Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Khoa học - Công nghệ

Trang chủ Khoa học - Công nghệ Mô hình dạy học kết hợp - Một trong những giải pháp tối ưu để đổi mới phương pháp dạy học khi triển khai chương trình GDPT 2018

Mô hình dạy học kết hợp - Một trong những giải pháp tối ưu để đổi mới phương pháp dạy học khi triển khai chương trình GDPT 2018

30/08/2022

Mô hình dạy học kết hợp - Một trong những giải pháp tối ưu
để đổi mới phương pháp dạy học khi triển khai chương trình GDPT 2018
TS. Phạm Thị Huệ, Ths. Nguyễn Thị Hồng
 
Theo lộ trình đổi mới giáo dục, năm học 2022-2023, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện ở các lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất và những năng lực cốt lõi của người học, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành từ cấu trúc, sách giáo khoa đến nội dung chương trình và việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật, mô hình dạy học. Trong đó, việc vận dụng đa dạng các mô hình dạy học tiên tiến, các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, hiện đại sẽ là một trong những giải pháp để giúp người học chạm nhanh tới nội dung kiến thức và đạt được mục tiêu của giáo dục.

Đón bắt xu hướng mới của giáo dục, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đã được Sở Khoa học Công nghệ Nam Định giao nhiệm vụ khoa học công nghệ với đề tài Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường trong địa bàn tỉnh Nam Định” từ năm 2021. Qua một thời gian khảo sát thực trạng, phân tích số liệu thực tế, phối hợp với Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đề xuất được mô hình và quy trình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) đối với nhà trường và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thực hiện kế hoạch số 240/KH-THPTCLHP ngày 18/8/2022, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiến hành dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp này tại các lớp khối 10 đối với 03 môn học: Ngữ văn, Toán và Hoá học trong thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2022. Sau đây là những ghi nhận bước đầu của chúng tôi trong quá trình triển khai thử nghiệm một mô hình dạy học mới tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định.

Phát huy tối đa năng lực của học sinh.
Mục tiêu của Chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện hoàn cảnh của bản thân.
Mỗi môn học đều nhằm hướng tới phát triển ở người học những năng lực riêng, đặc thù. Có thể thấy, các tiết học theo mô hình kết hợp đều nhằm phát triển năng lực đặc thù đó, như năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ,… ở môn Ngữ văn, năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình hoá toán học,… ở môn Toán, năng lực sử dụng ngôn ngữ hoá học, năng lực nghiên cứu và thực hành hoá học,… ở môn Học học.


Học sinh thuyết trình vấn đề trong tiết học thuộc chủ đề Thơ Đường luật của môn Ngữ văn 10


Học sinh vẽ cấu tạo phân tử hoá học trong bài học Vẽ cấu trúc phân tử của môn Hoá học 10


Học sinh thuyết trình trong bài học Mệnh đề môn Toán 10

Chính việc tham gia vào quá trình học tập trong các giờ học trực tiếp này của các em đã giúp các em phát triển được những năng lực của môn học một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các năng lực chung cũng luôn được quan tâm rèn luyện cho học sinh trong các tiết học/ chủ đề của mô hình dạy học kết hợp. Các tiết học/chủ đề đều nhằm phát huy tối đa tính tự giác, năng lực tự học của mỗi học sinh. Khi học tập kết hợp, không gian, thời gian học tập không cố định, không có sự giám sát trực tiếp của người dạy như giờ học trực tiếp, vì thế, đòi hỏi học sinh phải tự giác học tập, hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao. Hơn nữa, không gian học tập mở với kho tri thức vô tận từ internet, người vượt trội là người tự tìm kiếm cho mình nguồn học liệu phù hợp nhất. Những học sinh thiếu tính tự giác sẽ không thể tham gia quá trình học tập trực tuyến, hoặc tham gia với hiệu quả thấp. Thêm nữa, trong các tiết học trực tuyến, giáo viên giao nhiệm vụ học tập, đòi hỏi học sinh phải tự học và thu nhận kiến thức; những vấn đề chưa hiểu sâu, hiểu kĩ, hiểu đúng trong tiết học trực truyến sẽ được trao đổi tìm câu trả lời trong tiết học trực tiếp. Có nghĩa là, các em luôn phải sử dụng tư duy phản biện vấn đề và tư duy sáng tạo trong quá trình học tập.

Cụ thể:
Khi tiến hành dạy học Chủ đề Thơ Đường luật, giáo viên giao nhiệm vụ trước giờ học trực tiếp là: Học sinh xem video về khái quát thơ Đường https://youtu.be/8esZEJ2b1YM và hoàn thành phiếu học tập:
1. Lí do mà thơ Đường phát triển rực rỡ?
2. Thời thịnh Đường xuất hiện những trường phái cơ bản nào?
3. Từ các trường phái cơ bản của thơ Đường trong giai đoạn thịnh Đường, anh/chị hoàn thiện nội dung theo bảng:
 
Nội dung Trường phái Trường phái
Khuynh hướng thẩm mĩ    
Tác giả tiêu biểu    
Tác phẩm tiêu biểu    

Để hoàn thành nhiệm vụ học tập này trước khi đến lớp, học sinh phải tự giác học tập và làm bài độc lập.

