Trang chủ ›
Tin tức nhà trường ›
Câu lạc bộ Cựu Chiến binh - Cựu Học sinh trường Lê Hồng Phong tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Câu lạc bộ Cựu Chiến binh - Cựu Học sinh trường Lê Hồng Phong tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
02/08/2022Ngày 24/7/2022 Câu lạc bộ CCB - CHS trường Lê Hồng Phong tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày TBLS tại NTLS thành phố Nam Định và Nhà khách Biên Phòng. Fanpage xin trân trọng chia sẻ lại một số hình ảnh trong buổi Lễ kỷ niệm cùng bài viết vô cùng xúc động của CHS Loan Hồng (CHS lớp 10A khóa 1976-1979)
“LÊ HỒNG PHONG - mái trường bình dị trên mảnh đất Thành Nam, là niềm kiêu hãnh, tự hào của bao thế hệ học trò suốt 100 năm qua. Từ cái nôi yêu thương này, bao lớp người đã trưởng thành, cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ mái trường này, trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lớp thanh niên đã xếp lại giấy báo nhập trường Đại học, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Có những người viết đơn bằng máu từ trái tim mình, để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ở trường, họ là những học trò ưu tú, ra chiến trường họ là những người lính quả cảm, để làm nên đại thắng 30/4/1975, non sông thu về một mối.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, có những điều đã lui vào dĩ vãng. Nhưng lịch sử vẫn nhắc ta: không được quên quá khứ, không được quên các anh, những con người đã làm nên “thiên sử vàng” cho đất nước. Để tên tuổi các anh mãi mãi trường tồn cùng sông núi. Để các thế hệ sau này hiểu được giá trị của những ngày họ đang sống. Câu lạc bộ CCB – CHS trường Lê Hồng Phong ra đời nhằm gắn kết những thế hệ học sinh trường Lê Hồng Phong đã từng một thời mặc áo lính, để tìm lại các anh, những người ra đi từ mái trường này và mãi mãi không trở về. Từ ngày thành lập với 17 hội viên, sau 7 năm hoạt động, hiện nay, số hội viên của CLB CCB – HS trường LHP NĐ đã lên đến trên 100 người ở khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Bảy năm qua, không thể kể hết những chuyến đi, bắt đầu tìm đến từng gia đình liệt sỹ. Khi câu hỏi đầu tiên: “Có đúng là liệt sỹ nhà mình đã học ở trường Lê không?” Dù đã được bạn bè cùng khóa hoặc những luồng thông tin khác xác nhận nhưng khi gia đình khẳng định chính xác thì cũng là lúc niềm vui như vỡ òa trong mỗi chúng tôi. Đứng trước di ảnh liệt sỹ, chúng tôi như thấy ánh mắt lấp lánh của các anh sau làn khói hương mờ ảo. Những chuyến đi đến từng nghĩa trang, tìm từng bia mộ thắp hương cho các anh. Những chuyến đi tặng quà nhân dịp 27/7, 30/4, 22/12 đầy ắp kỉ niệm. Và không hiểu sao, chúng tôi đều có cảm giác, trong mỗi chuyến đi đều có các liệt sĩ đồng hành, dõi theo. Và thử thách. Để có thể kể đến 1001 chuyện về những chuyến đi tri ân liệt sỹ. Rồi lặng thầm, cần mẫn trên từng trang sách, chúng tôi đã xuất bản cuốn Kỉ yếu Một thời để nhớ - Hoài niệm về những người lính-học sinh trường Lê Hồng Phong Nam Định với đầy đủ những thông tin, những bài viết về những liệt sỹ, những người lính trường Lê một thời mặc áo lính. Năm 2019 từ ngày 12/7 đến ngày 13/7, CLB đã tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ là học sinh trường LHP, với sự tham gia đông đảo của các phật tử, các thành viên CLB và thân nhân các liệt sĩ tại chùa Đống Cao, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, do Đại đức Thích Quảng Thắng làm chủ lễ. Những viêc làm này tạo nên “cầu nối tâm linh” giữa những người bạn hữu một thuở vừa giúp CLB thêm sức mạnh gắn kết những tấm lòng Lê Hồng Phong từ muôn nơi.
