Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động học sinh

Trang chủ Hoạt động học sinh Ngày hội văn hoá dân gian – sân chơi rực rỡ sắc màu của Đoàn trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Ngày hội văn hoá dân gian – sân chơi rực rỡ sắc màu của Đoàn trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

24/09/2020

Nếu ví đời sống của chúng ta là một thực thể không ngừng hoạt động và phát triển thì mạch nguồn văn hóa dân gian từ lâu đã len lỏi và ngấm sâu vào gốc rễ tư tưởng muôn thế hệ, tưới mát và thanh lọc tâm hồn mỗi người.

Ai đó từng nói rằng: "Học xưa để biết nay, để sống tốt với ngày mai" . Thật vậy, văn hóa dân gian không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng mà còn định hướng như một bệ phóng giúp ta chinh phục những đỉnh cao mới. Chúng ta hôm nay và mai sau có quyền tự hào về những truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc, bên cạnh đó là trách nhiệm bảo tồn, phát huy và lan tỏa những nét đẹp ấy đến mọi công dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Thấm thía sâu sắc điều này, Đoàn trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức ngày hội văn hóa dân gian vào 14h thứ ba ngày 22 tháng 9 năm 2020. Các bạn Đoàn viên đã có được trải nghiệm các loại hình văn hóa dân gian như nặn tò he, thư pháp hay các loại hình sân khấu dân gian : múa rối nước, sân khấu chèo, diễn xướng hát chầu văn, các trò chơi dân gian, làm lồng đèn kéo quân…. ngay tại không gian sân trường. Chương trình ngày hội có sự tham gia của các CLB trong trường như CLB Văn học dân gian, CLB Sáng tác văn học, CLB Nghệ thuật, CLB STEM…

Nằm trong chuỗi trải nghiệm văn hoá dân gian, các bạn Đoàn viên đã được trải nghiệm nghệ thuật viết thư pháp từ những nghệ nhân trẻ tuổi. Tại đây các bạn đã được nghệ nhân hướng dẫn cách cầm bút lông, cách uốn lượn những đường nét ngang, dọc, phẩy, mác tinh tế để làm nên cái thần của từng con chữ. Được tận tay pha mực, luyện bút mới thấy hết sự kì diệu trong từng đường uốn lượn của nét bút lông. Viết một chữ đẹp đã khó, rèn đức kiên trì nhẫn nại để có được một chữ hoàn thiện lại càng khó hơn. Bởi vậy người viết thư pháp cần có một cái tâm thanh tĩnh, trong sáng và rộng mở. Các bạn hiểu hơn về ý nghĩa của câu nói "nét chữ, nết người". Thật tuyệt vời vì những bức thư pháp này đã nói lên thông điệp ý nghĩa về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của nhà trường đó là: trí tuệ, nhân văn, trách nhiệm, sáng tạo, tự tôn.

 



 
Các bạn Đoàn viên trong nhà trường đã được trực tiếp nói chuyện với nghệ nhân của mảnh đất Nam Định có thời gian hơn 50 năm trải qua nhiều đời gắn bó với nghề. Người nghệ nhân tò he phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ. Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có linh hồn, cảm xúc thì không phải ai cũng làm được. Đến với buổi giao lưu trong ngày hội văn hoá, các bạn Đoàn viên đã được trực tiếp nói chuyện với nghệ nhân của mảnh đất Nam Định có thời gian hơn 50 năm trải qua nhiều đời gắn bó với nghề. Các bạn Hs đã được trực tiếp nặn các con tò he đơn giản dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Cầm trên tay cục bột sắc màu, được chính tay mình làm nên con vật tuy còn thô sơ nhưng với các bạn chúng đáng yêu biết chừng nào. Có những bạn thích nặn những bông hoa đầy màu sắc, nhưng có bạn lại thích nặn các đồ vật theo sáng tạo riêng của chính mình.
Đặc biệt các nghệ nhân còn giúp các em nặn hình tượng những nhân vật lịch sử, nhân vật văn học như. Các đường nét, chi tiết trên to he đều toát lên thần thái của nhân vật. Các bạn đều thích thú khi các nhân vật lịch sử và văn học trở nên sống động, gần gũi đến thế. Qua đó các bạn thêm yêu truyền thống lịch sử dân tộc. Trong xã hội ngày nay, các bạn trẻ có vô vàn các trò chơi hiện đại, trò chơi điện tử, thế giới giải trí trên mạng xã hội thì những trò chơi truyền thống ấy lại càng cần phải bảo tồn và giữ gìn.
Kết thúc buổi trải nghiệm, các bạn Đoàn viên không chỉ đọng lại trong tâm trí mình những ấn tượng nhiều màu sắc mà còn là những trăn trở suy nghĩ làm thế nào để những con tò he cổ truyền "sống" được với cuộc sống đương đại, trách nhiệm để bảo tồn, phát huy giá trị những con tò he truyền thống.






