Thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp - Kết quả và Triển vọng
20/10/2022
Tin bài: Nguyễn Thị Hồng
Ảnh: Ngô Khoa Học, Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và nhóm đề tài KHCN
Ảnh: Ngô Khoa Học, Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và nhóm đề tài KHCN
Mô hình dạy học kết hợp - đưa lý thuyết vào thực tiễn
Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục nói chung và dạy học nói riêng cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để tận dụng những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là nhằm hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số và đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới như hiện nay?
Trước những yêu cầu cấp bách đó, được sự cho phép của Uỷ ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã nghiên cứu và đề xuất mô hình dạy học kết hợp tại đề tài khoa học công nghệ ““Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường trong địa bàn tỉnh Nam Định”. Mô hình dạy học kết hợp là mô hình dạy học kết hợp giữa phương pháp dạy học trên lớp truyền thống với phương pháp dạy học trực tuyến[1]. Hình thức dạy học truyền thống được hiểu là việc tổ chức dạy học với sự tác động qua lại trực tiếp giữa giáo viên và học sinh trong một không gian nhất định. Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, học sinh chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ học tập nhằm lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực bản thân. Dạy học trực tuyến là hoạt động dạy học diễn ra trên internet. Giáo viên và học sinh không nhất thiết phải cùng học tập trong một thời gian nhất định. Học sinh chủ yếu học qua các tài liệu, video, tự nghiên cứu, tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Giáo viên đưa tài liệu dưới các dạng khác nhau như text, excel, pdf, video,… và các nhiệm vụ học tập. Giáo viên kiểm tra sản phẩm học tập, nhận xét đánh giá, giải pháp để giúp học sinh đạt được mục tiêu bài học. Hoạt động dạy học kết hợp nhằm hướng đến mục tiêu chung là hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy: mô hình dạy học kết hợp có 02 hình thức kết hợp cơ bản[2]. Thứ nhất là mô hình dạy học kết hợp nối tiếp: hình thức dạy học theo mô hình trực tuyến và hình thức dạy học theo mô hình trực tiếp diễn ra nối tiếp nhau trong quá trình dạy học. Thứ hai là mô hình dạy học kết hợp song song: hình thức dạy học theo mô hình trực tuyến và hình thức dạy học theo mô hình trực tiếp diễn ra song song, trong đó, có mô hình song song mà dạy học trực tuyến là chủ đạo hoặc dạy học trực tiếp là chủ đạo. Qua việc khảo sát, phân tích số liệu thống kê từ thực tiễn dạy học của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhóm triển khai đề tại KHCN đã đề xuất vận dụng 03 mô hình kết hợp ở Nam Định[3]: Dạy học kết hợp theo lớp học đảo ngược, Dạy học kết hợp theo dạy học dự án, Dạy học kết hợp theo dạy học tự chọn. Nhóm đề tài KHCN đã tiến hành xây dựng Khung chương trình 03 môn (Ngữ văn, Toán, Hoá học) theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, tổ chức biên soạn Kế hoạch bài học cho 84 tiết của 03 môn học (Ngữ văn: 30 tiết; Toán: 30 tiết; Hoá học: 24 tiết).
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022, nhóm đề tài KHCN đã tiến hành dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp của 03 môn học tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và 04 trường THPT trên đại bàn tỉnh Nam Định: THPT Mỹ Lộc, THPT Mỹ Tho, THPT Nam Trực và THPT Lê Quý Đôn[4]. Tổng số tiết tiến hành dạy thử nghiệm của cả 03 môn là 40 tiết. Ở mỗi môn, chúng tôi lựa chọn các tiết dạy phù hợp của các chuyên đề/ bài học để đưa vào dạy thử nghiệm. Ở mỗi trường THPT thử nghiệm, chúng tôi căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của học sinh để điều chỉnh việc tổ chức hoạt động dạy học sao cho phù hợp đối tượng và đạt mục tiêu bài học.
VD: Như đối với môn Ngữ văn, nhóm đề tài lựa chọn xây dựng kế hoạch dạy học của 03 chuyên đề/bài học; mỗi chuyên đề sẽ lựa chọn từng tiết học khác nhau để đưa vào thử nghiệm ở các trường THPT.
