Mãi trong tôi một mái trường
20/11/2020Hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên những cảm xúc khi lần đầu tiên nhìn thấy ngôi trường mà sau này tôi được gắn bó trong suốt 3 năm học cuối cấp.
Năm học lớp 9, tôi và các bạn được lên thành phố tham dự kì thi chọn Học sinh giỏi cấp Tỉnh, cô giáo chủ nhiệm đã đưa chúng tôi đi thi và khi thi xong, dù vội về, cô vẫn dẫn chúng tôi đến ngôi trường mà tất cả những học trò trường Năng khiếu huyện chúng tôi ngày ấy đều mơ ước được học tập ở đó. Những khóa trước chúng tôi, có nhiều anh chị đã thi đỗ và lên học ở trường này, chúng tôi đã được nghe kể không ít. Vậy mà khi được nhìn tận mắt ngôi trường, tôi vẫn thấy vô cùng lạ lẫm, cứ muốn nhìn mãi, cố dõi theo khi cô giáo đã giục về. Dù chỉ đứng nhìn bên ngoài một lát, hình ảnh cánh cổng màu xanh, phía trên ghi hàng chữ “Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định” đã in sâu trong tâm trí tôi, trở thành một động lực to lớn thôi thúc tôi cố gắng phấn đấu được trở thành học sinh của trường.
Niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Sau thời gian học tập miệt mài, tôi đăng kí tham dự kì thi tuyển vào trường chuyên của Tỉnh. Nhận được tin báo kết quả trúng tuyển từ sáng mà đến đêm tôi cứ trằn trọc mãi. Lần đầu tiên tôi thức trắng một đêm. Đến giờ tôi vẫn không lí giải vì sao mình thao thức: vì bất ngờ, vì hạnh phúc hay vì sợ nếu ngủ đi thì lúc tỉnh dậy giấc mơ tan mất? Phải tới ngày nhập học, khi cánh cổng trường mở rộng chào đón tôi, không phải đứng bên ngoài đường nhìn vào như trước đây nữa tôi mới chắc chắn đó không phải là một giấc mơ.
Ba năm học dưới mái trường Lê Hồng Phong trôi qua thật nhanh. Ba năm học ấy cũng để lại trong tôi biết bao kỉ niệm đáng nhớ về thầy cô, bè bạn. Nhưng tôi vẫn phải thú thực với lòng mình, có nhiều điều tôi đã không hiểu hết khi đang còn là học sinh dưới mái trường mà chỉ khi đã xa rồi tôi mới cảm nhận được và càng trưởng thành lại càng thấm thía hơn. Tôi đã không ít lần cảm thấy khó chịu trước những yêu cầu khắt khe của thầy cô không chỉ trong học tập mà còn trong việc thực hiện nề nếp và tu dưỡng đạo đức. Vậy mà khi bước vào Đại học, và nhất là sau này khi đã nhận công tác, càng lúc tôi càng hiểu ra, chính tại ngôi trường này, tôi đã được rèn luyện tác phong làm việc khoa học, trở thành con người chỉn chu, có kỉ luật. Tôi cũng đã từng bao lần không thoải mái trước những lời nhắc nhở của thầy cô, hay sự góp ý của bạn bè. Nhưng ngay từ những ngày đầu của cuộc sống sinh viên, tôi đã thấy hụt hẫng biết chừng nào: Không có ai đưa tay ra đỡ khi tôi vấp ngã, không có ai ở bên để chỉ bảo mỗi lần tôi mắc sai lầm. Từ khi ấy, và đến mãi sau này, khi càng nhiều trải nghiệm, tôi càng thấm thía một điều: Không ở đâu, tình yêu thương lại vô điều kiện như ở nơi này, tình cảm thầy cô, bè bạn thật chân tình, ấm áp. Biết rằng ngược thời gian là điều không thể, quá khứ có đẹp đến bao nhiêu con người ta cũng không thể quay trở lại, hiện tại dù có thế nào cũng phải biết chấp nhận, thích nghi. Vậy mà có những lúc gặp phải sự vô tình, lạnh nhạt, tôi đã từng ước mình có được cỗ máy thời gian để có thể được trở lại ngày xưa, để được sống trong tình yêu thương của thầy, của bạn; để được sửa chữa những dại khờ, vô tâm của tuổi học trò… Đó cũng là lúc, dẫu muộn mằn nhưng tôi cũng kịp nhận ra bao điều quý giá mình đã được nhận từ những năm tháng dưới mái trường, hiểu được đó là niềm hạnh phúc, là sự may mắn không phải ai cũng có được trong cuộc đời.
