Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo, cán bộ tuyển sinh các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN.
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 và phương hướng tuyển sinh năm 2021
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy, công tác tuyển sinh sau đại học năm 2020 và phương hướng tuyển sinh năm 2021; Báo cáo về dự thảo Đề án thi đánh giá năng lực trung học phổ thông giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để xét tuyển đại học chính quy (ĐHCQ). Công tác tuyển sinh đại học năm 2020 triển khai theo hướng đa dạng hóa hình thức xét tuyển hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã hoàn thành công tác tuyển sinh đại học và tuyển được 11.833 thí sinh vào học tại 133 ngành/chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học; Hoàn thành mục tiêu tuyển được các sinh viên chất lượng; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của đơn vị đào tạo; Chuyên nghiệp hóa công tác tuyển sinh ở ĐHQGHN; Tất cả các phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN đều có thí sinh đăng ký xét tuyển, trúng tuyển và nhập học, đặc biệt là phương án xét tuyển kết hợp (chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi có trong tổ hợp xét tuyển của ngành/CTĐT – chủ yếu là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt tối thiểu 5.5 trở lên) và đạt được kết quả đáng khích lệ (có 508 thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức này – chiếm 5% so với tổng chỉ tiêu), nâng tỉ lệ xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp năm 2020 lên 15%.
Nguyên tắc và phương thức xét tuyển năm 2020 tạo nhiều cơ hội và thuận lợi cho thí sinh, thí sinh được lựa chọn không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được thay đổi nguyện vọng 01 lần sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT giúp cho thí sinh có cơ hội vào học ngành yêu thích, phù hợp với năng lực của mình. Các CTĐT chất lượng cao có kết quả tuyển sinh cao nhất từ trước đến nay, chiếm 41% so với quy mô tuyển sinh năm 2020.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học trực tuyến giúp cho thí sinh và gia đình hạn chế việc đi lại, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí cho các hội đồng tuyển sinh.
Đối với công tác tuyển sinh ĐHCQ năm 2021, ĐHQGHN tiếp tục ổn định và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác (xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của ĐHQGHN, xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương), xét tuyển kết quả bài thi ĐGNL học sinh THPT (do ĐHQGHN tổ chức).
Ngoài ra, ĐHQGHN tiếp tục mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng đối với học sinh đạt kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài ĐHQGHN có kết quả học tập loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành.
Trong thời gian tới, ĐHQGHN tiếp tục phát huy các ưu điểm, tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, thí sinh, xã hội và rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm 2020, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, phương thức xét tuyển, thời gian nhập học theo hướng thuận lợi hơn cho người học. Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT giao công tác tuyển sinh cho các trường đại học thực hiện trên cơ sở triển khai chương trình đào tạo giáo dục phổ thông mới. ĐHQGHN đã và đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để xây dựng lộ trình tổ chức kỳ thi ĐGNL học sinh THPT nhằm phục vụ công tác tuyển sinh (như một trong các phương thức xét tuyển sinh đại học) trong thời gian tới.
Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Võ Thị Minh Trang trình bày báo cáo công tác tuyển sinh sau đại học năm 2020 và phương hướng tuyển sinh năm 2021
Về công tác tuyển sinh sau đại học (SĐH), kỳ tuyển sinh năm 2020 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, theo đúng Quy chế tạm thời về công tác tuyển sinh SĐH tại ĐHQGHN và các văn bản quy định của ĐHQGHN. Theo thống kê, số lượng thí sinh trúng tuyển bậc thạc sĩ tăng 23,5%, số lượng thí sinh trúng tuyển bậc tiến sĩ tăng 33,8% so với năm 2019.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh phát biểu tại hội nghị
Việc tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực (ĐGNL) và phương thức xét tuyển tiếp tục được mở rộng, phương thức ĐGNL được áp dụng cho 81 CTĐT, phương thức xét tuyển được áp dụng cho 16 CTĐT. Các hội đồng tuyển sinh SĐH đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức thi, hướng dẫn, tập huấn cho các cán bộ coi thi nắm vững nghiệp vụ và chức trách. Cán bộ coi thi và cán bộ phục vụ công tác thi tuyển sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức thêm 3 điểm thi tại địa phương, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên kỳ thi đã diễn ra an toàn, đúng quy định. Các hội đồng tuyển sinh SĐH đã thực hiện công tác chấm thi, vào điểm thi và công bố kết quả thi về cơ bản theo đúng quy định và đúng tiến độ. Một số vấn đề phát sinh mang tính kỹ thuật đã được giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền, theo đúng Quy chế và các quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi của các thí sinh dự thi.
