Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Mở kỷ yếu, tìm ký ức - Chuyến tàu số 3

Mở kỷ yếu, tìm ký ức - Chuyến tàu số 3

29/08/2020

Bắt nguồn từ nguồn cội, dòng sông lại hướng mình về biển rộng, chuyến tàu số 3 tiếp tục dẫn dắt bạn đọc chúng ta đến với những thế hệ học sinh khóa 1967-1970; 1968-1971; 1969-1972; 1970-1973; 1971-1974. Họ là thế hệ học sinh trưởng thành trong khoảng thời gian đặc biệt - chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, nước rút về với niềm vui chiến thắng thống nhất đất nước. Và họ đã để lại dấu ấn và vẻ đẹp riêng của thế hệ và thời đại.

KHI NHỮNG THƯ SINH ĐẸP TRONG DÁNG HÌNH NGƯỜI LÍNH

Dưới bom đạn vẫn miệt mài hành trình tri thức
Đọc những trang viết, chúng ta sẽ có cùng một sự cảm nhận – đó là niềm tự hào khi được là thế hệ tiếp theo của các cô chú anh chị, những con người giữa muôn vàn khó khăn gian khổ mà vẫn miệt mài chinh phục những đỉnh cao của hành trình tri thức. Sự khốc liệt của chiến tranh, bom Mỹ oanh tạc “phía thành phố máy bay bỏ bom ở đâu mà cháy ngùn ngụt, khói đen bốc lên từng cuộn”, “máy bay lại ném bom hai bên cầu treo, làm chết và bị thương gần ba chục người”… trường nhiều lần sơ tán, những thế hệ học sinh từ 1967 đến 1974, đã gắn bó với mái trường Lê ở vùng sơ tán, Nhân Tiến Lý Nhân để được sống với đam mê tri thức. Những dòng chữ trong bài viết của thế hệ này không chỉ khiến bạn đọc xúc động mà còn là tư liệu quý phản chiếu vẻ đẹp lịch sử tâm hồn của cả thế hệ và thời đại. Và sau hơn 50 năm ngày gặp lại “Trần Quang Tân và Thiếu tướng Đào Ngọc Hùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, GS. Phạm Thị Thùy nhận Giải thưởng Kovalevskaia… Niềm vui của các bạn là niềm tự hào của các khóa, thành công trong sự nghiệp của các bạn hôm nay là quả ngọt trái sai dâng tặng những người thầy năm xưa miệt mài giảng dạy dưới mái trường Lê Hồng Phong dấu yêu.. Họ đã đam mê như thế trong một thời đại như thế.

Những thư sinh đẹp dáng hình người lính
Đất nước lâm nguy, khi Tổ quốc lên tiếng gọi, những chàng trai của mái trường Lê đã xếp bút nghiên, hiến dâng tuổi xuân cho sự bình yên đất nước. Những trang viết “Khóa 1969 - 1972 của chúng tôi”, “Thành Nam những ngày hè 1972 nóng bỏng”- nhật ký của Nguyễn Kim Thanh, cựu học sinh khóa 1970 – 1973, Những dấu son không thể nào quên - Ban liên lạc khóa 1971 - 1974, Chúng tôi là lính trường Lê - Nguyễn Ngọc Hải viết tại Ngầm Li Tôn - Hương Hóa, Quảng Trị 21/3/1975 ..., đã tạo tạc vẻ đẹp thế hệ học sinh 5 khóa này mang vẻ đẹp của người lính, hình tượng trung tâm của thời đại.
Những dòng nhật kí, những vần thơ, bài viết, bức ảnh .... làm bạn đọc chúng ta thêm tự hào về mái trường chuyên Lê Hồng phong – một mái trường không chỉ bồi dưỡng nhân tài cho đất nước mà còn là vườn ươm những người anh hùng.
Niềm vui ngày gặp lại
“Chúng tôi tự hào đã sống không hổ thẹn với lời thầm hứa khi rời ghế nhà trường.”, họ đã trở lại trường xưa trong niềm tự hào với những vị thế là kỹ sư, là chuyên gia, là kiến trúc sư, là bác sĩ, là dược sĩ, có bạn là doanh nhân, là nhà kinh tế, là luật sư, là nhà ngoại giao, có bạn là chuyên viên cao cấp, là cán bộ lãnh đạo cấp Cục, Vụ, có bạn là giáo sư tiến sĩ, phó giáo sư tiến sĩ, có bạn là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, là nghệ sĩ...

“Mỗi gương mặt bè bạn là một hoài niệm, một câu chuyện của thuở hoa niên.”, thời gian, chiến tranh làm người còn người mất, dù thành đạt hay bình dị đời thường họ cùng chung niềm vui ngày trở lại, để trân quý khoảnh khắc đã được sống và gắn bó, để tri ân mái trường, thầy cô, để tưởng nhớ những người thầy đã mất, những người bạn đã ngã xuống vì đất nước.
“Và ở tuổi thất thập, bên chén rượu quê, chúng tôi nắm tay nhau, tự hào ca vang khúc hát: “Nào bạn hỡi hãy ca bài ca tấm gương cuộc đời, của Hồng Phong vang mãi trong tim muôn người”…..
Những trang viết đó vẫn đang chờ các bạn ...
- Đoàn Văn Hiệu-