Nói đến sự may mắn, thì so với nhiều học sinh của trường, tôi được may mắn gấp đôi. Nhà tôi ở cách trường hơn 30 cây số nên tôi ở trong khu Nội trú. Đây không phải lần đầu tiên tôi sống xa nhà. Mấy năm học trước đó tôi đã ở khu Nội trú của trường Năng khiếu huyện. Tưởng rằng đã quen với cuộc sống xa gia đình, vậy mà vẫn không tránh được cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Có những đêm, khi các bạn trong phòng đã ngủ, tôi vùi mặt vào tấm chăn nức nở. Về sau, tôi và cô bạn thân cùng phòng đã có một “sáng kiến” rất thú vị và bổ ích. Vì phương tiện đi lại ngày ấy hạn chế, thông thường cả tháng chúng tôi mới về thăm gia đình, nếu sát kì thi, chúng tôi còn ít về hơn nữa. Cứ đến tối thứ Bảy, khi các bạn ở gần hơn về đã quê, khu Nội trú trở nên yên tĩnh, vắng vẻ, hai đứa chúng tôi lại làm thơ và đọc thơ cho nhau nghe. Có bài đến giờ tôi vẫn nhớ:
Con đi trọ học xa nhà
Chẳng gần bố, mẹ, ông, bà sớm hôm
Nhưng bố, mẹ chớ có buồn
Con sẽ cố gắng để luôn được mười
Con còn học để làm người
Mai sau có ích cho đời nở hoa…
Những vần thơ câu từ có phần vụng về của tuổi học trò nhưng chứa đựng cảm xúc tự đáy lòng vừa giúp chúng tôi không còn thời gian mà buồn tủi, vừa là lời tự nhủ để vươn lên, lại vừa có ý nghĩa trong việc bồi đắp tình yêu đối với văn chương của những học trò chuyên Văn chúng tôi ngày ấy. Thời gian đầu, cũng có những lúc tôi cảm thấy lạ lẫm, khó hòa nhập với xung quanh. Nhưng chúng tôi đã nhanh chóng gắn bó, yêu thương nhau dưới mái nhà chung Nội trú. Phòng 11 chúng tôi ngày ấy có bốn người, nổi tiếng đoàn kết, ví dụ như ai về sớm sẽ tự giác đi lấy suất ăn cho cả phòng (vừa để bạn về được ăn ngay, vừa giúp các cô nhà bếp thuận tiện trong việc phân chia, dọn dẹp), hay những lúc học khuya đói bung chia cho nhau từng miếng trứng, tô mì… Tuy vậy, thời ấy, không phải lúc nào tôi cũng biết suy nghĩ một cách tích cực. Nhiều khi tôi cũng tủi thân lắm, rồi sinh ra kêu ca, than vãn khi thấy cuộc sống thiếu thốn đủ điều, thấy mình thiệt thòi khi không được như các bạn ở thành phố… Nhưng sau này, khi đã trưởng thành, tôi lại thấy biết ơn những năm tháng ấy. Có biết bao nhiêu điều tuyệt vời mà cuộc sống ở nội trú đã mang lại. Đó là khi vướng mắc một bài Toán khó đã có ngay “cây Toán” bên cạnh giảng giải. Đó là sinh nhật đặc biệt – cả khu Nội trú hơn chục phòng, gần 100 người, từng phòng một sang chơi, mỗi phòng chuẩn bị một món quà nhỏ và hát tặng một bài… Quan trọng hơn, chính nhờ quãng thời gian ấy mà tôi có thể sống tự lập hơn, tự biết chăm sóc cho bản thân mình, biết sống đoàn kết, yêu thương người khác, biết cách thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh… Và nghĩ, nếu được sống trong sự bao bọc của gia đình, chưa chắc mình đã nhận ra những giá trị sống và có được những kĩ năng sống quý giá như vậy. So với thời của chúng tôi, khu Nội trú bây giờ đã thay đổi nhiều lắm. Phòng ở khang trang, tiện nghi hơn rất nhiều, các cấp lãnh đạo, các thầy cô giáo cũng quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn... khiến tôi đã nhiều lúc ước ao: Giá như ngày trước mình cũng được sung sướng như các em bây giờ! Nhưng dù có thay đổi đến thế nào, có những điều tôi thấy mãi còn nguyên vẹn. Ấy là truyền thống chăm học, vượt lên hoàn cảnh của học sinh nội trú Lê Hồng Phong để khẳng định bản thân và góp phần tô thắm truyền thống, làm rạng rỡ bảng vàng thành tích của nhà trường. Ấy là tình cảm gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau giữa bạn bè, giống như những người trong một gia đình ruột thịt… Để sau này, khi đã bay xa đến khắp mọi phương trời, khu Nội trú vẫn luôn là mái ấm yêu thương để mỗi người tìm về.
Là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, lại được trưởng thành từ ngôi nhà chung nội trú, tôi thật hạnh phúc khi đã được nhận thật nhiều may mắn. Niềm may mắn ấy còn nhân lên gấp bội phần khi tôi được trở về trường công tác ngay sau khi tốt nghiệp Đại học. Ngày trở về trường với tư cách vừa là cựu học sinh, vừa là giáo viên của trường, trong tôi có biết bao cảm xúc. Kể từ khi xa trường, đã bao lần tôi thầm mơ được trở về gặp lại thầy cô, được về lại căn phòng học thân thuộc, được ngồi vào vị trí quen thuộc trong lớp để nhìn lên bảng nghe thầy cô giảng bài, được chạy nhảy vui đùa thỏa thích trong khu Nội trú… Giờ đây, tôi đã được trở về nơi thân yêu ấy, không phải trong mơ, cũng không phải chỉ về thăm trong chốc lát, mà mỗi ngày những điều ấy đều có thể được thực hiện. Hằng ngày hàng giờ, được sống trong bầu không khí của trường Lê Hồng Phong, tôi không chỉ thấm thía hơn những điều trước đây mình từng suy nghĩ mà còn hiểu thêm thật nhiều điều ý nghĩa khác. Trong đó, tôi thường nghĩ nhiều về truyền thống của nhà trường với bề dày được xây đắp từ rất nhiều thế hệ thầy trò, về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện tại được hội tụ trong những giá trị cốt lõi. Phải chăng đó là tinh thần vượt khó, vững bước đi lên với tài năng và tâm huyết? Là khả năng tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng những yêu cầu của thời đại, hội nhập cùng nhân loại? Là khát vọng cháy lên và tỏa sáng? Là sự đoàn kết, thủy chung, truyền thống uống nước nhớ nguồn? Tôi không thể đưa ra cho mình một đáp án duy nhất. Bởi Lê Hồng Phong trong tôi là sự kết tinh của rất nhiều giá trị đẹp đẽ, thiêng liêng. Những giá trị ấy đã làm nên danh tiếng, tầm vóc của ngôi trường 100 năm tuổi, kết nối các thế hệ thầy trò trong một mái nhà chung, để bất cứ ai cũng đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được là một thành viên của đại gia đình ấy.
