện Tử, trường Đại học Sư Phạm Kĩ Thuật Nam Định đã không quản ngày đêm, như con ong cần mẫn, miệt mải trên từng nẻo đường thôn xóm, từng góc phố để tìm từng tên liệt sĩ, từng thân nhân liệt sĩ, để gắn kết trái tim những người đang sống với trái tim đã ngừng đập của những người từ mái trường Lê Hồng Phong ra đi giành độc lập tư do cho dân tộc.
Phút tưởng niệm những liệt sĩ là cựu học sinh Lê Hồng Phong
Các hội viên Hội cựu chiến binh là cựu học sinh Lê Hồng Phong
Tin liên quan
- Chờ đón những trận đấu quyết định ngôi vương tại Sân vận động Thiên trường ngày 14/12/2024
- Giao lưu bóng đá nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024)
- Kết nối yêu thương – Sự chung tay từ mạnh thường quân và cựu học sinh chuyên Lê Hồng Phong
- Chàng trai đạt 9.0 IELTS sau 6 năm ôn luyện
- Nhớ về một thời