Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Thông tin tuyên truyền

Trang chủ Thông tin tuyên truyền Mái nhà và người giữ lửa...

Mái nhà và người giữ lửa...

27/06/2021

1. Mái nhà - cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người.
Từ khi hoài thai đến khi cất tiếng khóc chào đời và lớn lên trong tháng rộng năm dài, cuộc đời của mỗi con người đều gắn với mái nhà, với tổ ấm thiêng liêng. Như chim có tổ, như cây có cội, như nước có nguồn, ai cũng đều có cội nguồn sinh dưỡng của mình.

Nhà dựng nên có thể là đơn sơ, bình dị; có thể là lầu cao, cửa rộng… Nhưng đó chỉ là thứ vật liệu để làm nên hình dáng, khung cốt của ngôi nhà. Dù vật liệu ấy có xa hoa, sang quý hay đầy đủ gạch đá, xi măng, cốt thép ...vẫn chưa thể tạo nên một mái nhà vững chắc! Bởi thứ chất liệu quý giá nhất để xây đắp một mái nhà, một tổ ấm là nhờ vào mối quan hệ của con người với nhau; chất keo kết dính của ngôi nhà chính là tình yêu thương; nền móng vững chắc của mỗi mái nhà chính là truyền thống gia đình, là lối sống văn hoá, đạo lí... Chỉ khi hội tụ được những điều đó, mái nhà mới thực sự trở thành cội nguồn sinh dưỡng đẹp đẽ nhất của mỗi người. Chỉ khi ấy, mái nhà mới trở thành mái ấm để con người tìm về nơi cuối ngày, là nỗi nhớ khi đi xa, là điểm tựa tinh thần sau những giông bão cuộc đời...

Nền tảng để tạo nên hạnh phúc của con người chính là mái ấm đủ đầy. Một đứa trẻ sinh ra từ tình yêu thương, có đủ cha, đủ mẹ - nghĩa là có một mái ấm. Tuổi thơ của đứa trẻ ấy là bất hạnh hay niềm vui cũng đều phụ thuộc vào sự yên ấm của gia đình. Con trẻ sẽ có tiếng cười trong veo, giòn tan hay là chỉ là giọt nước mắt chảy ra từ ánh nhìn sợ hãi, run rẩy... cũng đều do mái ấm tạo nên! Vật chất mới chỉ giúp con lớn lên phần “con”, nhưng những giá trị tinh thần, văn hoá mới vun đắp cho con phần “người”, để con trở thành một “con người” đúng nghĩa. Những nền tảng ban đầu ấy sẽ nuôi dưỡng và hình thành nhân cách, phẩm giá của những đứa con. Để rồi sau này, những đứa con ấy sẽ lớn lên, trưởng thành, con sẽ lại xây dựng gia đình, tạo nên mái ấm và những thế hệ sau lại tiếp nối ra đời...

Cây đã ra hoa, tạo quả! Rồi quả lại ra hạt, ươm một đời cây mới... Vòng đời của con người là hữu hạn, đời cây cũng không thể sống trăm năm nhưng những giá trị mà con người tạo ra, mà đời cây tạo nên - sẽ lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ kia! Cho nên: tạo một mái ấm là trách nhiệm của mỗi thành viên trong một gia đình, việc xây dựng kinh tế không tách rời với nuôi dạy con cái, tạo nên mối quan hệ bền vững, gắn bó, nghĩa tình. Như vậy, mái nhà mới là cội nguồn sinh dưỡng, mới trở thành mái ấm thực sự, mới tạo nên những nhân cách, cuộc đời đáng trọng và đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng!

 
 
 
2. Mái ấm - nền tảng của xã hội vững mạnh, bình yên và nhân văn.
Gia đình là tế bào của xã hội. Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”... Con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp ấy nếu có một môi trường xã hội tốt. Bầu khí quyển an lành nhất để sản sinh, nuôi dưỡng và tạo nguồn cho xã hội những công dân hữu ích – chính là gia đình. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy chữ, dạy người” trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con trẻ. Gia đình cũng là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua cách nuôi dạy, đối nhân xử thế, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho con cháu mình. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất...

Nhà có vững thì nước mới mạnh. Mỗi một tế bào khỏe khoắn sẽ là cơ sở để tạo nên một xã hội vững bền, miễn dịch với những tác động tiêu cực bên ngoài. Thực tế đã chứng minh rất rõ điều đó. Từ thời xa xưa, những người anh hùng đều được sản sinh từ trong mỗi mái nhà, được nuôi dưỡng từ truyền thống của gia đình. Đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh... Tên tuổi của họ đã làm rạng danh non sông, bờ cõi và gia đình chính là chiếc nôi đầu tiên để nuôi dưỡng và hình thành những phẩm chất cao đẹp đó. Và biết bao những gia đình Việt đã đóng góp máu xương của mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ để dân tộc giành lại độc lập tự do. Mỗi gia đình như một dòng sông đổ về biển lớn, truyền thống gia đình đã góp phần , hòa vào truyền thống dân tộc để tạo nên một sức mạnh vô biên, để cuốn phăng mọi kẻ thù tàn bạo nhất...

Không chỉ thế, biết bao những người tài, giáo sư, tiến sĩ, nhà chính trị, doanh nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ lớn... họ đã được hun đúc những tinh hoa tài năng, thừa hưởng giá trị của truyền thống gia đình, bố mẹ để phát huy và tỏa sáng. Họ có thể là những người có tên được vinh danh hoặc vô danh, thầm lặng nhưng họ đều đã, đang và sẽ đóng góp cho đất nước những giá trị vật chất và tinh thần trong suốt chiều dài lịch sử.

