Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hội trường 100 năm

Trang chủ Hội trường 100 năm Thay đổi để phát triển

Thay đổi để phát triển

25/09/2020

Cuộc đời bắt đầu thay đổi khi tư duy của chúng ta thay đổi. Cuộc sống có hạnh phúc hay không bắt nguồn từ chính tư duy và hành động của mỗi chúng ta. Nhà văn Charles R. Swindoll đã từng nói:“Cuộc sống bao hàm 10% những gì xảy ra với bạn, và 90% cách bạn phản ứng với chúng”. Cách chúng ta suy nghĩ và hành động sẽ quyết định cuộc sống và những giá trị mà ta đạt tới.

Trọn một thế kỷ, trường Thành Chung xưa và trường Lê Hồng Phong nay đã có nhiều bước chuyển mình, thay đổi để phát triển. Sự thay đổi tích cực có ý nghĩa và quan trọng nhất là từ tư duy đến hành động của các thế hệ Thầy và Trò trong sự nghiệp dựng xây nhà trường đáp ứng những yêu cầu và thách thức không ngừng đặt ra của xã hội và thời đại. Câu chuyện về sự “Phát triển toàn diện – tự tin hội nhập”, chủ đề của Tọa đàm giáo dục số 2, đã nhận được sự quan tâm, đóng góp tâm huyết của các diễn giả là các giáo viên, Cựu giáo viên, Cựu học sinh xuất sắc tham gia Tọa đàm. Tại đây, TS. Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng chuyên môn tổ Sinh học, (CHS chuyên Sinh khóa 1994-1997) đã có nhiều chia sẻ  ý nghĩa, gợi mở sự thay đổi tư duy, thay đổi hành động, góp phần đưa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định có thể “phát triển toàn diện – tự tin hội nhập” tiến bước tương lai.
Vốn là một cựu học sinh chuyên Sinh, năm 2001, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân được trở về trường đảm nhiệm công tác giảng dạy với khát khao cháy bỏng cống hiến tâm sức của mình cho sự phát triển của ngôi trường. 19 năm công tác, cô giáo Thanh Xuân đã có hơn 15 năm gắn bó với môi trường dạy chuyên, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 38 tuổi, nhiều năm là lãnh đội đội tuyển Quốc gia môn Sinh học. Trong suốt thời gian phụ trách đội tuyển, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân đã góp cho trang vàng truyền thống của nhà trường: 61 giải quốc gia trong đó có 6 giải nhất và 6 huy chương quốc tế, 1 học sinh đang làm Tiến sĩ tại Thụy Sĩ. Những con số biết nói ấy đã chứng tỏ tâm huyết, quan điểm và cách thức giáo dục mà Tiến sĩ Trần Thị Thanh Xuân lựa chọn theo đuổi là đúng đắn, phù hợp với những yêu cầu rất cao của giáo dục hiện đại và xu hướng giáo dục Quốc tế thời hội nhập.

Tham gia Tọa đàm giáo dục số 2, với quan niệm giáo dục phát triển toàn diện quan tâm bồi dưỡng đồng thời tri thức, thể chất, kĩ năng sống và bao hàm trên đó là động lực, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân cho rằng, đó chính là những yếu tố tạo dựng nên thành công của mỗi người. Điều này không xa lạ với hiểu biết của mỗi giáo viên tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, song cần tư duy về vấn đề như thế nào, cần thay đổi cách nghĩ và hướng giải quyết vấn đề ra sao, đó chính là điều nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân tâm đắc chia sẻ trong Tọa đàm.
Vì sao cần giáo dục phát triển toàn diện? Nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân lý giải điều này dưới hai góc độ: Thứ nhất, ở góc độ sinh học, cấu tạo não bộ của con người là một kỳ thú của thiên tạo, không ai giống ai. Não bộ trái giúp con người giải quyết các vấn đề liên quan đến logic và tính toán; não bộ phải giúp con người phát triển khả năng sáng tạo và nghệ thuật. Theo đó, mỗi người là một kỳ quan của thiên nhiên với thiên hướng phát triển riêng không lặp lại. Khi hiểu rõ góc độ sinh học này, người giáo viên không thể cào bằng yêu cầu và đồng nhất cách thức giảng dạy cho tất cả các đối tượng học sinh. Người Thầy phải có hiểu biết nhiều về học trò, phải phát hiện ở mỗi học sinh có ưu thế nổi bật hoặc vượt trội về năng lực nào, không có thiên  hướng về năng lực nào (chịu sự chi phối về cấu tạo bán cầu não) để vừa ghi nhận, động viên vừa tư vấn hỗ trợ giúp học sinh được phát triển phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Dù cá biệt hóa đối tượng để quan tâm giáo dục song vẫn cần nhất quán nguyên tắc kết hợp hài hòa cả Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để bồi dưỡng tri thức, rèn luyện năng lực phục vụ giải quyết các yêu cầu toàn diện của cuộc sống. Do vậy, giáo dục toàn diện hướng sự quan tâm đến toàn bộ các đối tượng người học ở những trình độ và năng lực khác nhau với cách thức tiếp cận phù hợp. Đồng thời toàn diện cũng thể hiện ở yêu cầu căn bản các kiến thức về mọi mặt của đời sống, có ưu tiên bồi dưỡng năng lực theo sở trường riêng cho người học. Còn ở góc độ thứ hai, trên phương diện xã hội, thông qua kết quả thi Quốc gia, Quốc tế của trường trong tương quan với các trường chuyên trong nước và thế giới, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân nhận thấy những kỹ năng quan sát, giải quyết vấn đề, thực hành, nghiên cứu khoa học, khả năng liên kết các môn học với nhau để giải quyết các vấn đề của cuộc sống chưa phải là thế mạnh vượt trội của chúng ta. Do vậy, trong phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục cần có những thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm để các năng lực người học được phát triển toàn diện, nâng tầm để tự tin hội nhập.
 
