Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động học sinh

Trang chủ Hoạt động học sinh HỘI THẢO KHOA HỌC KHỐI CHUYÊN VĂN “ĐI TÌM BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM”

HỘI THẢO KHOA HỌC KHỐI CHUYÊN VĂN “ĐI TÌM BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM”

11/04/2017

“Hội thảo khoa học khối chuyên văn” được tổ chức đầu tháng 4 hàng năm là một hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa giúp học sinh nuôi dưỡng đam mê và rèn luyện tư duy khi học tập bộ môn chuyên.

Khi những đóa hoa xuân bắt đầu kết trái, khi những vạt nắng đầu hạ bắt đầu gọi lửa cho mùa mới, học sinh khối chuyên Văn lại háo hức đón đợi phần “ra mắt” của những chuyên đề xuất sắc – thành quả tiêu biểu cho hành trình tập dượt nghiên cứu khoa học của năm học trong hội thảo khối chuyên. Những chuyên đề được trình bày, những nhận xét, góp ý từ các thầy cô giáo, những câu hỏi thảo luận trao đổi của bạn bè... đã trở thành điểm tựa, khơi mở ý tưởng tiếp theo giúp các em học sinh có thêm động lực và niềm tin trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng khẳng định: “Văn học của một dân tộc là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc ấy”. Hội thảo khoa học khối chuyên văn năm học 2016 – 2017 với chủ đề “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc trong Văn học Việt Nam” đã dẫn dắt các em học sinh vào một hành trình thú vị - hành trình đi tìm nét đẹp đặc trưng của văn hóa dân tộc để cảm nhận, thấu hiểu tâm hồn mình trong tâm hồn dân tộc.

Mở đầu chương trình buổi hội thảo, cô giáo Đỗ Hương Giang đã thay mặt các thầy cô giáo tổ Ngữ văn đọc báo cáo đề dẫn:


Nếu coi văn học Việt Nam là một hành trình xuyên suốt thì nơi khởi nguồn của hành trình ấy là văn học dân gian. Trở về với văn học dân gian là trở về với ấu thơ của tâm hồn mình, với giấc mơ cổ tích, với lời ru bình yên...Ca dao được coi là “cây đàn muôn điệu” của tâm hồn nhân dân, nơi “những chàng trai muôn thuở” tâm tình với “những cô gái muôn đời” những lời tha thiết. Các đại từ “ta/mình” trong ca dao không chỉ là cách gọi, cách xưng hô mà còn chứa đựng “sắc điệu tâm hồn” của người Việt. Chuyên đề của lớp 10 Văn 2: “Tình duyên ta – mình trong ca dao” đã giúp chúng ta khám phá sắc điệu tâm hồn ấy.

Cất lên từ cuộc sống trăm đắng ngàn cay của người lao động, ca dao không chỉ có những giai điệu ngọt ngào mà còn thấm vị mặn của mồ hôi và nước mắt. Cánh cò trong ca dao không chỉ chở những giấc mơ mà còn biểu tượng cho thân phận. Báo cáo của học sinh lớp 10 Văn 1: “Biểu tượng con cò trong ca dao” đã giúp ta có cái nhìn thấm thía hơn về một biểu tượng văn học tuy xưa mà không cũ.

Nếu chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo được coi là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình văn học Việt Nam thì bản sắc văn hóa dân tộc giống như những mạch nước ngầm thao thiết chảy bên trong cánh đồng văn học. Khơi vào mạch ngầm ấy, thơ Nguyễn Bính đã làm sống dậy “hồn xưa đất nước” và “đánh thức con người nhà quê vẫn ẩn náu trong mỗi chúng ta”.  Báo cáo của học sinh lớp 11Văn 2 đã làm rõ hơn về “Con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính”.

Là một trí thức Tây học nhưng văn Thạch Lam lại đượm hương đồng nội. “Xúc cảm trong văn Thạch Lam nảy nở từ mối chân cảm trước cuộc sống của những con người nhỏ bé”. Nhà văn vẫn lặng lẽ kiếm tìm những vẻ đẹp xưa mang hồn dân tộc trong những truyện ngắn trữ tình nhẹ nhàng mà sâu lắng như hương hoàng lan. Báo cáo của học sinh lớp 11Văn 1 đã giúp chúng ta tìm về với “Vẻ đẹp Việt trong truyện ngắn Thạch Lam”.

Bản sắc văn hóa của một dân tộc là những giá trị được bảo lưu trong tâm hồn con người và được thể hiện trong cách cảm, cách nghĩ, cách sống. Tuy nhiên đó không phải là những giá trị bất biến, nó được các thế hệ tiếp nối và mang màu sắc thời đại. Ta cùng dừng lại với những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất “kinh xưa” trong trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường với báo cáo của học sinh lớp 12 Văn 1: “Bản sắc tâm hồn Huế trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

Điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình là vùng đất cực Nam của Tổ quốc với những sắc màu văn hóa riêng đầy hấp dẫn. Bản sắc văn hóa Nam Bộ trong “Bắt sấu rừng U Minh hạ” là chuyên đề mà học sinh lớp 12 Văn 2 giới thiệu với các thầy cô và các bạn học sinh trong buổi hội thảo.

Tham dự hội thảo khoa học khối chuyên Văn, ta như vừa đi một hành trình dài qua những miền không gian khác nhau của đất nước và dọc theo tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam để kiếm tìm những vẻ đẹp đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Những chuyên đề được trình bày có thể chưa thực sự hoàn thiện nhưng đó là những nỗ lực, những thành quả rất đáng ghi nhận của các em học sinh.  

 

Cùng dõi theo một số hình ảnh đẹp ghi lại từ buổi hội thảo:

 

Học sinh báo cáo chuyên đề

 

Thầy giáo Phạm bá Quyết nhận xét chất lượng của chuyên đề

 

Một số tiết mục văn nghệ hấp dẫn

 

Cô giáo Vũ Thị Bích Ngọc – tổ trưởng tổ Ngữ văn trao thưởng cho các các tác giả báo cáo

 

Cô Phạm Thị Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường tổng kết, đánh giá chất lượng buổi hội thảo và phát biểu định hướng chỉ đạo

-Huqu-