Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

02/03/2010

Suốt quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy, trò nhà trường đã không ngừng thay đổi, tự làm mới chính mình nhằm phù hợp với thực tiễn, phục vụ tốt hơn lợi ích của dân tộc. Những thay đổi lớn mang tính cách mạng đến những đổi mới, cải tiến…đã làm lên diện mạo ngôi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay.

Đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập, có lẽ chưa có giai đoạn lịch sử nào mà toàn xã hội lại giành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục như hiện nay. Vai trò của giáo dục trong sự phát triển đã được khẳng định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, là tạo ra nguồn lực chất lượng cao đáp ứng công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Thế hệ các em học sinh bậc THPT hôm nay là lực lượng lao động chính của xã hội vào những năm 20 của thế kỉ này, những năm nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã “cơ bản trở thành nước công nghiệp”, các em sẽ là nhưng “công dân thế giới”, là những người tạo nên sức đột phá đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu.

Nằm trong hệ thống các trường THPT chuyên – Hệ thống chủ lực phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THPT, tạo nguồn cho chiến lược bồi dưỡng nhân tài – trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh Nam Định và cả nước, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tác động đa chiều đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến từng gia đình, từng con người; cơ hội và thách thức đan xen, hệ thống các trường THPT chuyên nói chung và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chúng ta nói riêng giữ vai trò, vị trí nào trong toàn cảnh bức tranh của nền giáo dục nước nhà. Đổi mới để phát triển và hội nhập là hướng đi phù hợp với quy luật tự nhiên, là nhu cầu tất yếu của nhà trường. 

Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư có trọng điểm cho hệ thống các trường chuyên, tạo cơ hội, ưu tiên cho một bộ phận học sinh có năng khiếu được học tập trong điều kiện tốt hơn để vượt lên, tiếp thu thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại tạo sự đột phá về khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước là chủ trương và cách làm phù hợp. Như vậy, mục tiêu của trường THPT chuyên hết sức lớn lao, đây là đơn vị chủ lực tạo ra cơ hội cho những người ưu tú được gánh vác sứ mệnh cao cả của dân tộc. Trong thực tế, nhiều học sinh, phụ huynh quan niệm việc học tập môn chuyên trong trường chuyên để thi học sinh giỏi hay thi đại học. Điều đó không sai, song quan niệm đó đã đánh tráo giữa mục tiêu và giải pháp của nhà trường. Mỗi môn học, nhất là môn chuyên, không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, mà quan trọng hơn thông qua đó, học sinh được tập dượt nghiên cứu, được rèn luyện năng lực tư duy, bản lĩnh, năng lực hợp tác, chịu tải áp lực công việc, được phát triển năng lực tiềm ẩn… Từ đó, các em có được tố chất cần thiết để tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn ở trong nước hay ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mỗi môn chuyên trong nhà trường vừa là đối tượng học tập, vừa là phương tiện hình thành nên phẩm chất của người học. Trong môi trường của trường chuyên, môi trường của sự đa dạng nhưng thống nhất, các em học sinh có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau thông qua giao tiếp và các hoạt động tập thể. Vì vậy, nhà trường còn là môi trường lý tưởng cho các em được rèn luyện kỹ năng sống… Các kỳ thi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quá trình học tập và là cuộc kiểm định, điều chỉnh kết quả giảng dạy của thầy, học tập của trò. Việc đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, vượt qua các kỳ thi đại học sẽ là hệ quả tất yếu của quá trình học tập.

Với quan điểm đó, những năm qua và những năm tiếp theo nhà trường đã và đang tiếp tục đổi mới từ phương thức quản lý; đào tạo đội ngũ; phương pháp dạy – học của thầy, trò; đa dạng hóa các hình thức, các hoạt động giáo dục nhằm phát huy cao nhất năng lực tiềm ẩn trong mỗi thành viên của nhà trường.

Việc lãnh đạo, quản lý các hoạt động của nhà trường đang hướng tới xây dựng một nhà trường dân chủ, thân thiện, môi trường học tập và thi đua lành mạnh. Ở đó, mỗi con người đều làm chủ công việc của mình, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục một các tự giác, tích cực với tình cảm và trách nhiệm cao nhất. Với phương châm “Biến áp lực thành động lực”, lãnh đạo nhà trường vừa là người khởi xướng, phân công, vừa đôn đốc, cổ vũ, động viên cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nhiệm vụ được giao. Mỗi người đều tìm được niềm vui, tình yêu trong công việc. Áp lực công việc trong trường chuyên dần được giải tỏa, thay vào đó là niềm vui với những thành quả đạt được.