Nên có những thay đổi căn bản nào để mục tiêu “Giáo dục toàn diện – tự tin hội nhập” được triển khai thuận lợi hơn? Người giáo viên giỏi về chuyên môn, sâu sắc trong tình cảm, sắc sảo trong tư duy và rất nhiều đam mê ấy đã có những đề xuất tâm huyết. Chúng ta cần phải nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục cho phù hợp với mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu như GS.TS. Phan Thị Thu Hiền đã đề cập trong Tọa đàm. Chúng ta có thể thực hiện tốt điều này nếu biết kết nối, phát huy sự hỗ trợ của các cựu học sinh ở các viện nghiên cứu, ở nước ngoài. Nhờ đó, học sinh có thể mở rộng tri thức, mở mang tầm mắt, tiếp cận các vấn đề chung của thế giới, phát triển năng lực theo cách thức Quốc tế. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng nhiều hơn, thực chất hơn kỹ năng sống cho học sinh để các em có thể hoàn toàn tự tin hội nhập.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhiều năm gần đây đã tiên phong đi đầu trong việc tổ chức các câu lạc bộ mở ra không gian phát triển toàn diện cho người học; cũng đã có nhiều hoạt động, nhiều sân chơi  tăng cường trải nghiệm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Điều cần thay đổi chính là cần làm thế nào để đưa học sinh đến với những trải nghiệm thực sự về kỹ năng, về cảm xúc, thái độ, về kết nối. Cần xây dựng các không gian trải nghiệm chuyên nghiệp để những gì là hình thức hay phong trào không còn tồn tại, học sinh đến trường, vào phòng âm nhạc, đến không gian mỹ thuật, lên thư viện, vào phòng nghe nhìn, đến nơi tập luyện thể thao… tự nhiên, thân quen như một điều tất yếu của cuộc sống. Khi đó, học sinh không e dè khi hòa nhập, không tự ti vì cho rằng mình chưa được rèn luyện nhiều. Các kỹ năng đó tự nhiên hấp thụ vào tâm hồn, trí óc, thẩm thấu vào mỗi cá nhân. Nhờ vậy, đối với người học, mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ, hạnh phúc. Để làm sao khi tốt nghiệp hay khi chuyển môi trường học nước ngoài, mỗi học sinh không chỉ học tốt mà còn thành thạo một vài kỹ năng khác. Thực hiện tốt điều này, mục tiêu tự tin hội nhập của nhà trường đã đươc hiện thực hóa.

Đồng quan điểm với GS.TS Phan Thị Thu Hiền khi nói về hội nhập, nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân đã đem đến một góc nhìn thú vị mang bản sắc chuyên môn khi cho rằng: du học chỉ là một góc độ hội nhập. Bởi lẽ, xét trên phương diện sinh học: hội nhập là khả năng thích nghi với cuộc sống hiện tại và tương lai. Học sinh không nhất thiết ra nước ngoài mới là hội nhập. Vì vậy, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường trong bối cảnh mới này vẫn là cần bồi dưỡng toàn diện (tri thức, kĩ năng sống, thể chất, động lực). Trong đó, việc nâng tầm chính mình giúp phát triển ngôi trường này tự tin hội nhập phải là nhu cầu, khát khao được khẳng định, vượt giới hạn của mỗi giáo viên và học sinh.
Thay đổi cách nghĩ, thay đổi tương lai. Hành trình 19 năm ươm mầm phát triển những hiền tài cho quê hương, đất nước của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân cho chúng ta thấm thía chân lý đó. Cuộc sống luôn vận động không ngừng, những giá trị mới không ngừng được nhân lên. Chúng ta không thể đóng khép đôi mắt mình mà ngủ quên trong những huy hoàng của quá khứ. Chúng ta cần thay đổi, cần làm mới mình, góp phần điểm tô cho ngôi trường này ngày càng rực rỡ hơn, tươi đẹp hơn.
 
Và ngoài kia, nắng thu vàng rạng rỡ đang vẫy gọi. Một mùa gieo hạt mới đang bắt đầu.
  -Vũ Thanh Huyền-