Trang chủ ›
Hội trường 100 năm ›
Báo cáo tổng kết các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Báo cáo tổng kết các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
27/11/2020
SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG Số /BC-THPTCLHP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Nam Định, ngày 26 tháng 11 năm 2020
|
BÁO CÁO
Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập,
60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập,
60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Thực hiện công văn số 1646/SGDDT-VP ngày 20/10/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định về việc tổ chức Lễ kỉ niệm; thực hiện Kế hoạch số 135/KH-THPTCLHP ngày 23/10/2020 của Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong kèm theo Tờ trình số 132/TTr-THPTCLHP ngày 19/10/2020, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
I. Công tác chỉ đạo:
- Nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đưa vào nhiệm vụ của năm học 2020-2021;
- Ban hành Quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong từng tiểu ban: tiểu ban nội dung; tiểu ban trang trí khánh tiết; tiểu ban lễ tân và Hậu cần; tiểu ban đối ngoại và tài trợ; tiểu ban truyền thông; tiểu ban khách mời Lễ kỷ niệm và tiểu ban an ninh trật tự;
- Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm qua các tờ trình: số 30/TTr-THPTCLHP ngày 02/07/2019; số 70/TTr-THPTCLHP ngày 30/12/2019; số 54/TTr-THPTCLHP ngày 19/06/2020; số 132/TTr-THPTCLHP ngày 19/10/2020;
- Xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo về phương án tổ chức lễ kỷ niệm trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid vừa đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường.
II. Kết quả các hoạt động chính:
1. Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất được diễn ra trang trọng từ 9h00-10h30 sáng ngày 22/11/2020. Lễ kỷ niệm đã tổng kết chặng đường lịch sử một thế kỷ xây dựng và phát triển của trường Thành Chung xưa- Lê Hồng Phong nay; định hướng phát triển nhà trường trong thời đại mới; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng Thành Nam của Cựu học sinh trường Lê Hồng Phong. Lễ kỷ niệm đón khoảng 2000 lượt khách, gồm Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; các cựu học sinh nhà trường đang công tác tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Cục, Vụ…; các vị đại biểu khách quý, các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường. Lễ kỷ niệm để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với các vị đại biểu, khách quý và các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường.
2. Cuốn kỷ yếu “Ngôi trường trăm tuổi: Điểm tựa và Khát vọng” ra mắt độc giả là kết tinh tình yêu và tâm huyết của thầy trò nhà trường, tổng kết chặng đường đến hiện đại từ truyền thống của ngôi trường trăm tuổi, hội tụ những câu chuyện về tình bè bạn, nghĩa thầy trò. Nội dung tư liệu của cuốn kỉ yếu được tập hợp, chắt lọc từ lịch sử truyền thống nhà trường, từ 60 khóa học sinh khi trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đến nay. Cuốn kỷ yếu có ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng với các thế hệ giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong.
3. Bộ sưu tập Áo dài “Mái trường kể chuyện trăm năm” đã truyền cảm hứng và tình yêu đến các thế hệ giáo viên và học sinh trường Lê Hồng Phong. Hình ảnh ngôi trường trăm tuổi với những góc nhỏ yêu thương dệt nên những họa tiết tinh tế trên bộ trang phục Áo dài duyên dáng của các thầy cô mỗi buổi lên lớp. Nhân dịp kỉ niệm thành lập trường và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ban Nữ công nhà trường đã xây dựng thành công Clip “Áo dài kể chuyện trăm năm” tại các địa điểm là thành phố Hà Nội, Nam Định và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
4. Chặng đường đến hiện đại từ truyền thống của ngôi trường trăm tuổi được thể hiện qua Tọa đàm giáo dục với chủ đề “Từ ngôi trường trăm tuổi nhìn ra thế giới”. Tọa đàm giáo dục số 1 diễn ra ngày 25/7/2020 đã góp phần xác lập giá trị cốt lõi của truyền thống, định vị ngôi trường trong hiện tại và hứa hẹn sự vươn mình mạnh mẽ trong tương lai. Tọa đàm giáo dục số 2 diễn ra ngày 24/08/2020 đã hoạch định hướng đi tới đích tiên phong, phát triển toàn diện để tự tin hội nhập của ngôi trường trăm tuổi. Cùng với sự trở về, kết nối và tỏa sáng của các cựu học sinh, Tọa đàm giáo dục số 3 tổ chức ngày 07/11/2020 là cơ hội để ý tưởng trở thành hiện thực, khát vọng được cất cánh, viết những câu chuyện về niềm tin yêu và sức mạnh của khối đoàn kết Lê Hồng Phong, giúp học sinh hôm nay tự tin hội nhập cùng khu vực và thế giới. Với sự tham gia tích cực của các Cựu giáo viên, Cựu học sinh các khóa, các thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường, chuỗi tọa đàm giáo dục thực sự đã góp phần làm nên diện mạo tâm hồn của trường Lê Hồng Phong.
