Đổi mới cấu trúc giáo án giúp dạy Lịch sử hấp dẫn
22/10/2015GD&TĐ - Đổi mới cấu trúc giáo án, giúp học sinh phương pháp ghi nhớ các sự kiện lịch sử là hai trong nhiều biện pháp được cô Trần Thị Kim Oanh - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - áp dụng, khiến giờ dạy Lịch sử trở lên hấp dẫn.
Cô Trần Thị Kim Oanh cho biết, theo quan niệm cũ, giáo án phải đầy đủ, đảm bảo các bước lên lớp theo trình tự: Ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới, củng cố bài, dặn dò học sinh và ra bài tập.
Quan niệm hiện nay, cấu trúc giáo án không nhất thiết phải tuân thủ trình tự 5 bước như trên mà tùy vào điều kiện cụ thể về đối tượng học sinh, cơ sở vật chất, nội dung bài học mà vận dụng các bước lên lớp sao cho linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, không cứng nhắc, máy móc; căn cứ vào từng đối tượng học sinh để có giáo án phù hợp (khối chuyên, cận chuyên, cơ bản)
Theo cô Oanh, giáo án đổi mới phải là giáo án có tính "mở". Trong đó giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn học sinh tìm tòi nghiên cứu. Giáo án căn cứ vào mục tiêu về kiến thức, tư tưởng tình cảm và phát triển các kĩ năng cho học sinh.
Câu hỏi chuẩn bị phải có tính cơ bản và tính nâng cao, ngoài những câu hỏi "Như thế nào?", cần thiết đưa vào nhiều câu hỏi "Vì sao ?"; đồng thời, lựa chọn đối tượng học sinh để hỏi, tạo cho các em có sự tự tin khi phát biểu xây dựng bài học. Căn cứ vào nội dung, mục tiêu bài học cần đạt được để chuẩn bị đồ dùng trực quan.
Hướng dẫn học sinh phương pháp ghi nhớ sự kiện lịch sử
Ở trường phổ thông, kiến thức cơ bản của một số môn có thể được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình dạy học. Ví dụ các công thức, các định lý cơ bản trong toán học…
Nhưng, theo cô Oanh, trong môn Lịch sử, sự kiện, hiện tượng và các các khái niệm lịch sử thường giảng một lần không còn lặp lại nữa. Vì vậy, để học sinh dễ ghi nhớ kiến thức lịch sử, giáo viên có hướng dẫn học sinh một số biện pháp sau:
Ghi nhớ thời gian xảy ra sự kiện lịch sử: Mỗi bài, mỗi chương, mỗi khóa trình đều có những sự kiện gắn với thời gian nhất định. Cần dạy học sinh có khả năng ghi nhớ logic, biết tìm ra điểm tựa để nhớ, lập dàn ý, lập bảng hệ thống hóa…;
Hướng dẫn học sinh ghi nhớ các nhân vật lịch sử: Thông thường có hai cách là lấy người để nói việc hoặc lấy việc để nói người;
Hướng dẫn học sinh học theo cách lập sơ đồ tia, để nhớ nhanh, nhớ lâu mà không thiếu kiến thức.
Tiếp tục sử dụng hiệu quả cách dạy học truyền thống
Cô Oanh cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học không phải là tạo ra một phương pháp khác với cái cũ, để loại trừ cái cũ, mà trên cơ sở kế thừa cái cũ, phát triển cái mới tiến bộ hơn.
Trong dạy học nói chung và dạy học môn Lịch sử nói riêng, lời nói giữ vai trò chủ đạo. Với ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, giàu hình ảnh, giáo viên sẽ dẫn dắt học sinh trở về với quá khứ lịch sử.
Tuy nhiên, để sử dụng phương pháp trình bày miệng có hiệu quả, cô Oanh cho biết mình thường sử dụng kèm theo các đồ dùng trực quan bộ môn, đoạn trích trong các tài liệu tham khảo, thơ văn, các câu chuyện để gây hứng thú cho học sinh.
Lợi thế từ hệ thống câu hỏi tích cực
Sử dụng câu hỏi trong dạy học nói chung, dạy học Lịch sử nói riêng là một trong những biện pháp quan trọng, rất có ưu thế để phát triển tư duy học sinh.
