Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Gặp hai học sinh đoạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử

Gặp hai học sinh đoạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử

21/05/2013

Tại kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm học 2012-2013, đội tuyển môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xếp thứ nhất toàn quốc với 7/8 em dự thi đoạt giải, gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì và một giải khuyến khích. Với hai học sinh đoạt giải nhất là Trần Thanh Quang và Phùng Thị Bích Phương, điều tâm đắc của các em là lịch sử không phải môn học khô khan, học vẹt mà là một môn khoa học, đã trang bị cho học sinh những tri thức về lịch sử dân tộc và thế giới, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, rèn luyện năng lực tư duy và hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.

   Đối với Trần Thanh Quang, môn Lịch sử đã được em yêu thích ngay từ thuở ấu thơ qua lời ru và những câu chuyện của bà, của mẹ về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, về chiến công của Thánh Gióng đánh giặc Ân… đã nuôi dưỡng trong em niềm tự hào lớn lao về đất nước, cội nguồn dân tộc và quê hương. Càng học lên cao, được tiếp cận với nhiều vấn đề lịch sử, em càng hiểu rằng, chính niềm tự hào ấy là điểm tựa, là đôi cánh nâng đỡ lớp lớp các thế hệ người Việt vượt qua vô vàn khó khăn và thử thách, để giành những chiến thắng vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong lễ tuyên dương những HSG quốc gia môn Lịch sử tổ chức tại Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trần Thanh Quang đã phát biểu: “Học lịch sử không chỉ đơn thuần là hiểu về quá khứ, mà còn kết nối quá khứ với hiện tại và là nhịp cầu bắc tới tương lai. Học lịch sử còn góp phần quan trọng để hình thành đạo đức, nhân cách làm người. Thế hệ học sinh chúng em hôm nay, khi hướng theo sự phát triển chung của nhân loại và dân tộc, không thể không mang theo mình những giá trị của quá khứ, truyền thống dân tộc, tinh hoa nhân loại mà các thế hệ trước đã tạo lập và truyền lại. Đó là hành trang quý giá của mỗi người dân đất Việt khi bước vào thế kỷ XXI…”. Từ khi còn là cậu học sinh Trường THCS Hải An (Hải Hậu), Quang đã đạt được thành tích khá cao ở môn học này, đến khi thi đỗ vào lớp chuyên Sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, em mới thật sự được đi sâu vào môn học này. Với những kiến thức được thầy cô truyền đạt, em hiểu rằng, lịch sử không chỉ là môn học thuộc mà cần có một tư duy mang tính khoa học. Không chỉ học ở sách giáo khoa, Quang cũng rất thích xem những bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh để bổ sung thêm kiến thức về lịch sử, cũng như thích nghe ca khúc cách mạng để thêm yêu lịch sử nước nhà. Bí quyết của Quang là học từ từ, chậm mà chắc, không ép bản thân học quá nhiều, mà phải tạo cho bản thân niềm hứng thú tìm hiểu. Mỗi ngày em chỉ dành hơn một tiếng để học sử bởi học không phải gấp rút mà là cả một quá trình bổ sung kiến thức. Theo Quang, hiện nay, nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử không phải do không đam mê, không muốn tìm hiểu mà bởi các bạn ngại, sợ học thuộc một khối lượng kiến thức lịch sử "khổng lồ" với vô số các số liệu khó nhớ chính xác trong sách giáo khoa hiện nay. Hơn nữa, cách dạy truyền thống "đọc - chép" không tạo hứng thú như việc học các môn khác. Quang cho biết, em đã nộp đơn vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để sau này được đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức và niềm yêu thích môn Lịch sử tới học sinh, như các thầy cô ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đem đến cho em.

Cô giáo Lê Thị Vân Anh hướng dẫn hai em Quang và Phương ôn tập.
Cô giáo Lê Thị Vân Anh hướng dẫn hai em Quang và Phương ôn tập.