Công tác tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ đã có nhiều đổi mới và tiếp tục đổi mới. Các hoạt động chuyên môn tiếp tục được duy trì thường xuyên và hiệu quả, mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn là buổi bồi dưỡng chuyên môn. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng đội ngũ như: tự học; bồi dưỡng thông qua phân công nhiệm vụ; thông qua sinh hoạt tổ, nhóm; thông qua trao đổi, giao lưu với đồng nghiệp trong và ngoài trường; giao lưu trên các diễn đàn; đi học các khóa ngắn hạn, dài hạn về chuyên môn, về quản lý…Trong đó, việc tự bồi dưỡng đóng vai trò quyết định để mỗi cán bộ, giáo viên tự nâng cao trình độ. Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ giáo viên trẻ cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và hướng tới việc giảng dạy được bộ môn của mình bằng ngoại ngữ, có năng lực khai thác và xử lý thông tin từ các nguồn tài liệu.

Nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Tất cả các môn học đều xác định rõ mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, tư duy, phương pháp, bản lĩnh, nhân cách… cho học sinh và cùng hướng tới mục tiêu chung. Mỗi giáo viên là một chuyên gia về tổ chức, tư vấn, dẫn dắt học sinh trong hoạt động học tập. Khơi dậy và thổi cho các em ngọn lửa đam mê khám phá. Dạy cho học sinh phương pháp học tập và bồi dưỡng cho các em năng lực tự học, tự lập kế hoạch, tự đánh giá. Học sinh tập trung rèn luyện “phương pháp học” và “học phương pháp”. Giáo viên không làm thay học sinh những gì mà học sinh có thể làm được. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức dạy – học, các biệt hóa đối tượng, không áp đặt máy móc. Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm sau đánh giá tạo ra môi trường bình đẳng, khách quan cho học sinh có cơ hội tự khẳng định.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, giảng dạy, học tập. khai thác các phương tiện, thiết bị dạy học một các hiệu quả. Hướng tới hoàn thiện việc xây dựng “trường Lê Hồng Phong ảo” trên mạng Internet tạo ra không gian mở để giao lưu, học tập và phát huy tầm ảnh hưởng của nhà trường trên phạm vi rộng lớn hơn.

Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, tin học. Học sinh lớp chuyên, trước mắt là các lớp chuyên tự nhiên, nhất thiết phải đọc được tài liệu môn chuyên bằng tiếng Anh. Hướng tới, sau tốt nghiệp THPT học sinh có đủ vốn ngoại ngữ để giao tiếp, học tập trong môi trường quốc tế.

Coi trọng hơn nữa các hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động hướng nghiệp, tổ chức cho học sinh được giao lưu, tham quan học tập, tham qua các nhà máy, cơ sở sản xuất, tham gia các hoạt động của địa phương… Thông qua các hoạt động, học sinh được bộc lộ năng khiếu, được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình, tổ chức… Tiếp tục tăng cường giáo dục cho học sinh về pháp luật, trách nhiệm công dân, lòng nhân ái, nhân văn và tinh thần quốc tế.

Mở rộng các hoạt động giao lưu, liên kết; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; hướng tới việc liên kết với các cơ sở giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống thống kê và theo dõi sự trưởng thành của các thế hệ học sinh, liên hệ chặt chẽ với các tổ chức cựu giáo chức, cựu học sinh để xây dựng không gian các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong cùng đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng nhà trường.

Nhà trường cụ thể hóa các tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, học sinh, coi trọng công tác tự đánh giá, công tác thi đua, khe thưởng. Tư vấn với các cấp quản lý về quy trình tuyển sinh, tuyển đội ngũ, chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh, xây dựng cơ sở vật chất…

Trước thềm thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, thập kỷ của sự hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức, thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định tin tưởng với sự lãnh đạo và tạo điều kiện thuân lợi của các cấp quản lý, nhà trường sẽ tiếp tục là nơi vun trồng, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những tài năng của quê hương, hướng tới mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc và quốc tế trong giai đoạn mới.

                                                                                      Bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng

                                                                                                    Cao Xuân Hùng