Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Thông tin tuyển sinh

Trang chủ Thông tin tuyển sinh Thi tốt nghiệpTHPT năm 2022: Ôn thi thế nào cho hiệu quả?

Thi tốt nghiệpTHPT năm 2022: Ôn thi thế nào cho hiệu quả?

10/01/2022

Thời điểm này đã là giai đoạn nước rút với học sinh cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học sắp tới. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi và phải học trực tuyến kéo dài, ôn thi thế nào cho hiệu quả đang là câu hỏi lớn khiến nhiều nhà trường, phụ huynh và học sinh lo lắng tìm lời giải đáp.

Không nên sa đà vào thi thử nhiều quá, vì không phải đơn vị nào cũng có khả năng ra đề thi thử đúng với ma trận đề thi của Bộ GD&ĐT

 
Bám sát nội dung cốt lõi của môn học

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Bước sang học kỳ II, các trường cần chủ động có kế hoạch vừa dạy theo chương trình quy định, vừa có các tiết học hướng dẫn học sinh rà soát, tổng hợp kiến thức đã học, xen kẽ các tiết ôn tập theo chủ đề sau mỗi phần nội dung để các em bao quát kiến thức cơ bản cũng như rèn kỹ năng tổng hợp kiến thức theo chủ đề, ôn luyện nâng cao… Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương ôn tập song song với tiến độ dạy học để khi xong chương trình lớp 12 là học sinh có một đề cương ôn tập hoàn chỉnh như cẩm nang, trong đó sắp xếp theo chủ đề, bám sát nội dung cốt lõi. Đây sẽ là tài liệu chính cho các em ôn tập trước khi thi.

Ông Thành cũng lưu ý, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh ôn tập các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học, đáp ứng theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc thi thử, luyện theo phom đề thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT giúp học sinh rèn khả năng tập trung, biết làm chủ thời gian khi làm bài, có phản ứng nhanh với các dạng câu hỏi. Nhưng theo ông Thành, không nên sa đà vào thi thử nhiều quá, vì không phải đơn vị nào cũng có khả năng ra đề thi thử đúng với ma trận đề thi của Bộ. Việc đề quá dễ hay quá khó đều là chuyện “lợi bất cập hại” với học sinh.

“Tham dự một vài cuộc thi thử sau khi đã hoàn thành chương trình và ôn tập đầy đủ có thể giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài thi… nhưng không nên lạm dụng “thi thử” trong giai đoạn ôn tập. Các em cần ôn luyện từ gốc để vững cơ bản, từ đó mới luyện tập bằng cách vận dụng kiến thức vào bài tập, đề thi”, ông Thành khuyên thí sinh.

Các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đang là xu thế mà nhiều trường đại học sử dụng để lấy kết quả tuyển sinh năm 2022 (thay thế kết quả thi tốt nghiệp THPT), nhiều phụ huynh và học sinh đã rất lo lắng vì không có phom đề thi sẵn có với hình thức mới mẻ này. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, hình thức và cấu trúc đề có thể khác nhau, còn các bài kiểm tra, đánh giá, thi đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà các em đã học. Nên nếu thí sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản một cách có hệ thống, có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá, thi được cấu trúc thế nào cũng sẽ làm được.

Học theo sơ đồ và công thức

“Không học thuộc lòng kiểu học vẹt” là cách mà nhiều giáo viên khuyên học sinh khi bước vào giai đoạn ôn tập nước rút. Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, học sinh có thể lập bảng hay làm sơ đồ tư duy để ghi nhớ các tác phẩm văn học có trong nội dung sẽ ra đề thi. Nếu các em làm dần ngay sau các chương trong chương trình thi thì sẽ không bị dồn về cuối. “Sau khi nắm kiến thức, học sinh có thể ôn tập theo các chủ đề cụ thể, làm quen với các dạng câu hỏi nghị luận văn học khác nhau để biết cách triển khai, vận dụng hiểu biết về tác phẩm để giải quyết vấn đề được yêu cầu”, cô Kim Anh nói. Với dạng nghị luận xã hội, đề tài được đề cập sẽ rất rộng, vì thế việc học “công thức” triển khai một bài nghị luận xã hội sẽ rất quan trọng với học sinh. Nắm được bước triển khai, học sinh có thể tránh lan man, viết đúng trọng tâm dù đề thi ra vào nội dung gì.

Thầy Lê Văn Cường, giáo viên trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng cho rằng, để tránh học dồn về cuối, học sinh cần tự chủ động có các tổng kết để hệ thống nội dung đã học, sau đó ôn tập theo chuyên đề, dạng bài. Theo thầy Cường, dù môn Toán thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm nhưng khi ôn tập, học sinh vẫn nên rèn luyện cách trình bày các bài tự luận chặt chẽ, vì đó là cách luyện tư duy để nắm vững một cách bản chất của toán học. Khi “gốc” chắc mới luyện đề trắc nghiệm để có sự nhanh nhạy, khả năng tập trung, biết phân bố thời gian hợp lý…

Tương tự, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên tiếng Anh trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) chia sẻ, việc chủ động hệ thống kiến thức cũng là cách ôn tập tích cực, hiệu quả nhất của học sinh. Với môn Tiếng Anh, cô Hương cho rằng học sinh cần chắc ngữ pháp, sau đó học từ vựng và làm quen với dạng đọc hiểu.

Theo các thầy cô giáo ở THPT, những năm gần đây đề thi đều bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 sẽ phải ôn tập 6/8 môn học để thi tốt nghiệp và sử dụng kết quả tuyển sinh, chưa kể còn tham gia các kỳ thi riêng của trường ĐH nên khối lượng kiến thức, môn học phải ôn tập rất lớn. Vì thế, các em cần có kế hoạch khoa học, phù hợp với sức khoẻ, điều kiện thực tế. Tự học, tự chủ động hệ thống kiến thức theo dạng đề cương, sơ đồ, công thức vắn tắt rồi luyện đề tổng hợp là lộ trình hiệu quả mà các thầy cô khuyên học sinh cần triển khai trong giai đoạn sắp tới.