Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Câu chuyện về những giải pháp

Câu chuyện về những giải pháp

01/09/2020

Hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tọa đàm giáo dục số 2 đã tổ chức thành công, để lại nhiều giá trị tốt đẹp. Trong Tọa đàm này, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định tiếp tục được đón nhận tình cảm và những chia sẻ tâm huyết của GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền - giảng viên cao cấp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Thành phố Hồ Chí Minh (CHS khóa 1976-1979), góp thêm những gợi mở cho sự phát triển của ngôi trường vừa tròn 100 năm tuổi.

Theo GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền, 100 năm lịch sử trường gắn với bao thay đổi biến thiên của thời đại. Xu hướng toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra mục tiêu mới cho giáo dục theo hướng chú ý bồi dưỡng năng lực, kiến tạo công dân toàn cầu. Mục tiêu của phát triển toàn diện, tự tin hội nhập là phát triển các năng lực kiến tạo nên công dân toàn cầu. Để có thể bồi dưỡng năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu cho học sinh, cần xây dựng môi trường giáo dục có tính toàn cầu –môi trường hợp tác và thử thách trí tuệ người học sinh- và nhất định mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng các phẩm chất năng lực, nâng mình trở thành những “giáo viên toàn cầu”. Cô Phan Thị Thu Hiền cũng giúp chúng ta hiểu rõ thực chất của vấn đề “hội nhập” chính là: “Hòa nhập và làm cho thế giới tốt đẹp hơn ở quê hương mình cũng là hội nhập, làm chủ. Hội nhập không đồng nhất phương Tây hóa, đóng góp cho thế giới mái trường này ở Nam Định cũng chính là hội nhập”. Không phải cứ đi du học, hay trao đổi với các trường Quốc tế mới là hội nhập, chính việc phát triển các năng lực công dân toàn cầu cho người học là đã hiện thực hóa quá trình hội nhập ngay trên quê hương, đất nước mình. Lời chia sẻ của GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền minh định rõ hơn con đường phát triển toàn diện, tự tin hội nhập của trường chúng ta.
 
GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền chia sẻ tại Tọa đàm
 
Dọc theo hành trình 100 năm hình thành và phát triển của trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định, với bề dày lịch sử và những trang vàng truyền thống về Dạy giỏi và Học giỏi của giáo viên và học sinh đã chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng của từng thành viên trong đại gia đình Lê Hồng Phong. Trên chặng đường tiếp theo, trong bối cảnh toàn cầu hóa của thời đại 4.0, nhà trường hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện trường học Giáo dục Công dân toàn cầu để tự tin hội nhập.

Những yếu tố của trường học Giáo dục công dân toàn cầu vốn dĩ đã luôn tiềm tàng trong định hướng và những giải pháp giáo dục của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Nhiều cựu học sinh Lê Hồng Phong học tập và làm việc trong môi trường quốc tế đã tự hào về những gì mình được trang bị dưới mái trường này cho bản thân sự tự tin khi hội nhập. Tuy nhiên, để phát triển toàn diện, tự tin hội nhập, thì cần có những hoạch định chiến lược dài hơi, đồng bộ hơn. Theo đó, giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, chú trọng bồi dưỡng năng lực mà quan trong hơn là quan tâm giáo dục kiến tạo học sinh Lê Hồng Phong trở thành công dân toàn cầu- có nhận thức và hiểu biết thế giới nhiều hơn và nắm giữ một vai trò tích cực trong cộng đồng của mình và cộng tác với những người khác làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Để có thể đạt được mục tiêu đó, người Thầy cần đón trước đi đầu, kiến tạo tầm vóc mình trở thành những giáo viên toàn cầu. Thầy Cô của trường chúng ta giàu tâm huyết, nhiều tài năng và tiềm năng. Vấn đề mấu chốt là những thay đổi và sự bồi dưỡng phát triển của Thầy Cô trong sự nghiệp giáo dục cần bám sát những mục tiêu và cách thức của giáo dục Quốc tế. Đặc biệt, Thầy Cô sẽ là những người có khả năng giúp học sinh xây dựng hiểu biết của mình về những sự kiện thế giới để từ đó các em có suy nghĩ về những giá trị của mình và những điều quan trọng đối với bản thân. Giáo viên là người có khả năng hướng học sinh đưa kiến thức đã học vào trong cuộc sống, gắn kết với cộng đồng (địa phương, quốc gia, toàn cầu); định hướng cho các em phát triển những quan điểm riêng, những góc nhìn có tính phản biện của cá nhân nhưng có tính thảo luận trong tập thể.

