Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động học sinh

Trang chủ Hoạt động học sinh Lịch sử và ý nghĩa của ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01)

Lịch sử và ý nghĩa của ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01)

08/01/2021

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Mong muốn đó đã khẳng định sự tin tưởng, kì vọng của Người, của Đảng và nhà nước ta đến tầng lớp học sinh, sinh viên - một lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước.


Bác Hồ với học sinh (ảnh sưu tầm)
Năm 1925, khi hoạt động cách mạng ở nước ngoài, chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó có bút danh là Nguyễn Ái Quốc) đã có nhiều hoạt động hướng đến việc giác ngộ lý tưởng và con đường cách mạng cho tầng lớp học sinh, sinh viên. Từ đó  nhiều tổ  chức yêu nước của học sinh, sinh viên lần lượt ra đời góp phần thành lập chi bộ Đảng đầu tiên; thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng.
Tháng 8/1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,  Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, trong đó có sự tham gia của các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện ba nhiệm vụ lớn: “Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm” do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.

Học sinh, sinh viên tuần hành chào mừng ngày 2/9/1945 (ảnh sưu tầm)
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục; Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Ngày 25/11/1949, học sinh trường Chu Văn An quyết định bãi khoá. Các khẩu hiệu: “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn” được treo ở khắp các lớp học.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình ngày 9/1/1950 (ảnh sưu tầm)
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22 – 23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09 tháng 01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Logo Hội sinh viên Việt Nam (ảnh sưu tầm)
Trải qua lịch sử gần 1 thế kỷ xây dựng và phát triển, học sinh – sinh viên Việt Nam có quyền tự hào rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh; được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.
Trong chặng đường vinh quang của học sinh, sinh viên Việt Nam, trên mảnh đất Nam Định với ngôi trường Thành Chung xưa – THPT chuyên Lê Hồng Phong  nay đã là cái nôi của phong trào cách mạng, là nơi hun đúc nên những lý tưởng cách mạng cho các thế hệ học sinh. Thời Pháp thuộc đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, mít tinh chống Pháp và chế độ phong kiến góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; trong thời bình ngày nay là học tập thành tài góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Từ đây cũng đã sản sinh ra nhiều cá nhân kiệt xuất đã, đang nắm giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Tổng bí thư Trường Chinh (bên trái ảnh) - cựu học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định
Những năm qua, Ban giám hiệu trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giáo dục học sinh với nhiều hình thức tổ chức đa dạng đã, đang và tiếp tục vun đắp lên những thế hệ học sinh mang trong mình lý tưởng, ước mơ, hoài bão, tài năng góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Với những thành tích đã đạt được, nhà trường đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu và huân chương cao quý.

DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG



HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNH NHẤT
 
 - Trần Công Hưng (tổng hợp) -