STT | Chuyên đề/bài học | Số tiết | Tiết dạy thử nghiệm | Đối tượng thử nghiệm |
1 | Chuyên đề sân khấu hoá tác phẩm văn học | 11 | Bài Quy trình chuyển thể tác phẩm văn học (1 tiết) | HS lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong |
2 | Bài học Thơ Đường luật | 8 | 1. Bài đọc Thu hứng (Đỗ Phủ) (2 tiết) |
- HS lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; - HS lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn, Trực Ninh |
2. Bài đọc Tự tình (Hồ Xuân Hương) (1 tiết) | - HS lớp 10 trường THPT Nam Trực; - HS lớp 10 trường THPT Mỹ Lộc |
|||
3 | Bài học Văn bản thông tin | 11 | Bài đọc Lễ hội đền Hùng (1 tiết) | HS lớp 10 trường THPT Mỹ Tho |
Các tiết dạy thử nghiệm đã đem lại kết quả khả thi cho mô hình dạy học kết hợp.
Tiết dạy thử nghiệm mô hình tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Tiết dạy thử nghiệm mô hình tại trường THPT Nam Trực, huyện Nam Trực.
Tiết dạy thử nghiệm mô hình tại trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên.
Tiết dạy thử nghiệm mô hình tại trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh
Tiết dạy thử nghiệm mô hình tại trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc.
Kết quả thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp
1. Đáp ứng tốt nhất mục tiêu giáo dục
Khi tham gia các tiết học theo mô hình dạy học tích hợp, học sinh không chỉ được phát huy những năng lực đặc thù mà còn được phát triển các năng lực chung: năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp,…[5] Mô hình dạy học kết hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng được mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; đồng thời tăng cường cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin, hội nhập công nghệ 4.0.
Hơn nữa, trong từng bài học, mục tiêu bài học được quy định trong chương trình môn học luôn được đặt lên hàng đầu. Đây chính là yếu tố cốt lõi của một bài học và việc tổ chức các hoạt động dạy học nhằm đạt được mục tiêu đó của bài học. Với mỗi bài học, nhóm nghiên cứu đều căn cứ vào vào mục tiêu bài học để lựa chọn môn hình dạy học kết hợp phù hợp; lựa chọn nội dung dạy trực tuyến và nội dung dạy trực tiếp. Với các nội dung kiến thức ở mức độ cơ bản nhằm cung cấp thông tin, những nội dung mang tính định hướng học tập, kiểm tra đánh giá, giáo viên tổ chức lớp học trực tuyến để học sinh có thể học tập trực tuyến để tự nghiên cứu, tìm hiểu. Với những nội dung kiến thức cần rèn luyện kĩ năng, những vấn đề nâng cao, thực hành, trải nghiệm thực tế, giáo viên tổ chức lớp học trực tiếp để học sinh được tương tác nhiều hơn, giáo viên dễ dàng nhận xét và sửa sai cho học sinh.
VD 1. Bài học về Cấu tạo bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học trong chương trình Hoá học lớp 10, khi xây dựng kịch bản, chúng tôi luôn chú ý tới những yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất của bài học. Trong đó mục tiêu về năng lực hoá học đặt ra là: Nêu được về lịch sử phát minh định luật tuần hoàn và bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học; Nêu được nguyên tắc sắp xếp của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học (dựa theo cấu hình electron); Mô tả được cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học và nêu được các khái niệm liên quan (ô, chu kì, nhóm); Phân loại được nguyên tố (dựa theo cấu hình electron: nguyên tố s, p, d, f; dựa theo tính chất hoá học: kim loại, phi kim, khí hiếm).
