Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Lịch sử trường THPT chuyên Lê Hồng Phong qua các thời kì

Lịch sử trường THPT chuyên Lê Hồng Phong qua các thời kì

14/11/2020

 

Chặng 1920 - 1959

Trường Thành Chung và các trường tiền thân
Khởi nguồn của truyền thống yêu nước và học giỏi


 
Trường Thành Chung Nam Định (Cao đẳng Tiểu học Pháp Việt, tương đương trường Trung học cơ sở hiện nay) ra đời theo nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông Dương Mô -ri - sơ Long kí ngày 24 tháng 8 năm 1920 đặt ở Nam Định, tuyển sinh từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Trường do Hiệu trưởng Laurès, rồi sau đó, là Raoul Michel và các giáo viên người Pháp trực tiếp giảng dạy. Thầy giáo đầu tiên người Việt Nam là thầy Nguyễn Văn Hiếu, giảng dạy từ năm học 1920 - 1921 đến năm 1922 - 1923. Tiếp đó, nhiều thế hệ thầy giáo người Việt được cử về giảng dạy như các thầy Nguyễn Văn Bằng, thầy Mai Phương, thầy Nguyễn Gia Tường, thầy Trần Văn Chử, thầy Vũ Tam Thám, thầy Đỗ Hữu Phúc, thầy Ngô Duy Cường, thầy Phạm Văn Bảng, thầy Đào Văn Định, thầy Vũ Tam Tập, thầy Phan Đình Ngưu, thầy Hoàng Ngọc Phách, thầy Dương Quảng Hàm, thầy Phạm Cao Bạt… Các thầy đều là những nhà giáo đạo cao đức trọng, có tinh thần dân tộc, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là những tấm gương sáng về đạo đức, âm thầm nhen nhóm lòng yêu thương dân tộc giống nòi đến học sinh.

Học sinh trường Thành Chung Nam Định có truyền thống học giỏi và truyền thống yêu nước, chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và cách mạng sớm lan tỏa vào trường. Gần nhất là phong trào Công nhân trong thành phố đấu tranh đòi quyền lợi. Nhiều sách báo đã xuất hiện trong nhà trường. Báo “L’Annam” của Phan Văn Trường, báo “Le Paria” (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc, Báo “L’ Humanité” (Nhân đạo) của Đảng cộng sản Pháp, rồi đến “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”… được thầy trò truyền nhau đọc. Có học trò còn chép và gửi cho nhau.

Trong các phong trào yêu nước thời gian này nổi bật nhất là cuộc vận động truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Tháng 3 năm 1926 bắt đầu từ học sinh trường Thành Chung, sau đó lan ra trường Cửa Bắc và các trường Tiểu học khác, được nhân dân và công nhân các nhà máy ủng hộ. Những người khởi xướng là Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lương, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan.

Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã tổ chức chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng chí hội đầu tiên ở trường Thành Chung. Chi bộ này ghép với chi bộ công nhân do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện nhà máy Sợi, làm Bí thư. Từ năm 1928 - 1932 có nhiều học sinh lần lượt được kết nạp vào Đảng. Đó là Tống Quốc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Mẫn, Vũ Công Phụ, Lưu Đình Diêu, Nguyễn Văn Chước, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Thượng Chí, Đặng Vũ Rạng, Trần Văn Ngoạn, Hoàng Thọ Tiễu, Vũ Ngọc Thuần…

Từ 1936 - 1939, nhà trường có thêm thầy Đỗ Trọng Cảnh, Đặng Lợi Hàm, Nguyễn Đình Hưởng, Nguyễn Bá Cường, đến năm 1939 - 1940 các thầy Đỗ Văn Đoan, Thạch Quang Tuấn, Nguyễn Hữu Văn, Đào Đình Khánh, Nguyễn Thụy Hùng, Nguyễn Trọng Thuyết, Nguyễn Quang Hồ, Hà Văn Bính… được nối tiếp cử về giảng dạy ở trường.

Những học sinh tiêu biểu của trường Thành Chung sau này trở thành những nhà cách mạng như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Đặng Xuân Khu, Đặng Châu Tuệ, Đặng Vũ Rạng (Đặng Việt Châu), Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ), Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), Hà Văn Lộc (Thép Mới)…, trở thành nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nam Cao (Trần Hữu Tri), Trần Lê Văn, thành nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Bùi Công Kì, thành kiến trúc sư như Nguyễn Cao Luyện, thành họa sĩ như Tạ Mỹ Duẩn… Họ là niềm tự hào không chỉ của trường Thành Chung mà còn của quê hương, đất nước.

Khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, thầy Phan Thế Roanh được cử làm quyền Hiệu trưởng. Collège de Nam Định được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Khuyến. Ít lâu sau, thầy Phó Đức Tố, giáo sư trường Bưởi về chính thức làm Hiệu trưởng. Năm học 1946 - 1947, trường đổi tên là Trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến, có 2 ban là Ban Toán - Lý - Hóa và Ban Vạn vật. Trường có thêm một số thầy mới về dạy là các thầy Vũ Bình, thầy Nguyễn Đình Nam, thầy Nguyễn Hữu Ngọc…

