Nếu đến ngày 8/3/1899 trên đất nước Mỹ nữ giới mới đứng lên đấu tranh giành quyền lợi cho mình và đến 1910 tại Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”. Thì trên đất nước Việt Nam nhỏ bé này người phụ nữ đã khẳng định mình, được tôn vinh, trân trọng từ ngay “buổi bình minh” của lịch sử dân tộc Việt, họ đã có vai trò to lớn cho quá trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, có người ai ai cũng biết, có những người đóng góp thầm lặng, nhưng họ đã tạo nên mùa Xuân của mỗi gia đình và dân tộc. Nhân ngày này, chúng ta cùng tìm hiểu về một số nhân vật tiêu biểu:
Vào tháng 2 năm Canh Tý (năm 40) cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổ ra và giành thắng lợi, đây là 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cũng một sự trùng hợp rất ý nghĩa ngày kỷ niệm khởi nghĩa của Hai bà cũng trùng vào ngày 8/3. Khí tiết của 2 Bà thể hiện rõ qua bài thơ
“Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.”
(Thiên Nam ngữ lục, áng sử ca dân gian thế kỉ XVII)
Hai Bà Trưng (Ảnh sưu tầm)
Bên cạnh các gương liệt nữ khác, người Việt Nam qua nhiều thời đại luôn nhắc đến Bà Triệu. Năm 248 Bà và anh trai Triệu Quốc Đạt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Ngô. Mỗi khi ra trận, Bà thường cưỡi voi, đi guốc ngà, mặc áo giáp vàng, chít khǎn vàng. Ca dao có câu:
“Có coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi bành vàng.”
đã vẽ lên hình ảnh oai hùng của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh khi bà ra trận. Bà đã đánh cho quân Ngô nhiều trận thất điên bát đảo.
Bà Triệu (Ảnh sưu tầm)
Thái hậu Dương Vân Nga – người đặt lợi ích gia đình dưới lợi ích quốc gia qua việc chuyển giao quyền lực thuận lòng dân, nêu cao ý chí quật cường trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Cuộc đời và những quyết định trọng đại của Thái hậu Dương Vân Nga mãi luôn là câu chuyện gây tranh cãi trong suốt ngàn năm qua. Có người bênh vực, có kẻ chê bai. Nhưng đúng sai thế nào thì Thái hậu vẫn luôn là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Việt Nam.
Tượng Thái Hậu Dương Vân Nga được đặt trong đền thờ vua Lê Đại Hành (Ảnh sưu tầm)
Nguyên phi Ỷ Lan hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh, tài năng trị nước của bà được sử gia khen ngợi và tán dương. Câu chuyện tiêu biểu là vào tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Nguyên phi. Ra trận, Thánh Tông đánh mãi không được, bèn lui binh. Khi đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên) thì nghe tin Nguyên phi làm rất tốt việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm. Thánh Tông nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!" Bèn quay lại đánh tiếp, bắt được vua nước Chiêm Thành là Chế Củ và 5 vạn người.
Tượng Nguyên phi Ỷ Lan trước cụm di tích Đền Nguyên phi Ỷ Lan, Chùa Bà Tấm tại Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội. (Ảnh sưu tầm)
Giám thương công chúa (Công chúa coi kho), tên bà là Nguyễn Thị Trinh là con gái của quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng, giữ trọng trách trông coi kho lương, về sau cả vũ khí của Thành Nam. Đầu tháng 12/1873, quân Pháp chia quân hai đường tấn công thành Nam Định. Nguyễn Kế Hưng được lệnh đem quân trấn giữ Kỳ đài (Cột cờ Nam Định), giao cho con gái canh giữ kho quân lương. Lúc quân Pháp tấn công Kỳ đài, Bà liền dẫn quân đến trợ chiến. Khi đến nơi thì cha đã tử thương, bà cùng với các binh lính còn lại tiếp tục chống cự đến cùng và tử trận khi mới ngoài 20 tuổi. Ngày 11/12/1873 người dân tìm thấy thi thể bà, đem chôn cất tại phía đông Kỳ đài cùng các tướng sĩ. Ngày 15/3/1874, sau khi Pháp rút quân, vua Tự Đức đã phong tặng bà là Giám thương công chúa, cho lập đền thờ bà ngay dưới chân Kỳ đài. Năm 1891, vua Thành Thái gia phong thêm mỹ tự Tiết liệt anh phong. Sau khi mất, nữ tướng Nguyễn Thị Trinh được dân chúng tôn thờ làm Bà chúa Kho, Bà chúa Cột cờ, Bà chúa Bản cảnh, Thành hoàng đương cảnh. Ngoài ngôi đền thờ dưới chân Cột Cờ, Nguyễn Thị Trinh còn được thờ ở đền Nguyên Thương (phố Hàng Sắt, phường Nguyễn Du, Nam Định), đền Bồng Lai (đường Trần Hưng Đạo, phường Bà Triệu). Nguyễn Thị Trinh được đặt tên cho một con đường ở thành phố Nam Định, nằm trong Khu tái định cư Đông Đông Mạc.