Với tôi, Lê Hồng Phong chính là máu thịt, tình yêu với Lê Hồng Phong như một dòng máu nóng luôn chảy tràn trong huyết quản. Biết bao kỉ niệm thân thương. Biết bao lời muốn trao gửi. Lời biết ơn dẫu bao nhiêu cũng không đủ so với vô vàn điều tôi được nhận từ mái trường. Tôi chỉ biết tự nhủ với lòng mình: dù ở đâu, dù làm bất cứ công việc gì cũng luôn cố gắng đóng góp một phần sức lực của mình để cuộc đời thêm ý nghĩa, đó là cách để khẳng định giá trị bản thân và đền đáp những gì đã được nhận từ mái trường này.
Niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Sau thời gian học tập miệt mài, tôi đăng kí tham dự kì thi tuyển vào trường chuyên của Tỉnh. Nhận được tin báo kết quả trúng tuyển từ sáng mà đến đêm tôi cứ trằn trọc mãi. Lần đầu tiên tôi thức trắng một đêm. Đến giờ tôi vẫn không lí giải vì sao mình thao thức: vì bất ngờ, vì hạnh phúc hay vì sợ nếu ngủ đi thì lúc tỉnh dậy giấc mơ tan mất? Phải tới ngày nhập học, khi cánh cổng trường mở rộng chào đón tôi, không phải đứng bên ngoài đường nhìn vào như trước đây nữa tôi mới chắc chắn đó không phải là một giấc mơ.
Ba năm học dưới mái trường Lê Hồng Phong trôi qua thật nhanh. Ba năm học ấy cũng để lại trong tôi biết bao kỉ niệm đáng nhớ về thầy cô, bè bạn. Nhưng tôi vẫn phải thú thực với lòng mình, có nhiều điều tôi đã không hiểu hết khi đang còn là học sinh dưới mái trường mà chỉ khi đã xa rồi tôi mới cảm nhận được và càng trưởng thành lại càng thấm thía hơn. Tôi đã không ít lần cảm thấy khó chịu trước những yêu cầu khắt khe của thầy cô không chỉ trong học tập mà còn trong việc thực hiện nề nếp và tu dưỡng đạo đức. Vậy mà khi bước vào Đại học, và nhất là sau này khi đã nhận công tác, càng lúc tôi càng hiểu ra, chính tại ngôi trường này, tôi đã được rèn luyện tác phong làm việc khoa học, trở thành con người chỉn chu, có kỉ luật. Tôi cũng đã từng bao lần không thoải mái trước những lời nhắc nhở của thầy cô, hay sự góp ý của bạn bè. Nhưng ngay từ những ngày đầu của cuộc sống sinh viên, tôi đã thấy hụt hẫng biết chừng nào: Không có ai đưa tay ra đỡ khi tôi vấp ngã, không có ai ở bên để chỉ bảo mỗi lần tôi mắc sai lầm. Từ khi ấy, và đến mãi sau này, khi càng nhiều trải nghiệm, tôi càng thấm thía một điều: Không ở đâu, tình yêu thương lại vô điều kiện như ở nơi này, tình cảm thầy cô, bè bạn thật chân tình, ấm áp. Biết rằng ngược thời gian là điều không thể, quá khứ có đẹp đến bao nhiêu con người ta cũng không thể quay trở lại, hiện tại dù có thế nào cũng phải biết chấp nhận, thích nghi. Vậy mà có những lúc gặp phải sự vô tình, lạnh nhạt, tôi đã từng ước mình có được cỗ máy thời gian để có thể được trở lại ngày xưa, để được sống trong tình yêu thương của thầy, của bạn; để được sửa chữa những dại khờ, vô tâm của tuổi học trò… Đó cũng là lúc, dẫu muộn mằn nhưng tôi cũng kịp nhận ra bao điều quý giá mình đã được nhận từ những năm tháng dưới mái trường, hiểu được đó là niềm hạnh phúc, là sự may mắn không phải ai cũng có được trong cuộc đời.
