Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp tỉnh
18/12/2022Chiều 14 tháng 12 năm 2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng KH&CN cấp tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN: “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định”, do trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chủ trì, thực hiện.
TS. Trần Huy Quang - Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh
Sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022), đề tài đã đạt được kết quả như sau:
* Khảo sát đánh giá thực trạng tổ chức dạy học kết hợp ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định;
* Đề xuất 03 mô hình dạy học kết hợp tại các trường THPT tỉnh Nam Định: mô hình dạy học kết hợp theo lớp học đảo ngược, mô hình dạy học kết hợp theo dạy học dự án và mô hình dạy học kết hợp theo dạy học tự chọn;
03 mô hình dạy học kết hợp tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định
* Tổ chức dạy thử nghiệm và đánh giá kết quả dạy thử nghiệm tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và 04 trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định (THPT Lê Quý Đôn – huyện Trực Ninh; THPT Mỹ Lộc - huyện Mỹ Lộc; trường THPT Nam Trực – huyện Nam Trực; trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên (vượt trội 2 trường so với đăng kí trong Thuyết minh).
Tiết thử nghiệm môn Hoá tại trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh
Tổng quan về quá trình triển khai nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ
Kết quả nghiên cứu đề tài đã khẳng định tính hiệu quả và tính khả thi của mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đó là: làm tăng các cơ hội tương tác giữa giáo viên và học sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, trong môi trường trực tuyến; cơ hội chia sẻ nguồn dữ liệu, tài nguyên phục vụ dạy và học; mở rộng không gian lớp học; tối ưu hóa quá trình học tập của học sinh, thúc đẩy việc học tập tích cực và tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp phát triển các năng lực tự học, năng lực công nghệ thông tin cho học sinh; phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại chuyển đổi số; từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài nếu được chuyển giao và lan toả trên phạm vi toàn tỉnh sẽ giúp việc triển khai Kế hoạch số 1696/KH-SGD ĐT ngày 25/10/2022 về việc Tổ chức dạy học kết nối năm học 2022-2023 của Sở Giáo dục đào tạo Nam Định đảm bảo tiến độ; tạo tiền đề để tiến tới xây dựng lớp học, trường học thông minh theo định hướng chiến lược phát triển thành phố Nam Định đã nêu trong Nghị quyết của Đảng bộ thành phố nhiệm kì 2021-2026 hướng tới 2030.
Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng đã tiến hành thảo luận, thống nhất và đánh giá kết quả đạt được của Đề tài. Kết luận Hội nghị, TS. Trần Huy Quang - Phó Giám đốc sở KH&CN ghi nhận sự sự làm việc nghiêm túc, khoa học của nhóm đề tài; đánh giá cao sản phẩm nghiên cứu của đề tài và đặc biệt ghi nhận số lượng sản phẩm vượt trội của đề tài so với hợp đồng ban đầu. Với những kết quả đạt được, Hội đồng khoa học đã đánh giá đề tài xếp loại "Xuất sắc".
Hi vọng sau khi nghiệm thu, mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) sẽ được triển khai rộng rãi tại các nhà trường giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, giải phóng sức lao động cho đội ngũ giáo viên, tăng hứng thú học tập cho học sinh, hình thành phát triển các kĩ năng học tập của thế kỉ XXI, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số nền giáo dục, kinh tế, văn hóa xã hội./.
Tin liên quan
- CHỈ THỊ SỐ 34/CT-TTg NGÀY 16/9/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
- Ngành Giáo dục chủ động nghiên cứu, sử dụng ChatGPT, trí tuệ nhân tạo
- 10 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng thế giới của research.com
- Luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi nào
- Học sinh trường làng nghiên cứu sáng tạo thuốc trừ sâu sinh học