Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt
18/08/2021
Tháng Tám lại về trong êm dịu thanh trong. Với mỗi người Việt Nam, tháng Tám không chỉ là khoảng thời gian đẹp nhất của đất trời vào thu mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc khi được sống lại những kí ức oai hùng của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, là dấu mốc lớn trong suốt chặng đường mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và càng có ý nghĩa hơn khi mà cả dân tộc đang phải đương đầu với đại dịch Covid 19.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Đầu tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng, chính phủ Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân đội Nhật ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn hoang mang cực độ. Khí thế cách mạng sục sôi trong cả nước, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi.
Với tinh thần “dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, suốt một dải non sông rừng rực khí thế chiến đấu, đâu đâu cũng sục sôi tinh thần cách mạng mạnh mẽ, mau lẹ phi thường. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, không kể già, trẻ, gái, trai, triệu người như một đã nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công trên phạm vi cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Chỉ trong 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (Ảnh tư liệu)
Đã gần 80 năm trôi qua, nhưng những kí ức về ngày chiến thắng ấy mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy thắng lợi và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám, trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong hơn 500 ngày vừa qua, một lần nữa tinh thần quyết thắng, ý chí quyết tâm, sự đoàn kết của toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đại dịch Covid 19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng lòng, tương thân, tương ái, dân tộc Việt Nam sẽ phát huy truyền thống anh hùng, bản lĩnh, vững vàng vượt qua và chiến thắng đại dịch.
Nguyễn Thị Thu Hà
Tin liên quan
- V/v tuyên truyền xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII
- Lịch sử ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam 09/01/1950
- Tổng kết công tác Tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền miệng năm 2022
- Tự hào Ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam 9/1