Vì vậy, khi tổ chức dạy học, cô Oanh thường sử dụng các dạng câu hỏi nêu vấn đề; xác định mối liên hệ giữa câu hỏi với các sự kiện, hiện tượng lịch sử; sử dụng câu hỏi đối chiếu, so sánh giữa sự kiện, hiện tượng lịch sử này với sự kiện hiện tượng lịch sử khác cùng loại...
Với câu hỏi nêu vấn đề, theo chia sẻ của cô Oanh, trước hết giáo viên cần dẫn dắt học sinh vào tình huống có vấn đề. Sau đó, nêu vấn đề một cách rõ ràng bằng một câu hỏi có tính chất bài tập nhận thức. Cuối cùng, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở để giúp học sinh tự giác, tích cực giải quyết vấn đề từng bước, từng phần.
Xác định mối liên hệ giữa câu hỏi với các sự kiện, hiện tượng lịch sử có tác dụng lớn đối với việc phát triển tư duy học sinh. Do đó, khi giảng dạy cô Oanh cho biết mình đã triệt để sử dụng dạng câu hỏi trên vào những bài phù hợp.
Cụ thể, dựa trên những kiến thức đã có, giáo viên yêu cầu học sinh lập mối liện hệ giữa các câu hỏi và sự kiện lịch sử. Từ đó học sinh tìm ra được câu trả lời, hiểu bài nhanh, nhớ lâu.
Đối chiếu, so sánh giữa sự kiện, hiện tượng lịch sử này với sự kiện hiện tượng lịch sử khác cùng loại là loại câu hỏi rất thích hợp với đối tượng là các lớp cận chuyên và chuyên. Ưu điểm của câu hỏi này vừa giúp học sinh củng cố, ôn lại kiến thức cũ, vừa tiếp nhận kiến thức mới.
Để sử dụng câu hỏi cho học sinh có hiệu quả, giáo viên cần ghi nhớ một số nguyên tắc: Câu hỏi, bài tập phải vừa sức, phù hợp với từng đối tượng cụ thể: ban cơ bản, cận chuyên hay chuyên;
Mỗi giờ học nên đưa lượng câu hỏi vừa phải, có hệ thống, có mối liên hệ chặt chẽ làm nổi bật chủ đề, nội dung, tư tưởng của bài.
Sử dụng câu hỏi trong sách giáo khoa kết hợp với câu hỏi được sáng tạo trong quá trình soạn giảng phải đảm bảo tính khoa học, phát huy được tư duy, rèn luyện các kĩ năng học tập cho học sinh.
Sử dụng trao đổi, đàm thoại kết hợp thảo luận, hoạt động nhóm
Trong thực tế giảng dạy bộ môn, phương pháp trao đổi đàm thoại kết hợp với phương pháp thảo luận, hoạt động nhóm giúp tiết học rất sôi nổi, tạo hứng thú cho học sinh.
Tuy nhiên, cô Oanh lưu ý, cần tùy theo yêu cầu nội dung của bài học, đối tượng học sinh mà tổ chức các phương pháp trên cho phù hợp, hiệu quả, chứ không tổ chức theo hình thức, phong trào.
Việc sử dụng phương pháp này rất phù hợp và hiệu quả đối với học sinh lớp chuyên. Ví du, khi dạy xong phần các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa chống ngoại xâm từ thế kỉ X – XV, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm, thảo luận các vấn đề:
Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa chống ngoại xâm từ thế kỉ X – XV;
Phân tích nét độc đáo về nghệ thuật quân sự qua các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa từ thế kỉ X – XV; đánh giá công lao của các anh hùng dân tộc từ thế kỉ X - XV
Khai thác và sử dụng các loại đồ dùng trực quan
Sử dụng đồ dùng trực quan có ý nghĩa rất quan trọng trong dạy học Lịch sử. Có nhiều loại đồ dùng trực quan khác nhau, cách sử dụng và hiệu quả cũng khác nhau, song đều có tác dụng nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo cô Oanh, hiện nay, đồ dùng trực quan trong dạy học lịch sử khá phong phú. Có thể kể đến hệ thống bản đồ, tranh ảnh, mô hình, các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại khác.
Việc thường xuyên khai thác, sử dụng các loại đồ dùng trực quan vào giảng dạy sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng học tập bộ môn.
Hải Bình (ghi)
Báo Giáo dục và Thời đại
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024