Vì thế, khi tổ chức dạy học, chúng tôi tổ chức các hoạt động nhằm giúp học sinh tìm hiểu và hình thành kiến thức về lịch sử phát minh Định luật tuần hoàn và BTH các NTHH; nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học; cấu tạo của bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học, phân loại nguyên tố hoá học; hướng dẫn học sinh thiết kế bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
VD2. Trong bài học Thu hứng (Đỗ Phủ) (2 tiết, trong đó: 01 tiết trực tuyến, 01 tiết trực tiếp) thuộc Chủ đề Thơ Đường luật của môn Ngữ văn lớp 10, một trong những mục tiêu cần đạt là “củng cố những kiến thức đã học về hình thức và đặc điểm nghệ thuật của thơ Đường”. Chúng tôi đã tổ chức tiết học trực tuyến, giao nhiệm vụ cho học sinh tự học, tự nghiên cứu gồm:
I. Xem video về khái quát thơ Đường https://youtu.be/8esZEJ2b1YM và hoàn thành phiếu học tập:
1. Lí do mà thơ Đường phát triển rực rỡ?
2. Thời thịnh Đường xuất hiện những trường phái cơ bản nào?
3. Từ các trường phái cơ bản của thơ Đường trong giai đoạn thịnh Đường, anh/chị hoàn thiện nội dung theo bảng sau:
Nội dung | Trường phái | Trường phái |
Khuynh hướng thẩm mĩ | ||
Tác giả tiêu biểu | ||
Tác phẩm tiêu biểu |
1. Đọc tài liệu Về thi pháp thơ Đường (Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi) - các mục: Không gian thời gian (trang 6), Đối ngẫu (trang 32), Trình tự phân tích bài thơ Đường (trang 53);
2. Đọc Tiểu dẫn về tác giả, ghi lại những thông tin quan trọng đối với việc hiểu bài thơ.
3. Đọc Kim Thành Thán phê bình thơ Đường, đọc bài thơ Thu hứng theo hướng dẫn sau:
- Xác định kết cấu - Kim Thánh Thánh tiếp cận văn bản theo vấn đề nào? Khác biệt gì với cách chia mà anh/chị đã được học không?
- Thu hứng được Kim Thánh Thán hiểu như thế nào? Cách hiểu của anh/chị? Trên cơ sở đó dự đoán mạch văn bản từ nhan đề?
- Đọc văn bản ghi lại các hình ảnh. Tự sắp xếp các hình ảnh đó theo những mối quan hệ nhất định? Qua sự sắp xếp đó tìm ra nội dung mà tác giả muốn phản ánh/truyền tải đến bạn đọc?
- Thơ Đường có sự - cảnh - tình, theo anh/chị bài thơ có mối quan hệ của những nội dung nào? Hãy tự dự đoán và làm rõ tình cảm/tâm trạng của nhà thơ/nhân vật trữ tình?
- Tìm hiểu tâm trạng nhân vật trữ tình qua từng bức tranh: gọi tên được tâm trạng, hiểu được nghệ thuật thể hiện tâm trạng (qua từ ngữ, thi liệu, nghệ thuật gì?các yếu tố đó mang tính quy phạm, phong cách).
Sau đó, học sinh báo cáo sản phẩm tự học tại tiết học trực tiếp. Giáo viên sẽ nhận xét, bổ sung và giúp học sinh hoàn thiện lại. Như vậy, qua phần làm việc của học sinh, nhận xét đánh giá của giáo viên, học sinh nắm được đặc trưng thể loại thơ Đường và biết cách đọc văn bản thơ theo đặc trưng thể loại và văn hoá. Đây là kiến thức nền để giáo viên tiếp tục tổ chức tiết dạy trực tiếp về bài học Thu hứng.
Có thể nói, mô hình dạy học kết hợp là một trong những mô hình dạy học đáp ứng được tốt nhất mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho học sinh.