Cột cờ Nam Định, nơi thờ Giám Thương Công chúa. (Ảnh sưu tầm)
Nguyễn Thị Minh Khai (là vợ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong)- nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường, năm 16 tuổi bà đã dấn thân vào con đường cách mạng. Cuối năm 1934, Minh Khai cùng Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Non là đại biểu chính thức được cử đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 tại Mát-xcơ-va. Ngày 16/8/1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, người phụ nữ Việt Nam 24 tuổi dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình.
Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn Pháp bắt. Tuy bị giam hãm trong nhà tù và bị tra tấn dã man nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 23/11/1940 cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, toà án thực dân đã kết án tử hình Bà. Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi, sáng 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Hóc Môn. Chị ngã xuống khi mới 31 tuổi.
Chị luôn là hình mẫu cho các thế hệ con em Việt Nam phấn đấu, noi theo.
Nguyễn Thị Định, Bà là người trực tiếp tham gia chỉ đạo giành chính quyền ở thị xã Bến Tre trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; Là thuyền trưởng đầu tiên đưa vũ khí về chiến trường miền Nam trên những con tầu “không số”; đặc biệt, bà là người tổ chức và chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Câu nói của Bác đã nói lên tầm vóc của một “Nữ tướng của đội quân tóc dài”.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh sưu tầm)
Nguyễn Thị Bình - Ngày 27/1/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris - là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Trong cuộc hội đàm này, Bà là một trong những nhân vật chủ chốt, Bà đã có các sách lược khôn ngoan và biết chớp thời cơ để giành lợi thế trên bàn đàm phán. Một vị đứng đầu đoàn ngoại giao Mỹ từng nói: “Tôi ngại đối mặt bà Bình” - câu nói đã toát lên trí tuệ và tầm cỡ một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ này.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Người ngồi giữa cầm bút ký. (Ảnh sưu tầm)
Chị Võ Thị Sáu – biểu tượng của anh hùng cách mạng. Xin dùng 1 đoạn bài thơ “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” để khắc họa hình ảnh bất khuất, oai hùng của chị
“Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đoá hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát.”
Ảnh chị Võ Thị Sáu. (Ảnh sưu tầm)
Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, trên mảnh đất Thành Nam có một ngôi trường trăm tuổi Thành Chung xưa và Chuyên Lê Hồng Phong nay, với những thành tích trong sự nghiệp trồng người, đào tạo ra các nhân tài cho quê hương, đất nước của mình, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nữ của nhà trường đã, đang đóng vai trò to lớn - điều đó thể hiện qua số lượng nữ đông đảo, nhiều người giữ vai trò quản lý, phụ trách các đội tuyển và hiện tại hiệu trưởng là Tiến sĩ Phạm Thị Huệ - nữ Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.
Tập thể nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Đến đây, cá nhân tôi và bất cứ ai cũng không thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ xưa và trong thời hiện đại: Họ vừa người vợ, người mẹ trong gia đình, họ sinh ra và nuôi dưỡng những đứa con thành người, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước.
Với đất trời mùa Xuân là mùa của sự “đâm chồi, nảy lộc”, thì người phụ nữ luôn là mùa Xuân trong một quốc gia và gia đình – họ sẽ luôn là điểm tựa cho sự ổn định, phát triển và hạnh phúc.
Nhân ngày 8/3, một lần nữa thay mặt một nửa của thế giới chúc các bà, các mẹ, các chị lời chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công!
-----Trần Công Hưng-----