Trong tiết học trực tuyến môn Hoá học bài Vẽ cấu trúc phân tử, học sinh sẽ học tập qua bài học Elearning https://linhhunu.github.io/nguyenthingat_hoahoc/, sau đó, giờ dạy trực tiếp sẽ tiếp tục giúp các em hoàn thiện thao tác sử dụng phần mềm để vẽ các cấu trúc phân tử hoá học. Để thực hành tốt Vẽ cấu trúc phân tử các em cần cài đặt, tự tìm hiểu phần mềm, làm quen và thực hành trước ở nhà. Sau đó học trực tiếp trên lớp các em sẽ chia sẻ được những khó khăn mà mình vấp phải khi thực hành với thầy cô và bè bạn. Lúc này thầy cô sẽ giúp các em hoàn thiện và nâng cao các thao tác sử dụng phần mềm. Như vậy hiệu quả của tiết học trực tiếp sau đó sẽ tốt hơn.


Ảnh chụp từ tiết học Elearning bài Vẽ cấu trúc phân tử của cô giáo Nguyễn Thị Ngát, giáo viên môn Hoá học

Từ đó, việc kết hợp giữa tiết học trực tuyến và tiết học trực tiếp trong một chủ đề/ bài học sẽ tối ưu hoá chất lượng học tập của học sinh, phát huy cao nhất năng lực tự học của học sinh, kích thích nhu cầu học tập và sáng tạo của chính các em. Đồng thời, việc mô hình dạy học này sẽ tham gia vào việc phân hoá năng lực học tập của từng cá nhân học sinh thông qua nhiều hình thức kiểm tra đánh giá (đánh giá quá trình học tập, đánh giá cuối chủ đề/ bài học…), nhiều chủ thể đánh giá (đánh giá của giáo viên, đánh giá của các bạn trong cùng nhóm học tập về học sinh, học sinh tự đánh giá,… ). Từ đây, chính học sinh sẽ nhận thấy hạn chế của bản thân để từng bước bồi dưỡng, củng cố kiến thức, nâng cao năng lực còn thiếu sót.

Mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến đã phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác ở học sinh thông qua các chủ đề/bài học. Mô hình dạy học kết hợp là phương pháp tối ưu để tích cực hoá hoạt động của người học, lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy học. Trong từng bài học/chủ đề, giáo viên tăng cường thực hiện các phương pháp và kĩ thuật dạy học hiện đại đã tạo cơ hội cho học sinh được tham gia tích cực vào quá trình học tập. Phương pháp hoạt động nhóm được các giáo viên dạy thử nghiệm mô hình sử dụng phổ biến trong các tiết học học theo hình thức dạy học kết hợp. Phương pháp này rèn năng lực hợp tác và giao tiếp, các kĩ năng cần thiết cho học sinh như lắng nghe, chất vấn, chia sẻ, thuyết phục, tôn trọng,… Phương pháp làm việc nhóm giúp học sinh hứng thú, kích thích đam mê học tập của học sinh.


Học sinh làm việc nhóm trong tiết học môn Toán




Học sinh làm việc nhóm trong tiết học môn Hoá học

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Hướng tới mục tiêu giáo dục bền vững, hình thành và phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực của người học, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên cũng phải nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của bản thân. Bởi thiết nghĩ, không thể có học sinh giỏi nếu như người thầy không giỏi. Mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến được tiến hành thử nghiệm tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ góp phần để nâng cao năng lực chuyên môn, công nghệ thông tin của giáo viên, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Với yêu cầu của một tiết học dạy học theo mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến), người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ hơn so với tiếp học thông thường. Lối dạy truyền thống với bảng đen phấn trắng không còn phù hợp trong thời đại công nghệ thông tin, nhưng để người dạy làm chủ được một giờ dạy theo mô hình dạy học mới này, giáo viên phải không ngừng nỗ lực từ việc lên ý tưởng bài học, thiết kế các hoạt động của tiết học trực tuyến và tiết học trực tiếp, tổ chức giảng dạy sao cho tương tác thầy trò tốt nhất, chất lượng nhất, tiết học không rời vào nhàm chán, mệt mỏi. Thiết nghĩ, đó là một thách thức lớn đối với các thầy cô giáo trong việc phát triển nghề nghiệp, vượt lên và chiến thắng chính mình. Muốn thành công, người giáo viên phải vừa làm, vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm, không ngại khó. Con số 82 tiết dạy thử nghiệm của 03 môn Toán, Ngữ văn, Hoá học tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là minh chứng cho sự vượt khó, vươn lên làm chủ kiến thức, công nghệ của giáo viên trong thời đại mới.

Mô hình dạy học kết hợp đòi hỏi người giáo viên phải chủ được phương pháp dạy học, kĩ thuật, các phương tiện dạy học sử dụng trong từng bài học.