Đó là gia đình cố giáo sư Nguyễn Lân – người đã cống hiến trọn đời cho nền giáo dục Việt Nam, ông là giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Lân, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ của ông, mà còn ngưỡng mộ trước một gia đình mà con trai, con gái, dâu rể,  có 20 người là Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ. Và hơn hết, đại gia đình ông giữ được nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới, anh em yêu quý nhau. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên một hình mẫu gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực. Họ đã, đang và sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực. Đó là gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng, người ghi danh mình vào lịch sử Y học, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Gia đình ông còn đóng góp cho đất nước 3 người con là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều tiếp nối sự nghiệp của cha bước vào ngành Y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư - Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách - nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đó là gia đình Giáo sư Vũ Khiêu - người nổi tiếng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam và còn rất nhiều các gia đình tài hoa, hiếu học và chuẩn mực khác…

Như vậy, truyền thống gia đình tốt đẹp được xây đắp từ thế hệ ông cha đã trở thành điểm tựa vững chắc, là động lực tinh thần để thế hệ con cháu tiếp bước và đi xa hơn. Tuy nhiên, truyền thống gia đình cũng không phải thứ vỏ bọc chắc chắn để những đứa con an nhiên, hưởng thụ mà còn cần đến nỗ lực tự thân, tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Quá trình tự rèn luyện ấy cũng phải được gia đình, cha mẹ uốn nắn, trang bị để có thể tự lập mà vươn lên. Ngược lại, khi một mái nhà không còn là cội nguồn sinh dưỡng, không phải là một tế bào khỏe khoắn của xã hội thì sẽ không ít những đứa trẻ sinh ra phải chịu thiệt thòi, không được  giáo dưỡng, nuôi dạy tử tế. Trong số đó, ít nhiều sẽ trở thành mầm mống gây họa cho xã hội sau này.

3. Người giữ lửa trong mỗi mái nhà.
Trong mỗi mái nhà, vai trò của cha mẹ có vị trí vô cùng quan trọng. Theo truyền thống gia đình người Việt: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đàn ông thường là trụ cột, là tấm gương nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa tinh thần, tạo nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong mỗi gia đình.

Nghị quyết số 11- NQ/TW  của bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh CNH-HĐH đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”. Thực tế cũng đã chứng minh, trong xã hội truyền thống cũng như xã hội hiện đại, với thiên chức mang thai, sinh con và làm mẹ, phụ nữ luôn đảm đương vai trò cao cả: duy trì và phát triển nòi giống, tái sản xuất sức lao động; nuôi dạy, hình thành nhân cách thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Không chỉ vậy, phụ nữ còn là người giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các mối quan hệ và tổ chức cuộc sống gia đình; họ là người vun đắp hạnh phúc, người duy trì và phát triển những giá trị văn hóa gia đình, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ai đó đã từng nói: “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng của người đàn bà”.  Mọi sự thành công trong cuộc sống của người đàn ông ít nhiều có sự hỗ trợ của những người vợ. Người bạn đời ấy đã thúc đẩy những ước mơ, hoài bão và nghị lực của người chồng; cùng chồng chia sẻ ước mơ, khát vọng tạo nên thành công. Nếu khát vọng của người chồng là cánh diều, thì người vợ chính là ngọn gió nâng cánh diều bay cao, bay xa nhưng cũng phải là sợi dây để kìm giữ diều bay đúng hướng.  Không chỉ thế, với tình yêu, sự nhạy cảm và cách cư xử  vừa nhẹ nhàng, mềm mỏng, vừa cương quyết, cứng rắn, nhiều người vợ đã giúp chồng chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, từ bỏ lối sống phong lưu để an cư, lạc nghiệp và thành đạt trong cuộc sống. Với tấm lòng bao dung, không ít phụ nữ đã sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm của chồng đối với mình, lên tiếng bênh vực, bảo vệ danh dự của chồng trước công chúng. Chính sự độ lượng và tình yêu chân thành ấy của người vợ đã giúp cho người chồng nhận thức rõ về điều thực sự quan trọng trong cuộc đời của họ. Nếu người chồng như con thuyền mất phương hướng, lạc lối giữa đại dương mênh mông, thì người vợ chính là ngọn hải đăng dẫn lỗi đưa thuyền về bến đỗ… Có thể nói, người vợ vừa là bạn đồng hành trên đường đời, vừa là hậu phương vững chắc, vừa là bến đỗ bình yên nhất của người chồng. Họ mang sứ mệnh thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa trong mỗi mái nhà, để gia đình thực sự là tổ ấm bền vững theo thời gian.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi vấn đề bình đẳng giới được coi trọng, mọi thành viên trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ, cháu con cần có ý thức chia sẻ, chung tay để tạo nên và để nuôi dưỡng ngọn lửa để nó luôn tỏa sáng và sưởi ấm mỗi người, mỗi nhà. Những người chồng không thể phó mặc việc nhà cho vợ, những người vợ cũng không còn đầu tắt mặt tối, cúc cung tận tụy phục vụ gia đình một chiều nữa, những đứa con cũng không thể vô tâm hưởng thụ trên sự vất vả của cha mẹ...

Mỗi thành viên chính trong gia đình sẽ là những viên gạch tạo nên ngôi nhà, tình yêu thương gắn bó sẽ là chất nối kết để mái nhà thực sự là tổ ẩm, là thành trì vững chắc nhất mà không một thứ bão giông nào có thể làm lung lay, rạn vỡ....
                                                   -Ban thông tin tuyên truyền-