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh chia sẻ về phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh các ngành
Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2021 chia làm 2 đợt: Đợt 1 tổ chức thi vào các ngày 17 và 18/4/2021; Đợt 2 tổ chức thi vào các ngày 11 và 12/9/2021.
Theo báo cáo phương hướng tuyển sinh năm 2021 của Ban Chỉ đạo Tuyển sinh SĐH, các hội đồng tuyển sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2020, mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng thuộc các CTĐT tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao… (đối với bậc thạc sĩ) và các thí sinh có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học bậc đại học, bậc thạc sĩ và có bài báo khoa học được công bố trên tạp chí ISI/Scopus… (đối với bậc tiến sĩ).
Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo trình bày dự thảo Đề án thi ĐGNL học sinh THPT
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về dự thảo đề án thi ĐGNL học sinh THPT. Theo đó, đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới giáo dục đại học nói chung. Cũng như những kỳ thi ĐGNL của các năm 2015, 2016 trước đây, thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 03 tuần kể từ ngày dự thi.
Năm 2021 dự kiến ĐGNL được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4-5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 thí sinh. ĐHQGHN có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.
Phó Giám đốc, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN cho rằng, năm 2021 và các năm tiếp theo, các đơn vị đào tạo cần rà soát quy mô đào tạo để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó phải nâng cao điều kiện học tập, phát triển cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác, cần xác định chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để thu hút người học tại ĐHQGHN. Về công tác tuyển sinh SĐH, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh yêu cầu tiếp tục đa dạng hóa phương thức xét tuyển, mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Đồng thời, cần thực hiện điều tra, khảo sát để đưa ra những đánh giá về chất lượng thí sinh theo học các CTĐT SĐH có ngành đúng, ngành gần với CTĐT bậc ĐH.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cán bộ, bộ phận tham gia công tác tuyển sinh. Giám đốc đánh giá, ĐHQGHN đã thực hiện thành công các kỳ tuyển sinh đại học và sau đại học đạt các mục tiêu đề ra: an toàn, chất lượng, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng trong toàn ĐHQGHN.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kết quả tuyển sinh năm vừa qua đã cho thấy các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt, sức thu hút của các ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp.
Năm 2021, về cơ bản, ĐHQGHN vẫn giữ vững tổng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh. Các đơn vị đào tạo cần cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu của từng ngành/CTĐT phù hợp với quy mô và khả năng đào tạo của đơn vị. Về hình thức và chính sách tuyển sinh, ĐHQGHN tiếp tục kết hợp các phương thức tuyển sinh ổn định như năm 2020 đang áp dụng và tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm tổ chức thi ĐGNL, phát triển các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi ĐGNL trong những năm tiếp theo. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh “Năm 2021, ĐHQGHN tổ chức kỳ thi ĐGNL cho học sinh THPT. Đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học”. Các đơn vị đào tạo cần cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi ĐGNL.
Về tuyển sinh sau đại học, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao quy mô và chất lượng tuyển sinh bậc tiến sĩ, ĐHQGHN sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình tiền tiến sĩ và quỹ học bổng dành cho nghiên cứu sinh từ nhiều nguồn để hỗ trợ cao nhất cho nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo.
Dự kiến các phương thức tuyển sinh vào ĐHQGHN năm 2021:
1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển:
HĐTS các đơn vị đào tạo xây dựng quy định cụ thể về đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển công bố công khai trên website của đơn vị đào tạo, của ĐHQGHN, trên trang thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng. HĐTS các đơn vị đào tạo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng và tổ chức xét tuyển thẳng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của ĐHQGHN.
2. Xét tuyển:
- Xét tuyển đối với các thí sinh có kết quả thi THPT năm 2021.
- Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm thi SAT hoặc ACT theo quy định của ĐHQGHN;
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế A-Level theo quy định của ĐHQGHN.
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL,..), kết hợp với điểm 2 môn thi trong tổ hợp xét tuyển của ngành/CTĐT (trong đó bắt buộc phải có môn Toán hoặc Ngữ văn).
- Thí sinh có kết quả thi ĐGNL học sinh THPT do ĐHQGHN tổ chức, đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/CTĐT;
- Thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập THPT tại nước ngoài (xét tuyển theo quy định riêng của ĐHQGHN về xét tuyển người nước ngoài).
|
|
- Nguồn: Website ĐHQGHN -
|