Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Giáo viên chủ nhiệm trước tình huống “nóng”: “Cơm sôi rút lửa”

Giáo viên chủ nhiệm trước tình huống “nóng”: “Cơm sôi rút lửa”

17/04/2019

Cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên chủ nhiệm lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) đã cô đọng nghệ thuật làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) qua câu “cơm sôi rút lửa”. Cô Lan chia sẻ: Một trong những chìa khóa để thành công khi làm công tác chủ nhiệm lớp chính là sự khéo léo, thông minh trong ứng xử, nghệ thuật xử lý các tình huống GD hàng ngày.

Liều thuốc thử

Không chỉ phải giải quyết hàng ngày những tình huống sư phạm từ HS, cô Lan còn được “uống thuốc thử” khi đối diện với một số phụ huynh khá khó tính. Trong lớp cô làm chủ nhiệm, khi xảy ra va chạm giữa các HS, bà của một em đã vào lớp dọa nạt HS. Thậm chí khi giáo viên chủ nhiệm can ngăn thì phụ huynhquay sang “tố” giáo viên giao nhiều bài tập cho HS, làm các em bức xúc… Rồi phụ huynh này tiếp tục đổ lỗi cho GVCN không giải quyết được tình huống bảo vệ HS…

Ngẫm lại lời răn của người xưa: “Cơm sôi nên rút bớt lửa”; cô Lan sắp xếp thời gian gặp gỡ ban phụ huynh, tìm đầu mối căng thẳng trong tâm lý phụ huynh của lớp…. Nhưng quan trọng nhất, cô nhận ra là phải chinh phục niềm tin và tình cảm của các con trong lớp, để xoa dịu những bất bình, căng thẳng của bố mẹ chúng. “Ngoài việc dạy dỗ, tôi quan tâm, chia sẻ, động viên các con nhiều hơn, tìm cách gắn kết các nhóm đã chia bè phái”, cô Lan kể.

Ảnh: Minh họa 

Sau thành công từ tình huống sư phạm trên, theo cô Lan, đôi khi để xử lý những tình huống “nước sôi lửa bỏng” GVCN phải cần sự kiên trì, nhẫn nại, thậm chí nhận thiệt thòi về mình để tìm ra phương hướng, giải quyết sao cho thấu tình đạt lý. “Nghệ thuật chuyển hóa cảm xúc, nghệ thuật giải quyết tình huống dựa trên nguyên tắc giá trị tôn trọng và bình an sẽ giúp ta thành công hơn trong công việc của một GVCN”, cô Lan đúc rút.

Còn cô Đỗ Thị Kim Ngân (GVCN tiểu học) thì khó diễn tả cảm xúc khi lớp cô chủ nhiệm “nổi tiếng cả trường” về những mâu thuẫn giữa các phụ huynh HS. Đỉnh điểm cha mẹ HS trong lớp xúc phạm nhau, định đánh nhau ngay trong buổi họp phụ huynh, chỉ vì “bênh con” từ va chạm của HS ở trên lớp. Sợ và cũng giận phụ huynh, nhưng theo cô Lan nếu trong buổi họp phụ huynh như vậy, GVCN cũng nổi nóng thì khác nào đổ thêm dầu vào lửa, hay nếu run sợ liệu sự việc có giải quyết êm xuôi được không? Cuối cùng bằng sự bình tĩnh, chủ động, kiên trì tiếp xúc và thuyết phục, cô Ngân đã giải quyết được những xung đột của phụ huynh. “Bằng cả sự chân thành GVCN sẽ “rút được ngòi nổ” một cách nhẹ nhàng nhất”, cô Ngân rút ra bài học về công việc của GVCN.

  • Những dòng cảm nhận về tình yêu thương từ GVCN của một HS ở Hà Nội

Một chút buông xuôi là “trôi” một số phận

Cô Phương Diệp (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho rằng: “Trong trường học, vai trò của GVCN là vô cùng quan trọng. Đó là người kết nối giữa các đối tượng trong trường học, là người hiện thực hóa nhiều chủ trương GD của nhà trường, người gần gũi với HS nhất và thường cũng là người gắn bó được HS, ghi nhớ lâu nhất trong hành trình trưởng thành của các em. Với vai trò như vậy công tác chủ nhiệm đòi hỏi người GV nhiều kĩ năng nghiệp vụ và trình độ chuyên môn vững vàng”.

Với cô Diệp, những tình huống sư phạm từng gặp khiến cô càng thấm thía hơn điều ấy, để rồi chính cô lại biết ơn HS của mình - những người đã giúp GV động lực để hiểu biết và hoàn thiện bản thân mình.

Ảnh: Minh họa 

Từng đối diện với một HS nữ có biểu hiện đồng tính, hay cố tình đụng chạm các bạn nữ trong lớp, ngay bản thân cô Diệp ban đầu cảm thấy không “chấp nhận được”. Cô thừa nhận, dù là GVCN có kinh nghiệm, nhưng các hiểu biết về người đồng tính của cô khá hạn hẹp. Trong khi đó, HS trong lớp bắt đầu xì xào về nữ sinh “đặc biệt” này. Tôi tìm kiếm các nguồn tài liệu để đọc về người đồng tính. Tôi tham gia các diễn đàn để biết người ta đánh giá thế nào, đang có phong trào đấu tranh gì cho người đồng tính. Tôi gửi email cho hầu hết các bạn của tôi đang học tập hoặc làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu xem ở nước ngoài họ quan niệm thế nào?” - Cô Diệp nói.

Đọc tâm sự của những người đồng tính khi họ không được sống thật là mình phải chịu những áp lực từ chính gia đình và người thân, cô Diệp biết đến những người đồng tính thành công trên thế giới. Từ góc nhìn được mở rộng đó, GVCN này đã hiểu học trò của mình hơn, thông cảm hơn.

Các buổi sinh hoạt chuyên đề với các hình thức hấp dẫn và gần gũi được GVCN này lồng ghép vào các chủ đề liên quan đến tình huống của nữ sinh “đặc biệt” một cách tiết chế, để các HS THPT có những kiến thức và hiểu biết khoa học. Bên cạnh đó, bồi đắp cho các HS tinh thần tôn trọng sự khác biệt, không kì thị thành kiến thông qua các bài học, hoạt động tập thể.

Cô Diệp cũng dày công tiếp cận với phụ huynh của nữ sinh “đặc biệt”, chia sẻ và khơi gợi để mẹ của nữ sinh chấp nhận sự thật về con mình, cùng GVCN giúp con vượt qua những khó khăn phải đối diện.

-Theo Giáo dục Thời đại -