2. Đảm bảo nội dung bài học
Việc vận dụng đa dạng và linh hoạt các mô hình dạy học kết hợp đã giúp nội dung bài học được triển khai đầy đủ, theo quy định của chương trình môn học hiện hành. Giáo viên sẽ linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy học giữa những nội dung dạy học trực tiếp trên lớp và những nội dung hướng dẫn tự học có kiểm tra đánh giá ở nhà thông qua web, qua internet, các học liệu số,… Ngoài ra, các tiết học trực tuyến còn giúp giáo viên mở rộng, nâng cao kiến thức giúp học sinh vận dụng vào thực tiễn. Chính vì thế, học sinh sẽ học tập được những kiến thức cơ bản của bài học vừa được mở rộng, nâng cao, trải nghiệm thực tiễn từ nội dung kiến thức của bài học. Kết quả học tập này không giống nhau giữa các học sinh do trình độ nhận thức, khả năng tự học, tự nghiên cứu và niềm đam mê môn học. Do đó, mô hình dạy học kết hợp còn đảm bảo giúp quá trình phân hoá học sinh trong học tập rõ rệt hơn, nhanh hơn.
3. Tiết kiệm thời lượng học tập
Qua thực tế thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp, thời lượng khá linh hoạt. Bên cạnh những tiết học trực tiếp đảm bảo thời lượng theo quy định, các tiết học trực tuyến được tổ chức linh hoạt ngoài giờ lên lớp. Để tiết học trực tiếp giải quyết được nhiều nhất nội dung kiến thức bài học, học sinh cần nghiêm túc trong việc học trực tuyến. Cùng với mô hình dạy học kết hợp, các giáo viên đã vận dụng kĩ thuật dạy học tích cực, các phương pháp dạy học hiện đại như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án, lớp học đảo ngược,… tiết kiệm được nhiều thời gian học tập, tập trung cao hơn cho mục tiêu bài học.
VD. Bài Xu hướng biến đổi thành phần và một số tính chất của hợp chất trong chu kì thuộc môn Hoá học lớp 10, được tổ gồm 02 tiết, trong đó: 01 tiết dạy trực tuyến và 01 tiết dạy trực tiếp. Trong tiết học trực tuyến, giáo viên chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ cho từng nhóm học tập thông qua video được giáo viên cung cấp, hoàn thiện phiếu học tập. Sản phẩm sau tiết học trực tuyến là mỗi nhóm sẽ có một bài báo cáo về nội dung học tập được giáo viên giao nhiệm vụ. Tiết học trực tiếp, các nhóm sẽ báo cáo sản phẩm học tập trực tuyến của nhóm, giáo viên nhận xét, bổ sung và chốt kiến thức bài học. Như vậy, với việc vận dụng mô hình lớp học đảo ngược này, đã giảm thời gian hình thành kiến thức mới, có thêm nhiều thời gian để giải đáp kiến thức khó, nâng cao kiến thức và thực hành kĩ năng cho học sinh.
Sự linh hoạt về thời gian học tập của mô hình dạy học kết hợp này phù hợp với xu hướng học tập hiện đại ngày nay, tạo cơ hội cho học sinh tự học, tự nghiên cứu tốt nhất.
4. Nguồn học liệu số phong phú
Mô hình dạy học kết hợp đã tận dụng được những ưu thế của công nghệ thông tin trong thời đại số hoá. Bên cạnh những nguồn học liệu truyền thống (Sách giáo khoa, tranh, ảnh, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi bài tập,…), giáo viên sử dụng các nguồn học liệu số (hình ảnh tĩnh/động, thí nghiệm ảo, video, sơ đồ, mô hình, bản trình chiếu, phần mềm, sách giáo khoa điện tử, hệ thống câu hỏi bài tập,…). Các thiết bị dạy học số có thể do chính giáo viên thiết kế, hoặc giáo viên sử dụng trên các kho dữ liệu số như https://igiaoduc.vn, http://rgep.moet.gov.vn, vietjack, OLM, chương trình truyền hình, ….
VD. Trong bài học Mệnh đề của môn Toán lớp 10, để giúp học sinh nghiên cứu và tìm hiểu về phát biểu là mệnh đề, phát biểu là mệnh đề chứa biến,… giáo viên đã cung cấp video học tập của kho dữ liệu OLM để học sinh tự học theo hướng dẫn,… ; Trong bài Xu hướng biến đổi thành phần và một số tính chất của hợp chất trong chu kì thuộc môn Hoá học lớp 10, giáo viên đã sử dụng nguồn học liệu số của Vietjack để hướng dẫn học sinh tự học; Trong bài Thu hứng (Đỗ Phủ) của môn Ngữ văn lớp 10, giáo viên sử dụng video về khái quát thơ Đường https://youtu.be/8esZEJ2b1YM từ kênh youtube giúp học sinh tự học.