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trường chia làm 2 nhánh là Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến đặt ở xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, Nam Định và phân hiệu Trường Nguyễn Khuyến đặt tại xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cuối năm 1948, Pháp đánh Phát Diệm và các huyện phía Nam tỉnh Nam Định, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến chuyển vào thôn Ngô Xá (làng Ngò), xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đổi tên thành Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, có các ban: Toán - Lý - Hóa, Ban Vạn vật và Ban Ngoại ngữ. Năm 1950, khu giáo dục Liên khu Ba quyết định thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Liên khu Ba và Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền. Thầy Phó Đức Tố tiếp tục làm Hiệu trưởng trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, thầy Đỗ Trọng Cảnh làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Liên khu Ba. Cả hai trường đặt dưới sự lãnh đạo của chung một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến những năm 1952 - 1953 ở Liên khu Ba đã phát triển thêm một số trường Cấp 3: Hoa Lư, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu. Các thầy Đào Văn Định, Nguyễn Văn Vận… của trường Nguyễn Thượng Hiền được cử sang làm Hiệu trưởng. Đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1955), những trường này lại hợp nhất thành trường Cấp 3 Liên khu Ba, đặt ở Hà Nam, sau chuyển về thành phố Nam Định. Trải qua 35 năm từ trường Thành Chung Nam Định đến các trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến - Nguyễn Thượng Hiền, rồi trường Cấp 3 Liên khu Ba, sau này nối tiếp là trường Phổ thông Cấp 3 Nam Định, trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trên chặng đường đồng hành cùng cách mạng và đất nước đó, bao nhiêu thế hệ học sinh đã nối tiếp nhau từ nhà trường đi vào cuộc sống. Có người đã ngã xuống ngay từ khi góp công thành lập Đảng như Nguyễn Đức Cảnh, nhiều người đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh cống hiến cho cách mạng và kháng chiến, phần lớn học sinh của trường đi theo cách mạng, một số đã đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Công an Mai Chí Thọ. Nhiều người là sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, văn hóa, giáo dục, một số đã trở thành những những nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư viện sĩ Phạm Minh Hạc, nhà văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, nhà thơ Trần Lê Văn, nhạc sĩ Đặng Thế Phong.  

Thầy giáo và học sinh từ trường Thành Chung, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến, Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền đến Phổ thông Cấp 3 Liên khu Ba đã nối tiếp nhau viết lên nét son truyền thống của nhà trường. Đó là:
- Truyền thống hiếu học, học giỏi, học thành người có ích, cùng với tình nghĩa thầy trò sâu nặng bền vững.
- Truyền thống yêu nước và cách mạng, thầy giáo và học sinh nhà trường đã liên tục tham gia các phong trào cách mạng gắn với nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng và kháng chiến.
- Truyền thống xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân văn vượt mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu nâng cao chất lượng đào luyện các thế hệ học sinh thành những người công dân tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, kiến quốc.

Lịch sử vẻ vang của trường Thành Chung, Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến, Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền… là nguồn sáng huy hoàng được trao truyền, tiếp nối cho trường phổ thông Cấp 3 Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay.
Tháng 10 năm 2019
Bài viết tổng hợp tư liệu của
Vũ Ngọc Lý (khoá 1936- 1940);
Phạm Hữu Dung (khoá 1942- 1946);
Vũ Văn Tảo (khoá 1942- 1946)
trong cuốn “Mái trường thân yêu”, tháng 11/ 1999

Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Dương
 - Nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ văn
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; CHS Lê Hồng Phong khóa 1958 - 1961

Chặng 1959 - 1993

Dấu son truyền thống yêu nước và dạy giỏi, học giỏi

Năm học 1959 - 1960 theo chủ trương của Bộ Giáo dục, quyết định của Tỉnh ủy, Ty Giáo dục Nam Định, trường phổ thông cấp 3 Nam Định chia làm 2 trường đặt tại cùng một địa điểm bên bờ hồ La -két (nay là hồ Vị Xuyên) với những dãy nhà lợp lá cọ đơn sơ, một trường học buổi sáng, một trường học buổi chiều. Trường học buổi sáng là trường phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong Nam Định. Trường gồm 4 lớp 10, 2 lớp 9 và 5 lớp 8 do thầy Đào Văn Định là Hiệu trưởng. Trường học buổi chiều là trường cấp 3 Lý Tự Trọng Nam Định. Đội ngũ giáo viên của nhà trường gồm những thầy cô giàu kinh nghiệm và tâm huyết từ trước cách mạng và giảng dạy trong kháng chiến, cùng các thầy cô giáo trẻ được đào tạo sau cách mạng, như thầy Vũ Trọng Xương, thầy Nguyễn Mười, thầy Dương Quang Cung, thầy Nguyễn Khắc Nhuyên… môn Văn; thầy Nguyễn Quý Phức, thầy Lê Đỗ Tập, thầy Đặng Vũ Bành… môn Toán; thầy Nguyễn Tiến Đĩnh, thầy Vũ Tuấn Lâm,… môn Lý; thầy Nguyễn Trinh, thầy Phạm Văn Nghĩa… môn Hóa; thầy Nguyễn Cự hải, cô Nguyễn Phi Hồng... môn Sinh; thầy Ngô Tử Tấn, thầy Vũ Tích Khuê… môn Trung văn; thầy Trần Đức Thọ, cô Nguyễn Thúy Như... môn Sử; thầy Vũ Huy Vân... môn Địa lý; thầy Trần Đức Thanh... môn Thể dục.

Từ năm 1961- 1962, Bộ mở các kì thi học sinh giỏi Văn và Toán lớp 10 (lớp cuối cấp hệ phổ thông 10 năm) toàn miền Bắc. Từ đây, phong trào học sinh giỏi của nhà trường bắt đầu khởi động, đặc biệt đến năm học 1965 - 1966, lớp Toán đặc biệt và lớp Văn đặc biệt (tiền thân của các lớp chuyên toán, chuyên văn sau này) ra đời có nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Lúc đó, dưới sự lãnh đạo của các thầy hiệu trưởng: Nguyễn Văn Chiển, Trần Đức Dực… cùng sự dìu dắt của các thầy Nguyễn Trinh… môn Hóa, thầy Vũ Tuấn Lâm,… môn Vật lý, thầy Lê Đỗ Tập, thầy Hoàng Ngọc Bích, thầy Bùi Gia Thọ, thầy Đặng Vũ Bành… môn Toán, thầy Trần Bá Vinh, thầy Trần Tư… môn Văn, phong trào “Hai tốt” của nhà trường lên cao. Nhiều học sinh đã đạt thành tích cao trong kì thi học sinh giỏi toàn miền Bắc như: Trần Quang Vinh, giải Nhì môn Văn (không có giải Nhất) năm học 1962 - 1963, Lê Văn Vỵ đạt giải Nhì (không có giải Nhất) và Trần Mạnh Thường đạt giải Ba môn Văn kì thi năm học 1963 - 1964, Nguyễn Cao Thắng đạt giải Ba môn Toán kì thi năm 1963 - 1964, Trần Trung Hiếu đạt giải Ba (không có giải Nhất) kì thi năm 1964 - 1965, Nguyễn Văn Tuấn đạt giải Nhì (không có giải Nhất) kì thi năm 1965 - 1966... Chính các anh đã ghi những dấu son đầu tiên của Lê Hồng Phong lên bản đồ thành tích học giỏi của Nam Định và toàn quốc. Đó là những “hạt giống vàng” gieo mầm cho thành tích học giỏi, dạy giỏi của trường cấp 3 Lê Hồng Phong và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau này.