Nói đến sự may mắn, thì so với nhiều học sinh của trường, tôi được may mắn gấp đôi. Nhà tôi ở cách trường hơn 30 cây số nên tôi ở trong khu Nội trú. Đây không phải lần đầu tiên tôi sống xa nhà. Mấy năm học trước đó tôi đã ở khu Nội trú của trường Năng khiếu huyện. Tưởng rằng đã quen với cuộc sống xa gia đình, vậy mà vẫn không tránh được cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Có những đêm, khi các bạn trong phòng đã ngủ, tôi vùi mặt vào tấm chăn nức nở. Về sau, tôi và cô bạn thân cùng phòng đã có một “sáng kiến” rất thú vị và bổ ích. Vì phương tiện đi lại ngày ấy hạn chế, thông thường cả tháng chúng tôi mới về thăm gia đình, nếu sát kì thi, chúng tôi còn ít về hơn nữa. Cứ đến tối thứ Bảy, khi các bạn ở gần hơn về đã quê, khu Nội trú trở nên yên tĩnh, vắng vẻ, hai đứa chúng tôi lại làm thơ và đọc thơ cho nhau nghe. Có bài đến giờ tôi vẫn nhớ:
Con đi trọ học xa nhà
Chẳng gần bố, mẹ, ông, bà sớm hôm
Nhưng bố, mẹ chớ có buồn
Con sẽ cố gắng để luôn được mười
Con còn học để làm người
Mai sau có ích cho đời nở hoa…
Những vần thơ câu từ có phần vụng về của tuổi học trò nhưng chứa đựng cảm xúc tự đáy lòng vừa giúp chúng tôi không còn thời gian mà buồn tủi, vừa là lời tự nhủ để vươn lên, lại vừa có ý nghĩa trong việc bồi đắp tình yêu đối với văn chương của những học trò chuyên Văn chúng tôi ngày ấy. Thời gian đầu, cũng có những lúc tôi cảm thấy lạ lẫm, khó hòa nhập với xung quanh. Nhưng chúng tôi đã nhanh chóng gắn bó, yêu thương nhau dưới mái nhà chung Nội trú. Phòng 11 chúng tôi ngày ấy có bốn người, nổi tiếng đoàn kết, ví dụ như ai về sớm sẽ tự giác đi lấy suất ăn cho cả phòng (vừa để bạn về được ăn ngay, vừa giúp các cô nhà bếp thuận tiện trong việc phân chia, dọn dẹp), hay những lúc học khuya đói bung chia cho nhau từng miếng trứng, tô mì… Tuy vậy, thời ấy, không phải lúc nào tôi cũng biết suy nghĩ một cách tích cực. Nhiều khi tôi cũng tủi thân lắm, rồi sinh ra kêu ca, than vãn khi thấy cuộc sống thiếu thốn đủ điều, thấy mình thiệt thòi khi không được như các bạn ở thành phố… Nhưng sau này, khi đã trưởng thành, tôi lại thấy biết ơn những năm tháng ấy. Có biết bao nhiêu điều tuyệt vời mà cuộc sống ở nội trú đã mang lại. Đó là khi vướng mắc một bài Toán khó đã có ngay “cây Toán” bên cạnh giảng giải. Đó là sinh nhật đặc biệt – cả khu Nội trú hơn chục phòng, gần 100 người, từng phòng một sang chơi, mỗi phòng chuẩn bị một món quà nhỏ và hát tặng một bài… Quan trọng hơn, chính nhờ quãng thời gian ấy mà tôi có thể sống tự lập hơn, tự biết chăm sóc cho bản thân mình, biết sống đoàn kết, yêu thương người khác, biết cách thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh… Và nghĩ, nếu được sống trong sự bao bọc của gia đình, chưa chắc mình đã nhận ra những giá trị sống và có được những kĩ năng sống quý giá như vậy. So với thời của chúng tôi, khu Nội trú bây giờ đã thay đổi nhiều lắm. Phòng ở khang trang, tiện nghi hơn rất nhiều, các cấp lãnh đạo, các thầy cô giáo cũng quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn... khiến tôi đã nhiều lúc ước ao: Giá như ngày trước mình cũng được sung sướng như các em bây giờ! Nhưng dù có thay đổi đến thế nào, có những điều tôi thấy mãi còn nguyên vẹn. Ấy là truyền thống chăm học, vượt lên hoàn cảnh của học sinh nội trú Lê Hồng Phong để khẳng định bản thân và góp phần tô thắm truyền thống, làm rạng rỡ bảng vàng thành tích của nhà trường. Ấy là tình cảm gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau giữa bạn bè, giống như những người trong một gia đình ruột thịt… Để sau này, khi đã bay xa đến khắp mọi phương trời, khu Nội trú vẫn luôn là mái ấm yêu thương để mỗi người tìm về.