Trong bài học Vẽ cấu trúc phân tử của môn Hoá học, các giáo viên đã sử dụng đa dạng các thiết bị dạy học và các phần mềm dạy học như: Phần mềm Chemsketch được sử dụng trong bài này để minh họa tính năng cơ bản trong việc vẽ công thức hóa học; phần mềm Ispring Suite 10 để thiết kế bài giảng E-learning vì Ispring 10 cho phép người dùng thiết kế ngay trên ứng dụng PowerPoint, có thể tạo những bài giảng hấp dẫn với các tính năng như: thêm video và âm thanh, liên kết trực tiếp đường link vào bài giảng, tạo câu hỏi tùy biến, chia nhỏ bài giảng thành các danh mục và gán giọng tường thuật riêng biệt…, Phần mềm Filmoda 9 để thiết kế video, phần mềm Liverworkshet để thiết kế BT tương tác trong bài giảng E-learning như BT nối, BT điền ô trống, BT kéo thả, phần mềm CANVA để thiết kế Inforghaphic dùng để tổng hợp kiến thức mà các em đã tự học và được các nhóm trình bày trong tiết học trực tiếp.

Trong chuyên đề Giá trị lượng giác của một góc từ 0 độ đến 180 độ của môn Toán, giáo viên đã sử dụng các thiết bị dạy học và các phần mềm như: phần mềm MS Power Point để thiết kế bài giảng trực tiếp, phần mềm Liverworkshet để thiết kế câu hỏi tương tác, phần mềm Adobe Premiere để thiết kế video, máy tính kết nối mạng internet, các phần mềm, trang web hỗ trợ như Microsofteams, nhóm Zalo, Azota, Padlet…

Mỗi tiết học theo mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tiếp đều góp phần nâng cao trình độ của giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên sớm xây dựng những tiết học xuyên biên giới, những giờ học hiện đại, hấp dẫn.

Tiết kiệm thời gian và kinh phí học tập.
Dạy học kết hợp là mô hình dạy học kết hợp giữa phương pháp dạy học trên lớp truyền thống với phương pháp dạy học trực tuyến[1]. Mô hình dạy học này sẽ phát huy được ưu thế của dạy học truyền thống cũng như dạy học trực tuyến, đồng thời hạn chế nhược điểm của hai hình thức dạy học này.

Về thời lượng cho từng chủ đề/ tiết học khi vận dụng mô hình dạy học kết hợp sẽ có sự phân bố hợp lí. Với chủ đề Thơ Đường luật của môn Ngữ văn lớp 10 gồm 8 tiết, chúng tôi đã xây dựng 4 tiết dạy trực tuyến và 4 tiết dạy trực tiếp; bài học Mệnh đề của môn Toán lớp 10 gồm 2 tiết, chúng tôi xây dựng 01 tiết dạy trực tiếp, 01 tiết dạy trực tuyến; Bài học Vẽ công thức phân tử của môn Hoá học lớp 10 gồm 5tiết, chúng tôi xây dựng 3 tiết dạy trực tiếp, 2 tiết dạy trực tuyến. Với lợi thế về không gian lớp học mở, các tiết học trực tuyến sẽ tiết kiệm được kinh phí tổ chức lớp học hơn so với lớp học trực tiếp tại trường như về điện, nước, cơ sở vật chất của phòng học,…

Hơn nữa, tại các tiết học trực tuyến, với việc hỗ trợ tối đa của công nghệ thông tin như các trang thiết bị điện tử, các học liệu điện tử đa phương tiện (bài giảng điện tử, phần mềm thí nghiệm ảo, lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, đồ hoạ,…) trong học tập, sẽ giảm thiểu kinh phí mua sắm các thiết bị dạy học trực tiếp.

Kết luận
Theo tìm hiểu của tác giả Hồ Ngọc Khương[2], trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì việc ứng dụng mô hình Blened Learning trong giáo dục đã được triển khai từ rất lâu. Tại Hoa Kì, 80% các trường đại học ứng dụng phương pháp Blened Learning trong đào tạo. Có 93% các chương trình đào tạo tiến sĩ và 89% các chương trình đào tạo thạc sĩ ở Mỹ đạo tạo bằng phương pháp này. Tại Việt Nam, mô hình này đã được triển khai khá thành công tại các trường đại học như Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh,… Mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến được vận dụng ở các trường THPT sẽ tạo ra những bước đột phá trong phương pháp dạy ở cấp THPT, đưa nền giáo dục Việt Nam tiến gần hơn tới nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.

Những kết quả bước đầu của quá trình thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp là những tín hiệu vui, mở ra những con đường mới của đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiên tiến hiện đại của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung./.
 
[1] Theo bản thuyết minh đề tài Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường trong địa bàn tỉnh Nam Định”.
[2] Trong bài “Mô hình Blened Learning trong giáo dục đại học và thực tiễn áp dụng ở các trường đại học” đăng trên tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 45 tháng 9 năm 2021.