Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Chương trình Cất Cánh tháng 7/2021: 500 ngày sống khác

Chương trình Cất Cánh tháng 7/2021: 500 ngày sống khác

19/07/2021

Chương trình Cất Cánh với chủ đề “500 ngày sống khác” đã được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối 17/7/2021. Cô giáo Mai Thị Tuyết Hạnh, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, Cựu học sinh khoá 2000-2003 tham dự với tư cách là một diễn giả của chương trình; BTV Hồng Định, cựu học sinh chuyên Pháp khoá 1995-1998 chịu trách nhiệm về kịch bản.

Từ thời điểm ca nhiễm Covid đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 1 năm 2020, Việt Nam đã có hơn 500 ngày sống cùng với đại dịch. Cuộc sống yên bình đã bị đảo lộn bởi đại dịch hoành hành, những buổi đến trường của các em học sinh tạm dừng; dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ mất việc, mất cơ hội để làm những công việc yêu thích, nền kinh tế bị ngừng trệ… Nhưng bên cạnh những mặt tiêu cực mà Covid bủa vây, những ngày buộc phải sống khác đã “dạy” cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa về sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, từ đó biết chấp nhận thực tế, luôn có tâm thế sẵn sàng để đối diện và vượt lên trên nghịch cảnh, biết làm chủ cuộc sống của chính mình và lan toả những điều tích cực đến cộng đồng. Đó chính là thông điệp mà chương trình Cất cánh tháng 7 với chủ đề “500 ngày sống khác” đã gửi đến khán giả truyền hình cả nước trên VTV1 tối 17/7/2021.

Nội dung chương trình là câu chuyện của những khách mời ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ về việc họ đã chuyển biến để thích nghi, để phát triển bản thân theo hướng tích cực nhất.
- Khách mời bình luận: TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
- Diễn giả: David Trần, Giáo sư hàng đầu ngành Khoa học Máy tính - Đại học Massachusetts; cô giáo Mai Thị Tuyết Hạnh, Tổ trưởng tổ Địa lý, Lãnh đội học sinh giỏi Quốc gia, trường THPT chuyên  Lê Hồng Phong, Nam Định; Nghệ sỹ Tùng Dương.

Trên đường băng Cất cánh, cũng là diễn giả đầu tiên tham dự chương trình, cô Mai Thị Tuyết Hạnh, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã chia sẻ về những trải nghiệm của chính mình, về hành trình vượt qua những thử thách trong dạy và học online:
1, Thử thách mang tên học và kiểm tra online
Về tâm thế của học sinh: Trong những tiết học online đầu tiên khi thực hiện lệnh giãn cách năm 2020, các em học sinh đã tham dự buổi học với trang phục tự do và gương mặt ngái ngủ, vừa học vừa tranh thủ uống sữa do chưa kịp ăn sáng hoặc đầu tóc còn rối bù. Các tiết học sau, mọi thứ có chiều hướng phức tạp hơn: ảnh đại diện của học sinh vẫn là hình chú mèo, chú cún… Đáng sợ nhất là việc giáo viên ngồi đối diện với màn hình, hàng loạt những hình chữ nhật đen kịt, độc thoại vì nhiều câu hỏi đặt ra không chỉ đích danh sẽ rơi vào im lặng với các lí do: không có camera, hỏng mic, mạng chậm, mất điện…
Về phía giáo viên: không thể mang giáo án trên lớp đã soạn để dạy online, không thể biến kiến thức từ bảng vào slide trình chiếu nên việc chuẩn bị tài liệu trước cho các em nghiên cứu, việc tổ chức các hoạt động học trong thời gian ngắn thực sự khiến không ít giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Về kiểm tra, đánh giá: do không làm bài trực tiếp mà phải sử dụng các phần mềm hỗ trợ kiểm tra trực tuyến nên giáo viên “căng não” để đảm bảo sự công bằng và nghiêm túc, đòi hỏi người dạy phải có hệ thống câu hỏi theo hướng khác, những bài tập đòi hỏi sự vận dụng, sáng tạo chứ không phải là trình bày lại những vấn đề đã được học…


 
2, Học online giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều giá trị
Những khó khăn đó cũng là động lực để cô Hạnh nói riêng và nhiều giáo viên nói chung phải thay đổi khi dạy học online để ứng phó với đại dịch. Đó là phải áp dụng công nghệ, thay đổi phương pháp giảng dạy trong cách đặt câu hỏi tương tác, quản lý học sinh, trong kiểm tra đánh giá… Giáo viên đã phải chạy đua với thời gian để xây dựng những bài giảng điện tử hỗ trợ cho học sinh lớp 12 ôn thi Tốt nghiệp THPT. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, học sinh được trở lại trường, nhờ đợt học online, nhiều tài liệu được lưu lại, việc ôn tập dễ dàng hơn và việc kết nối của cô trò cũng đa dạng hơn so với trước đây. Mùa dịch 2021 lại tiếp diễn, nhưng việc học online đã được bắt nhịp rất nhanh, mọi thứ đều đi vào quy củ. Các em học sinh cũng đã phần nào nhận ra được giá trị của bình yên trong cuộc sống. Do đã thích nghi nên những điều phiền hà của năm học trước ít dần, khi mọi thứ còn đang rất khó khăn thì cô trò cũng dễ dàng tha thứ và chấp nhận nhau hơn. Có một kỉ niệm mà cô Hạnh đã chia sẻ: trong một lần dạy học khi máy tính bị lỗi, không thể kết nối âm thanh trực tiếp. Thay vì lo lắng, thật bất ngờ, các em học sinh đã rất tự giác, thay nhau chữa các câu hỏi. Cô chợt nhận ra, học trò của mình rất nhanh nhạy, hoàn toàn có thể làm chủ, nếu mình tin tưởng các em…

Những câu chuyện mà cô Hạnh chia sẻ tại chương trình Cất Cánh là một trong muôn vàn trải nghiệm của hàng triệu các giáo viên, học sinh trên toàn quốc nói chung và thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định nói riêng. Dù đại dịch đã, đang và vẫn diễn ra, nhưng ngành giáo dục nước nhà vẫn không ngừng cố gắng để các em học sinh không bị bỏ lại phía sau, “ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Hàng triệu giáo viên vẫn bền bỉ, thầm lặng để không ngừng nghỉ trong hành trình vượt lên trên khó khăn thử thách, để đồng hành với học sinh trên con đường tri thức.


 
Cùng với các diễn giả khác của chương trình và lời chia sẻ của khách mời bình luận và những tương tác của người xem truyền hình, chương trình Cất cánh tháng 7/2021 với chủ đề “500 ngày sống khác” thực sự đã truyền cảm hứng, mang đến cho khán giả truyền hình niềm tin về đất nước, con người Việt Nam sẽ luôn kiên cường “chống dịch như chống giặc”; ngành giáo dục sẽ nỗ lực vượt qua những thử thách trong đại dịch Covid. Và thầy trò trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định sẽ luôn sẵn sàng để “cất cánh” trên mọi đường băng hướng về phía trước…