Từ năm 1965 - 1972, Mỹ đánh phá miền Bắc, trường đã 2 lần sơ tán lên xã Nhân Tiến và Nhân Thắng (nay là xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Thời gian này, thầy và trò nhà trường sống và học tập trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con hai xã. Mặc dù khó khăn trăm bề, nhưng dưới sự lãnh đạo của thầy Lê Văn Hạp - Hiệu trưởng, phong trào dạy tốt học tốt của thầy trò nhà trường vẫn luôn được phát huy. Các thầy cô giáo được bổ sung về trường như thầy Bùi Ngọc Pho, Trần Bá Giao,… môn Văn; thầy Vũ Đức Thứ, cô Trần Thị Hiền, thầy Vũ Quang Lãm, Nguyễn Văn Xuyên… môn Toán; thầy Nguyễn Văn Ninh, thầy Nguyễn Đình Khôi… môn Lý; thầy Trương Xương… môn Hóa; thầy Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Viết Hùng, thầy Trần Trọng Nghĩa, cô Nguyễn Thị Băng Tâm… môn Nga văn, thầy Phạm Văn Trường… môn Thể dục,… Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường được xây dựng vững chắc, sinh hoạt chuyên môn gọn nhẹ, đảm bảo yêu cầu với tinh thần trách nhiệm cá nhân cao nhất. Không chỉ dạy và học, thầy trò nhà trường còn tham gia lao động sản xuất, đào hào, đắp lũy, xây hầm, phong trào thể dục thể thao, phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” cũng diễn ra sôi nổi. Sau khi trở về trường cũ, thầy và trò nhà trường thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua của ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục sau chiến tranh phá hoại và chuẩn bị cho yêu cầu cải cách giáo dục toàn diện cùng chi viện cho giáo dục miền Nam. Ghi nhận sự đóng góp của thầy trò nhà trường, năm 1971, trường được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đầu năm 1975, nhà trường vinh dự đón nhận lẵng hoa của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi tặng như một phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

 Trong những năm tháng này, nhà trường luôn coi trọng việc giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, thực hiện phong trào thi đua “Mỗi lớp là một pháo đài chống Mỹ”, nhiều học sinh và thầy giáo của nhà trường đã tình nguyện lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam với khí thế sục sôi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhiều người đã trở thành dũng sĩ như Hoàng Dương Chương - dũng sĩ diệt cá sấu…, 135 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương và tự hào của thầy cô, bè bạn, tiêu biểu như: liệt sĩ Trần Đăng Cự, liệt sĩ Vũ Thanh - với những lá thư tình nguyện nhập ngũ được viết bằng những dòng máu nóng hổi của trái tim nhiệt huyết; liệt sĩ Hoàng Hồng Châu quả cảm hi sinh trong trận Cảnh Giang của Hải quân Việt Nam,…

Đất nước được giải phóng, tiến hành công cuộc đổi mới trên mọi phương diện từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Không nằm ngoài quỹ đạo chung của toàn dân tộc, ngành giáo dục đổi mới mạnh mẽ, thầy đổi mới cách quản lý, cách dạy; trò đổi mới cách học, cách tiếp cận kiến thức cơ bản với thực tiễn để tiếp thu và làm chủ kiến thức trong chương trình sách giáo khoa cải cách. Nhà trường tiến hành đổi mới cách quản lý, cách tuyển chọn học sinh, cách khen thưởng đối với thầy và trò đạt thành tích cao, xây dựng mối quan hệ tốt giữa nhà trường và phụ huynh học sinh…, các đoàn thể trong nhà trường hoạt động với phương châm “thiết thực - chất lượng - hiệu quả”, đoàn thanh niên hoạt động với phương châm “dân chủ - tự quản - năng động - sáng tạo”… đã đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy của thầy và học tập của trò. Quản trị trường lúc đó là những nhà sư phạm vừa có tài vừa có tâm, vừa uyên thâm về trí tuệ vừa đức độ về nghề. Đó là thầy Hiệu trưởng Phạm Tiến luôn đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu của giáo viên và học sinh - đây là kim chỉ nam cho sự phát triển năng lực của người dạy và người học ở mọi thời đại. Đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Xuyên luôn gần gũi, ân cần nhắc nhở giáo viên nhà trường trau dồi chữ TRÍ, chữ NHÂN, chữ DŨNG. Đó là thầy Hiệu trưởng Vũ Đức Thứ ấm áp, tình nghĩa và luôn tâm huyết với trường, với nghề. Bên cạnh đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhà trường được bổ sung nhiều thầy cô giáo đam mê sáng tạo và năng động, như thầy Hồ Quang Diệu, thầy Đỗ Thanh Dương, thầy Nguyễn Minh Hoàng, thầy Nguyễn Công Thành, thầy Trần Trung, thầy Nguyễn Quang Trung, cô Nguyễn Hồng Vân, cô Phạm Thị Thanh Tâm... môn Ngữ văn; thầy Trần Xuân Đáng, thầy Lương Văn Thủy, thầy Ngô Vỹ Nông, cô Phan Thị Luyến, thầy Cao Xuân Hùng… môn Toán; cô Kim Anh Oanh, thầy Vũ Mạnh Thiệp, Phạm Văn Hoan… môn Vật lý; thầy Nguyễn Ngọc Lãng, thầy Trần Xuân Phú… môn Hóa học; thầy Vũ Đình Thái, thầy Phạm Hải Đăng, thầy Đoàn Ngọc Thạch, cô Bùi Thị Thu, cô Phạm Minh Hạnh,… môn Ngoại ngữ… Sự uyên bác của kiến thức và mới lạ trong cách tiếp cận kiến thức của thầy đã tạo nên một luồng gió mới đầy hứng khởi trong phong trào học tập của trò. Thầy giáo dạy văn Trần Trung đề nghị chuyển bàn giáo viên xuống dưới lớp học để đối thoại với học sinh trong giờ dạy Ca dao; Thầy giáo Nga văn Nguyễn Viết Hùng phát âm rất chuẩn và hay nguyên tác bài “Người thầy đầu tiên” của Chingiz Aitmatov… giúp bài học được tiếp cận ở nhiều góc độ, cởi mở và dân chủ, phát huy năng lực tư duy và sáng tạo ở học trò. Thầy giỏi dạy trò giỏi, thành tích thi học sinh giỏi của nhà trường luôn đạt kết quả cao trong nhiều năm liền, như Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Huy chương Vàng và Thái Hồng Sơn, Huy chương Bạc môn tiếng Nga Quốc tế năm học 1987 - 1988; Cao Minh Trí, Huy chương Đồng môn Tin học Quốc tế năm học 1993 - 1994…; Trần Văn Toàn năm học 1988 - 1989, Cao Thị Huệ năm học 1992 - 1993… giải Nhất môn Ngữ văn trong Kì thi học sinh giỏi văn quốc gia…. Các đội tuyển điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ của nhà trường dưới sự dẫn dắt của các thầy Trần Đức Thanh, Phạm Văn Trường,... đã đạt nhiều thành tích xuất sắc cấp quốc gia. Ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trong công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, nhà trường vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò ưu tú của trường Thành Chung (tiền thân của trường cấp 3 Lê Hồng Phong, Nam Định) - về thăm năm 1987 và 2 lần đón Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1981 và năm 1994, tổ Ngữ văn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa năm học 1990 - 1991.