Trong thế giới phẳng, kho học liệu số vô tận, nhiệm vụ của giáo viên là phải biết lựa chọn nguồn học liệu phù hợp với nội dung bài học và trình độ nhận thức của học sinh; giáo viên và học sinh phải có trình độ công nghệ thông tin tốt, thành thạo, có kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến.
5. Đa dạng các hình thức đánh giá
Kiểm tra, đánh giá là hoạt động không thể thiếu nhằm xác định hiệu quả của việc thực hiện mục tiêu dạy học, từ đó định hướng và thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thúc đẩy học sinh đổi mới phương pháp học tập nhằm nâng cao chất lượng thực hiện mục tiêu giáo dục.
Đối với mô hình dạy học kết hợp, việc đánh giá được thực hiện dễ dàng, hiệu quả thông qua các phần mềm hỗ trợ đánh giá trực tuyến kết quả học tập của học sinh: nền tảng Shub, nền tảng Azota, nền tảng OLM,… hay các phiếu học tập, phiếu đánh giá; bảng kiểm,… Ngoài ra trong quá trình tổ chức bài học, ngoài việc giáo viên đánh giá học sinh theo mô hình lớp học truyền thống, học sinh có thể tự đánh giá năng lực của nhau và bản thân học sinh tự đánh giá chính mình.
Ảnh 6. Bài đánh giá của của học sinh trên phần mềm Liveworksheets sau khi học xong bài học Thơ Đường luật.
Chính việc đa dạng hình thức đánh giá sẽ đem lại kết quả đánh giá chính xác nhất về năng lực học tập của học sinh trong từng phần, từng bài học. Điều này làm tăng hứng thú của học sinh trong quá trình học tập, giúp học sinh thêm say mê với bài học.
6. Không gian/ nền tảng quản lý và hỗ trợ dạy học
Mô hình dạy học kết hợp đã khắc phục được hạn chế về không gian lớp học theo mô hình dạy học trực tiếp. Nếu mô hình dạy học trực tiếp chỉ chọn một không gian là lớp học thì dạy học kết hợp thay đổi linh hoạt không gian học tập. Trong không gian số, nền tảng quản lý lớp học được sử dụng đa dạng như LMS, LCMS,…
Hạn chế:
Qua thời gian thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp, bên cạnh những kết quả khả quan, nhóm đề tài còn nhận thấy một số hạn chế:
Về trình độ ứng dụng thông tin của giáo viên tại các trường THPT chưa đồng đều. Một số giáo viên còn hạn chế trong việc sử dụng công nghệ dạy học, các phần mềm ứng dụng, dẫn tới lóng ngóng trong quá trình điều khiển tiết học.
Ở một số trường THPT, hệ thống mạng internet chưa thật tốt, tốc độ đường truyền mạng chưa ổn định nên đã ảnh hưởng đến tiến độ bài học.
Không gian lớp học còn hẹp, gây khó khăn trong việc tổ chức nhóm học tập, trạm, góc học tập. Nếu nhóm học tập quá đông thì hiệu quả học tập sẽ khó có thể đồng đều giữa các học sinh trong một nhóm.
Chính vì thế, để mô hình dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp được phát huy cao nhất hiệu quả thì ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của các trường THPT, vấn đề mấu chốt chính là nâng cao năng lực của giáo viên. Năng lực chuyên môn và năng lực công nghệ thông tin của giáo viên là nòng cốt cho việc đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường phổ thông. Hay nói cách khác, việc vận dụng mô hình dạy học kết hợp là một giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn lẫn công nghệ thông tin của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong các trường THPT.
