Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Lịch sử nhà trường giai đoạn đầu: trường Thành Chung và các trường tiền thân

Lịch sử nhà trường giai đoạn đầu: trường Thành Chung và các trường tiền thân

06/10/2020

PHẦN I. TRƯỜNG THÀNH CHUNG VÀ CÁC TRƯỜNG TIỀN THÂN
KHỞI NGUỒN CỦA TRUYỀN THỐNG: YÊU NƯỚC VÀ HỌC GIỎI
Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Dương - Nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ văn
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; CHS Lê Hồng Phong khóa 1958 - 1961

 
Trường Thành Chung Nam Định (Cao đẳng Tiểu học Pháp Việt, tương đương trường Trung học cơ sở hiện nay) ra đời theo nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông Dương Mô -ri - sơ Long kí ngày 24 tháng 8 năm 1920 đặt ở Nam Định, tuyển sinh từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Trường do Hiệu trưởng Laurès, rồi sau đó, là Raoul Michel và các giáo viên người Pháp trực tiếp giảng dạy. Thầy giáo đầu tiên người Việt Nam là thầy Nguyễn Văn Hiếu, giảng dạy từ năm học 1920 - 1921 đến năm 1922 - 1923. Tiếp đó, nhiều thế hệ thầy giáo người Việt được cử về giảng dạy như các thầy Nguyễn Văn Bằng, thầy Mai Phương, thầy Nguyễn Gia Tường, thầy Trần Văn Chử, thầy Vũ Tam Thám, thầy Đỗ Hữu Phúc, thầy Ngô Duy Cường, thầy Phạm Văn Bảng, thầy Đào Văn Định, thầy Vũ Tam Tập, thầy Phan Đình Ngưu, thầy Hoàng Ngọc Phách, thầy Dương Quảng Hàm, thầy Phạm Cao Bạt… Các thầy đều là những nhà giáo đạo cao đức trọng, có tinh thần dân tộc, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là những tấm gương sáng về đạo đức, âm thầm nhen nhóm lòng yêu thương dân tộc giống nòi cho học sinh.

Học sinh trường Thành Chung Nam Định có truyền thống học giỏi và truyền thống yêu nước, chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và cách mạng sớm lan tỏa vào trường. Gần nhất là phong trào Công nhân trong thành phố đấu tranh đòi quyền lợi. Nhiều sách báo đã xuất hiện trong nhà trường. Báo “L’Annam” của Phan Văn Trường, báo “Le Paria” (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc, Báo “LHumanité” (Nhân đạo) của Đảng cộng sản Pháp, rồi đến “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”… được thầy trò truyền nhau đọc. Có học trò còn chép và gửi cho nhau.

Trong các phong trào yêu nước thời gian này nổi bật nhất là cuộc vận động truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Tháng 3 năm 1926 bắt đầu từ học sinh trường Thành Chung, sau đó lan ra trường Cửa Bắc và các trường Tiểu học khác, được nhân dân và công nhân các nhà máy ủng hộ. Những người khởi xướng là Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lương, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan.

Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã tổ chức chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng chí hội đầu tiên ở trường Thành Chung. Chi bộ này ghép với chi bộ công nhân do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện nhà máy Sợi, làm Bí thư. Từ năm 1928 - 1932 có nhiều học sinh lần lượt được kết nạp vào Đảng. Đó là Tống Quốc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Mẫn, Vũ Công Phụ, Lưu Đình Diêu, Nguyễn Văn Chước, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Thượng Chí, Đặng Vũ Rạng, Trần Văn Ngoạn, Hoàng Thọ Tiễu, Vũ Ngọc Thuần…

Từ 1936 - 1939, nhà trường có thêm thầy Đỗ Trọng Cảnh, Đặng Lợi Hàm, Nguyễn Đình Hưởng, Nguyễn Bá Cường, đến năm 1939 - 1940 các thầy Đỗ Văn Đoan, Thạch Quang Tuấn, Nguyễn Hữu Văn, Đào Đình Khánh, Nguyễn Thụy Hùng, Nguyễn Trọng Thuyết, Nguyễn Quang Hồ, Hà Văn Bính… được nối tiếp cử về giảng dạy ở trường.

Những học sinh tiêu biểu của trường Thành Chung sau này trở thành những nhà cách mạng như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Đặng Xuân Khu, Đặng Châu Tuệ, Đặng Vũ Rạng (Đặng Việt Châu), Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ), Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), Hà Văn Lộc (Thép Mới)…, trở thành nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nam Cao (Trần Hữu Trí), Trần Lê Văn, thành nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Bùi Công Kì, thành kiến trúc sư như Nguyễn Cao Luyện… Họ là niềm tự hào không chỉ của trường Thành Chung mà còn của quê hương, đất nước.

Khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, thầy Phan Thế Roanh được cử làm quyền Hiệu trưởng. Collège de Nam Định được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Khuyến. Ít lâu sau, thầy Phó Đức Tố, giáo sư trường Bưởi về chính thức làm Hiệu trưởng. Năm học 1946 - 1947, trường đổi tên là Trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến, có 2 ban là Ban Toán - Lý - Hóa và Ban Vạn vật. Trường có thêm một số thầy mới về dạy là các thầy Vũ Bình, thầy Nguyễn Đình Nam, thầy Nguyễn Hữu Ngọc…

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trường chia làm 2 nhánh là Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến đặt ở xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, Nam Định và phân hiệu Trường Nguyễn Khuyến đặt tại xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cuối năm 1948, Pháp đánh Phát Diệm và các huyện phía Nam tỉnh Nam Định, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến chuyển vào thôn Ngô Xá (làng Ngò), xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đổi tên thành Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, có các ban: Toán - Lý - Hóa, Ban Vạn vật và Ban Ngoại ngữ. Năm 1950, khu giáo dục Liên khu Ba quyết định thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Liên khu Ba và Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền. Thầy Phó Đức Tố tiếp tục làm Hiệu trưởng trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, thầy Đỗ Trọng Cảnh làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Liên khu Ba. Cả hai trường đặt dưới sự lãnh đạo của chung một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến những năm 1952 - 1953 ở Liên khu Ba đã phát triển thêm một số trường Cấp 3: Hoa Lư, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu. Các thầy Đào Văn Định, Nguyễn Văn Vận… của trường Nguyễn Thượng Hiền được cử sang làm Hiệu trưởng. Đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1955), những trường này lại hợp nhất thành trường Cấp 3 Liên khu Ba, đặt ở Hà Nam, sau chuyển về thành phố Nam Định. Trải qua 35 năm từ trường Thành Chung Nam Định đến các trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến - Nguyễn Thượng Hiền, rồi trường Cấp 3 Liên khu Ba, sau này nối tiếp là trường Phổ thông Cấp 3 Nam Định, trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trên chặng đường đồng hành cùng cách mạng và đất nước đó, bao nhiêu thế hệ học sinh đã nối tiếp nhau từ nhà trường đi vào cuộc sống. Có người đã ngã xuống ngay từ khi góp công thành lập Đảng như Nguyễn Đức Cảnh, nhiều người đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh cống hiến cho cách mạng và kháng chiến, phần lớn học sinh của trường đi theo cách mạng, một số đã đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Công an Mai Chí Thọ. Nhiều người là sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, văn hóa, giáo dục, một số đã trở thành những những nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư viện sĩ Phạm Minh Hạc, nhà văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, nhà thơ Trần Lê Văn, nhạc sĩ Đặng Thế Phong.  

Thầy giáo và học sinh từ trường Thành Chung, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến, Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền đến Phổ thông Cấp 3 Liên khu Ba đã nối tiếp nhau viết lên nét son truyền thống của nhà trường. Đó là:
- Truyền thống hiếu học, học giỏi, học thành người có ích, cùng với tình nghĩa thầy trò sâu nặng bền vững.
- Truyền thống yêu nước và cách mạng của thầy giáo và học sinh nhà trường đã liên tục tham gia các phong trào cách mạng gắn với nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng và kháng chiến.
- Truyền thống xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu nâng cao chất lượng đào luyện các thế hệ học sinh thành những người công dân tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, kiến quốc.
Lịch sử vẻ vang của trường Thành Chung, Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến, Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền… là nguồn sáng huy hoàng được trao truyền, tiếp nối cho trường phổ thông Cấp 3 Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày hôm nay.


Vị trí tọa lạc của nhà trường qua các thời kỳ lịch sử


Thầy giáo Phó Đức Tố từ năm 1947 - 1948


Hội đồng giáo dục trường Thành Chung (Thầy Vũ Văn Tập, người mặc áo trắng quần trắng, ngồi hàng đầu )

 
Tháng 10 năm 2019
Bài viết tổng hợp tư liệu của Vũ Ngọc Lý (Khóa 1936-1940);
Phạm Hữu Dung (1942-1946); Vũ Ngọc Tảo (khóa 1942-1946)
trong cuốn “Mái trường thân yêu”, tháng 11/1999