Thầy trò trường cấp 3 Lê Hồng Phong đã ghi tiếp những dấu son chói lọi trên bản đồ truyền thống của nhà trường. Đó là:
- Truyền thống dạy giỏi của các thế hệ nhà giáo đầy tâm huyết và tài năng, sáng tạo và năng động, hết lòng yêu nghề và yêu người, được thầy Vũ Đức Thứ - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường tổng kết ngắn gọn trong 5 chữ T: “TÂM - TÀI - TÌNH - TÍN - TIẾN” với đầy đủ ý nghĩa nhiều chiều của từng chữ đó.
- Truyền thống học giỏi được các thế hệ học sinh nhà trường bồi đắp dày hơn nữa bảng vàng thành tích của trường cấp 3 Lê Hồng Phong.
- Truyền thống yêu nước, tinh thần tự nhiệm, tự lập và tự tin của học trò trường Lê trong những tháng năm cả nước lên đường tham gia vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nguyễn Thị Hồng
Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Cựu học sinh chuyên Văn khóa 1996 - 1999 (tổng hợp tư liệu)
 

Chặng 1993-2015

Viết tiếp những trang vàng truyền thống

Sang thập niên 90 của thế kỷ XX, trường THPT Lê Hồng Phong đã có những bước chuyển quan trọng, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì đổi mới. Theo quyết định của Bộ GD – ĐT và UBND tỉnh Nam Định, năm học 1993 – 1994 trường được chính thức chuyển sang hệ trường chuyên với tên gọi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm 1995, trường chuyển về địa điểm cũ 76 Vị Xuyên, TP Nam Định. Khu trường cao tầng được xây dựng với 60 lớp học, hơn 20 phòng làm việc, phòng sinh hoạt chuyên môn, phòng hội thảo... và một khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Nhìn từ ngoài vào, ngôi trường được kiến trúc giống như một con đại bàng đang tung cánh, vừa mạnh mẽ, vừa lãng mạn; trong tâm tưởng của các thế hệ thầy trò, ngôi trường là chiếc nôi của tri thức và tình thương, là mái ấm, chốn đi về của hoài niệm và khao khát.

Khởi nguồn từ các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, Văn năm 1962; tiền thân là các lớp Toán đặc biệt, Văn đặc biệt được thành lập năm 1965; năm học 1993 – 1994, trường đã tổ chức tuyển sinh cho hầu hết các lớp chuyên: Văn, Toán, Tin, Lí, Hóa, Sinh, Nga, Anh, Pháp… Thực hiện sứ mệnh của trường chuyên: phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, đưa học sinh Nam Định tham gia và đạt thành tích cao trong các kì thi HSG quốc gia và quốc tế, góp phần đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước; thầy và trò nhà trường đã nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa. Các khóa học sinh sau này của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đều được đón vào trường bằng lễ rước đuốc truyền thống trong ngày khai giảng. Khi ngọn đuốc được trao truyền, mỗi học sinh Lê Hồng Phong không chỉ ý thức được sứ mệnh của mình là cháy lên và tỏa sáng mà còn phải kết nối mình vào dòng chảy truyền thống để phát huy các giá trị cốt lõi mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng và vun đắp, để khẳng định mình bằng trí tuệ và bản lĩnh, bằng lối sống nhân văn và tự trọng, bằng sự tự chủ và tự tin, bằng đam mê và trách nhiệm.