5. Bộ phim tư liệu “Lê Hồng Phong - Một thế kỷ trồng người” là cái nhìn toàn cảnh về ngôi trường có bề dày lịch sử, bề sâu tâm hồn và tầm cao trí tuệ. Sau gần 5 tháng xây dựng, chuẩn bị tư liệu, tổ chức sản xuất, bộ phim được hoàn thiện, đã một lần nữa chứng tỏ tinh thần trách nhiệm, tình yêu và nhiệt huyết của học sinh trường Lê Hồng Phong. Bộ phim đã đem đến cho mỗi thành viên đại gia đình Lê Hồng Phong nhiều cung bậc cảm xúc phong phú, gợi lại dấu ấn lịch sử của mái trường, đánh thức những hồi ức thiêng liêng trong tâm hồn học trò.
6. Chuỗi hoạt động của học sinh:
6.1 Cuộc thi “Thiết kế Slogan”: Sau 1 tháng triển khai, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các bạn học sinh trong nhà trường. Thông qua tác phẩm, các em đã thể hiện những ý tưởng sáng tạo, gửi đến các thông điệp ý nghĩa từ những câu khẩu hiệu ngắn gọn nhưng dễ hiểu, dễ nhớ, đúng chủ đề hướng tới Lễ kỉ niệm 100 năm thành lập trường. Nhiều tác phẩm được chuẩn bị rất công phu, ngoài nội dung của mang tới thông điệp ấn tượng còn sáng tạo biểu tượng, hình vẽ minh hoạ màu sắc phù hợp, sinh động. Căn cứ thể lệ và chất lượng tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 13 Slogan chất lượng gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba, 05 giải Khuyến khích để trao thưởng.
6.2 Cuộc thi “Sao tháng Mười” là sân chơi của các đoàn viên, lan tỏa thông điệp về ngôi trường trí tuệ - nhân văn - trách nhiệm - tự tôn - sáng tạo, thể hiện niềm tự hào và kiêu hãnh của thế hệ trẻ hôm nay, khát khao tỏa sáng bằng sự tự tin và tri thức và sức sống của ngôi trường trăm tuổi. Cuộc thi có sự tham gia của 48 chi đoàn học sinh, ban tổ chức đã lựa chọn 20 thí sinh tham dự vào Vòng chung kết của cuộc thi. Kết quả: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 15 giải Khuyến khích và 5 giải phụ.
6.3 Cuộc thi viết “Mái trường kể chuyện trăm năm” là những câu chuyện, những hồi ức thiêng liêng, trong sáng của học trò về mái trường, thầy cô, bè bạn một thuở. Sau hơn 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 100 tác phẩm dự thi ở nhiều thể loại như tản văn, hồi kí, thơ, truyện… Hầu hết các tác phẩm được viết với cảm xúc chân thành và thiêng liêng về thầy cô, mái trường, được trình bày công phu. Ban tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm đạt giải với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải Khuyến khích.
6.4 Cuộc thi “Trang trí lớp học”: Sau một thời gian phát động, các lớp đã hoàn thành việc trang trí lớp học và đạt kết quả cao, nhiều chi đoàn đã phát huy được sự sáng tạo, tích cực, trang trí lớp học đẹp, thiết thực, phù hợp, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong việc xây dựng nhà trường, lớp học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, từ đó góp phần giúp các em học sinh thêm yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với trường, lớp của mình. Cuộc thi còn thể hiện tinh thần kết nối của học sinh hiện tại với các thế hệ cựu học sinh của nhà trường, tạo không gian thân mật, ấm áp đối với cựu học sinh trong ngày trở về trường. Kết quả của cuộc thi : 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.
