Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Khoa học - Công nghệ

Trang chủ Khoa học - Công nghệ Hội thảo đề tài khoa học công nghệ lần 5 - Dấu ấn trên hành trình nghiên cứu khoa học của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Hội thảo đề tài khoa học công nghệ lần 5 - Dấu ấn trên hành trình nghiên cứu khoa học của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

27/10/2022

Ngày 22 tháng 10 năm 2022, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả thử nghiệm và hướng dẫn dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Đây là hội thảo lần thứ 5 của đề tài Khoa học Công nghệ “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định” do UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định giao cho trường thực hiện theo Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 29/4/2021.

Đến tham dự Hội thảo có PGS.TS Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các chuyên gia của Viện cùng tham gia đề tài KHCN; NGUT. Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Nam Định; TS. Trần Huy Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, các đồng chí lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, giáo viên tham gia dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định: THPT Mỹ Tho, THPT Nam Trực, THPT Mỹ Lộc, THPT Lê Quý Đôn và THPT chuyên Lê Hồng Phong.


TS. Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, NGUT. Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, mong muốn những kết quả nghiên cứu của đề tài khi đưa vào triển khai tại các nhà trường sẽ góp phần giảm thời gian lao động, tăng hiệu quả công việc, chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, Hội thảo cũng được nghe những ý kiến trao đổi, góp ý quý báu của PGS. TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Huy Quang - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Nam Định.


NGUT. Cao Xuân Hùng phát biểu chỉ đạo Hội thảo.


PGS. TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022, nhóm nghiên cứu đề tài đã tích cực triển khai các nội dung:
Qua một thời gian khảo sát thực trạng, phân tích số liệu thực tế tại 06 trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Giao Thuỷ, THPT Lê Quý Đôn, THPT Mỹ Lộc, THPT B Nghĩa Hưng, THPT Nam Trực), phối hợp với Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã xây dựng mô hình và quy trình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) ở các trường THPT tại Nam Định. Căn cứ vào năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên và học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường,… nhóm đề tài thống nhất đề xuất vận dụng 03 hình thức dạy học kết hợp vào thực tiễn dạy học tại Nam Định: Mô hình dạy học kết hợp theo lớp học đảo ngược; Mô hình dạy học kết hợp theo dạy học dự án; Mô hình dạy học kết hợp theo mô hình dạy học tự chọn.

Từ đó, nhóm nghiên cứu của đề tài đã tổ chức xây dựng khung chương trình của 03 môn học lớp 10 của chương trình GDPT 2018 (môn Ngữ văn, Toán, Hoá học), biên soạn Kế hoạch dạy học của 84 tiết theo mô hình dạy học mới (trong đó, Ngữ văn: 30 tiết; Toán: 30 tiết; Hoá học: 24 tiết). Sau khi được các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thẩm định, nhóm nghiên cứu tổ chức dạy thử nghiệm theo mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và 04 trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định: THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, THPT Nam Trực, huyện Nam Trực và THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 10 năm 2022. Mô hình của đề tài đã được dạy thử nghiệm 104 tiết ở cả 03 môn, tại 04 trường THPT với số lượng học sinh tham gia học thử nghiệm là 1080 học sinh.

Nhằm mục đích đánh giá lại những kết quả nghiên cứu đã đạt được trong giai đoạn trước và đề xuất hướng phát triển tiếp theo của mô hình dạy học kết hợp, hôm nay, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phối hợp với Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả thử nghiệm và hướng dẫn dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định”.  
Các báo cáo tại Hội thảo:
  • Báo cáo 1: Báo cáo thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp;
  • Báo cáo 2: Báo cáo khảo nghiệm mô hình dạy học kết hợp;
  • Báo cáo 3: Báo cáo dạy học kết hợp một số môn học trong chương trình GDPT 2018.

TS. Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp.


TS. Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội II trình bày báo cáo khảo nghiệm mô hình dạy học kết hợp.


TS. Phạm Thị Bích Đào - Nghiên cứu viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày báo cáo dạy học kết hợp một số môn học trong chương trình GDPT 2018.

Ngoài ra Hội thảo còn lắng nghe ý kiến tham luận từ đại diện các trường THPT thử nghiệm, đại diện Giáo viên tham gia dạy thử nghiệm, đại diện chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về các vấn đề xoay quanh tính khả thi của đề tài, thuận lợi và khó khăn của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định khi thử nghiệm, triển khai mô hình, tính hợp lý của khung chương trình của 03 môn Ngữ văn, Toán, Hoá học của lớp 10 thiết kế theo mô hình dạy học kết hợp. TS. Hà Văn Hải - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên rất tâm đắc với mô hình dạy học mới bởi tính khoa học và hiệu quả trong việc dạy học chương trình GDPT 2018. Trường THPT Mỹ Tho sẽ tiếp tục lan toả kết quả nghiên cứu của nhóm đề tài tới cụm trường THPT khu vực Ý Yên, bởi sự đổi mới phương pháp giảng dạy này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Kết luận Hội thảo, TS. Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài đã khẳng định tính khả thi của mô hình dạy học kết hợp, mô hình hoàn toàn có thể triển khai được ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định. Muốn vậy, các cấp lãnh đạo cần có hành lang pháp lý để có thể đưa việc dạy học trực tuyến kết hợp trực tuyến vào trong chương trình nhà trường phổ thông, các nhà trường cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường truyền mạng internet. Và điều kiện tiên quyết để triển khai mô hình dạy học kết hợp là cần nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Hi vọng với các giải pháp đồng bộ này, một ngày không xa mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) được triển khai rộng rãi tại các nhà trường giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, giải phóng sức lao động cho đội ngũ giáo viên, tăng hứng thú học tập cho học sinh./.