Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động học sinh

Trang chủ Hoạt động học sinh Ngày hội văn hoá dân gian

Ngày hội văn hoá dân gian

24/09/2020

Ai đó từng nói rằng: "Học xưa để biết nay, để sống tốt với ngày mai". Chúng ta hôm nay và mai sau có quyền tự hào về những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, bên cạnh đó ta cũng cần có trách nhiệm bảo tồn, phát huy và lan tỏa những nét đẹp đó đến mọi công dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Thấm thía sâu sắc điều này, CLB Văn học dân gian, CLB Sáng tác văn học, CLB Nghệ thuật, CLB STEM trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã liên kết tham gia tổ chức ngày hội văn hóa dân gian.

Chương trình vinh dự được đón tiếp TS. Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cùng sự tham gia của các thầy cô giáo và các em học sinh – những người có chung niềm say mê văn hoá dân gian truyền thống. Ngày hội văn hoá dân gian của học sinh trường Lê Hồng phong còn nhận được sự quan tâm của đài truyền hình Nam Định, tới dự và đưa tin về chương trình.  
 

TS. Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô giáo tham dự ngày hội

 
Mở đầu chương trình là tiết mục hát chầu văn “Cô đôi thượng ngàn” với sự thể hiện của học sinh Mỹ Tâm, lớp 11 Văn 1 đã mang đến cho người xem niềm hứng khởi khi được thưởng thức sự độc đáo trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
 

“Cô đôi thượng ngàn” đầy duyên dáng

 
Đến với ngày hội văn hoá dân gian của học sinh trường Lê Hồng Phong, nghệ sĩ chèo Lại Thanh Minh – nhà hát chèo Nam Định đem đến một điệu chèo đầy ý nghĩa với tên gọi “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”. Lưu lại trên sân khấu để giao lưu cùng các thầy cô giáo và các em học sinh, nghệ sĩ Lại Thanh Minh đã chia sẻ sự khác nhau giữa hát văn trên sân khấu và hát văn trong nghi thức chầu đồng tứ phủ. Đồng thời người nghệ sĩ đầy tâm huyết này đã có đôi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ yêu mến nghệ thuật dân tộc. Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, giao lưu, hội nhập với thế giới trở nên phổ biến thì càng cần hơn bao giờ hết những con người biết quý trọng và gìn giữ nét đẹp của văn hoá cổ truyền.


Nghệ sĩ chèo Lại Thanh Minh giao lưu cùng chương trình

 
Nói tới những loại hình nghệ thuật truyền thống không thể không nhắc đến nghệ thuật thư pháp. Những con chữ được viết bằng bút lông, mực tàu, có nét cứng, nét mềm, nét thanh, nét đậm, tung hoành bay lượn như bức hoạ. Viết chữ không chỉ để biểu ý mà là sự sáng tạo nghệ thuật, là hiển hiện cho những rung động, những khao khát, cho tài năng và tâm huyết thầm kín mà mãnh liệt của con người. Tiết mục hát và trình diễn thư pháp ngay trên sân khấu khiến khán giả trầm trồ bởi sự điêu luyện, tài tình trong từng nét chữ, chuyển tải thông điệp ý nghĩa về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của nhà trường đó là: trí tuệ, nhân văn, trách nhiệm, sáng tạo và  tự tôn.


Thư pháp vờn bay lắng nghe huyền thoại…

 
Tham gia ngày hội văn hoá dân gian, khán giả có cơ hội được trải nghiệm các loại hình văn hóa. Ở bên cạnh sân khấu trong gian trưng bày và trải nghiệm viết thư pháp thầy cô và các em học sinh trong CLB đã gặp lại trong những bức thư pháp những áng văn thơ đặc sắc do chính mình sáng tác hoặc là những tác phẩm của các nhà văn nhà thơ lớn xuất thân từ mái trường Thành Chung xưa, Lê Hồng Phong nay. Qua đó chúng ta không chỉ thấy được nét đẹp văn hoá Á đông mà còn thêm mến yêu và tự hào về truyền thống mái trường trăm tuổi: Số 1 tiền nhân cơ đồ giữ chắc, Toàn diện, tiên phong, tự tin vươn xa.