Cũng đoạt giải nhất môn Lịch sử trong kỳ thi HSG quốc gia vừa qua, Phùng Thị Bích Phương có "con đường" riêng để đến với môn Lịch sử. Phương kể, ngày còn học ở Trường THCS Mỹ Xá (TP Nam Định), em học khá đều các môn và được thầy cô đưa vào đội tuyển Lịch sử lớp 9 để dự thi HSG cấp thành phố, dù chưa thực sự thích môn này. Lần đó tuy không đoạt giải nhưng được thầy cô phân tích, định hướng nên em đã nộp đơn thi vào lớp chuyên Sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Và khả năng học thuộc lòng cùng với kết quả tốt ở hai môn Văn, Toán đã giúp Phương đỗ vào trường với số điểm khá cao. Vào học cùng đa số các bạn đã học các lớp chuyên ở trường THCS nên Phương cảm thấy chênh lệch, kiến thức "nông" hơn các bạn rất nhiều. Được thầy cô động viên, hướng dẫn, cùng với phương pháp dạy tạo hứng thú nên càng ngày Phương càng yêu thích môn Lịch sử. Phương cho biết: “Em luôn vận dụng xâu chuỗi, kết nối kiến thức của nhiều bài. Sử không phải học thuộc lòng theo kiểu "học vẹt" mà cần phân tích, vận dụng tư duy. Chẳng hạn giai đoạn lịch sử thời kỳ 1930-1945 có quá nhiều sự kiện khó nhớ, em lập bảng hệ thống để nhớ sự kiện, luyện nhiều bài tập và phân tích theo cách của mình. Em thường nghiên cứu tài liệu trước tiết học, trình bày bài và trả lời câu hỏi của thầy cô, các bạn, nên em đã nhớ kiến thức ngay ở trên lớp”. Theo Phương, khi có phương pháp hiệu quả thì sẽ đam mê lúc nào không biết. Qua tìm hiểu em được biết, ở nhiều quốc gia hiện nay, sách giáo khoa lịch sử không nhiều kiến thức thông tin khô khan như ở nước ta, học sinh tự tìm hiểu, suy nghĩ và họ tổ chức các chuyến đi dã ngoại đến các địa danh lịch sử. Nếu học sinh ở nước ta được học theo cách đó chắc chắn sẽ không “ngại” môn Lịch sử. Theo Phương, việc hiện nay học sinh không thích học môn Sử có nhiều lý do từ cả phía người dạy và người học. Môn học này trong trường phổ thông còn khô khan, nặng về "lý thuyết". Một số thầy cô không có phương pháp dạy hấp dẫn và học trò không thấy hứng thú trước những con số, sự kiện dài dằng dặc, khó nhớ. Các bạn đã không thích sẽ càng không học, không hiểu giá trị giáo dục của bộ môn này nên càng không coi trọng, thiếu sự định hướng của người lớn, cộng với thực tế sinh viên học các ngành khoa học xã hội khó xin được việc làm, khó làm giàu nhanh như các ngành kinh tế, kỹ thuật khiến môn Lịch sử đang dần mất "vị thế" trong nhà trường.

Khi nói về thành tích của mình, các em Quang và Phương đều khẳng định, ngoài quyết tâm vươn lên của bản thân trong học tập, có công lao rất lớn của các thầy cô giáo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đặc biệt là cô giáo Lê Thị Vân Anh, lãnh đội đội tuyển HSG môn Lịch sử. Làm chủ nhiệm lớp của các em từ năm học lớp 11 nên cô Vân Anh đã sớm phát hiện, bồi dưỡng và truyền niềm đam mê môn học này đến với các em. Với phương pháp giảng dạy khoa học, cô Vân Anh đã đưa môn học khô khan này thành môn học lý thú rèn luyện tư duy bằng cách tự khôi phục sự kiện, tạo biểu tượng lịch sử bằng tư liệu, hình ảnh khác nhau, từ đó hình thành khái niệm và rút ra bài học lịch sử. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, qua quá trình giảng dạy, cô đã dẫn dắt các em trong quá trình nhận thức môn học, giúp các em bộc lộ năng lực tư duy, sáng tạo để lĩnh hội kiến thức, biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của bản thân. Cùng với sự nhiệt huyết trong giảng dạy, cô Vân Anh còn rất quan tâm đến học sinh cả về vật chất và tinh thần, nhất là với những học sinh nông thôn xa nhà, chia sẻ tâm tư, tình cảm với các em, để không chỉ Quang và Phương mà tất cả các bạn trong đội tuyển HSG môn Lịch sử đều yên tâm học tập, đem khát vọng và ý chí của cô và trò dệt nên bảng thành tích vàng đẹp nhất trong toàn quốc ở môn Lịch sử./.

Bài và ảnh: Hồng Minh