6.5 Hoạt động Hội trại của các Câu lạc bộ: Các câu lạc bộ đã tổ chức không gian trại theo đúng kế hoạch và vị trí đã được phân công, thời gian từ 7h00-16h30 ngày 21/11/2020. Các trại có sự chuẩn bị chu đáo, thiết kế, xây dựng đều mang ý nghĩa thiết thực. Ngoài ra, các trại còn tổ chức các trò chơi mang tính kết nối giữa cựu giáo viên, cựu học sinh và học sinh trong nhà trường. Trong suốt quá trình diễn ra Hội trại, giáo viên phụ trách các Câu lạc bộ, chủ nhiệm các Câu lạc bộ và các thành viên Câu lạc bộ đã thường xuyên có mặt để điều hành các hoạt động của Hội trại và kịp thời xử lí các tình huống bất thường (nếu xảy ra). Việc sử dụng điện trong các không gian trại cũng được đảm bảo một cách an toàn, tránh gây ra tình trạng cháy nổ, giá bán các mặt hàng trong các gian trại đã được niêm yết trước đó nên không xảy ra tình trạng chèo kéo khách.
7. Hoạt động kết nối của các thế hệ giáo viên và học sinh với nhà trường: Nhà trường đã nhận được tài trợ của các thế hệ cựu học sinh như: xây dựng phòng học thông minh; xây dựng thư viện tiên tiến; bổ sung trang thiết bị cho phòng y tế và các thiết bị hiện đại; lắp đặt bảng Led; lắp đặt đồng hồ 4 mặt; trao học bổng cho học sinh đạt giải Quốc gia, Quốc tế, Học sinh thủ khoa các trường đại học top đầu; học sinh nghèo học giỏi của Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng Thành Nam (LHP Talent), do cựu học sinh Lê Hồng Phong sáng lập; các dự án Elearning, dự án du học Dreambig… Các công trình trên nhằm bổ sung cơ sở vật chất cho nhà trường để xây dựng môi trường dạy học hiện đại, văn minh, mang tính giáo dục cao.
III. Đánh gía, rút kinh nghiệm
- Lễ kỷ niệm 100 thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất có ý nghĩa quan trọng: nhằm gắn kết các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường; nâng cao trách nhiệm, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục của đội ngũ; có tính giáo dục, truyền cảm hứng, khơi dậy hoài bão ước mơ khát vọng cho đoàn viên học sinh và giáo viên; tạo diện mạo mới cho nhà trường về cơ sở hạ tầng, điều kiện dạy và học; định hướng cho chiến lược phát triển nhà trường về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, truyền thông quảng bá thương hiệu Lê Hồng Phong.
- Các hoạt động, các cuộc thi hướng tới kỷ niệm thành lập trường phù hợp mục đích và ý nghĩa của Lễ kỷ niệm, thực hiện đúng công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định về quy mô tổ chức Lễ kỷ niệm, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu của và giàu ý nghĩa nhân văn.
- Các hoạt động, các cuộc thi hướng tới kỷ niệm thành lập trường phong phú về nội dung, đa dang về hình thức, có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường.
- Tổ chức các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh hiện tại góp phần rèn kĩ năng sống, gây dựng tình yêu và niềm tự hào sâu sắc về ngôi trường có lịch sử trăm năm trong tâm hồn mỗi học sinh. Từ đó, góp phần rèn luyện phong cách học sinh Lê Hồng Phong trong thời đại mới: tự tin, năng động, sáng tạo, … Đồng thời, các hoạt động này là cơ hội cho các thế hệ giáo viên và học sinh được trở về, kết nối và tri ân mái trường, thầy cô.
- Mặc dù, một số sự kiện diễn ra trong thời gian dài do đại dịch Covid-19 nhưng tinh thần sáng tạo, sự chủ động và trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong luôn được phát huy.
Trên đây là báo cáo tổng kết các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Ban tổ chức Lễ kỷ niệm.
Nơi nhận: - Sở GD&ĐT (để báo cáo); - BTC Lễ kỉ niệm; - Lưu: VT. |
TM. BAN TỔ CHỨC
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC |
Xem bản thuyết trình tại đây!