 
Có lẽ thu hút nhất là các tiết mục múa rối nước do các bạn Đoàn viên tự trải nghiệm, học hỏi và trình diễn. Những con rối từ chú Tễu - lạc quan vui vẻ, cô tiên xinh đẹp điệu đà, rồng phượng uốn lượn cao sang, các con rối đi cấy, câu cá, xúc tép, chọi trâu... gắn với đời sống lao động sản xuất của nền văn minh lúa nước. Sau mỗi con rối là sự tỉ mỉ khéo léo của người nghệ nhân, sự uyển chuyển khéo léo trong từng động tác lại linh hồn mà người nghệ nhân say mê gửi gắm. Khi xem múa rối nước, các bạn bị thu hút bởi “dàn giao hưởng dân tộc” gồm những nhạc cụ như sáo, bộ gõ, đàn bầu, đàn tam thập lục... Âm nhạc trong múa rối nước giúp gắn kết các tiết mục với nhau. Các nghệ nhân múa rối nước dựa theo tiết tấu nhạc mà điều khiển con rối lúc khoan thai, lúc sôi động. Con rối vui cùng điệu nhạc, cười cùng điệu nhạc như xoá tan đi cái mệt mỏi của người nông dân sau những ngày mùa một nắng hai sương. Xem những tiết mục múa rối nước của nghệ nhân như giúp bạn cảm thấy thoải mái, bỏ lại những bộn bề của cuộc sống bận rộn và làm mới tinh thần của mình với những khoảnh khắc khó quên. Đội múa rối nước của đoàn trường gồm 6 thành viên nam có đam mê thực sự với loại hình nghệ thuật này. Các bạn đã dành nhiều thời gian để học hỏi và rèn luyện để có thể điều khiển con rối uyển chuyển tài tình tạo nên những ấn tượng thị giác đặc biệt với nước. Đằng sau những tích trò rối nước sinh động là những giọt mồ hôi các bạn rơi xuống cống hiến vì nghệ thuật dân tộc.






 
Tới dự với buổi giao lưu trong ngày hội văn hoá dân gian có nghệ sĩ Lại Thanh Minh - hiện là nhạc công Nhà hát Chèo Nam Định. Các bạn Đoàn viên cũng đã được lắng nghe chia sẻ của nghệ sĩ Lại Thanh Minh về nghệ thuật chèo gắn với nền văn minh lúa nước của người Việt. Mỗi khi vụ mùa được thu hoạch, họ lại tổ chức các lễ hội để vui chơi và cảm tạ thần thánh đã phù hộ cho vụ mùa no ấm. Các bạn HS cảm nhận được đam mê thực sự, cái duyên của nghệ sĩ với nghệ thuật chèo. Các bạn Hs không chỉ còn biết nghệ thuật chèo trên sách vở nữa mà được trực tiếp lắng nghe tiếng hát của người nghệ sĩ. Đến với ngày hội văn hoá dân gian ngày nghệ sĩ Lại Thanh Minh đã đem đến một làn điệu chèo ý nghĩa mang tên: Công cha nghĩa mẹ ơn thầy cùng điệu hát văn Chân quê - lời thơ Nguyễn Bính. Các bạn Đoàn viên cũng đã có dịp tìm hiểu sự khác biệt giữa hát văn trên sân khấu và hát văn Cô đôi thượng ngàn do bạn Mỹ Tâm lớp 11A1 biểu diễn trong nghi thức hầu đồng tứ phủ. Cuối chương trình, nghệ sĩ cũng đã gửi gắm tới các bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống những thông điệp ý nghĩa về việc trân trọng, gìn giữ vẻ đẹp của nghệ thuật chèo trong nhịp sống gấp gáp của thời đại công nghệ. Với các bạn tham dự buổi giao lưu, các bạn thêm yêu nghệ thuật chèo và hiểu hơn tầm quan trọng của việc giữ vững hồn cốt dân tộc trong tâm hồn mỗi người.
Ở một góc của sân trường, các bạn HS của CLB Stem đang cùng trải nghiệm làm lồng đèn kéo quân. Đây là loại đèn dùng để trang trí, vừa có thể chiếu sáng lại vừa mang đến cho con người một phương cách hưởng thụ nghệ thuật sinh động, lý thú. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa khi tết trung thu đang tới gần. Trung thu thời nay khác nhiều với trung thu xưa. Các loài đèn mới hiện đại hơn khiến tụi trẻ thích thú nhưng điều đó lại làm mai một đi các loại đồ chơi dân gian xưa kia, tâm lý sính hàng ngoại và chẳng mấy thiết tha với những thứ đồ chơi mà bố mẹ chúng có muốn cũng khó mà được mỗi lần đi chợ mùa trung thu. 




 
Ngay tại sân trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong các bạn Đoàn viên đã đến với những trò chơi dân gian sôi động như nhảy bao bố, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây…Sau những giờ học căng thẳng, các bạn Đoàn viên cùng mạnh dạn nắm tay nhau, cùng nối thành hàng dọc hay vòng tròn và hát vang lên bài đồng dao quen thuộc để được sống lại với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp.
Các bạn Đoàn viên đã có một tuần trải nghiệm văn hoá dân gian rực rỡ sắc màu với văn hoá nghệ thuật dân gian. Sự phát triển của xã hội cùng với đó là mức sống mỗi người tăng lên so với khiến người ta quên mất đi những giá trị nhân văn sâu sắc của người xưa, tuy đơn giản, bình dị nhưng thấm đẫm trong đó là tình người. Nhưng vẫn còn đó những con người vẫn còn tâm huyết với các giá trị của văn hóa truyền thống của ông cha, giúp chúng có thể trường tồn mãi với thời gian. 

Hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục lưu giữ những ấn tượng đẹp về văn hoá dân tộc trong trái tim của mỗi người và nuôi dưỡng nó. Bởi vì văn hoá dân tộc chính là cái gốc sinh thành nên đời sống tinh thần của mỗi người nó nói lên bạn là ai, bạn sinh ra ở đâu. Vì thế giữ gìn văn hoá dân tộc không gì khác chính là giữ gìn bản sắc của chính mình.

- Trịnh Quỳnh -