Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Dạy lịch sử ở bảo tàng

Dạy lịch sử ở bảo tàng

26/02/2016

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, từ năm 2016, tỉnh này sẽ đưa nội dung giáo dục lịch sử quê hương Nam Định vào chương trình giảng dạy thường xuyên hàng năm.

Tại một buổi học lịch sử của học sinh khối lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, các em đã rất say mê với hình thức học này. Cô Bùi Thị Hương Mơ, giáo viên dạy sử của nhà trường cho biết: “Học sinh của chúng tôi rất hào hứng khi nghe chuyện, học lịch sử quê hương từ chính những hiện vật rất cụ thể ở bảo tàng. Đối với giáo viên chúng tôi, không phải ai cũng hiểu rõ lịch sử 14 vị vua triều Trần, nguồn gốc của tháp Phổ Minh, cột cờ Nam Định, chùa Vọng Cung, bởi vậy, đây cũng là những bài học rất bổ ích”.
Em Lê Thị Hoa, học sinh lớp 10A1 Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: “Năm 2014, nhờ được dự một buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, em được bạn bè tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc tại Nam Định “tròn mắt” nể phục khi đọc vanh vách các điển tích về đền Trần, Phủ Dày và một số danh lam thắng cảnh của tỉnh, khi đưa họ đi tham quan. Em nghĩ yêu lịch sử chính là tôn trọng quá khứ của mình", Lê Thị Hoa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, từ năm 2016, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh ký kết phối hợp kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh. Theo đó, bảo tàng và các trường học sẽ tổ chức các giờ, các buổi học theo cách đưa học sinh đến bảo tàng hoặc các di tích, danh thắng để học sinh tiếp cận với kiến thức lịch sử bằng hình ảnh, di vật thực tế. “Nam Định là địa phương có một hệ thống dày đặc các thiết chế, di sản văn hóa. Chúng tôi tin rằng cách dạy lịch sử như vậy sẽ là con đường ngắn và hữu hiệu nhất để giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, ý thức trách nhiệm của công dân cho các em học sinh”, ông Thư nói.
Cũng theo ông Thư, bên cạnh việc học lịch sử bằng hình thức trên, các em học sinh còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem trình diễn một số loại hình văn hóa phi vật thể, trực tiếp trải nghiệm, khám phá nhiều kiến thức, thông tin bổ ích thông qua các tiết học, cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương và tham quan hệ thống bảo tàng, tìm hiểu về các di sản văn hóa. “Qua thử nghiệm, 100% học sinh đều rất hứng thú với cách học này. Chúng tôi hy vọng đây là cách dạy mới để học sinh tìm thấy sự say mê với lịch sử của quê hương Nam Định nói riêng và với môn lịch sử nói chung”, ông Thư nói.

Hoàng Long