Một số tác phẩm thư pháp được trưng bày

 
Trong gian trưng bày và trải nghiệm nặn tò he, các em học sinh được trực tiếp nặn các con tò he đơn giản dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Cầm trên tay cục bột sắc màu, được chính tay mình làm nên con vật tuy còn thô sơ nhưng thú vị biết mấy. Đặc biệt các nghệ nhân còn giúp các em nặn hình tượng những nhân vật lịch sử, nhân vật văn học. Kiến thức trong sách vở đã được thẩm thấu một cách tự nhiên, lưu giữ sâu đậm trong tâm trí các bạn trẻ.   


Tò he rực rỡ sắc màu

 
Ở một góc của sân trường, các em học sinh của CLB Stem đang cùng trải nghiệm làm lồng đèn kéo quân. Đây là loại đèn dùng để trang trí, vừa có thể chiếu sáng lại vừa mang đến cho người chơi một phương cách hưởng thụ nghệ thuật sinh động, lý thú. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa khi tết trung thu đang tới gần.
Đặc biệt, ngay tại sân khấu đã diễn ra tiết mục múa rối nước mi ni do chính các học sinh trong CLB trình diễn với các tích trò quen thuộc và cùng ôn lại lịch sử của triều đại nhà Trần với chiến công đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, cùng với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống các em học sinh đã thổi hồn vào từng động tác uyển chuyển của con rối trên sân khấu mặt nước.


Tiết mục múa rối nước mini độc đáo

 
Văn hoá dân gian gắn bó với đời sống của mỗi người Việt qua lời ru của mẹ, lời dạy của cha, lời đồng dao của con trẻ. Ta bắt gặp cả làng quê Việt Nam qua điệu hò, câu hát, ta thấy được cả giọng quê hương hào hùng qua lời ca, tiếng hát của cha ông. Dù đi năm châu cho dù về nơi đâu, triệu trái tim này, cùng hát chung câu Việt Nam.


CLB Nghệ thuật trình diễn ca khúc “Việt Nam trong tôi là”

 
Khép lại chương trình ngay tại sân trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong khán giả được hoà mình vào những trò chơi dân gian sôi động. Ở bên phải sân khấu là trò chơi mèo đuổi chuột, ở bên trái sân khấu là trò chơi rồng rắn lên mây. Các em học sinh đã cùng nắm tay, cùng nối thành hàng dọc hay vòng tròn để bắt đầu trò chơi, cùng hát vang lên bài đồng dao quen thuộc để được sống lại với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp.


Hoà mình vào các trò chơi dân gian

 
Đến với ngày hội văn hoá dân gian, TS. Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường đã có những lời chia sẻ đồng thời căn dặn các em học sinh phải luôn ý thức văn hoá dân gian là di sản quý báu mà muôn đời cần gìn giữ. Hướng về văn hoá dân gian là hướng về cội nguồn dân tộc. Dù trong thời đại mới, dù có là một công dân toàn cầu, dù có tiếp cận với muôn vàn nền văn hoá khác nhau trên thế giới, thì trước tiên vẫn luôn phải trân trọng cái gốc văn hoá nơi mình sinh ra.

Một tuần trải nghiệm văn hoá dân gian với việc tìm hiểu về nghệ thuật chèo, hát văn, múa rối nước, nặn tò he, thư pháp và làm đèn kéo quân sẽ là những kỉ niệm không phai mờ trong tâm trí các em học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng như những người yêu mến nghệ thuật truyền thống. Cùng đón chờ những ngày hội văn hoá dân gian hấp dẫn hơn nữa trong những năm học sắp tới!
-Hương Quỳnh-