Trong lễ kỉ niệm có sự tham gia của gần 100 thân nhân gia đình liệt sỹ trong tổng số 141 gia đình. Họ về đây đều mang theo những tình cảm biết ơn, trân trọng, cảm phục. Lời phát biểu của chị Bích Ngọc, chị gái của liệt sỹ Phạm Văn Tư khóa 69/72 trong rưng rưng nghẹn ngào đã nói giùm tâm tư của tất cả các thân nhân liệt sỹ trường Lê: “Tôi tin hôm nay các liệt sỹ cũng về đây, ấm lòng trong tình cảm sâu nặng mà bạn bè, thân nhân, các vị đại biểu dành cho các anh. Tôi cảm nhận buổi lễ này chúng ta tổ chức là cho các anh, cho những người con ưu tú đã gác bút nghiên cầm súng bảo vệ Tổ quốc và đã dâng trọn cuộc đời cho non sông đất nước. Các liệt sỹ thanh thản, ấm lòng, còn chúng ta cũng bồi đắp cho chính mình lòng tri ân các anh, càng quý trọng cuộc sống tự do độc lập hôm nay. Và cũng là để con cháu chúng ta học tập được truyền thống cách mạng của cha ông, học tập được đạo lý uống nước nhớ nguồn. Có được những hoạt động tình nghĩa cho các Liệt sỹ như buổi lễ kỷ niệm hôm nay, cùng những hoạt động nghĩa tình khác, đó là nhờ tấm lòng, nhờ công lao của các anh các chị CLB CCB CHS trường LHP. Những năm qua các anh các chị đã làm được rất nhiều điều khiến chúng tôi khâm phục và biết ơn. Từ tìm kiếm thông tin sau đó đi đến từng nhà của 141 liệt sỹ đã là cả hành trình với bao công sức, vượt qua bao khó khăn khi thông tin không chính xác hoặc gia đình đã chuyển đi..., trên địa bàn rộng của cả tỉnh Nam Định, Hà Nam. Rồi những lần tổ chức đi đến các nghĩa trang thắp hương cho liệt sỹ, đến các gia đình tặng quà và rất nhiều hoạt động nghĩa tình khác. Đó là sự chia sẻ, là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với các gia đình Liệt sỹ. Các anh chị trong CLB đã làm được những việc mà khó có nơi nào làm được bằng tất cả tấm lòng, trái tim của mình vì các Liệt sỹ trường Lê.” Rồi từng thân nhân liệt sỹ bước lên sân khấu, đón nhận món quà CLB trao tặng chứa đựng tình cảm cũng như sự tri ân của tất cả các Hội viên CLB CCB-CHS đối với các liệt sỹ và gia đình của họ.
Những người tham dự buổi lễ rưng rưng trong niềm xúc động trong điểm nhấn của lễ kỉ niệm khi chứng kiến sự chuyển giao những kỉ vật của liệt sỹ do các thân nhân trao cho chị Nguyễn Thị Tuyết- Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, 141 học sinh trường LHP hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, họ đã “để lại dáng đứng Việt Nam. Tạc vào thế kỉ.” Họ để lại đằng sau những ước mơ dang dở về một giảng đường, một khát vọng cho đất nước hòa bình…họ để lại những cuốn sách dang dở, cuốn sổ ghi lưu bút, những lá thư tươi nguyên màu mực. Để bây giờ, những vật đơn sơ ấy đã trở thành kỉ vật vô giá. Và những kỉ vật đó cần phải được lưu giữ, bảo quản để mãi mãi các thế hệ đời sau hiểu được một phần nào những trang sử vẻ vang của dân tộc, hiểu được giá trị những ngày họ đang sống. Những kỉ vật đó sẽ mãi mãi cùng thời gian, ca bài ca về một thời oanh liệt, ca bài ca giữ nước.
Buổi lễ kết thúc trong niềm xúc động, nghẹn ngào. Máu vẫn mặn trong lòng đất Mẹ dù chiến tranh đã lùi xa. Bao người lính ra đi từ mái trường Lê Hồng Phong không trở về? Bởi “Tên anh đã thành tên đất nước” cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Họ vẫn mãi mãi ở tuổi 17-18, mãi mãi tuổi hai mươi, mãi mãi bất tử trong trái tim mọi người.“Mãi mãi lòng chúng ta là bài ca người lính.” Bài ca ấy vang lên như khúc quân hành nâng bước chân các anh vượt mọi hiểm nguy, giành chiến thắng và ngày hôm nay, bài ca ấy vẫn vang lên trong trái tim những người đang sống để nhớ về các anh, tìm lại các anh, đưa các anh về với mái trường xưa. Để các anh gặp lại bạn bè, thày cô, được ngắt một chùm phượng vĩ, đặt vào trang sách, thay cho lời chưa nói năm xưa. Hãy về đây nghe anh. Để thấy dù bất cứ ở khoá học nào, cương vị công tác nào, tất cả đều là anh em, đều trưởng thành từ mái nhà LÊ HỒNG PHONG. Hãy về đây nghe anh để thấy những người còn sống viết tiếp bản trường ca Lê Hồng Phong. Trường ca về những con người được tôi luyện dưới mái trường có bề dày lịch sử, có truyền thống hiếu học, trọng thày để họ là những bông hoa BẤT TỬ của đất nước."
-Loan Hồng-
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024