Trong môi trường giáo dục đó, học sinh cần rèn luyện khả năng thể hiện được sự sáng tạo và tự chủ để định hướng việc học của chính mình. Đồng thời còn có thể là người hỗ trợ việc học cho người khác, biết lắng nghe và thể hiện bản thân một cách quyết đoán, có thái độ hợp tác với những đối tác để giải quyết các vấn đề có tính bối cảnh, biết đánh giá cao sự khác biệt và biết cách bao dung những người xung quanh. Đó cũng chính là tinh thần được Unesco đề xướng trong bốn trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 đó là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để trưởng thành”.

Từ kinh nghiệm của một nhà giáo dục tham gia giảng dạy cho nhiều trường Đại học ở nước ngoài, theo diễn giả Phan Thị Thu Hiền, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trường học giáo dục công dân toàn cầu, nhà trường cần tập trung xây dựng: những thực hành thể chế; chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm; phát triển chuyên môn; văn hóa nhà trường. Trong đó:
  • Xây dựng những thực hành thể chế đó là: Nhà trường công bố những năng lực công dân toàn cầu cốt lõi (key competence) cho học sinh và giáo viên; trường sáng tạo những kỹ thuật để nhận ra, triển khai, đo lường các thực hành giáo dục công dân toàn cầu (GCE / Global Citizen Education) có hiệu quả; trường xây dựng đội ngũ nhân sự để hỗ trợ phát triển GCE; Trường xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ để hỗ trợ phát triển GCE; trường liên tục suy nghĩ, tích hợp các tiêu chí GCE vào đánh giá kết quả học tập và năng lực học sinh; trường sáng tạo những quan hệ đối tác có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và những tổ chức quốc tế để phát triển GCE.
  • Xây dựng chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm chính là: Giá trị GCE được cài đặt vào chương trình đào tạo các cấp, qua các môn học; chương trình đào tạo mở ra cho học sinh tầm nhìn toàn cầu, những đề tài toàn cầu; tài nguyên học tập mang tính toàn cầu và bao dung văn hóa; học sinh có cơ hội học về tha nhân (người khác) trong CTĐT; trường sử dụng những phương pháp sư phạm tiên tiến và bao dung; học sinh có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu liên ngành dựa trên đề tài / dự án; học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, phương pháp vào các hoạt động mang tính địa phương, quốc gia, toàn cầu; HS có những chuyến du lịch, những khảo sát thực địa; lớp học xây dựng những gắn kết, bao gồm cả những gắn kết ảo, với những lớp học, những tổ chức, chuyên gia ở nơi khác, ở nước ngoài; học sinh phát triển ngoại ngữ, từ trình độ sơ cấp và nâng cao dần.
  •  Phát triển chuyên môn sao cho: Tất cả giáo viên có thể tiếp cận sự phát triển chuyên nghiệp về nội dung đào tạo hỗ trợ cho sự triển khai những mục tiêu GCE của họ; các nhà giáo dục gắn kết mạng lưới với những lĩnh vực GCE rộng lớn; trường học dành thời gian để lên kế hoạch chung, tổng thể cho những sáng kiến GCE trong suốt các cấp học, các môn học; trường học hỗ trợ những cách tiếp cận hợp tác do giáo viên hướng dẫn để học tập GCE.
  • Kiến tạo văn hóa nhà trường trên nền tảng tạo dựng được: Không gian vật lý của trường học truyền thông những giá trị GCE của nhà trường; thư viện và trung tâm tài nguyên học tập của trường cho thấy sự đa dạng về nguồn dữ liệu; những diễn đàn để thảo luận trung thực về bản ngã dân tộc, bản ngã giới, bản ngã chủng tộc, bản ngã tôn giáo...; thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình là hai chiều và truy cập được với tất cả các gia đình; môi trường bình đẳng, bao dung cho học sinh học tập, hoạt động; những hoạt động ngoại khóa tạo cơ hội cho học tập và gắn kết toàn cầu.
Để Lê Hồng Phong, Nam Định thực sự trở thành trường học giáo dục công dân toàn cầu, thiết nghĩ không chỉ là câu chuyện giải pháp của nhà trường mà  còn là sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các các cấp, các ngành. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Thầy và trò nhà trường, sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, nhất định trường chúng ta sẽ vững bước ở vị trí tiên phong, phát triển toàn diện – tự tin hội nhập.
- Ban truyền thông Tọa đàm -