Khu nội trú trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Ngôi nhà đặc biệt của những học sinh xa gia đình
31/08/2021Là trường chuyên duy nhất của tỉnh Nam Định, từ khi thành lập đến nay, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được phép tuyển chọn học sinh giỏi từ các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Khu nội trú của trường là nơi ở, sinh hoạt của các em từ nhiều miền quê khác nhau, để cùng học tập dưới mái trường Lê Hồng Phong. Đó là “ngôi nhà đặc biệt” mà ai đã qua, dù chỉ một lần thôi đều rất nhớ.
Cơ sở vật chất tiện nghi, môi trường văn hóa
Có bạn học sinh đã từng thốt lên “Những ngày đầu đặt chân tới ngôi nhà chung đã cho tôi những cảm nhận khác, khác hẳn với những hình dung của tôi về nội trú - nơi trọ học của học sinh xa nhà”. Trong nhiều năm liền, nhà trường luôn có chiến lược đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở cho học sinh nội trú được tiện nghi và hiện đại hơn, để các em luôn có cảm nhận như mình đang được sống trong chính ngôi nhà thân thuộc. Nhà trường đã bổ sung lắp đặt hệ thống bình nóng lạnh tại các phòng ở khu nội trú. Hệ thống cây nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh cũng được thiết kế gọn gàng, khoa học tại chiếu nghỉ cầu thang của các tầng nhà. Được sự quan tâm của cha mẹ học sinh, nhiều phòng ở đã được trang bị điều hòa, máy giặt. Sinh hoạt của các em trong khu nội trú tiện nghi hơn, giúp các em tiết kiệm được thời gian để tập trung cao độ cho học tập. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, nhà trường đã trang bị thêm tủ đựng đồ cho một số phòng ở. Đó là một tủ lớn được thiết kế riêng tiện lợi cho học sinh nội trú, vừa đảm bảo riêng tư vừa chắc chắn và đẹp, bạn nào cũng mong muốn được sở hữu.
Phòng ở khu nội trú sạch đẹp, văn minh
Đặc biệt, môi trường văn hóa của khu nội trú cũng được nhà trường quan tâm xây dựng. Với mong muốn giúp các em thư giãn, thoải mái sau giờ học, sân tập thể dục được trang bị hệ thống lưới đánh cầu lông, bóng chuyền, cột bóng rổ,… Phòng sinh hoạt chung được đầu tư tu sửa khang trang hơn với 4 điều hòa, tường sơn mới. Tủ sách nội trú được xây dựng từ nguồn sách tặng của các thầy cô giáo, các anh chị là cựu học sinh trường Lê Hồng Phong tạo một không gian đọc thú vị, nuôi dưỡng văn hóa đọc và thắp sáng tâm hồn nhân văn của mỗi học sinh. Các buổi đọc sách tập thể thông qua hệ thống loa phát thanh của nội trú hàng tuần đã thu hút sự quan tâm và trở thành niềm mong đợi của nhiều bạn. Khu bếp ăn tập thể văn minh, sạch sẽ; an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu đã giúp các em có những bữa ăn đủ chất, giàu dinh dưỡng, tiếp thêm năng lượng để học tập tốt hơn.
Cơ sở vật chất, đời sống văn hóa của học sinh nội trú ngày càng được bổ sung, nâng cấp, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà trường với mong muốn chia sẻ khó khăn của các em, nâng tầm môi trường nội trú ngày một hiện đaị, văn minh hơn.
Phòng đọc sách hiện đại, tiện nghi
Khu bếp ăn tập thể sạch sẽ
Những trải nghiệm yêu thương
Nhiều học sinh nội trú đã xa gia đình khoảng 3 - 4 năm, từ khi tham gia học các trường THCS xây dựng CLC các huyện, nhiều em lần đầu xa gia đình đi trọ học, lại ở nhiều miền quê khác nhau, sự dung hòa về lối sống là điều không dễ dàng. Chính các thầy cô giáo là những người cha, người mẹ, người bạn lớn của các em; đồng hành, giúp đỡ các em trưởng thành hơn từ những trải nghiệm của cuộc sống tập thể. Mỗi phòng ở nội trú được phân công một giáo viên phụ trách phòng. Nhiệm vụ của các thầy cô là quản lí, nắm bắt tâm lí và dạy các em về kĩ năng sống cơ bản: đoàn kết, yêu thương, tự lập, tự trọng,…
Ý thức được rằng: muốn tự do thì cần tự lập, các thầy cô luôn rèn cho các em ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm từ những điều nhỏ, bình dị nhất trong đời sống hàng ngày. Các em tự quản trị đời sống riêng của mình. Trong phòng ở nội trú thường từ 8 - 10 em, mỗi em là một giường, một góc nhỏ, một không gian riêng. Các em tự giác trong việc dọn dẹp, thu vén vệ sinh nội vụ để không gian nhỏ bé của mình được gọn gàng, ngăn nắp, làm đẹp cho cho không gian chung của căn phòng. Các em được tăng cường kĩ năng tự học. Phòng sinh hoạt chung cũng chính là phòng tự học mỗi tối. Như một lẽ đương nhiên, khi vào phòng tự học, các em rất trật tự, im lặng, tập trung cao độ cho việc học mà không cần sự quản lí của một thầy cô giáo nào. Có như thế, chính các em đã tự mình tích lũy những kĩ năng cần thiết cho môi trường đại học trong tương lai.