Lấy điểm tựa từ truyền thống yêu nước học giỏi, hướng đến tương lai bằng khát khao và nỗ lực, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong những năm học ở thập niên cuối của thế kỉ XX và đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo ở đầu thế kỉ XXI. Trong công tác quản lí, các thầy hiệu trưởng Vũ Đức Thứ, Nguyễn Viết Hùng, Cao Xuân Hùng, Vũ Đức Thọ đều là những nhà giáo có tài, có tâm và có tầm; luôn trăn trở, tâm huyết trong định hướng; sát sao, quyết đoán trong quản lí chỉ đạo; giản dị, ấm áp trong cuộc sống. Chữ Tài, chữ Tâm ở các thầy đã hòa vào nhau để kết thành chữ Tín, chữ Tình; tạo động lực mạnh mẽ để các thế hệ giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong không ngừng phấn đấu, vượt lên chính mình và tạo nên những thành tích rực rỡ. Trong công tác đào tạo học sinh giỏi, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã viết tiếp những trang vàng bằng sự tự chủ sáng tạo của thầy, bằng tự giác say mê của trò. Theo sự hướng dẫn, gợi mở của thầy cô, học sinh tích cực đẩy mạnh quá trình tự học, tự nghiên cứu. Từ những giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm, trong thư viện; những giờ tự học buổi tối bất chấp nóng nực mùa hè hay lạnh giá mùa đông, học sinh các đội tuyển đã biết biến áp lực thành động lực, đạt được những giải thưởng danh giá. Nhiều học sinh Lê Hồng Phong đã được vinh danh trong các kì thi HSG quốc gia, quốc tế. Chỉ tính từ năm 2000 đến 2015 trường đã đạt 1079 giải quốc gia, trong đó có 57 giải nhất (11 giải Nhất môn Vật lí, 10 giải Nhất môn Địa lí, 9 giải Nhất môn tiếng Nga, 8 giải Nhất môn tiếng Pháp, 6 giải Nhất môn Lịch sử, 6 giải Nhất môn Sinh học, 3 giải Nhất môn Toán, 3 giải Nhất môn Hóa học, 01 giải Nhất môn Tin học). Những tấm huy chương và bằng khen của học sinh Lê Hồng Phong trong các kì thi quốc tế đã đưa danh tiếng của nhà trường vang xa. Trong hơn hai thập kỉ thực hiện sứ mệnh của trường chuyên, thầy trò nhà trường có 25 lượt học sinh đoạt huy chương và bằng khen ở các kì thi Olympic quốc tế và khu vực, tiêu biểu: môn Toán - huy chương Bạc Quốc tế của Nguyễn Đăng Hợp, huy chương Đồng của Nguyễn Văn Thế…, huy chương Bạc châu Á Thái Bình Dương của Vũ Hải Sâm, Vũ Việt Tài…; môn Tin học - huy chương Đồng Quốc tế của Cao Minh Trí… ; môn Vật lý - huy chương Bạc Quốc tế của Trần Thế Truyền; Đoàn Văn Khánh, Phạm Văn Quyền; Huy chương Đồng châu Á Thái Bình Dương của Lương Xuân Doanh,…; môn Hóa học - huy chương Đồng Quốc tế của Lương Văn Huấn, Trần Thị Mai Hương; môn Sinh - huy chương Bạc Quốc tế của Nguyễn Thu Trang, huy chương Đồng của Chu Văn Trung, Phạm Minh Đức…; môn Tiếng Nga - huy chương Vàng Quốc tế của Đặng Thu Giang, Phạm Quỳnh Hương, Cao Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, … Cùng với những thành tích của trò, danh tiếng của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn gắn liền với tên tuổi những nhà giáo tài năng và tâm huyết: môn Toán - thầy Đặng Kim Long, Cao Xuân Hùng, Nguyễn Hữu Thiêm, Nguyễn Hoàng Cương…; môn Tin học: thầy Ngô Vỹ Nông, Phạm Hồng Thanh, Ngô Trung Tưởng…; môn Lí - thầy Trần Huy Huấn, Phạm Quốc Khánh, Vũ Đức Thọ, Nguyễn Văn Huyên, Bùi Thái Học…; môn Hóa - thầy Nguyễn Ngọc Lãng, Trần Xuân Phú, Bùi Huy Thường, Vũ Văn Hợp, cô Lê Thị Trung Thu…; môn Sinh – Thầy Trần Tất Thắng, cô Trần Thị Thanh Xuân, …; môn Văn - Thầy Đỗ Thanh Dương, Nguyễn Minh Hoàng, cô Nguyễn Hồng Vân, Phạm Thị Thanh Tâm, Phạm Thị Huệ, Bùi Minh Tâm, Vũ Thị Bích Ngọc, Trần Thị Minh Thanh…, môn Sử - thầy Trần Huy Đoàn, cô Trần Thị Kim Oanh, Lê Thị Vân Anh, Bùi Thị Nhung…; môn Địa - cô Vũ Thị Mai Huế, Trần Thị Hồng Thúy, Bùi Thị Nhiệm...; môn Ngoại ngữ - thầy Đoàn Ngọc Thạch, Phạm Hải Đăng, cô Vũ Thị Vân, Mai Thị Thúy Dung, Bùi Thị Thu, Phạm Minh Hạnh ... Song song với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường cũng rất chú trọng các hoạt động giáo dục toàn diện, hướng tới hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất của “công dân toàn cầu”. Phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu và sự linh hoạt, sáng tạo; giáo viên và học sinh nhà trường đã đánh thức nội lực bản thân và tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại, năng động. Không chỉ tỏa sáng ở những “sân chơi” đỉnh cao như các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; học sinh Lê Hồng Phong còn khẳng định mình trong các kì thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học và nhiều hoạt động giáo dục phong phú. Những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, học sinh đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt tỉ lệ 100% trong đó có trên 80% HS đạt loại khá, giỏi; tỉ lệ học sinh đỗ Đại học luôn đạt từ 90% trở lên trong đó có nhiều học sinh được tuyển thẳng, nhiều học sinh đỗ điểm cao ở các trường Đại học top đầu, tiêu biểu là em Trần Trung Dũng – thủ khoa khối A1 năm học 2015 - 2016…Hình ảnh học sinh Lê Hồng Phong tài năng và bản lĩnh trên các sân chơi truyền hình uy tín: Bảy sắc cầu vồng, Nữ sinh và tương lai, Đường lên đỉnh Olympia, Vietnam Idol, Hoa hậu Việt Nam… đã xóa đi quan niệm học sinh trường chuyên chỉ biết học. Đó cũng là những minh chứng thuyết phục khẳng định thành công của nhà trường trong việc đảm bảo giáo dục toàn diện. Trường luôn có mặt ở top đầu trong những trường THPT tốt nhất Việt Nam được truyền thông bình chọn.