Là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, lại được trưởng thành từ ngôi nhà chung nội trú, tôi thật hạnh phúc khi đã được nhận thật nhiều may mắn. Niềm may mắn ấy còn nhân lên gấp bội phần khi tôi được trở về trường công tác ngay sau khi tốt nghiệp Đại học. Ngày trở về trường với tư cách vừa là cựu học sinh, vừa là giáo viên của trường, trong tôi có biết bao cảm xúc. Kể từ khi xa trường, đã bao lần tôi thầm mơ được trở về gặp lại thầy cô, được về lại căn phòng học thân thuộc, được ngồi vào vị trí quen thuộc trong lớp để nhìn lên bảng nghe thầy cô giảng bài, được chạy nhảy vui đùa thỏa thích trong khu Nội trú… Giờ đây, tôi đã được trở về nơi thân yêu ấy, không phải trong mơ, cũng không phải chỉ về thăm trong chốc lát, mà mỗi ngày những điều ấy đều có thể được thực hiện. Hằng ngày hàng giờ, được sống trong bầu không khí của trường Lê Hồng Phong, tôi không chỉ thấm thía hơn những điều trước đây mình từng suy nghĩ mà còn hiểu thêm thật nhiều điều ý nghĩa khác. Trong đó, tôi thường nghĩ nhiều về truyền thống của nhà trường với bề dày được xây đắp từ rất nhiều thế hệ thầy trò, về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện tại được hội tụ trong những giá trị cốt lõi. Phải chăng đó là tinh thần vượt khó, vững bước đi lên với tài năng và tâm huyết? Là khả năng tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng những yêu cầu của thời đại, hội nhập cùng nhân loại? Là khát vọng cháy lên và tỏa sáng? Là sự đoàn kết, thủy chung, truyền thống uống nước nhớ nguồn? Tôi không thể đưa ra cho mình một đáp án duy nhất. Bởi Lê Hồng Phong trong tôi là sự kết tinh của rất nhiều giá trị đẹp đẽ, thiêng liêng. Những giá trị ấy đã làm nên danh tiếng, tầm vóc của ngôi trường 100 năm tuổi, kết nối các thế hệ thầy trò trong một mái nhà chung, để bất cứ ai cũng đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được là một thành viên của đại gia đình ấy.
Với tôi, Lê Hồng Phong chính là máu thịt, tình yêu với Lê Hồng Phong như một dòng máu nóng luôn chảy tràn trong huyết quản. Biết bao kỉ niệm thân thương. Biết bao lời muốn trao gửi. Lời biết ơn dẫu bao nhiêu cũng không đủ so với vô vàn điều tôi được nhận từ mái trường. Tôi chỉ biết tự nhủ với lòng mình: dù ở đâu, dù làm bất cứ công việc gì cũng luôn cố gắng đóng góp một phần sức lực của mình để cuộc đời thêm ý nghĩa, đó là cách để khẳng định giá trị bản thân và đền đáp những gì đã được nhận từ mái trường này.
Nguyễn Thị Nghĩa
Học sinh chuyên Văn khóa 1997 – 2000
Giáo viên Ngữ Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định
Học sinh chuyên Văn khóa 1997 – 2000
Giáo viên Ngữ Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định