Phòng ở của học sinh nội trú
Cô Vũ Thị Hiền - Giáo viên phụ trách và các học sinh phòng 213
Hiểu rằng: đoàn kết làm nên sức mạnh, các hoạt động tập thể ở khu nội trú cũng được nhà trường, ban quản lí khu nội trú tổ chức hàng năm. Các chương trình trải nghiệm như Sách kết nối yêu thương, Chương trình Chào đón học sinh khối 10; Chào Xuân, Vui Trung thu, các cuộc thi: Phòng ở kiểu mẫu, thiết kế nội quy, sáng tác thơ, nhạc về khu nội trú,… đã rèn cho các em kĩ năng làm việc nhóm, giúp các em ở các khối lớp, các phòng ở, các vùng miền gắn bó và thấu hiểu nhau hơn. Hầu hết, các chương trình này đều do chính các em lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, lựa chọn tiết mục, tổ chức sản xuất, trình diễn, … dưới sự chỉ dẫn của thầy cô. Đây là cơ hội để các em trưởng thành qua các hoạt động trải nghiệm, các em thêm trân quí những tháng ngày được sống trong sự quan tâm của thầy cô, sự yêu thương của bè bạn.
Cuộc thi Gói bánh chưng của học sinh nội trú trong Ngày tết cổ truyền năm học 2018-2019
Sinh nhật bạn cùng phòng
Sống trong môi trường nội trú, các em ý thức được: tự tôn chính là một phẩm giá nổi bật. Tôn trọng chính mình là cơ sở để mỗi học sinh tự giác trong học tập và rèn luyện, khẳng định giá trị của bản thân trước bạn bè cùng trang lứa. Tôn trọng chính mình là động lực để tạo ra sự khác biệt và biết tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh. Mỗi bạn sẽ mang tới phòng ở nội trú một lối sống riêng, một phong cách riêng, một văn hóa khác biệt, việc tôn trọng lẫn nhau là cơ sở để xây dựng một tập thể hòa thuận và gắn bó.
Khi ta yêu thương, biết cách yêu thương bản thân mình, ta sẽ sống trách nhiệm và kỉ luật hơn. Tôn trọng kỉ luật của tập thể để gắn bó, tự đặt ra những kỉ luật của bản thân để cố gắng hoàn thiện mình - đó là tiêu chí của mỗi học sinh nội trú. Các quy định của nội trú về giờ giấc, về lối sống, về văn hóa giao tiếp, ứng xử, … đã giúp các em tự rèn lối sống kỉ luật của bản thân.
Không ồn ào, các thầy cô quản lí khu nội trú hàng ngày luôn gần gũi, lặng lẽ quan tâm tới các em, dạy các em những lẽ sống, đạo lí làm người mà đôi khi bài học trên lớp chưa nói hết. Yêu các em bao nhiêu, càng biết ơn tấm lòng của những thầy cô, các bác nhân viên đã và đang gắn bó, quan tâm tới các em bấy nhiêu.
Những trái ngọt của lòng biết ơn
Thấu hiểu tấm lòng thầy cô, các em học sinh nội trú luôn tôn trọng, yêu mến thầy cô như chính người cha, người mẹ thứ hai. Sự quan tâm về điều kiện sống, học tập, sự yêu thương dạy dỗ của thầy cô đã kết thành trái ngọt của lòng biết ơn và sự trân quí.