Các tổ chức đoàn thể của nhà trường cũng có sự chuyển hướng với các hoạt động đa dạng, hiệu quả, tạo sự kết nối và lan tỏa sâu rộng. Với vai trò lãnh đạo toàn diện, tổ chức Đảng của nhà trường đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cuối thập niên 90, chi bộ Đảng nhà trường có hơn 40 Đảng viên; sang đầu những năm 2000, chi bộ phát triển thành Đảng bộ với ba chi bộ cơ sở. Tháng 2/2002, Đại hội Đảng bộ đầu tiên của trường được tổ chức; nhiều giáo viên – Đảng viên trẻ đã được tin tưởng phân công đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng và nhanh chóng thể hiện vai trò tiên phong trong công tác. Đảng bộ nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Lê Hồng Phong cũng có nhiều hoạt động sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ - tự quản- năng động – sáng tạo, phát huy được tài năng và sức trẻ của Đoàn viên. Không chỉ thúc đẩy các phong trào học tập, Đoàn trường còn tổ chức nhiều sân chơi: Tài năng trẻ, Lăng kính khoa học, Chuyên mục khối…tạo điều kiện cho học sinh tự tin thể hiện bản sắc và khả năng sáng tạo của mình. Đoàn trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen xuất sắc. Với hơn 150 công đoàn viên, tổ chức Công đoàn của nhà trường thực sự đã trở thành mái ấm, nơi các thành viên được quan tâm, được hỗ trợ kịp thời. Những chuyến tham quan, học tập vào dịp hè; những buổi liên hoan gặp mặt đầu xuân, hội ngộ nhân dịp 20/11; các hoạt động thăm hỏi, động viên… đã tạo ra sự gắn kết đặc biệt giữa các thế hệ giáo viên, cán bộ công nhân viên. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và sự phổ biến của các thiết bị điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức và hoạt động của các Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu học sinh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cha mẹ học sinh của nhà trường, giúp công tác xã hội hóa của trường đạt được hiệu quả thiết thực. Sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô trong Hội Cựu giáo chức; sự ủng hộ, đồng hành của các cô bác trong Hội Cựu chiến binh, Ban đại diện cha mẹ học sinh; sự trở về của các anh chị cựu học sinh đã tạo ra những nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất cho thầy và trò nhà trường trong hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, viết tiếp những trang tươi sáng, tô thắm thêm truyền thống của mái trường thân yêu. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã về thăm, động viên thầy và trò nhà trường, nhiều Đoàn đại biểu của các tỉnh/thành trong cả nước và quốc tế đã tới thăm và giao lưu với giáo viên và học sinh nhà trường. Ghi nhận những cống hiến của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhà trường nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1995, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1999, Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2012.

Có thể nói, trong hơn 2 thập kỉ phát triển, trường đã kế tục truyền thống yêu nước, dạy giỏi, học giỏi; trở thành nơi hội tụ tinh hoa của vùng đất văn, đất học Nam Định. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã, đang và luôn là một trong những trường chuyên danh tiếng nhất của cả nước, là lá cờ đầu của ngành giáo dục Nam Định và toàn quốc; xứng đáng với sự tin yêu và kì vọng của nhân dân, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Đỗ Thị Hương Giang
Giáo viên môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
 

Chặng 2015 – nay

Những gam màu mới


 
Chuyển động cùng sự thay đổi của đất nước trong thời kì hội nhập và phát triển, từ năm 2015 đến nay, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã và đang nỗ lực không ngừng để vừa tô đậm những dấu son truyền thống vừa mở ra những trang mới, đón bắt những vận hội mới. Năm 2020, trường bước sang tuổi 100, các thế hệ giáo viên và học sinh của trường đang hân hoan đón đợi Lễ kỉ niệm 100 năm ngày thành lập trường và 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Đến với Lê Hồng Phong là đến với ngôi nhà có rất nhiều ánh lửa: lửa của trí tuệ và niềm tin, lửa của nhiệt huyết và khao khát, lửa thắp lên trong tim và cháy lên trong ánh mắt của mỗi người đã, đang và sẽ gắn bó với ngôi trường này. Với những thế hệ đi trước, về với Lê Hồng Phong là trở về với tuổi trẻ rực rỡ và những dấu son chói lọi; với thế hệ hôm nay, đến với Lê Hồng Phong là để nhận diện sắc màu và kiến tạo tương lai của chính mình. Vì vậy, giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong hôm nay đang viết những trang tiếp theo của mái trường trăm tuổi với những gam màu mới. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của trường chuyên trong công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG; nhà trường đã và đang cố gắng đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật và tiếp cận các xu hướng giáo dục hiện đại để nâng cao chất lượng dạy học, giúp học sinh có thể thích ứng tốt với các môi trường học tập trong nước và quốc tế.