Triển vọng của mô hình dạy học kết hợp
Những kết quả đạt được từ các giờ dạy thử nghiệm mô hình dạy học với các đối tượng học sinh khác nhau trên địa bàn tỉnh Nam Định đã khẳng định tính khả thi của mô hình. Trước đây, mô hình dạy học kết hợp đã được sử dụng nhiều ở các trường đại học, nhưng tới ngày nay, với những điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của giáo viên, học sinh, mô hình này hoàn toàn có thể triển khai tại các nhà trường phổ thông. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định có thể vận dụng mô hình dạy học kết hợp để nâng cao chất lượng dạy học, đào tạo đội ngũ giáo viên và học sinh đáp ứng yêu cầu của thời đại chuyển đổi số.
Khi mô hình đã hoàn thiện, năng lực công nghệ của giáo viên được nâng cao, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác đầy đủ, mô hình dạy học kết hợp có thể triển khai tại các trường Trung học cơ sở và tiểu học. Môi trường học tập được cá nhân hoá, cho phép học sinh tự tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức sẽ là môi trường học tập lí tưởng trong tương lai, phù hợp với nhu cầu của người học.
Tính đa dạng của các mô hình dạy học kết hợp được vận dụng với các phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, dạy học tự chọn, lớp học đảo ngược,… đã mở ra triển vọng lớn cho giáo dục. Các nhà trường có thể sử dụng mô hình dạy học kết hợp để hỗ trợ việc học tập từ xa, liên kết giữa các trường trong thành phố, trong tỉnh, trong cả nước hoặc các chuyên gia đầu ngành trong nước/nước ngoài để giảng dạy. Từ đó, nhà trường có thể khắc phục được tình trạng đang diễn ra ở một số trường hiện nay như: thiếu giáo viên có chuyên môn, thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập trực tiếp,…
Nội dung học tập cũng đa dạng hơn, ngoài việc hình thành kiến thức mới, mô hình dạy học kết hợp sử dụng để dạy những kiến thức chuyên sâu, kiến thức nâng cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp.
Đặc biệt, với những ưu điểm vượt trội của mô hình, dạy học kết hợp chính là bước chuẩn bị về năng lực đội ngũ, năng lực học sinh để hướng tới dạy học kết nối - mở rộng giới hạn không gian, thời gian, số lượng giáo viên, học sinh - lớp học không biên giới đang là xu hướng tổ chức dạy học trong tương lai.
Dần dần, mô hình dạy học kết hợp sẽ có thể thay thế dần mô hình dạy học truyền thống ở một vài khâu. Nó sẽ phát huy tốt nhất thế mạnh của phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học trực tuyến.
Kết luận
Qua quá trình dạy thử nghiệm tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định, mô hình dạy học kết hợp đã đạt được kết quả khả quan, thể hiện tính đúng đắn khoa học của đề tài. Từ việc đem đến một nhận thức đúng đắn về mô hình dạy học kết hợp, mô hình dạy học kết hợp sẽ được sử dụng trong phạm vi và quy mô sâu rộng hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Thành công của việc vận dụng mô hình dạy học kết hợp vào thực tiễn đã tạo lên một bước tiến dài trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đào tạo đội ngũ giáo viên trong thời đại số của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung./.
[1] Theo bản thuyết minh đề tài KHCN “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường trong địa bàn tỉnh Nam Định”.
[2],3 Theo báo cáo số 5 “Đề xuất mô hình và quy trình dạy học kết hợp tại trường THPT tỉnh Nam Định” - Sản phẩm của đề tài KHCN “Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường trong địa bàn tỉnh Nam Định”.
[4] Kế hoạch 247/KH-THPTCLHP ngày 27/8/2022 về KH chi tiết triển khai dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Kế hoạch số 263/KH-THPTCLHP ngày 15/9/2022 về KH tổ chức dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT Nam Trực và THPT Lê Quý Đôn; Kế hoạch số 280/KH-THPTCLHP ngày 28/9/2022 về KH tổ chức dạy thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp tại trường THPT Mỹ Lộc và THPT Mỹ Tho.
[5] Theo bài viết Mô hình dạy học kết hợp - Một trong những giải pháp tối ưu để đổi mới phương pháp dạy học khi triển khai chương trình GDPT 2018 (TS. Phạm Thị Huệ - ThS. Nguyễn Thị Hồng)