Thành tích học tập của các em học sinh nội trú đã được khẳng định qua nhiều năm liền. Phong trào tự học, tự nghiên cứu ở nội trú đã động viên các em cố gắng học tập, góp phần đánh thức năng lực, khao khát khẳng định giá trị của bản thân. Hằng năm, số học sinh nội trú tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia là gần 30 học sinh, xấp xỉ 30% số học sinh toàn trường tham dự kì thi. Có những học sinh đã ghi danh tại các cuộc thi lớn của quốc gia, quốc tế và khu vực. Em Nguyễn Thành Trung, phòng 102, cựu học sinh chuyên Hóa khóa 2013 - 2016; em Phạm Thanh Lâm, phòng 202, cựu học sinh chuyên Hóa khóa 2016-2019 đoạt Huy chương Bạc kì thi Olympic Quốc tế năm 2016 và 2019 và em Đàm Thị Minh Trang, phòng 309, học sinh chuyên Hóa khóa 2017-2020, đoạt Huy chương Vàng kì thi Olympic Quốc tế năm 2020, trở thành “cô gái Vàng” thứ 2 của ngôi trường Lê Hồng Phong. Phong trào học tập của các phòng ở nội trú luôn được đẩy mạnh. Còn nhớ, phòng 105 của học sinh khóa 2013-2016 đã nổi tiếng với kết quả đáng tự hào: Một thủ khoa toàn quốc khối A1 trong kì thi THPTQG năm 2016 - em Trần Trung Dũng, lớp chuyên Toán 2; hai thủ khoa cấp trường khối A là Đoàn Minh Tứ, lớp Toán 1 và Phan Văn Phúc, lớp Toán 2; một em đoạt giải Nhì môn Tin học kì thi chọn HSGQG THPT - em Nguyễn Tiến Đạt, lớp chuyên Tin; một em đạt giải Ba môn Hóa kì thi chọn HSGQG THPT - em Nguyễn Đức Dũng; các em còn lại cũng đều có điểm thi đại học ở top đầu. Học sinh nội trú còn ghi danh tại các sân chơi, cuộc thi khác như: Á quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam năm 2016 - em Lâm Vũ Tuấn, phòng 103, lớp chuyên Anh 1, khóa 2013-2016; Huy chương Đồng nội dung Microsoft Word 2013 tại cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới 2017 - em Bùi Mạnh Tú, phòng 202, lớp chuyên Anh 1 khóa 2016-2019; Huy chương Đồng nội dung Microsoft Word 2013tại cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới 2018 - em Đoàn Đức Thanh, lớp chuyên Anh 2, khóa 2017-2020,…Ngoài ra còn rất nhiều gương mặt tiêu biểu của học sinh nội trú qua các năm học như Vũ Thị Diệu (chuyên Toán 1 khóa 2012-2015) thủ khoa khối A cấp trường; Nguyễn Văn Tấn (chuyên Toán 2 khóa 2013 - 2016) thủ khoa khối B cấp tỉnh; Phùng Mạnh Sơn (khối chuyên Toán 2 khóa 2013 -2016),Đoàn Minh Tứ (khối chuyên Toán 1 khóa 2013 -2016) thủ khoa khối A cấp tỉnh,….
Những học sinh tiêu biểu ở khu nội trú từ 2015 đến nay:
Nguyễn Thành Trung, Phạm Thanh Lâm, Đàm Thị Minh Trang, Lâm Vũ Tuấn, Trần Trung Dũng, Nguyễn Thị Kiều Trang.
Những học sinh tham gia đội tuyển HSGQG ở nội trú năm học 2019-2020
Năm học 2020-2021, khu nội trú có 32/92 học sinh toàn trường tham dự kì thi chọn HSGQG THPT. Trong đó, các em đã đoạt 6 giải Nhì, 10 giải Ba, 10 giải Khuyến khích trong tổng số 72 giải mà học sinh trường Lê Hồng Phong đoạt được từ cuộc thi. Đặc biệt, với tinh thần hiếu học, năng lực học tập vượt trội, các em tiếp tục thành công trong kì thi TNTHPT năm 2021. Em Nguyễn Thị Kiều Trang, phòng 209, lớp 12 chuyên Toán 1, đoạt giải Khuyến khích môn Toán kì thi chọn HSGQG THPT và đạt 28,8 điểm khối B; em Hà Thị Ngọc Huyền, phòng 305, lớp 12 chuyên Hóa, đoạt giải Nhì môn Hóa học kì thi chọn HSGQG THPT và đạt 27,75 điểm khối B.
Cứ thế, như những đứa con trong một gia đình lớn, lớp anh chị là động lực để các em học tập, tiếp tục tìm tòi khám phá tri thức, chinh phục các kì thi, chưa bao giờ khiến cha mẹ phiền lòng. Thành tích học tập của các em là trái ngọt được lớn lên từ tình yêu thương, sự quan tâm tận tình của nhà trường và các thầy cô, các bác nhân viên trực tiếp quản lí khu nội trú.
Thay lời kết
Sống trong ngôi nhà nội trú vừa là cơ hội vừa là thử thách đối với mỗi học sinh Lê Hồng Phong. Cơ sở vật chất tiện nghi, hoạt động trải nghiệm phong phú, môi trường sống tập thể,… đã trao cho các em chìa khóa để tự kiếm tìm, khẳng định giá trị của bản thân, lớn lên bằng những trải nghiệm sống ý nghĩa. TS. Phạm Thị Huệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng luôn tâm niệm rằng “trong môi trường nội trú, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em một nhà”. Cô luôn trăn trở: Làm thế nào cho các em được sống và học tập trong điều kiện tốt nhất để phát triển tài năng. Về chúng ta tin rằng, một ngày không xa, một ngôi trường Lê Hồng Phong mới, một khu nội trú khang trang hơn, hiện đại hơn, văn minh minh hơn được xây dựng sẽ là ngôi nhà chung của tất cả học sinh xa nhà, để các em được sống thêm nhiều cuộc đời, học thêm nhiều điều bổ ích./.
Nguồn: namdinh.edu.vn