Nhận thức sâu sắc quy luật “Không có gì vĩnh viễn ngoài sự thay đổi” (Heraclitus), lãnh đạo nhà trường đang từng bước đổi mới công tác quản lí, công tác giảng dạy và học tập với mong muốn tạo ra những đột phá, đưa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thành trường chuyên chất lượng cao, có môi trường giáo dục hiện đại ngang tầm với các trường THPT hàng đầu trong nước và khu vực; đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên và năng lực học tập của học sinh. Sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của thầy Vũ Đức Thọ (Hiệu trưởng nhà trường từ 2014 - 2017); sự nghiêm cẩn, mực thước, tinh tế của thầy Ngô Vỹ Nông (Hiệu trưởng nhà trường từ 2017 - 2019); sự nghiêm túc, tế nhị, sâu sắc của cô Phạm Thị Huệ (nữ Tiến sĩ - nữ Hiệu trưởng đầu tiên trong lịch sử 100 năm của trường, Hiệu trưởng nhà trường từ 2019 đến nay) cùng với sự linh hoạt, tận tình, sâu sát trong công tác quản lí chuyên môn, quản lí học sinh của thầy Lương Văn Thủy, cô Phạm Thị Thanh Tâm, cô Lê Thị Phương Dung, thầy Nguyễn Hữu Thiêm, thầy Bùi Thái Học - Phó hiệu trưởng nhà trường đã đem đến cho Lê Hồng Phong những luồng gió mới. Giai đoạn từ 2015 đến nay, nhà trường vẫn giữ vững vị trí ở nhóm dẫn đầu trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong 5 năm gần đây, trường có nhiều lượt học sinh tham gia và đạt giải trong các kì thi Quốc tế, khu vực; những trang truyền thống của nhà trường lại thêm những dấu son với Huy chương Vàng môn Vật lí của Đinh Thị Hương Thảo trong năm học 2014 - 2015 và 2015 - 2016; Huy chương Bạc môn Hóa học của Nguyễn Thành Trung, Huy chương Đồng môn Toán của Vũ Đức Tài trong năm học 2015 - 2016; Huy chương Bạc môn Hóa học của Hoàng Thanh Tùng năm học 2017 - 2018; Huy chương Bạc môn Hóa học của Phạm Thanh Lâm năm học 2018 - 2019, Huy chương Bạc môn Tin học châu Á Thái Bình Dương của Trần Quốc Việt năm học 2018 - 2019, Huy chương Đồng môn Toán của Trần Nhật Minh và Huy chương Vàng môn Hóa học của em Đàm Thị Minh Trang năm học 2019-2020… Thành tích HSG quốc gia ổn định với trên 85% học sinh dự thi đạt giải; tổng số giải quốc gia đạt được là 453 giải, trong đó có 15 giải Nhất: 2 giải Nhất môn Toán, 4 giải Nhất môn Vật lí, 4 giải Nhất môn Hóa học, 2 giải Nhất môn Ngữ văn; 01 giải Nhất môn Địa lí, 02 giải Nhất môn Tin học…

Trưởng thành từ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; các thầy/cô Nguyễn Hoàng Cương, Trần Mạnh Sang, Phạm Bắc Phú (môn Toán); Nguyễn Văn Huyên, Bùi Thái Học (môn Vật lí); Vũ Văn Hợp, Trần Việt Hưng (môn Hóa học); Trần Thị Thanh Xuân, Lưu Thị Yến, Trần Thị Kim Thoa (môn Sinh học); Phạm Hồng Thanh, Ngô Trung Tưởng (môn Tin học); Cao Thị Huệ, Phạm Bá Quyết (môn Ngữ văn); Lê Thị Vân Anh, Bùi Thị Hương Mơ, Nguyễn Thị Huyền Trang (môn Lịch sử); Mai Thị Tuyết Hạnh, Hà Diệu Hương (môn Địa lí); Trần Thị Hà, Dương Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Dương Liễu (môn Ngoại ngữ)… đã khẳng định mình bằng sự vững vàng trong chuyên môn, đồng hành cùng học sinh bằng sự trẻ trung, nhiệt huyết và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của thế hệ tiếp nối. Sự nhạy bén, năng động của lãnh đạo nhà trường trong công tác định hướng đã tạo ra ở Lê Hồng Phong một môi trường giáo dục mở, phát huy được sự chủ động và tích cực của thầy và trò. Điểm nổi bật của giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong là khả năng tự học, tự nghiên cứu; đó là tiền đề để phát triển tư duy sáng tạo và tạo ra những bứt phá. Khi điểm mạnh ấy được kích hoạt, giáo viên và học sinh nhà trường đã đem đến cho bức tranh Lê Hồng Phong những gam màu mới. Năm 2015, với sự chỉ đạo trực tiếp của thầy Vũ Đức Thọ - Nguyên Hiệu trưởng và cô Lê Thị Phương Dung – Nguyên Phó hiệu trưởng, trường đã ứng dụng Office 365 vào quản lí và giảng dạy. Giải thưởng từ các cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, Vô địch tin học văn phòng thế giới… đã thể hiện sự năng động, tích cực của giáo viên và học sinh nhà trường trong kết nối bài học với đời sống. Trường nhiều năm liền giành giải Nhất toàn đoàn trong Hội thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học (ISEF) do Sở GD – ĐT tổ chức và có nhiều đề tài đại diện cho học sinh tỉnh Nam Định tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia. Từng cố vấn và hướng dẫn nhiều đề tài đạt giải, cô Lê Thị Phương Dung (Nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường), Phạm Thị Phương Thảo (môn Vật lí), Trần Hải Tú (môn Ngữ văn), thầy Phạm Trọng Thịnh (môn Hóa học), … đã đưa phong trào nghiên cứu khoa học ứng dụng trong học sinh lan tỏa sâu rộng. Với kiến thức chắc chắn, khả năng vận dụng linh hoạt; năm học 2015 – 2016, học sinh Lâm Vũ Tuấn (chuyên Anh khóa 2013 – 2016) đã đưa một điểm cầu truyền hình của chương trình Đường lên đỉnh Olympia về Nam Định và xuất sắc về Nhì trong vòng thi Chung kết năm. Lê Hồng Phong cũng là một trong những trường THPT đầu tiên trên cả nước tiếp cận với giáo dục STEM nên giáo viên, học sinh của trường không tự giới hạn mình trong những môn học và không gian học tập truyền thống. Bắt đầu từ việc tự bổ sung và nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp cận các tư liệu và chương trình học tập nước ngoài của giáo viên phụ trách các đội tuyển; tiếp đến là những chuyến tham quan, học tập, những khóa học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến của các thầy cô giáo trẻ; học sinh Lê Hồng Phong đã được truyền động lực để vươn ra “biển lớn”, bắt nhịp với xu hướng giáo dục của thời đại 4.0. Huy chương Vàng cuộc thi “Thiết kế giải pháp sáng tạo cho các vấn đề toàn cầu” do Viện Hàn lâm khoa học New York tổ chức của em Trần Thị Thanh Thúy - lớp 12 A2, năm học 2019- 2020, Giải Nhất cuộc thi “Học tập và kết nối cộng đồng SL STEM dành cho HS - SV Việt Nam và Iceland” của nhóm học sinh lớp 11 các lớp chuyên Anh, chuyên Toán, chuyên Sinh (năm học 2019- 2020) do cô giáo Đào Thị Hồng Quyên hướng dẫn đã truyền cảm hứng và mở ra cho học sinh Lê Hồng Phong những hướng đi, hướng phát triển mới. Nhiều học sinh các khối lớp trong trường đã tự tìm học bổng du học sau khi tốt nghiệp, thậm chí ngay khi đang học lớp 11. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong bức tranh giáo dục của nhà trường trong thời kì phát triển mới. Giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn thầy trò nhà trường có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học phát triển năng lực, trường Lê Hồng Phong cũng là trường THPT đầu tiên trong tỉnh phát triển mạnh mô hình câu lạc bộ nhằm giúp học sinh phát triển năng lực và thiên hướng của mình. Từ hai câu lạc bộ ban đầu, đến nay trường đã có 22 câu lạc bộ do các giáo viên phụ trách, phụ huynh hỗ trợ; nhiều câu lạc bộ có cách tổ chức và hoạt động hấp dẫn, thiết thực, thu hút được đông đảo học sinh cũng như nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh như: CLB truyền thông, CLB du học, CLB nghệ thuật, CLB sự kiện, CLB xung kích, CLB sách… Lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 12 hàng năm được nhà trường tổ chức hoành tráng về quy mô, sâu sắc về nội dung và để lại cho những người tham dự những ấn tượng sâu đậm. Có thể nói, sự đổi mới và đa dạng hóa các hình thức và các hoạt động giáo dục đã giúp học sinh Lê Hồng Phong được phát triển một cách toàn diện. Khả năng tự học, tự nghiên cứu cùng với sự năng động sáng tạo cũng là những yếu tố then chốt làm nên thành công của học sinh Lê Hồng Phong trong các cuộc thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh và cấp quốc gia; đặc biệt là trong các kì thi THPTQG. Năm học 2018 – 2019, học sinh Lê Hồng Phong đã viết nên những con số ấn tượng trong kì thi THPTQG với điểm bình quân khối A: 7.96, khối A1: 8.24, khối B: 7.93, khối C: 8.08, khối D: 7.97. Đó là những “con số biết nói”, những minh chứng sống động, có sức thuyết phục hơn bất cứ lời đánh giá, nhận xét nào về trí tuệ, năng lực của học sinh Lê Hồng Phong hôm nay.

Đáp ứng những yêu cầu của giáo dục trong bối cảnh mới, các tổ chức đoàn thể của nhà trường tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh dẫn dắt, kết nối và thúc đẩy sự phát triển các hoạt động giáo dục. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các Chi bộ cơ sở đã tổ chức kết nạp nhiều Đảng viên trẻ, ưu tú; từ đó, Đảng bộ không ngừng phát triển vững mạnh. Các Đảng viên trẻ không chỉ tích cực, tiên phong trong mọi lĩnh vực công tác mà còn nhanh chóng khẳng định được năng lực và uy tín đối với học sinh và đồng nghiệp. Với hàng nghìn Đoàn viên, Đoàn TNCS HCM trường Lê Hồng Phong không chỉ đông về số lượng mà còn tinh về chất lượng. BCH Đoàn trường có 15 thành viên, trong đó có 05 giáo viên trẻ và 10 Đoàn viên ưu tú đến từ các Chi đoàn, các Câu lạc bộ đã hoạt động năng nổ, tích cực và trở thành lực lượng nòng cốt thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết và khát vọng ở những người trẻ. Bên cạnh các sân chơi truyền thống như: Chuyên mục khối, Lăng kính khoa học…; những cuộc thi mới như: Sắc màu tranh biện (tổ chức trong các giờ sinh hoạt đầu tuần), LHP’got talent, Giai điệu tuổi hồng, Vũ điệu trẻ, thi đá cầu, kéo co,... (tổ chức trong các giờ ra chơi) đã trở thành những sân chơi hữu ích giúp học sinh bổ sung, rèn luyện kĩ năng mềm, góp phần hình thành và hoàn thiện ở mỗi Đoàn viên phong cách học sinh Lê Hồng Phong trong thời đại mới: yêu nước và học giỏi, tự tin và tự chủ, năng động và sáng tạo, tôn trọng và hợp tác, đam mê và cống hiến. Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu học sinh, Hội Cha mẹ học sinh có sự gắn kết trong tổ chức, sự linh hoạt trong hoạt động và tạo ra sự kết nối thế hệ, giúp các thành viên Lê Hồng Phong nhận diện và lan tỏa các giá trị cốt lõi mà nhà trường hướng tới: truyền thống, trí tuệ, tự tin, tự chủ, trách nhiệm, hòa nhập.

Đến hiện đại từ truyền thống, đó là con đường mà thầy và trò nhà trường đã chọn và đang đi, là cách để ngôi trường trăm tuổi tiến bước với sức sống thanh xuân, sức sáng tạo dồi dào và tạo ra những đột phá, những sắc diện mới. Đó cũng là cách để trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đồng hành cùng quê hương, đất nước trong nhịp sống đang vận động và biến đổi không ngừng, để mái trường Lê Hồng Phong luôn là điểm đến, là nơi trở về, nơi trao gửi tin yêu của các thế hệ giáo viên và học sinh, của nhân dân Nam Định, của bạn bè trong nước và quốc tế.
Đỗ Thị Hương Giang
Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong